Wednesday, February 19, 2025

Zelenskyy giữa Nga, Mỹ và Âu châu
Ngô Nhân Dụng
19/02/2025
VOA

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Marco Rubio (phải) và người đồng cấp Nga, Sergei Lavrov, trong cuộc gặp tại Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18 tháng Hai, 2025.


Xem bình luận

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đang lo Mỹ và Nga sẽ bàn về số phận Ukraine mà không cần hỏi ý kiến của ông cũng như của các nước đồng minh Âu châu. Họ biết rằng nếu Vladimir Putin được Mỹ chấp nhận cho chiếm một phần lãnh thổ Ukraine, ông ta sẽ nhòm ngó các nước Đông Âu khác, trước kia là một thành phần của Liên bang Xô Viết hoặc theo lệnh Điện Kremlin.

Từ tuần trước, Tướng Keith Kellogg, đặc sứ của Tổng thống Donald Trump lo vấn đề Ukraine đã nói tại Hội nghị An ninh tại Munich rằng Mỹ và Nga sẽ bàn vấn đề Ukraine mà không cần các nước Âu châu có mặt. Theo AP, ông nói: “Sẽ có Ukraine, Nga, và chắc chắn có Mỹ ngồi quanh bàn thào luận.” Nhưng “nói một cách thực tế,” sẽ không có mặt các nước Âu châu. Trong hội nghị 31 nước NATO tại Brusselles, Tướng Kellogg chỉ trấn an các đồng minh rằng Mỹ vẫn quan tâm đến các vấn đề họ đang lo ngại.

Ngày Thứ Ba 18 tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio mới gặp ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Riyadh, thủ đô Saudi Arabia trong hơn 4 tiếng đồng hồ, bàn chuyện chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Theo tin NBC, ông Lavrov nói ông vui mừng thấy chính phủ Mỹ đã hiểu rõ lập trường của Nga hơn. Chính phủ Ukraine không có mặt tại Riyadh, các nước Âu châu khác cũng vậy. Trong khi hai ngoại trưởng Nga và Mỹ gặp nhau, ông Zelenskyy đang ở United Arab Emirates, một nước bên cạnh Saudi; mà báo chí đưa tin là ông hy vọng có thể qua Riyadh, nhưng không được mời. Ngay sau khi hai ngoại trưởng Nga, Mỹ chia tay, bà Maria Zakharova, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga lại nêu thêm một điều kiện mới nếu muốn ngưng chiến: Nga không những muốn NATO từ chối không cho Ukraine gia nhập, mà còn phải chính thức rút lại một lời hứa hẹn từ năm 2008, nói rằng trong tương lai có thể sẽ thâu nhận Ukraine!

Đòi hỏi này rất khó thỏa mãn, nhất là khi chính phủ Ukraine không được hỏi ý kiến. Ông Zelenskyy cũng nói với đài NBC rằng Ukraine không bao giờ chấp nhận những quyết định riêng giữa Mỹ và Nga: “Không một lãnh tụ nào trên thế giới có thể thỏa hiệp với Putin nếu chúng tôi không đồng ý.” Zelenskyy cho biết Tổng thống Trump đã cam kết rằng ông sẽ được mời tham dự khi Mỹ và Nga bàn chuyện Ukraine.

Khi điện thoại với Tổng thống Trump, ông Volodymyr Zelenskyy đã nhấn mạnh rằng các nước Âu châu phải có mặt khi bàn đến vấn đề chấm dứt cuộc chiến. “Ukraine không bao giờ chấp nhận một vụ thương thuyết đằng sau lưng mình và các nước Âu châu,” theo AP.

Nhiều quan điểm khác biệt giữa Mỹ và Âu châu đã bắt đầu từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump. Ông đã tỏ ý Mỹ có thể rút ra khỏi khối NATO, và yêu cầu các nước Âu châu trong khối phải chi tiêu ít nhất 2% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) cho ngân sách quốc phòng, như họ vẫn cam kết. Bây giờ, không cần ai nhắc, các nước Âu châu cần lo tự vệ, chính họ đã tăng ngân sách quốc phòng, sau khi Nga tấn công Ukraine. Ba Lan đã nâng chỉ tiêu lên 3% rồi 4% GDP và dự định cao hơn nữa trong năm 2025; Thủ tướng Donald Tusk đang kêu gọi các nước khác trong khối NATO cũng tăng lên cùng mức đó.

Giới lãnh đạo Mỹ vẫn nuôi mối hiềm nghi đối với Âu châu. Đương kim Phó Tổng thống JD Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã chỉ trích các nước Âu châu không tự lo bảo vệ an ninh cho chính họ.

Ông JD Vance đã từng gây shocked trong giới chính trị và truyền thông ở Đức khi gặp lãnh đạo Đảng AfD, một đảng cực hữu bên Đức, khi cuộc bầu cử ở quốc gia này đang đến gần. Thủ tướng Đức Olaf Scholz Scholz, đảng Dân Chủ Xã hội, nói thẳng: “Chúng tôi không chấp nhận người nước ngoài can thiệp vào chế độ dân chủ và các cuộc bầu cử (ở Đức) … Không thể chấp nhận được! Nhất là giữa các nước thân hữu và đồng minh.” Ông Scholz nhắc đến quyết tâm của dân Đức “không bao giờ” cho phép một đảng chính trị cực hữu, giống như đảng Quốc Xã của Hitler, được trở lại cầm quyền.

Ông Scholz cũng đồng ý người ngoài không thể bắt Ukraine chấp nhận một thỏa hiệp ngưng chiến với Nga. Thủ tướng Anh, Keir Starmer, cũng xác định: “Ai cũng muốn có hòa bình, nhưng không có nghĩa là dân Ukraine phải chịu bất cứ một thỏa ước nào do người ngoài sắp đặt.” Nhưng trong một bài viết trên báo Daily Telegraph, ông Starmer vẫn nói rõ, “Phải có nước Mỹ đứng bảo đảm cho một nền an ninh lâu dài; bởi vì chỉ có Mỹ mới cản được không cho ông Putin tấn công nữa.”

Thủ tướng Starmer còn hứa hẹn nước Anh đã “sẵn sàng” để đưa quân đội vào Ukraine để giúp bảo đảm an ninh như một phần của thoả thuận hoà bình. Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nói có thể gửi quân đội qua Ukraine. Ngày 17 tháng 2, lãnh tụ các nước Đức, Anh quốc, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hòa Lan và Denmark đã họp tại điện Elysée, dinh tổng thống Pháp, cùng ông Mark Rutte, tổng thư ký Khối NATO. Bà Mette Frederiksen, thủ tướng Denmark tỏ ý muốn một cuộc ngưng chiến “không tạo cơ hội cho Nga chuẩn bị vũ khí để mở một cuộc tấn công khác.”

Bộ trưởng ngoại giao Pháp, Jean-Noël Barrot, cho biết ba nước Pháp, Ba Lan và Anh đã bàn việc cùng gửi quân qua Ukraine làm nhiệm vụ giám sát đình chiến. Nhân ý kiến đó, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đề nghị nên thành lập một “Đạo quân Âu châu” để tự bảo vệ, vì không thể trông đợi quân Mỹ lúc nào cũng sẵn sàng tiếp viện! Nếu các nước Âu châu có thể theo đề nghị này thì họ đã thực hiện từ lâu rồi. Cuối cùng, số phận Ukraine sẽ do Mỹ và Nga đóng vai chính quyết định!



16x9 Image

Ngô Nhân Dụng

Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment