Sunday, February 23, 2025

Trương Nhân Tuấn - Kinh tế Việt Nam sẽ bị lệ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc
samedi 22 février 2025
Thuymy



Đường sắt Côn Minh - Hải Phòng Việt Nam phải trả 8,3 tỉ $. Phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, tại sao Việt Nam phải thanh toán hóa đơn ?

Ý kiến ghi trên tôi đã đặt ra hôm 14 tháng Hai. Theo tôi, ý kiến này đặt ra để lãnh đạo Việt Nam trả lời. Ngay khi nó đã quá trễ.

Dự án đường sắt từ Lào Cai nối Hải Phòng trị giá 8,3 tỉ đô la đã được Quốc hội thông qua. Tuyến đường sắt này thực ra là một phần của tuyến đường sắt nối Côn Minh, thủ phủ Vân Nam, ra biển là cảng Hải Phòng trong Vịnh Bắc Việt.

Cùng với dự án đường sắt Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng (chưa được Quốc hội thông qua), các dự án này nằm trong dự án “hợp tác hai hành lang một vành đai” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên ký biên bản ghi nhớ năm 2004.

Hai hành lang kinh tế, thứ nhứt là hành lang bao gồm tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc với các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng của Việt Nam. Hành lang kinh tế thứ hai, bao gồm tỉnh Quảng Tây bên Trung Quốc và các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng thuộc Việt Nam. Một vành đai là các tỉnh nằm trong "vòng cung" Vịnh Bắc Việt. Phía Trung Quốc bao gồm hai tỉnh Quảng Đông và Hải Nam. Phía Việt Nam là các tỉnh ven bờ biển trong vịnh Bắc Việt.

Năm ngoái, tháng Tư năm 2024, hợp tác hai hành lang một vành đai đã mở rộng bao gồm thêm thành phố Trùng Khánh (tỉnh Tứ Xuyên).

Vấn đề đặt ra là hiệu quả kinh tế của đường sắt trị giá 8,2 tỉ đô la đối với VN ra sao ? 

Theo tôi, Việt Nam nên lấy kinh nghiệm từ thời Pháp thuộc.

Sau khi đã ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc (1885) đồng thời với việc phân định biên giới giữa các tỉnh Hoa Nam và Bắc kỳ (1887-1897), toàn thể Bắc Việt Nam đã được bình định. Ông Paul Doumer nhậm chức Toàn quyền Đông dương 1897-1902. Với thời gian ngắn ngủi ông này đã làm thay đổi diện mục toàn bộ Việt Nam, đặc biệt miền Bắc, với nhiều công trình kinh tế và hạ tầng cơ sở được xây dựng.

Đặc biệt, để phát triển kinh tế, Paul Doumer đã cho mở tuyến đường sắt nối Côn Minh, tức Vân Nam phủ, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, qua Lào Cai, Hà Nội tới Hải Phòng. Ta có cầu Long Biên ở Hà nội là di tích của tuyến đường sắt này.

Đây là một tuyến đường sắt cực kỳ khó xây dựng, vì phải đào hầm xuyên qua núi cao hiểm trở và phải bắt cầu qua các thung lũng sâu. Có những cây cầu sắt bắt qua những thung lũng sâu rất hùng vĩ ở Vân Nam, cùng thời kỳ với cầu Long Biên, đã được nhà cầm quyền Trung Quốc tu bổ và xem chúng như một di tích lịch sử hay địa điểm du lịch.

Mục đích xây dựng tuyến đường sắt của toàn quyền Paul Doumer là đơn thuần về kinh tế. Ông này nghĩ ràng hàng hóa từ Trung Quốc đổ qua Việt Nam sẽ giúp Bắc kỳ phồn thịnh, và đặc biệt giúp Hải Phòng vượt qua Hồng Kông.

Kết quả bẽ bàng, tuyến đường sắt đắt đỏ này là một sự thất bại vô cùng lớn. Vì hàng hóa của Trung Quốc từ Vân Nam xuyên qua Việt Nam rồi tuồn qua Hồng Kông. Tức là đường sắt chỉ giúp Hồng Kông thêm phồn thịnh về kinh tế. Hải Phòng lý ra có thể cạnh tranh với Hồng Kông, lại trở thành một cảng trung chuyển hạng hai.

Điều quan trọng khác là ta nên biết các tỉnh của Trung Quốc có bề thế diện tích lẫn dân số không thua Việt Nam. Thành phố Trùng Khánh dân số 28 triệu nhưng GDP lên tới 380 tỉ đô la. Tỉnh Quảng Đông có dân số tương đương Việt Nam khoảng 110 triệu dân, nhưng có GDP lên tới khoảng 1 ngàn 500 tỉ đô la, gấp ba lần Việt Nam.

Với kinh nghiệm từ thời Pháp thuộc và với bề thế của các tỉnh Trung Quốc so với Việt Nam, theo tôi Việt Nam làm dự án đường sắt 8,2 tỉ đô la nối Lào Cai-Hải Phòng chắc chắn sẽ giúp cho Trung Quốc phát triển hướng nội. Còn Việt Nam thì có nhiều điều cần bàn. 

Ta thấy Miền Bắc Việt Nam hiện thời đã "gắn liền" với Trung Quốc qua hợp tác "hai hành lang, một vành đai". Việt Nam cũng là thành viên của sáng kiến "Vành đai, con đường" của Bắc Kinh. Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận cùng với Trung Quốc thành lập "cộng đồng chia sẻ tương lai". Vừa qua Việt Nam ký thỏa thuận gắn liền Việt-Trung trên ba vấn đề: ngoại giao, quốc phòng và an ninh nội địa - điều chưa từng thấy ở hai quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Kết luận của tôi là các việc này có thể giúp các tỉnh đồng bằng và ven biển miền bắc tăng trưởng với tốc độ hai số, như mong muốn của lãnh đạo Việt Nam. Nhưng cái giá phải trả sẽ rất đắt. Kinh tế Việt Nam sẽ bị lệ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc.

TRƯƠNG NHÂN TUẦN 21.02.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)

No comments:

Post a Comment