Wednesday, February 19, 2025

Thời sự hơi nóng (Kỳ 2)
Nguyễn Thông
19-2-2025
Tiếp theo kỳ 1
Tiengdan

– Cuộc chiến tranh ở Ukraine đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Từ tổng thống Mỹ Trump tới ông hàng nước vỉa hè Hà Nội, cứ rảnh mồm là bàn chuyện U – Nga. Chia phe đàng hoàng, thiếu điều nện tẩn vào mặt nhau, như thói của đám côn đồ giờ đây ta thường thấy trên đường.

Hôm 17.2, các báo xứ này trịnh trọng đăng tuyên bố của ông Bùi Thanh Sơn – Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao. Ông nói rằng “Việt Nam sẵn sàng tham gia các nỗ lực làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Nga – Ukraine“.

Ông hàng xóm nhà tôi sau khi đọc những lời ông Sơn được đăng trên báo, buông câu ngắn chỉ có một chữ “sướng”. Tôi hỏi sao sướng, tự hào dân tộc hở, tự hào vị thế Việt Nam hở, kiểu như “mây đen bao phủ thế giới, nhưng mặt trời rực rỡ ở Việt Nam” hở…, ổng cười, đ*o phải, mà là tự sướng.

Lão cắt nghĩa, ông Sơn phát ngôn tức không phải ý cá nhân ông ấy, mà chắc có chủ trương, sự thống nhất, duyệt, cho phép từ cấp trên, tập thể lãnh đạo. Xứ này từ việc to như con voi tới nhỏ cái kim sợi chỉ đều do tập thể lãnh đạo, chỉ đạo, đúng thì tập thể nhận, sai cá nhân chịu. Xưa nay đều thế cả. Đó là thứ lý luận có từ thời mồ ma ông Lê Duẩn – “quyền làm chủ tập thể”. Thời ấy tương truyền, người ta rỉ tai nhau chuyện ông Duẩn từng tự hào thế giới cổ kim có 7 kỳ quan thì nay Việt Nam đóng góp thêm kỳ quan thứ 8: quyền làm chủ tập thể. May nó chỉ có ở xứ ta, chứ xuất khẩu ra nước ngoài thì bỏ mẹ nền văn minh nhân loại.

Lão hàng xóm chỉ cho tôi hiểu ông Sơn sai cái gì. Trước hết, sai việc dùng từ không chính xác. Làm ngoại giao, một câu một ý một từ cũng phải thật chuẩn, chính xác, đúng với thực tế khách quan. Nhẽ ra ông Sơn phải nói thẳng vào thực chất vấn đề là “cuộc chiến ở Ukraine” hoặc “cuộc chiến tranh Nga – Ukraine”, chứ tại sao lại diễn đạt thành “xung đột”. Cả thế giới, hầu hết quốc gia văn minh dân chủ, và hầu hết những người có lương tri đều dùng từ “war” (tiếng Anh) với nghĩa chiến tranh, chứ không theo nghĩa xung đột, đối địch. Chỉ những nước nhập nhèm, ngả ngớn tre pheo mới dùng từ “xung đột”, nghĩa xung đột.

Trong tiếng Việt, “xung đột” nghĩa là hai bên có mâu thuẫn, tranh giành nhau, đánh nhau để giải quyết điều gì đó. Từ này dùng chỉ mọi trường hợp đối chọi, tuy nhiên nghĩa khá chung chung, nhỏ hẹp, ví dụ hai nhà hàng xóm giành nhau cái bờ tường ngăn chia đất, thả con gà con chó sang vườn nhà nhau làm tổn hại cây cối, cũng phát sinh xung đột. Xung đột về quyền lợi. Nhưng khi sự tranh giành ở tầm quốc gia, quốc tế, trả giá bằng sinh mạng con người, bằng sự tồn tại của một quốc gia, một dân tộc thì không thể dùng từ “xung đột” trung tính, nhòe mờ, mà phải gọi là chiến tranh.

Một cuộc chiến tranh do kẻ xâm lược (Nga) gây ra, tàn phá đất nước có chủ quyền (Ukraine) khiến cả triệu người chết, núi xương sông máu, hờn oán ngút trời, mà lại bảo xung đột, coi như tranh nhau cái hàng rào, vài thước đất được ư. Rất nhố nhăng. Nếu xung đột thì ai thèm mời ông tham gia hòa giải làm gì bởi đó chỉ là chuyện ngày thường ở huyện.

Bọn Nga gây chiến, thủ phạm gây nên cuộc chiến tranh tàn bạo, tất nhiên chúng phải né, phải làm nhẹ, gọi tránh đi, thành “chiến dịch quân sự đặc biệt”, “xung đột”. Còn ai nếu tự nhận là tử tế, thì cần chỉ đích chiến tranh, chứ đâu có cái kiểu ăn theo nó, mở miệng ra là xung đột, xung đột.

Cái dở tiếp theo trong lời ông Sơn và các đồng chí của ông là gì? Đó là không tự biết mình, cứ tự sướng, cho mình là nhất nên ảo tưởng. Về mọi mặt, cần tự biết mình đang ở vị trí nào trong dòng chảy của địa cầu, của nhân loại, ông ạ. Lâu nay thứ tâm lý AQ, tâm lý Chí Phèo “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta” đã ăn sâu vào não các ông bà lãnh đạo xứ này. Nó gây nên căn bệnh quen thói bốc giời, cứ nói văng mạng, không cần biết thực chất. Các cụ xưa dạy, chê cười “ốc chưa mang nổi mình ốc, lại cứ đòi mang cọc cho rêu”, “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Nhớ chửa. Cứ giỏi việc nhà đã, làm được điều hay tiếng tốt, rồi hẵng lo việc chú bác, ông ạ.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment