Nguyễn Huy Cường - Bàn về các sư con và hộ pháp xung quanh Minh Tuệ
mardi 4 février 2025
Thuymy
Quyết tâm, kiên tâm theo đạo hạnh thì đã rõ, miễn bàn thêm.
Mục đích là chứng minh người ta có thể tồn tại, sáng suốt và hạnh phúc khi sống cần kiệm ở mức tối thiểu. Đây hẳn là một xu hướng đi ngược lại hoặc không song hành với những giá trị phổ quát của đời sống thế tục, mà nó nhằm kiến tạo những giá trị cao cả hơn. Cái này những vị cao lão, cao cơ trong nhận thức về chuyện này đã chỉ ra, tôi miễn bàn thêm.
Có một câu chuyện của bác sĩ Alain Bombard của Pháp hơi hơi giống chuyện này. Vị bác sĩ này làm việc ở một bệnh viện tại thành phố cửa biển. Ông nhận thấy nhiều nạn nhân đắm tàu, gió bão bị chết phần lớn do sợ hãi nên quyết tâm làm một “Hạnh đầu đà” trên biển, bằng cách đóng một chiếc bè đơn giản rồi nhờ người kéo ra Đại Tây Dương, bỏ đó cho gió bão, tự nhiên. Ý ông là nếu người ta không quá sợ hãi, hoảng loạn thì chưa chắc đã chết.
Chỉ một tháng sau chút luơng thực dự phòng cho những lúc hiểm nghèo cũng hết. Những phương tiện cứu sinh cũng tan nát hết. Ông chỉ còn giữ đến cùng cái radio và vài mảnh gỗ tạp vỡ ra từ cái bè tạm bợ.
Sáu tháng sau ông đến cách bờ biển nước Mỹ chừng 100 km sau cả chục ngàn hải lý hiểm nguy và khốn khổ. Khi ấy nhiều lần ông gặp các tàu buôn muốn tiếp sức, chở ông vào bờ nhưng ông từ chối và cuối cùng, ông đã đến Mỹ trong niềm hoan hỉ của hàng ngàn người đón chào.
Minh Tuệ và bác sĩ Alain Bombard có vài nét giống nhau. Bác sĩ Alan cũng không có Hộ pháp nào giữa muôn trùng bão tố.
Minh Tuệ hướng đến (hoặc đã đạt) phẩm chất cao cả của đạo Phật qua 6 năm hành hương ở Việt Nam, trước ngày khởi phát cuộc đeo bám ghê gớm, lộn xộn của các YouTuber (vì tiền) bám nhung nhúc xung quanh. Ông đắc đạo trước khi xuất hiện của các vị “hộ pháp” hoặc hộ tống, hộ tiền, hộ danh hộ lợi cho chính họ (chuyện này tôi nói sau ở một bài khác).
Cho nên, hãy tưởng tượng một ngày nào, trên bước hành giả vào giữa cuộc đời bao la những hiểm nguy một mình rồi ông mất hút bởi một trong nhiều cách hóa thân. Dư luận có thể thắc mắc, đưa ra nhiều luận bàn, phỏng đoán (có thể có cả dư luận không xác đáng, ác ý) nhưng rồi chắc vài tháng sau sự kiển Minh Tuệ sẽ qua. Những giá trị cao cả của ông thì ở lại. Cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Những người thấu hiểu cuộc đời, yêu mến ông sẽ lưu lại những thông điệp lớn mà Ngài gửi lại. Vậy là cuộc tu tập đã viên mãn, ý nghĩa cao đẹp đã được lịch sữ ghi nhận.
Xong.
Những dòng viết sau đây tôi hướng đến mấy vị “sư con” và mấy ông “hộ pháp”.
Theo tất cả những bằng chứng xác đáng thì có ba điểm được khẳng định.
Một là Minh Tuệ không cần ai đồng hành.
Hai là ông chấp nhận rất nhẹ nhàng mọi hiểm nguy có thể bách hại thầy. Nếu vậy ý nghĩa hành đạo đã thành công. Không ân hận hay run sợ.
Ba là : Mỗi tháng ở riêng Việt Nam thôi có trên 10 ngàn người chết vì tai nạn giao thông và ung thư. Những người này có nhà cao cửa rộng, có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, có sự “hộ pháp” chu đáo của người thân, có sự bảo trợ của pháp luật, y tế, có người có cả vệ sĩ riêng, họ có tiền nhưng vẫn ra đi. Cho nên ở đẳng cấp của ông việc hóa thân không phải chuyện gì ghê gớm lắm. Cho nên không cần hộ pháp!
Nhiều người suy nghĩ “Nếu không có ông Báu thì nhiều hiểm nguy sẽ chờ chực ông".
Ta hãy tưởng tượng trên đường qua núi, một việc bất bằng là một trận lở đất lớn, xô cả ông lãn các vị “hộ pháp” xuống một thung lũng sâu 500 mét rồi nằm luôn ở đó trong sự bất lực của con người. Nên nhớ chỉ có việc kéo một em bé lọt cống xuống độ sau được xác định tầm hai chục mét ở Đồng Tháp năm xưa, các lực lượng với nhiều phương tiện mà phải mất hai ba tháng mới kéo được lên thì biết. Nếu ông hóa dưới nửa triệu mét khối đất thì coi như đã mãn phần, đã hòa mình vào đất như bất cứ ai khác.
Có gì phải âu lo. Sáu năm qua ông hành hương đơn độc cũng không phải suôn sẻ cả, mà cũng đã trải qua đủ hình thái sức khỏe, thời tiết khắc nghiệt, sự hành xử tệ hại của tha nhân… Không sao!
Bây giờ tôi nói đến các “sư con”.
Khi tôi làm bản thảo cuốn sách “Sống để kiện” tôi đã ghi nhận được hơn hai chục gia đình mà ở đó anh em ruột vì bất đồng, vì cạnnh tranh quyền lợi thừa kế đã lìa nhau, đã miệt thị nhau, đố kỵ nhau và chém nhau.
Vậy nên, từ việc Minh Tuệ kham nhẫn, âm thầm, đơn độc tu hành sáu năm qua rất ổn thỏa, đến việc gần chục “sư con” có mặt trong những hành trình hiện nay là cả một vấn đề. Nó là mầm mống phát sinh ra những thứ phức tạp.
Nếu quan niệm đây là một chuyến du lịch bộ hành, một chuyến phượt mông lung thì việc đi có đoàn có lũ coi cũng đẹp mắt và cộng đồng yêu mến sư Minh Tuệ rất an tâm và biết ơn những người đồng hành. Nhưng nểu có “sư con” ác tâm, muốn bám sát thầy để phá đám, để tha hóa, để tạo cớ cho sự mất đoàn kết, để làm điều xấu gây anh hưởng đến uy danh ông là việc dễ xảy ra.
Tôi mới xem một video mấy ông hộ pháp đã phải túm áo một “sư con” đẩy về Việt Nam và cấm cửa quay lại.
Đó là việc lớn.
Còn trong hành hương, tôi rất bận tâm với những sư con khỏe như vâm, rảo bước rất khí thế, miệng cười tươi, thái độ xa lạ với người tu hành trước những người đảnh lễ…
Thật buồn.
Khi mà ý nghĩa của Hạnh Đầu Đà rất rõ, rất đơn giản, rất dễ chấp hành nếu ai đó phát tâm và hoa trái của Hạnh Đầu Đà có ở bốn phương trời, mười phương đất sao các vị kia (và rất nhiều người ngày đêm muốn theo chân) không chọn lấy một hướng khác để tự tìm về chân lý ?
Nếu cách đây một năm, khi sự kiện hành trình của ông bất ngờ rẽ từ Huế lên Tây nguyên, bị trì trệ ngoài ý muốn thì trên toàn quốc xuất hiện ba chục ông noi gương thầy, đi về nhiều phương khác thì đất nước ta đã chính thức phát lộ từ sau những sự kiện hồi hậu 1954 các tôn giáo bỗng dưng bị mờ nhạt đi đến mức gần như vô tăm tích.
Vậy nên, trong một số bài tôi công khai bày tỏ rằng tôi không khinh, không trọng những cuộc đeo bám Minh Tuệ, kể cả đám “Cả nhà ơi” lẫn đám hành giả, hàng giả kia. Ồn ã quá!
Tôi mong sư Minh Tuệ được hưởng sự thanh thản thật sự, được hưởng không gian cao khiết để hướng về giá trị mà ông chí tôn, chí hướng. Và mong cộng đồng mạng không bị chia sẻ bởi một sự việc bản chất của nó là tốt đẹp nhưng đang bị khoắng cho bụi mù lên.
NGUYỄN HUY CƯỜNG 04.02.2025
Mùng 6 tết Ất Tỵ
No comments:
Post a Comment