Chuyện khai thác tù binh Trung Quốc (Kỳ 3)
Nguyễn Nguyên Bình
18-2-2025
Tiengdan
19/02/2025
Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2
Giờ lại viết tiếp chuyện tù hàng binh năm xưa. Cũng phải nói, khi đó chúng tôi đang làm việc ở cơ quan, binh địch vận của quân đội. Vậy nên chúng tôi tiếp cận tù hàng binh Trung Quốc, khai thác tin tức chính là để phục vụ nhiệm vụ binh địch vận.
Để tuyên truyền vận động thức tỉnh binh lính đối phương, trước hết phải nói rõ cho họ biết tính phi nghĩa của phía Trung Quốc trong cuộc chiến đánh Việt Nam. [Chúng tôi] nói cho họ biết, cuộc chiến do Đặng Tiểu Bình trực tiếp phát động đó là “một mũi tên nhắm nhiều đích”. Đặng Tiểu Bình là một lãnh đạo của Trung Quốc nổi tiếng nhiều thủ đoạn mưu mô. [Chúng tôi] nói rõ rằng, ít nhất có bốn mục tiêu khi tiến hành trận đánh:
Một là, nhằm giải cứu đàn em của họ ở Campuchia đang tìm cách đánh phá Việt Nam.
Hai là, “đánh Việt Nam cho Mỹ xem”, để nói với Mỹ là Trung Quốc không còn đứng về phía Việt Nam chống Mỹ, Trung Quốc mong Mỹ tin cậy, cung cấp vốn và kỹ thuật để phát triển kinh tế, thực hiện bốn hiện đại hoá
Ba là, phát động chiến tranh bất kể thắng thua, để chứng minh sự cấp thiết phải hiện đại hoá quân đội Trung Quốc trong lúc này.
Bốn là, phải thực hiện kế “chọc ra ngoài để yên bên trong” (một thủ đoạn cổ truyền của thống trị Trung Quốc để giải quyết tình trạng rối ren căng thẳng đang hiện hữu khi đó).
Cũng không loại trừ mục tiêu xâm lược Việt Nam nếu chiến tranh tiến triển thuận lợi…
Các vị “cán bộ” tù nghe vậy có thể chưa thông nhưng đa phần im lặng, chỉ có vị Chính trị viên lầm bầm, làm gì có chuyện xâm lược? Anh ta nói: Rõ ràng chúng tôi nhận được lệnh đi yểm trợ rút lui khi đã “dạy Việt Nam bài học” kia mà? Hỏi lại anh ta: Nếu quân Trung Quốc không gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân dân Việt Nam thì sao? Anh ta tạm im.
Về anh chính trị viên này, cũng có điều đáng nói: Trông người nhỏ thó, nhưng còn trẻ khoẻ, chưa thể hiện sự chán nản buông xuôi như hai cán bộ trung đoàn già kia. Anh ta đã đặt bí danh cho mình khi ở đơn vị là “Hồng Trị”, nghĩa là chính trị viên đỏ đấy, có lẽ thể hiện lòng hăng hái tiến thủ ghê lắm (?).
Chả thế mà, trên cương vị bí thư chi uỷ đại đội, [anh ta] đưa ra Nghị quyết đầu hàng mà vẫn biện minh cho mình, rằng đó là tuân theo lời dạy của lãnh tụ Lê nin: Phải hành động cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể. Quyết định đầu hàng là để bảo toàn lực lượng, đặng trở về với tổ quốc (?!).
Nhưng, tiếc thay, cái vẻ răn rắn bề ngoài ấy lại chẳng mấy chốc sụp đổ ngay trước mắt chúng tôi: Sự là, một buổi sáng kia, có đoàn nhà báo xin gặp phỏng vấn anh ta sớm. Họ phỏng vấn chốc lát, xong rồi anh ta được trở về phòng giam của mình. Bỗng, anh ta khựng lại, đứng khóc ngon lành, nước mắt ràn rụa… chỉ vì phải ra phỏng vấn sớm mà suất cơm sáng của anh ta bị mấy chú kiến bò vào, nguy cơ không còn ăn được (!?)…
Một nhân vật trong “tứ trụ” nữa, đó là đại đội trưởng Lý Hoà Bình, người trông to cao phốp pháp hơn hẳn Phùng Tăng Mẫn (có dễ cao đến mét tám). Vẻ ngoài chất phác, kiểu người nông thôn xuất thân, vào lính đóng đội rồi mà vẫn nói đặc cái giọng địa phương Tứ Xuyên, không nói được tiếng phổ thông (giọng Tứ Xuyên khác xa với giọng Bắc Kinh, rất nặng khó nghe).
Cũng đã biết thân biết phận, anh ta cố sửa giọng nói, hy vọng để các cán bộ hỏi cung dễ nghe, dễ hiểu hơn. Vì kinh nghiệm qua mấy lần bị hỏi cung mà cán bộ nghe không hiểu là phiền lắm – anh ta biết vậy. Chúng tôi gặp, hỏi nhiều lần mới nghe quen và hiểu được (hay cũng vì trời cho cái tai phụ nữ nghe rõ hơn tai nam giới chăng?). Khá nhiều anh phiên dịch, nhất là mới ra trường, nghe anh ta chật vật lắm.
Lần đó, tôi lại lên trại làm tiếp công việc liên quan đến anh ta. Tôi đang đợi vệ binh dẫn anh ta tới, chưa thấy mặt đã nghe tiếng khóc to, giọng ồ ồ, nức nở như tiếng khóc của người oan ức chi lắm. Quay lại thì chính là đại đội trưởng Lý Hoà Bình đang khóc, chứ có phải ai đâu!
Đợi anh ta bớt nức nở, tôi mới hỏi chuyện gì? Anh ta sụt sịt, gạt nước mũi rồi trình bày: Hôm trước có đoàn cán bộ tới hỏi cung. Họ có một phiên dịch mới, rất trẻ. Họ hỏi tôi nhiều, có những việc đã khai báo mấy lần, lần nào tôi cũng không dám nói sai. Thế mà tự nhiên đang khi nói thì mấy cán bộ bỗng nổi giận, mắng mỏ tôi, bảo là tôi ngoan cố, không thật thà khai báo, không khớp với lần khai trước (?). Tôi sợ quá, nếu bị cho là ngoan cố, không thật thà khai báo thì chết mất, nhỡ bị trừng phạt hay sau này không được trả về nước thì sao?
Thật thương hại cho sự lo lắng thái quá của anh ta, mà cũng tức cười… giá lúc đó ai có máy ảnh chụp được tấm hình tên lính Tàu to đùng, khóc lóc như trẻ con trước mặt người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ là tôi nhỉ? (Lúc đó tôi mới vừa qua một thời gian nuôi con mọn, người gầy sút, cân cả bộ quân phục cũng chỉ có 37kg)…
Ở thời điểm năm 1979 đó, mặc dù đã trực tiếp tiếp xúc với các vị lính “thiên triều” ấy, tôi cũng không tin nổi cái khoảng cách quá lớn giữa hình tượng người lính Trung Quốc thường thấy trên pano, áp phích Trung Quốc, với cái sự thảm hại của họ trước mắt tôi. Sau này, có dịp đọc truyện của một số nhà văn Trung Quốc, nhất là cuốn “Ma chiến hữu” của Mạc Ngôn, thấy hình ảnh lính Trung Quốc còn thảm hại hơn những người tôi đã gặp.
Từ đó đến nay đã 46 năm, nghe nói quân đội Trung Quốc đã được hiện đại hoá ghê lắm, vũ khí khí tài của họ không kém gì quân đội các nước lớn trên thế giới. Nhưng ngẫm lại,vũ khí trang bị thì có thể đổi mới, nâng cấp nhanh chóng, còn con người lính, liệu tinh thần có thể nâng cấp được nhanh như lãnh đạo của họ mong muốn hay không?
Với nền kinh tế thị trường nửa đời nửa đoạn, chưa cắt cái đuôi lãnh đạo độc đảng độc quyền, gây bao nhiêu hệ luỵ xã hội thế kia, liệu các binh lính Trung Quốc có coi cái chết nhẹ như lông hồng mà sẵn sàng phục vụ cho tham vọng bành trướng bá quyền của lãnh đạo không? Hay là, một khi bị xua đi xâm lược Việt Nam thì họ vẫn nghe theo tiếng gọi “Thấu xéng chiu sâu khoan tai” mà nộp súng quy hàng?
Vấn đề còn lại là: Quân dân Việt Nam vẫn phải giữ vững tinh thần khí phách mạnh mẽ kiên cường, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc được như năm 1979!
No comments:
Post a Comment