Tô Lâm thừa nhận Sài Gòn trước 75 phồn vinh: Người Việt hải ngoại nhìn nhận thế nào?
Cao Nguyên
2025.02.21
RFA

Lời phát biểu mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâmgián tiếp thừa nhận Sài Gòn từng vượt trội Singapore đang gây tranh cãi, dù chiến tranh đã kết thúc tròn 50 năm. Những người xuất thân Việt Nam Cộng Hoà nghĩ gì về phát biểu này? Liệu đây là tín hiệu cho hòa giải dân tộc hay chỉ là lời nói bộc phát?
Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 13/2, đã thừa nhận sự phát triển vượt bậc của Sài Gòn trước năm 1975, khi ông so sánh của y tế Singapore với Việt Nam thời đó: “Nhìn sang Singapore, xưa họ nói được sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh là mơ ước. 50 năm nhìn lại, giờ mình lại mơ sang họ khám bệnh.”
Chỉ hơn một tháng trước đó, vào ngày 9/1, người đứng đầu Đảng Cộng sản đã nói với các Đảng viên, nguyên cán bộ Nhà nước rằng “Những năm 60, Sài Gòn - TP.HCM là điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng nhưng giờ đây tốc độ phát triển đã vượt rất xa.”
Hai lần phát biểu này của ông Tô Lâm thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận vì đây là lần đầu tiên lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản công khai thừa nhận Sài Gòn từng là một “Hòn ngọc Viễn Đông,” vượt trội so với Singapore (nước phát triển nhất khu vực) trong thập niên 1960.
Từ trước tới nay, hệ thống tuyên truyền của nhà nước vẫn kiên định với chính sách phủ nhận sự phát triển của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), coi sự phồn vinh của miền Nam Việt Nam là “giả tạo”, và chính quyền Sài Gòn là “cái vòi bạch tuộc của Đế Quốc”...
Lời thừa nhận hiếm hoi này có ý nghĩa thế nào đối với những người từng sống dưới chế độ VNCH? Liệu đây có phải là tín hiệu cho hòa hợp, hòa giải dân tộc, đặc biệt là trong bối cảnh sắp tới đúng nửa thế kỳ chiến tranh Việt Nam kết thúc?
Lời nói bộc phát hay có hậu ý?
Phát biểu của người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cộng đông người Việt ở Hoa Kỳ, với đa phần là hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa, vẫn còn chịu tác động nặng nề bởi chính sách tuyên truyền thù nghịch của chính quyền Việt Nam.
Ông Trí Tạ, người đã rời Việt Nam vào đúng ngày 30/4/1992, hiện đang là Dân biểu Địa hạt 70, tiểu bang California, cho rằng phát biểu của ông Tô Lâm có thể chỉ là một khoảnh khắc bộc phát, vô tình thừa nhận sự thật về miền Nam Việt Nam trước năm 1975:
“Phải nói rằng VNCH một trong vài quốc gia ở châu Á rất thịnh vượng và các quốc gia châu Á khác rất là mong muốn được đến miền Nam Việt Nam. Và những phát biểu của ông Tô Lâm cho thấy có thể là phút vô tình của ông Tô Lâm và ổng đã không tự chủ được trong lời phát biểu của mình.”
Điều này, theo Dân biểu Trí Tạ, cho thấy rằng dù người Cộng sản đã luôn biết về sự phát triển của VNCH, nhưng suốt nhiều thập kỷ qua, họ vẫn duy trì các tuyên truyền sai lệch về miền Nam Việt Nam. Chính sự vô tình này đã vạch trần lối tuyên truyền mà chính quyền cộng sản đã áp đặt từ sau năm 1975:
“Cho thấy là người Cộng sản đã đưa ra các tuyên truyền hoàn toàn dối trá từ trước đến nay và trong phút vô tình thì họ đã nói thật.” - Dân biểu khẳng định.
Với góc nhìn lạc quan hơn, ông Nam, đang sinh sống tại tiểu bang Virginia, cũng cho rằng đây chỉ là lời nói bộc phát của ông Tô Lâm. Tuy nhiên, nó thể hiện ông Tô Lâm là người có tư duy, suy nghĩ cởi mở hơn những người tiền nhiệm của ông ấy:
“Tôi nghĩ là có thể đây là một tư tưởng cởi mở hơn. Câu nói đó thể hiện nghĩ suy nghĩ này của ông ấy đã được ghi nhận từ những thông tin của những Sài Gòn xưa. Nhưng mà thời gian qua, chính sách chung và hoàn cảnh khiến ông ấy không dám nói, không nói được.”
Ông Nguyễn Mậu Trinh, hiện đang ở tiểu bang Maryland, lại cho rằng lời nói của ông Tô Lâm có thể chỉ nhằm xoa dịu cộng đồng người Việt hải ngoại, giảm sự chống đối chính quyền trong nước, từ đó thúc đẩy kiều hối đổ về Việt Nam:
“Thứ nhất là về vấn đề chính trị, để sự chống đối nó giảm bớt và thứ hai là đem tài nguyên kiều hối về thì càng tốt. Nói tóm lại là làm cho cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại nó yếu đi, bớt chống cộng lại như trước đây.”
Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước hồi tháng 1/2025, lượng kiều hối đổ về TPHCM trong năm 2024 là 9,5 tỷ USD. Phần lớn số tiền được gởi về từ các nước Châu Á và Châu Mỹ.
Hoà giải sau nửa thế kỷ?
Chiến tranh Việt Nam đã đi qua đúng 50 năm, nhưng tâm trí ông Nguyễn Mậu Trinh lúc nào cũng bị ám ảnh bởi sự kiện 30/4. Trước năm 1975, ông Trinh học hết tú tài thì vào quân ngũ. Cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài được 8 năm thì biến cố 30/4 xảy ra, buộc ông phải bỏ tất cả, bỏ lại quê hương lên tàu vượt biên vào đêm 29/4:
“Mình vẫn còn một cái ám ảnh của quá khứ. Trong giấc mơ mình cũng thấy đang còn kẹt ở trong nước không thoát ra được. Nó đã thành những cái ở trong tiềm thức khó mà thoát ra được.”
Do đó, ông Trinh cho rằng, để người Việt tị nạn gạt bỏ những đau khổ, hận thù mà họ phải gánh chịu sau 1975 mà hoà giải với người Cộng sản, chỉ lời nói không là chưa đủ.
Đồng tình với quan điểm này, dân biểu Trí Tạ cho biết ông không tin người đứng đầu Đảng Cộng sản hiện nay có tư tưởng thật tâm muốn hoà giải:
“Chúng tôi hoàn toàn không tin đây là một chỉ dấu cho thấy ông Tô Lâm muốn hòa giải dân tộc. Những chính sách về hòa hợp hòa giải dân tộc có thể là họ chỉ muốn tuyên truyền mà thôi.”
Hoà hợp - hoà giải dân tộc được xác định nhiều lần rằng đây là chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam. Nghị quyết 36 đã được ban hành vào năm 2004 để thực hiện chính sách này. Nghị quyết này xác định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; “Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thỏa thuận với các nước để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế.”
Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ vẫn tiếp tục công tác tuyên truyền, bôi nhọ VNCH. Trang thông tin chính thức của Ban Tuyên Giáo vào dịp 30/4/2024 đăng tải bài viết, vẫn dùng từ “Nguỵ quân, Nguỵ quyền” để chỉ chính thể VNCH.
Ngoài ra, cho đến nay, những biểu tượng của VNCH như lá cờ vàng hay quân phục vẫn là điều cấm kỵ ở Việt Nam. Mạng báo Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của ngành công an đăng tải bài viết về những hội nhóm mặc quần áo lính VNCH, ca ngợi chế độ cũ, là “mang hơi hướng kích động hận thù, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc”. Đồng thời khẳng định những hình ảnh này ẩn chứa nhiều mối nguy hại, ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của lớp trẻ. Đây là vấn đề cơ quan chức năng cần nhanh chóng ngăn chặn, tránh hậu quả khó lường.
Phát biểu của ông Tô Lâm, dù gây chú ý, vẫn chưa đủ để thuyết phục cộng đồng người Việt từng sống dưới chế độ VNCH rằng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực lòng muốn hòa giải. Lời nói có thể là bước khởi đầu, nhưng hành động mới là yếu tố quyết định.
Theo dân biểu Trí Tạ, muốn hoà giải với người Việt tị nạn, chính quyền cần thừa nhận sự thật lịch sử đã cố tình bị che giấu và tôn trọng tự do, nhân quyền của người dân trong nước:
“Cho tới giờ phút này thì họ vẫn bắt giữ những tiếng nói về tự do dân chủ ở trong nước. Họ vẫn đàn áp tôn giáo, vẫn chưa có nhân quyền họ. Cho nên tôi hoàn toàn không tin là họ có một cái dấu hiệu cho sự thay đổi.”
No comments:
Post a Comment