Tiếng kêu đau của bầy linh cẩu
Sự ngấm ngầm đối đầu của một lực lượng không ưa thích Tô Lâm trong hệ thống cầm quyền là có thật.Bình luận của Nam Việt
2025.02.19
RFA
Lời tuyên bố của Tổng bí thư Tô Lâm, người được coi là có quyền lực tối thượng ở Việt Nam lúc này, với sự nhìn nhận về sự phát triển và thịnh vượng của thời Việt Nam Cộng Hòa, đã dấy lên hàng loạt các bình luận tức giận của giới dư luận viên. Điều đáng nói, ông Tô Lâm đã công khai nói vài lần về điều này, bất chấp sự sửng sốt và phản ứng màu cực đoan của hệ thống tuyên truyền trên mạng xã hội, vốn được chính nhà nước cộng sản nuôi dưỡng bấy lâu nay.
Thật ra, điều mà ông Tô Lâm nói, đã được dẫn, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trên các trang mạng xã hội, đặc biệt với các tên Hòn ngọc Viễn Đông. Nếu chú ý, trong từng bài bản để đập phá những hình ảnh đẹp của nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã mất, giới dư luận viên được xếp đặt thành hai luồng tấn công: Chỉ trích thô tục, phủ nhận không cần chứng cứ lịch sử, và cạnh đó, là những bài viết có vẻ “trình độ” hơn, mô tả Việt Nam Cộng Hòa là một nền phồn vinh giả tạo, sống nhờ vào viện trợ Mỹ, “bán nước” để đổi lấy sung túc.
Các cuộc đấu khẩu trên Facebook vẫn diễn ra thường xuyên, hoàn toàn không cân xứng giữa một lực lượng được nuôi dưỡng bằng tiền, quyền lợi và quyền quyền lực nhà nước – và kể cả được các luật như 331, nghị định 15 hậu thuẫn. Giới dư luận viên vẫn phải đối chất từng giờ với các công dân mạng không chấp nhận việc bẻ cong sự thật.
Nếu quan sát kỹ, sẽ thấy mật độ phủ nhận, chỉ trích, mạ lỵ những thành tựu của VNCH hay con người thành đạt trong chế độ đó, đang tăng dần theo từng tuần. Mọi thứ được hun đúc cho một cuộc tổng tiến công nhằm vào thời điểm đánh dấu 50 năm kết thúc chiến tranh. Hà Nội cố làm mọi thứ để hủy diệt hình ảnh VNCH, làm đẹp bộ mặt của mình để tạo tính chính danh cho cuộc chiến - thì bất ngờ - vị lãnh đạo cao nhất của đất nước lại đưa ra một tuyên bố hoàn toàn ngược chiều, hỏi sao khắp nơi lại nhao nhác tiếng kêu đau của giới tuyên truyền đến vậy.
Trang dư luận viên phản bác tuyên bố của ông Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm ca ngợi Việt Nam Cộng Hòa
Ông Tô Lâm từng bước gạt bỏ di sản của ông Nguyễn Phú Trọng
Vì sao ông Tô Lâm lại đưa ra một quan điểm hoàn toàn trái chiều với sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ đó đến giờ trong mặt trận tuyên truyền của chính quyền?
Hầu như rất nhiều người đều nhìn thấy rõ bài mị dân này ông Tô Lâm lập lại chiêu thức mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói về Hoàng Sa và “tình hữu nghị viễn vông”. Vào thời điểm ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một quan điểm mới mẻ và gọi tên trân trọng là Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải là chế độ ngụy quyền, có thể hiểu rằng ông Dũng muốn “nhất tiễn hạ song điêu”, bảo vệ hình ảnh cho cuộc hôn nhân của con gái của ông với gia đình một quan chức VNCH, và đồng thời thu hút đám đông người miền Nam vẫn không khuất phục, đứng về phía ông như là một lực lượng hậu thuẫn quan trọng. Hiệu quả của ông Dũng không nhỏ, đã có không ít người miền Nam ngây thơ mong mỏi rằng ông sẽ làm một cuộc cách mạng và thay đổi đất nước vào thời gian đó.
Tô Lâm cũng muốn chứng minh mình là một nhà cách mạng, một người có cái nhìn trung dung để đi vào kỷ nguyên mới, nhưng có lẽ lực của ông Lâm không đủ như Nguyễn Tấn Dũng lúc đó. Ai sống ở Việt Nam cũng biết, mỗi khi lên tiếng ở những vấn đề nhạy cảm, các KOL cờ đỏ (Key Opinion Leader) luôn có sự tham khảo nhất định với các lãnh đạo cao cấp để tìm hành lang an toàn trong ngôn luận. Cứ chiếu theo những gì đã diễn ra trong nước, từ báo chí chuyện cân nhắc gọi Trung Quốc là “nước lạ, cho đến sách giáo khoa thậm thụt gọi tên là VNCH chứ không phải là ngụy quyền: mọi thứ đều phải có sự chấp thuận của Ban Tuyên Giáo.
Rõ là Nguyễn Trọng Nghĩa, người xuất thân từ phía quân đội và đang cầm nắm Ban Tuyên Giáo Trung Ương, đã bật đèn xanh cho những ngôn luận đầu tiên dám sờ đầu của Tô Lâm. Dĩ nhiên, những chi tiết hỗn loạn này sẽ sớm được dập tắt, nhưng dù sao, nó cho thấy sự ngấm ngầm đối đầu của một lực lượng khác không ưa thích Tô Lâm trong hệ thống cầm quyền là có thật.
Cũng có những sự tán dương ông Tô Lâm về chuyện dám minh bạch sự thật, lời bàn trên mạng cũng ngợi khen cũng nhiều, nhưng đa số người Việt Nam có vẻ cũng đã rút được kinh nghiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên nhiều người cũng nhắc nhau rằng hãy nhớ câu nói bất hủ của ông Nguyễn Văn Thiệu.
Trở lại với tâm lý và thái độ của giới dư luận viên với tuyên bố của ông Tô Lâm, sự hỗn loạn của nhận định, đồn đoán, và căm giận cho thấy chưa bao giờ thành phần học đòi theo Hồng Vệ Binh của Trung Quốc lại mong manh như vậy trong các lý thuyết bẻ cong sự thật, tấn công đồng bào, chứ ngại gọi tên xâm lược Trung Quốc.
Điều dễ nhìn thấy nhất đó là cảm giác tổn thương tâm lý của giới dư luận viên hung hăng mỗi ngày trên mạng. Tiếng kêu đau và cay đắng của những thành phần này không khác gì những Hồng Vệ Binh ở Trung Quốc, khi cảm thấy sự tận trung của mình, hành động cắm cúi không suy nghĩ đi theo bài bản tuyên truyền không dám chệch một ly, thì hôm nay lại bị như một cú tát, họ như bị phản bội và dự cảm bị bỏ rơi trong tương lai.
Đáng thương nhất là có những bình luận ngây ngô trong các trang phản ứng với câu nói của Tô Lâm “hay bác ấy đang làm phép thử để xem ai trở cờ thì sẽ xử hết?”. Tâm trạng hoài nghi về “công việc” đang theo đuổi diễn ra trên nhiều bình luận. Nhiều lời bình tức giận còn cho thấy tâm lý của các thành phần tiền phong điên cuồng chửi bới mỗi ngày, tiếc vì hy sinh quá nhiều cho một phong trào được dựng lên của nhà nước cộng sản, mà cuối cùng lại bị nói ngược và quên lãng. Thậm chí còn có một số bình luận dự báo rằng một mai họ sẽ bị đẩy ra rìa xã hội, không được ghi nhận thành quả, hay vai trò của mình trong việc duy trì “ý chí cách mạng” theo huy động của Ban Tuyên giáo.
Xã hội Việt Nam như đang tái hiện lại thời kỳ Hồng Vệ Binh vào giai đoạn chính quyền Trung Quốc muốn lãng quên cuộc Cách Mạng Văn Hóa điên loạn, lớp tay sai đi đầu bị ruồng bỏ, và chính quyền cũng không muốn dính líu vào những thành phần cực đoan mà họ đã từng sử dụng. Các thành phần này phải sống ẩn danh vì nhục nhã, không còn kết nối được với xã hội vì vết nhơ đời mình. Thậm chí nhiều Hồng Vệ Binh thức tỉnh và sám hối và trở thành những nhà bất đồng chính kiến, chọn sống và tố cáo về những sai lầm của chính quyền đối với con người như nhà văn Tan Hecheng (谭合成), nhà nghiên cứu lịch sử Song Yongyi (宋永毅).
Cũng có ý kiến cho rằng Tô Lâm dùng sức của mình để thử công phá hệ thống tuyên truyền do phía quân đội kiểm soát, chuẩn bị cho một cuộc thay máu tập quyền mới của mình. Nhưng dù có thử hay không thử, thì sự thật dường như vẫn là một chọn lựa để thắng thế ở Việt Nam. Sự tức giận và phản ứng của giới dư luận viên, cho thấy đó là những tiếng kêu đau của những con linh cẩu bị phản bội, và đau đớn khi không còn nhận ra được dung mạo của con đầu đàn .
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment