Tập gửi thông điệp đến khu vực kinh tế tư nhânNguồn: James Palmer, “Xi Sends Message to China’s Private Sector”, Foreign Policy, 18/02/2025
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
22/02/2025
NghiencuuQT

Tiêu điểm tuần này: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đi thông điệp từ buổi gặp mặt các CEO hàng đầu trong khu vực tư nhân; Bắc Kinh vui mừng khi Elon Musk cắt giảm bộ máy chính phủ liên bang Mỹ; FDI vào Trung Quốc tiếp tục giảm.
Tập tổ chức cuộc gặp mặt các CEO của khu vực tư nhân
Trong tuần này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc gặp mặt được truyền thông rộng rãi với các CEO hàng đầu đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Cuộc gặp nhằm phát đi tín hiệu rằng chính phủ đang chấm dứt các biện pháp kiểm soát vốn đã làm cho các ngành như công nghệ hay giáo dục rơi vào bất ổn và khiến nền kinh tế thêm phần trì trệ.
Bài phát biểu của Tập tại sự kiện cam kết rằng những thách thức của khu vực tư nhân chỉ mang tính “cục bộ, không phải toàn cục; tạm thời, không kéo dài; và có thể vượt qua, không phải không thể giải quyết”. Ông cũng khẳng định mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp cần phải “hài hoà và minh bạch”. Dưới thời Tập trước đây, Trung Quốc từng đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế nhà nước bằng cái giá phải trả là hy sinh khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, thông điệp từ cuộc gặp này lại mang tính hai mặt. Một mặt, Tập công nhận vai trò của giới doanh nhân đối với nền kinh tế, nhưng mặt khác, ông cũng khiến họ phải tỏ ra “thần phục” mình. Mọi sự chú ý vẫn hướng về nhà lãnh đạo: Tập ngồi ở vị trí trung tâm, trong khi các doanh nhân được sắp xếp ngồi thành nhiều vòng xung quanh theo thứ tự mức độ quan trọng.
Một trong những CEO ngồi ở vòng trong là Jack Ma của Alibaba. Jack Ma hiếm khi xuất hiện trước công chúng trong giai đoạn 2020 – 2023, sau khi mảng công nghệ tài chính (fintech) của công ty ông trở thành một trong những mục tiêu chính của đợt siết chặt kiểm soát công nghệ và khiến đợt phát hành cổ phiếu lần đầu định giá 34 tỷ USD của ông bị huỷ. Từng là một trong những vị tỷ phú bộc trực nhất Trung Quốc, nhưng khi lên tiếng chỉ trích các cơ quan quản lý, Jack Ma đã đi quá giới hạn.
Vào năm 2023, Ma phần nào được “phục chức” sau khi Ant Group của ông nộp một khoản phạt khổng lồ. Tuy nhiên, cuộc gặp tuần này – cùng với cái bắt tay của Tập dành cho Jack Ma – cho thấy Jack Ma chính thức được tái nhập với tư cách là một nhân vật được Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận, dù với một hình ảnh có phần trầm lặng hơn. Dẫu vậy, Ma vẫn phải ngồi ở cuối bàn họp cách xa Tập, giống chỗ ngồi của Lương Văn Phong, nhà sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo DeepSeek.
Theo nhà kinh tế học kiêm cây viết cộng tác của tờ FP Lizzi C.Lee, sơ đồ chỗ ngồi của cuộc gặp phản ánh thứ tự ưu tiên của Tập. Những nhân vật ngồi gần Tập nhất – trong đó có Lưu Vĩnh Hảo (Liu Yonghao), chủ tịch tập đoàn nông nghiệp New Hope – cho thấy chính quyền đang giảm bớt chú trọng vào nền kinh tế nền tảng, thay vào đó tập trung hơn vào các mảng phần cứng, sản xuất, năng lượng mặt trời và công nghệ trong nông nghiệp.
Cả hai gã khổng lồ trong lĩnh vực internet là Baidu và JD.com đều không có tên trong cuộc gặp. Vị trí danh dự – và là người đầu tiên phát biểu sau khi Tập phát biểu xong – thuộc về CEO Huawei Nhậm Chính Phi, người có liên hệ mật thiết với nhà nước Trung Quốc và từng là mục tiêu của chính quyền Mỹ.
Ảnh hưởng thực tế của một cuộc gặp như cuộc gặp tuần này sẽ được thể hiện qua khắp các bộ máy Đảng – nhà nước, trong đó khả năng cao các quan chức địa phương sẽ dựa theo hướng chỉ đạo của Tập mà đối xử với các doanh nghiệp tư nhân. Việc này giúp các doanh nhân, từ tỷ phú cho đến người giàu ở các địa phương, bớt bị tổn hại hơn bởi những trò “làm tiền” vốn đã là một phần quen thuộc khi kinh doanh tại Trung Quốc. Họ cũng sẽ ít bị lép vế hơn khi phải đấu thầu cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước.
Sự thay đổi này có thể còn hiệu quả hơn so với việc điều chỉnh các chính sách thuế hay chính sách lao động, bởi lẽ trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hoạt động trong một “vùng xám” mà ở đó, doanh nhân dựa vào mối quan hệ mang tính chất thoả thuận với bộ máy quan liêu.
Số lượng công ty khởi nghiệp giảm mạnh trong thời kỳ các biện pháp kiểm soát được siết chặt, từ 50.000 vào năm 2018 xuống còn chưa đến 1.000 vào năm ngoái. Sự ổn định về mặt chính sách được phát đi thông qua thái độ chấp thuận của Tập có thể giúp trấn an các nhà đầu tư rằng tiền của họ sẽ không tự nhiên mà mất. Nhưng đó chỉ là một mộng tưởng: Tập có thể dễ dàng đảo ngược cách tiếp cận dễ chịu với các doanh nghiệp tư nhân nếu xét thấy lợi ích của ĐCSTQ đòi hỏi điều đó.
Các tỷ phú ngồi với Tập trong buổi gặp đều hiểu rõ điều trên, vì thế họ sẽ tiếp tục tìm mọi cách thể hiện lòng trung thành của mình.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu những người lao động bình thường có đi theo định hướng của Tập hay không. Trong năm năm qua, tình hình bất ổn trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, đã củng cố quan niệm rằng chỉ có công việc liên quan đến nhà nước mới là an toàn, hay thường được gọi là “bát cơm sắt”. Số lượng người đăng ký thi công chức tăng vọt hàng năm dù dân số trẻ đang giảm.
Trong khi đó, khát khao khởi nghiệp – dù chỉ ở quy mô nhỏ – đã suy giảm đáng kể ở thế hệ trẻ vỡ mộng sau đại dịch COVID-19. Để vực dậy khí thế của Trung Quốc, có lẽ sẽ cần nhiều hơn là những cái bắt tay hay những bài phát biểu trên truyền hình.
Tin tức đang được quan tâm
Musk cắt giảm bộ máy, Trung Quốc vui mừng. Những hành động của Elon Musk nhằm làm suy yếu năng lực của chính phủ liên bang đã được những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc và truyền thông nhà nước hoan nghênh. Bộ Hiệu quả Chính phủ của Musk đã nhắm đến một số “gai trong mắt” của Bắc Kinh, chẳng hạn như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quỹ Quốc gia hỗ trợ Dân chủ (NED).
Nhiều nhóm theo dõi ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc theo dõi vi phạm nhân quyền cũng buộc phải tạm dừng hoạt động sau khi mất nguồn tài trợ từ liên bang. Musk, một người có mạng lưới kinh doanh lớn với Trung Quốc, đã nhắc lại những thuyết âm mưu về USAID và NED, những thuyết mà Bắc Kinh và Moscow cũng đang cổ xúy.
Cách tiếp cận này đánh dấu một sự tương phản rõ rệt so với chính quyền Trump đầu tiên, khi mà những “diều hâu” theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc và các những người theo đuổi Chiến tranh Lạnh chiếm ưu thế. Tuy nhiên, những người từng ủng hộ mạnh mẽ các chính sách này, như Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, lại có thái độ im lặng một cách kỳ lạ trước hàng loạt đợt cắt giảm và cáo buộc của Musk.
Những hành động khiêu khích liên quan đến Đài Loan. Bên cạnh việc dừng các chương trình theo dõi Trung Quốc, đóng cửa các chương trình an ninh mạng quan trọng và tiến hành thanh lọc FBI, chính quyền Trump cũng có những động thái nhắm vào Bắc Kinh. Ngoài các mức thuế mới áp dụng với hàng hoá Trung Quốc và những lời đe doạ sẽ có thêm nhiều thuế nữa, tình báo Mỹ hiện đang cổ xuý giả thuyết cho rằng COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Nhưng hành động khiêu khích nặng nhất là việc Bộ Ngoại giao Mỹ xoá bỏ tuyên bố trong tài liệu chính thức về Đài Loan, vốn khẳng định Washington không ủng hộ Đài Loan độc lập. Động thái này đã châm ngòi cho phản ứng gay gắt từ Trung Quốc. Hiện chưa rõ vì sao nội dung này bị gỡ bỏ và liệu đó có phải là dấu hiệu cho thấy chính sách sẽ thật sự thay đổi hay không.
Sau khi trở lại Nhà Trắng, Trump bất ngờ có lập trường cứng rắn với Đài Loan, đe dọa áp thuế lên ngành chip của Đài Loan. Trong khi trước đây, chip được coi là trụ cột để Mỹ duy trì lợi thế công nghệ trước Trung Quốc. Điều này đã khiến Đài Bắc chủ động tiếp cận Mỹ với những lời đề nghị về đàm phán và thỏa thuận mua bán vũ khí.
Nếu Mỹ thật sự thay đổi chính sách trong việc ủng hộ Đài Loan độc lập, quan hệ Mỹ – Trung sẽ bị ngừng trệ một cách nghiêm trọng – và có nguy cơ khiến Trung Quốc đẩy nhanh kế hoạch xâm lược Đài Loan. Bản thân các đảng phái chính trị tại Đài Loan cũng không chính thức ủng hộ việc tuyên bố độc lập, chủ yếu là do Trung Quốc liên tục đưa ra các hành động đe doạ quân sự theo luật định.
Công nghệ và Kinh doanh
Đầu tư nước ngoài giảm. Trong bối cảnh địa chính trị xáo trộn, các doanh nghiệp nước ngoài càng ít mặn mà với Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài giảm 99% trong ba năm qua; 168 tỷ USD rời khỏi Trung Quốc vào năm ngoái. Khả năng các nhà đầu tư cũng sẽ không quay trở lại Mỹ, nơi mà môi trường kinh doanh cũng đầy bất ổn. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á có thể sẽ là những nước hưởng lợi nhiều nhất trong tình hình này.
Ở Trung Quốc, số người lao động làm việc cho các công ty nước ngoài cũng giảm, hiện chưa tới 10 triệu người, mức thấp nhất trong 14 năm qua. Các doanh nghiệp nước ngoài thường đóng vai trò là vườn ươm nuôi dưỡng các doanh nhân Trung Quốc tài năng phát triển doanh nghiệp riêng. Chính vì vậy, ảnh hưởng tiếp theo có lẽ là mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro kiểu này sẽ giảm bớt.
Sự bùng nổ của DeepSeek. Mô hình DeepSeek-R1 với chi phí vận hành thấp đang được các công ty khác áp dụng rộng rãi – và có thể dẫn đến một làn sóng bùng nổ trong khu vực. Các ông lớn internet Tencent và Baidu đều đã ra mắt các công cụ tìm kiếm mới sử dụng công nghệ DeepSeek. (Baidu chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm Trung Quốc với khoảng 68% thị phần.)
Các công ty ở Đông Nam Á đang bắt chước làm theo, và có thể nhiều nước khác cũng vậy, mặc dù những lo ngại về vấn đề kiểm duyệt của DeepSeek vẫn còn đó.
Không rõ liệu DeepSeek có lợi nhuận từ sự bùng nổ này hay không. Đối thủ lớn từ phương Tây OpenAI đang hoạt động với khoản lỗ đáng kể. Tuy nhiên, cũng giống như cách mà giá trị của OpenAI không phụ thuộc vào doanh thu mà vào niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai của AI, DeepSeek có chăng đang hoạt động ở mức thua lỗ để thu hút cả tiền đầu tư lẫn hậu thuẫn từ chính phủ, mà điều này về lâu dài sẽ có lợi.
No comments:
Post a Comment