Nếu Trump nghĩ rằng có thể kéo Nga về phía Mỹ và tách rời khỏi Trung Quốc, nhiều khả năng Trump đã lầm
Song Chi
19-2-2025
Tiengdan
Những năm 70 của thế kỷ XX, Tổng thống Nixon của Hoa Kỳ đã thành công trong việc kéo Trung Quốc tách khỏi Liên Xô để đổi lấy việc được mở cửa, làm ăn buôn bán hội nhập với phương Tây, dẫn đến Liên Xô thì sụp đổ, còn Trung Quốc thì trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới, và các mặt khác thì cũng nằm trong top 5, top 10 như hiện nay. Còn các nước nhỏ phải trả giá nặng nề cho cú bắt tay lịch sử này là VNCH, nhẹ hơn, là Đài Loan.
Nhưng bây giờ, nếu chính phủ của Tổng thống Trump nghĩ rằng, nếu “cứu” Putin, cứu nước Nga bằng một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn có lợi cho Nga, kể cả sau đó dỡ bỏ dần một số biện pháp cấm vận về ngân hàng, năng lượng… khiến cho nền kinh tế đang vô cùng khó khăn của Nga sẽ hồi phục trở lại, với hy vọng lôi kéo Nga về phía mình chống lại Trung Quốc hoặc chí ít Nga cũng đứng ở giữa, là sai lầm.
Hơn ai hết, Putin hiểu sự chia rẽ trong xã hội và nền chính trị Mỹ khiến cho Tổng thống sau lên lại thay đổi 180 độ chính sách ngoại giao của Tổng thống tiền nhiệm (trước khi Trump xuất hiện, điều này không hoàn toàn như vậy, chính sách ngoại giao của Mỹ thường là nhất quán, bất chấp Tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa). Và Trump chỉ ngồi ở ghế Tổng thống Mỹ 4 năm nữa; trong khi nền chính trị của Trung Quốc thì “ổn định”, nhất quán hơn nhiều và nếu Tập không chết bất đắc kỳ tử, Tập sẽ còn là Chủ tịch Trung Quốc nhiều năm tới.
Putin chẳng dại gì đánh đổi mối quan hệ với Trung Quốc để đứng về phía Mỹ. Vả lại, thật tình mà nói, sau tất cả cách ứng xử của Trump với Canada, Mexico, châu Âu và Ukraine thì còn nước nào muốn làm bạn bè, đồng minh thực sự với Mỹ nữa?
Cũng giống như với Kim Jong Un trước đây, trong khi các đời Tổng thống Mỹ trước đó chẳng ai thèm đối thoại ngang hàng với Bắc Hàn, thì Trump đã nâng Kim Jong Un lên ngang hàng, ra sức ve vãn, với hy vọng Kim Jong Un sẽ rời xa vòng tay Bắc Kinh và từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng Kim Jong Un đâu có dại. Cuộc trình diễn phô trương ầm ỹ cuối cùng hoàn toàn thất bại.
Trước mắt, Putin chỉ nhân món quà “thỏa thuận kết thúc chiến tranh” (tạm thời) mà Trump cho để hồi phục lại nền kinh tế, xây dựng lại lực lượng, chuẩn bị phương án lâu dài là tiếp tục cuộc chiến với Ukraine, với các nước khác ở châu Âu mà thôi. Có điều, tôi cho rằng, để trả ơn Trump, Putin có thể sẽ không tiến hành chiến tranh ngay trong 4 năm của Trump, một phần vì cần thời gian để hồi phục mọi thứ, còn sau đó nếu chiến tranh lại bùng nổ thì Trump vẫn có thể tự hào rằng chiến tranh đã không xảy ra trong nhiệm kỳ của Trump, và Trump vẫn là người duy nhất có sức mạnh để làm được điều đó!
Tóm lại, Putin có thể không tiến hành tấn công trở lại Ukraine hay một quốc gia nào khác ở châu Âu trong ngắn hạn, nhưng Tập thì hoàn toàn nhìn thấy cơ hội để đánh chiếm Đài Loan trong 4 năm của Trump, vì đã chứng kiến kết quả đối với Nga-Putin như thế nào sau khi xâm lược Ukraine dưới thời Trump.
Còn nếu chính phủ Trump cho rằng khôi phục quan hệ bình thường với Nga, để rảnh tay “đánh” Trung Quốc (“đánh” ở đây nhiều phần là về kinh tế, chứ thời đại ngày nay chẳng có mấy lãnh đạo nào muốn có chiến tranh quân sự xảy ra, trừ cái đầu óc ngông cuồng như Putin cứ đem quân đi đánh nơi này, nơi kia), họ chắc cũng thừa hiểu Trung Quốc mạnh hơn Nga về nhiều mặt.
Hơn ba năm, qua cả Hoa Kỳ và các nước phương Tây cùng nhau cấm vận đủ kiểu mà Nga vẫn chưa chết, thì với Trung Quốc sẽ còn khó khăn gấp bội để có thể ảnh hưởng nặng nề đến Trung Quốc mà đồng thời không bị thiệt hại ngược lại cho các quốc gia đi cấm vận. Mặt khác, các đồng minh của Mỹ sau khi bị những cú tát choáng váng của Trump, liệu có muốn tham gia cùng với Mỹ “đánh” Trung Quốc để chịu thiệt hại về kinh tế?
Về phần các nước châu Âu và Ukraine, điều quan trọng mà ai cũng thấy là phải gấp rút xây dựng lại lực lượng quốc phòng, tăng cường việc chế tạo vũ khí, để trở thành một lực lượng độc lập, mạnh mẽ, đối đầu với Nga mà không cần đến Mỹ. Giai đoạn của mối quan hệ đồng minh tin cậy gắn bó xuyên đại dương giữa châu Âu và Mỹ đã qua, cho dù Tổng thống nào sau Trump lên có thay đổi chính sách và tìm cách hàn gắn, thì, như người ta thường nói, “bát nước đổ đi khó lòng hốt lại”.
No comments:
Post a Comment