Mỹ-Nga mở đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh Ukraine, Kyiv vắng mặt
19/02/2025
VOA

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 18/2 loan báo đồng ý tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Nga về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sau cuộc họp ban đầu không có sự tham gia của Kyiv, một sự thay đổi so với cách tiếp cận trước đó của Washington là tập hợp các đồng minh của Hoa Kỳ để cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong cuộc họp kéo dài 4 tiếng rưỡi tại Ả rập Xê út, Nga đã cứng rắn hơn trong các yêu cầu của mình, đặc biệt là nhấn mạnh rằng họ sẽ không chấp nhận liên minh NATO cấp tư cách thành viên cho Kyiv.
Đây là lần đầu tiên các quan chức Hoa Kỳ và Nga ngồi lại với nhau để thảo luận về các cách thức ngăn chặn cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai. Ukraine đã tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào được áp đặt mà không có sự đồng ý của họ và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại rằng “không được có quyết định nào qua mặt người đứng đầu Ukraine”.
Ngay cả trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, một số chính trị gia châu Âu đã cáo buộc chính quyền Trump đã nhượng bộ Moscow vô điều kiện vào tuần trước bằng cách loại trừ tư cách thành viên NATO cho Ukraine và nói rằng Kyiv ảo tưởng rằng họ có thể giành lại 20% lãnh thổ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Mike Waltz nói với các phóng viên tại Riyadh rằng cuộc chiến phải chấm dứt vĩnh viễn và điều này sẽ liên quan đến các cuộc đàm phán về lãnh thổ.
“Thực tế là sẽ có một số cuộc thảo luận về lãnh thổ và sẽ có cuộc thảo luận về các đảm bảo an ninh”, ông nói.
Hoa Kỳ và Nga đã nhất trí “chỉ định các nhóm cấp cao tương ứng để bắt đầu làm việc trên con đường chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết trong một tuyên bố. Bà Bruce mô tả cuộc họp là “một bước tiến quan trọng” hướng tới hòa bình.
Các toán cấp cao sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột và sẽ làm việc riêng để khôi phục các phái bộ ngoại giao tương ứng của các quốc gia tại Washington và Moscow để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán trong tương lai, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết.
Ông Rubio nói ông đã rời khỏi các cuộc đàm phán ban đầu với sự tin tưởng rằng Nga “sẵn sàng bắt đầu tham gia vào một quá trình nghiêm túc” nhưng việc đạt được hòa bình sẽ liên quan đến các nhượng bộ từ mọi phía.
Đề cập đến những lo ngại của Ukraine và châu Âu, ông Rubio cho biết không ai bị gạt ra ngoài lề, Liên hiệp châu Âu cần phải tham gia vào một thời điểm nào đó và bất kỳ giải pháp nào cũng phải được tất cả các bên chấp nhận.
Tổng thống Ukraine nói sẽ không đồng ý với một giải pháp do Hoa Kỳ và Nga chỉ đạo nhằm giải quyết cuộc chiến.
Kyiv nói các cuộc đàm phán về cách chấm dứt chiến tranh chớ nên diễn ra sau lưng Ukraine.
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói với báo giới tại Moscow rằng NATO không kết nạp Ukraine làm thành viên là “chưa đủ”, mà NATO phải từ bỏ lời hứa đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008 rằng Kyiv sẽ tham gia vào một ngày trong tương lai.
“Nếu không, vấn đề này sẽ tiếp tục làm ô nhiễm bầu không khí trên lục địa châu Âu”, bà nói.
Tổng thống Ukraine liên tục yêu cầu tư cách thành viên NATO là cách duy nhất để đảm bảo chủ quyền và độc lập của Kyiv khỏi quốc gia láng giềng có vũ khí hạt nhân.
Ukraine đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô vào năm 1994 để đổi lấy sự đảm bảo về độc lập và chủ quyền trong phạm vi biên giới hiện tại của mình từ Nga, Hoa Kỳ và Anh.
Nga ra yêu sách mới trước khi đàm phán với Mỹ
Trong khi các nước châu Âu thảo luận về khả năng đóng góp lực lượng gìn giữ hòa bình để ủng hộ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào của Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phát biểu tại Riyadh rằng Moscow sẽ không chấp nhận triển khai quân đội NATO ở đó, bất kể họ hoạt động dưới lá cờ nào.
Những bình luận của ông Lavrov và bà Zakharova báo hiệu rằng Nga sẽ tiếp tục gây sức ép để có thêm nhượng bộ trong các cuộc đàm phán. Cuộc gặp mở màn vào ngày 18/2 chứng kiến ông Lavrov và phụ tá chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov - hai nhân vật kỳ cựu đã dành tổng cộng 34 năm trong các vai trò hiện tại của họ - đàm phán với ba quan chức chính quyền Trump trong tháng đầu tiên làm việc của những người này.
Nga không đề cập đến việc đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào và các quan chức Hoa Kỳ không tuyên bố đã đạt được bất kỳ nhượng bộ nào trong cuộc họp ngày 18/2, khiến các nhà quan sát nghi ngờ liệu các cuộc đàm phán có trở thành các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc hay không.
“Cho đến nay, tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy Putin sẵn sàng nhượng bộ một tấc nào để đàm phán một thỏa thuận hòa bình”, ông Michael McFaul, người từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Nga dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã viết trên X. “Thay vào đó, tất cả những gì tôi thấy là những ý tưởng do Hoa Kỳ đưa ra về những nhượng bộ mà Ukraine, NATO và Hoa Kỳ được cho là phải thực hiện”.
Cả hai bên đều cho biết không có ngày nào được ấn định cho cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà cả hai người đều nói rằng họ mong muốn.
Nhưng hoạt động ngoại giao diễn ra nhanh chóng, bắt đầu bằng cuộc điện đàm Putin-Trump chỉ sáu ngày trước, đã gây ra báo động ở Ukraine và các thủ đô châu Âu rằng hai nhà lãnh đạo có thể đạt được một thỏa thuận nhanh chóng mà bỏ qua lợi ích an ninh của Ukraine và châu Âu, thưởng cho Moscow và để ông Putin tự do đe dọa Ukraine hoặc các quốc gia khác trong tương lai.
Ông Lavrov nói có “mối quan tâm lớn” trong việc dỡ bỏ rào cản kinh tế giữa hai nước, sau khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác áp đặt các đợt chế tài đối với Moscow vì cuộc chiến, nhằm cô lập ông Putin.
Ông Rubio cho biết các nước châu Âu cũng đã áp đặt các chế tài nên sẽ phải tham gia vào các cuộc đàm phán về việc dỡ bỏ các chế tài này.
Nhưng nếu cuộc xung đột kết thúc, ông nói thêm, nó sẽ “mở ra” các cơ hội hợp tác giữa Hoa Kỳ và Nga, bao gồm “một số quan hệ đối tác kinh tế khá độc đáo, có khả năng mang tính lịch sử”.
No comments:
Post a Comment