VNTB – “Luật cho dân” và “luật cho quan”Dân Trần
20.02.2025 5:48
VNThoibao

Dân phạm lỗi nhỏ dù có trốn cũng không thoát! Đi sai làn? Phạt! Không bật xi nhan? Phạt! Chạy lên vỉa hè? Phạt! Lỗi nào cũng bị xử lý nghiêm khắc, không có chuyện “giơ cao đánh khẽ”. Nhiều mức phạt tăng gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp mười lần chỉ để nhà nước khẳng định “quyết tâm lập lại trật tự giao thông”. Nhưng tại sao cái “quyết tâm” ấy chỉ lăm le hướng vào cái túi tiền của dân?
Việc tăng mức phạt trong lĩnh vực giao thông thực chất không phải là giải pháp mới. Trong những năm qua, mỗi lần điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ, mức phạt cho các hành vi như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe… đều bị siết chặt và tăng cao. Nhưng tai nạn giao thông vẫn chưa có sự suy giảm rõ rệt, điều này cho thấy việc chỉ tập trung vào tăng nặng chế tài không hẳn là cách hiệu quả để giải quyết tận gốc vấn đề. Theo thống kê, sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (từ ngày 1 – 31/1), toàn quốc xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 917 người chết và 1.163 người bị thương. (1)
Cần phải nhìn nhận rằng vi phạm giao thông không chỉ xuất phát từ ý thức kém của người dân, mà còn từ hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, quy hoạch giao thông bất hợp lý, và thậm chí là hành vi tiêu cực của một số lực lượng thực thi pháp luật. Nếu chỉ tăng mức phạt mà không cải thiện các yếu tố nền tảng này, người dân có thể sẽ đối mặt với nhiều bất công hơn khi phải chịu áp lực tài chính lớn mà tình trạng giao thông vẫn không được cải thiện.
Nếu chỉ thuần tuý là xử phạt cao để người dân giảm vi phạm thì tại sao không áp dụng cách tương tự với tham nhũng? Có phải pháp luật chỉ nghiêm với dân, còn cán bộ thì luôn có một chiếc “ô” bảo vệ? Nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” có vẻ chỉ áp dụng với người dân bình thường. Bởi lẽ, khi dân phạm lỗi, pháp luật trở thành cây roi sắt, nhưng với cán bộ, pháp luật chỉ là chiếc khăn lụa mềm. Hệ thống pháp luật mà phân biệt như vậy thì ai còn tin vào sự công bằng?
Hơn nữa, khi người dân vi phạm giao thông, họ gần như không có lựa chọn nào khác ngoài việc nộp phạt, trong khi các quan chức tham nhũng lại có thể lợi dụng các kẽ hở pháp luật, chạy án hoặc giảm nhẹ hình phạt. Nếu logic “tăng phạt để giảm vi phạm” được áp dụng với giao thông, thì nó cũng nên được áp dụng đối với hành vi tham nhũng – vấn đề gây nhức nhối lâu nay. Thực tế, hậu quả của tham nhũng không chỉ là mất mát tài sản nhà nước mà còn làm trì trệ sự phát triển kinh tế và gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an toàn, mạng sống của người dân bởi các công trình không chất lượng.
Hiện nay, mức xử phạt đối với tham nhũng, đặc biệt là tham ô, nhận hối lộ, thường phụ thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt. Mặc dù pháp luật có các quy định về khung hình phạt nặng, nhưng trên thực tế, nhiều vụ án tham nhũng bị xử lý nhẹ, mức bồi thường không tương xứng với số tiền đã thất thoát. Nhiều cán bộ sau khi bị kết án vẫn hưởng lợi từ tài sản tham nhũng hoặc chỉ bị án treo, tạo ra tâm lý “lợi ích lớn hơn rủi ro”.
Nếu nhà cầm quyền thực sự muốn răn đe, cần áp dụng mức phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi tham nhũng, chẳng hạn như: Nâng mức bồi thường lên gấp nhiều lần số tiền tham ô hoặc nhận hối lộ; Cấm vĩnh viễn những người phạm tội tham nhũng không được giữ bất kỳ vị trí nào trong bộ máy nhà nước; Tăng hình phạt tù đối với những trường hợp tham nhũng nghiêm trọng, thậm chí có thể xem xét các biện pháp mạnh như tịch thu toàn bộ tài sản có nguồn gốc không rõ ràng. Còn nếu cứ tục bao che, dung túng cho cán bộ tham nhũng thì sự bất mãn trong dân sẽ càng dâng cao. Tức nước thì vỡ bờ.
_____________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment