Wednesday, February 19, 2025

Chuyện khai thác tù binh Trung Quốc (Kỳ 2)
Nguyễn Nguyên Bình
18-2-2025
Tiengdan
19/02/2025
Tiếp theo kỳ 1

Hôm qua may mắn được bác Nghiêm Việt Anh gửi cho tấm ảnh mẹ con nhà tôi đi viếng nghĩa trang Liệt sĩ ở Vị Xuyên vào tháng 2 năm 2019. Hồi đó khó khăn lắm, đoàn xe chúng tôi được bị theo dõi suốt, nhưng họ chưa cản trở đến việc thắp hương dâng hoa…

Tác giả Nguyễn Nguyên Bình và con gái viếng nghĩa trang Liệt sĩ ở Vị Xuyên tháng 2 năm 2019. Nguồn ảnh: Nghiêm Việt Anh

Giờ lại xin kể tiếp chuyện tiếp cận khai thác đám tù hàng binh năm xưa: Ngoài cái đại đội ra hàng nói trên, trong trại giam còn có các tù binh bị ta bắt ở một số nơi khác gom về.

Khi hỏi một số lính, rằng đi lính để làm gì? Chả ai nói đi lính để thực hiện lời lãnh tụ, để “giải phóng toàn thế giới” cả. Phần lớn nói: Để hy vọng kiếm được việc làm sau khi hết thời hạn phục vụ. Nhiều người thì bi quan về vận may, nói: Mình mù chữ, vô nghề nghiệp, chẳng dễ kiếm việc làm, đến đâu hay đến đấy…

Thời gian ở trại, họ thường tỏ ra “ngoan”, không dám quấy phá chống đối gì đáng kể. Họ chỉ quan tâm đến bữa ăn. Khi có phái đoàn Chữ Thập đỏ quốc tế đến thăm trại, một số người tố khổ: Cơm ăn không đủ no, thức ăn thì ít thịt cá dầu mỡ; rau thì toàn rau “rỗng ruột” (rau muống), với dây lá bí rợ (rau bí)… Có người cũng dám hỏi lại cán bộ trại: “Đã nói đầu hàng thì được ‘đối xử tử tế’ sao lại cho ăn thế này?”

Lúc đó thật khó giải thích cho họ hiểu, họ đâu thể biết hoàn cảnh nước ta khi đó. Mỗi ngày một suất ăn của họ được 700g gạo, không độn mì mốc, bo bo hạt, ngô răng ngựa; lại có chút thịt cá dầu mỡ, là bên ta đã cố gắng lắm rồi! Thời gian sau, khi trại được củng cố ổn định, tù binh được cử đại diện cùng đi nhận thực phẩm ở kho chung với cán bộ chiến sĩ trại, được tận mắt chứng kiến, họ mới thấy thực phẩm dành cho bộ đội ta còn không bằng phần cho tù. Lúc đó họ mới thừa nhận là được “đối xử tử tế”.

Lại nói về phó chính uỷ trung đoàn Long Đức Xương. Ngoài lề việc khai báo tin tức, anh ta còn than thở với chúng tôi: Bản thân nay đã quá tuổi phát triển (anh ta trông khoảng 40 tuổi), sức khoẻ kém (trông anh ta đầu đã hói, người hom hem), ngẫm không còn tiền đồ gì, lần này bị điều đi đánh trận thật bất ngờ, chưa kịp chuẩn bị gì, ra đi mà trong lòng hoang mang, bối rối…

Anh ta còn lo lắng nhiều cho sự sống chết của bản thân, còn gánh khá nặng ở gia đình. Hỏi có tin hay không vào những tuyên truyền của nhà nước và quân đội về ý tưởng “đánh trận này là để dạy cho Việt Nam bài học, là Việt Nam dám xâm phạm đất Trung Quốc”? Thì anh trả lời: Đời tôi đã trải qua nhiều phong trào này nọ, nhiều tuyên truyền rầm rộ rồi… nên giờ chẳng thiết tin hay không tin vào tuyên truyền cổ động gì cả…

Phần tham mưu phó trung đoàn tên là Phó Bồi Đức thì cũng thường than thở: Tôi vốn có bệnh rối loạn nhịp tim, đang xin ra quân thì bị điều động đi đánh Việt Nam, thực lòng không muốn đi gì cả.

Anh ta còn nói: Nghe cấp trên tuyên truyền Việt Nam khiêu khích Trung Quốc, nhiều lần quấy rối, đánh sang đất Trung Quốc… Nghe vậy thì biết vậy, chứ quân khu Thành Đô có ở biên giới đâu mà biết là thật hay không? Khi đơn vị đánh sang Cao Bằng của Việt Nam thì cấp trên bảo đấy là “phản kích”, dạy Việt Nam một bài học rồi rút quân. Trên bảo trung đoàn 448 chúng tôi sang yểm hộ bộ đội rút quân thôi…

Phó Bồi Đức vì vậy cứ tiếc hùi hụi, nếu không mắc kẹt ở Cao Bằng thì chẳng bao lâu sẽ được rút về, chỉ mong về chữa cái bệnh tim thôi (Cán bộ trại đã cho bác sĩ khám anh ta, quả có bệnh và đã cho thuốc).

Kỳ tới: Chuyện về đại đội trưởng và chính trị viên đại đội.

No comments:

Post a Comment