Không có Mỹ, châu Âu sẽ khó khăn trong việc đảm bảo hòa bình cho Ukraine
Reuters
19/02/2025
VOA

Đối mặt với yêu cầu của Hoa Kỳ về việc cung cấp sức mạnh quân sự để thực thi thỏa thuận hòa bình Ukraine trong tương lai, châu Âu thấy mình đang ở trong tình thế khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu đến Ukraine có thể làm căng thẳng và làm suy yếu khả năng phòng thủ của NATO, và nhiệm vụ này vẫn cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để thành công.
Mặc dù có thể không cần phải triển khai quân đội Hoa Kỳ trên bộ, nhưng biện pháp răn đe dưới hình thức phi đạn tầm trung của Hoa Kỳ và cuối cùng là vũ khí hạt nhân sẽ vẫn rất quan trọng.
“Tôi không chắc rằng bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào sẽ đáng tin cậy 100% trước một Putin hung hăng và theo chủ nghĩa dân tộc trừ khi nó liên quan đến người Mỹ theo một cách nào đó”, ông Mark Lyall Grant, cố vấn an ninh quốc gia của Anh trong một phần nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nói.
Các quan chức châu Âu cũng cho biết chỉ có sự đảm bảo của Hoa Kỳ mới có thể bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu và ngăn chặn Nga khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai vào Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gây sốc cho người châu Âu khi sắp xếp các cuộc đàm phán hòa bình song phương với Nga, được khởi động vào ngày 18/2 tại Riyadh, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói với các đồng minh rằng “bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào cũng phải được hỗ trợ bởi quân đội có năng lực châu Âu và ngoài châu Âu”.
Ông đã nói rõ rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ không được gửi đến Ukraine.
Tại một cuộc họp khẩn cấp ở Paris vào ngày 17/2, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chia rẽ về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, một kế hoạch mà một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu thảo luận vào năm ngoái theo sáng kiến của Pháp.
Một lực lượng như vậy sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga và kéo căng quân đội châu Âu, vốn đã cạn kiệt kho vũ khí do các khoản tài trợ cho Ukraine và đã quen với việc phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho các nhiệm vụ lớn.
Vào ngày 17/2, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông sẵn sàng gửi quân đến Ukraine nhưng cũng cần phải có “hậu thuẫn” của Hoa Kỳ.
Triển khai lực lượng giữ hòa bình của châu Âu có thể làm suy yếu NATO?
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc triển khai một lực lượng lớn của châu Âu tới Ukraine có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của NATO trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Nga vì việc chấm dứt xung đột sẽ giúp nền kinh tế chiến tranh của Nga nhanh chóng bổ sung kho dự trữ quân sự.
Một số người cũng nghi ngờ liệu các nước châu Âu, những nước đang phải vật lộn để tăng cường khả năng sẵn sàng sau nhiều thập niên hòa bình tương đối kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có thể nhanh chóng huy động đủ quân sẵn sàng chiến đấu hay không, đặc biệt là nếu họ được yêu cầu bảo vệ hơn 2.000 km đường ranh giới tiếp xúc giữa Nga với đồng minh Belarus của Moscow.
Bà Claudia Major, một nhà phân tích của nhóm nghiên cứu SWP của Đức, cho biết việc tập hợp một lực lượng hòa bình như vậy hầu như không thể thực hiện được đối với một mình người châu Âu.
Bà nói với đài truyền hình Đức ARD vào ngày 17/2 rằng ước tính về quân số cần thiết của lực lượng này dao động từ 40.000 đến 150.000 người, ngoài lực lượng Ukraine.
Để so sánh, lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo bắt đầu với 48.000 quân vào năm 1999, bảo vệ một vùng lãnh thổ rộng 11.000 km2, theo một nghiên cứu do Major đồng tác giả, trong khi Ukraine có diện tích gần gấp 55 lần.
“Người châu Âu hiện không có lực lượng này trừ khi họ làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính họ hoặc chẳng hạn là khả năng phòng thủ theo kế hoạch của vùng Baltic, điều này rõ ràng là gây tranh cãi”, bà Major nói.
“Đồng thời, họ thiếu các khả năng quan trọng trong các lĩnh vực trinh sát, phòng không hoặc nhắm mục tiêu, mà chỉ có Hoa Kỳ là có đủ”.
Nga phản đối bất kỳ lực lượng giữ hòa bình tiềm năng nào của NATO
Ông Michael Kofman, thành viên kỳ cựu tại Carnegie Endowment, cho biết việc triển khai ba lữ đoàn, các đơn vị từ 3.000 đến 5.000 quân, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể đủ để bảo vệ bốn đến năm khu vực của mặt trận nơi giao tranh đang diễn ra.
“Nhưng lực lượng cần có các tiểu đoàn gần mặt trận, không tập trung ở Tây Ukraine để huấn luyện”, ông cảnh báo, đồng thời nói thêm rằng các đơn vị như vậy sẽ phải cơ động.
“Câu hỏi lớn hơn là, lực lượng này nên làm gì và ngăn chặn như thế nào?”
Ông cũng đặt câu hỏi về những hành động quân sự nào có thể được kích hoạt bởi bất kỳ hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn nào của Nga.
Một số chuyên gia ủng hộ việc để lực lượng Ukraine bảo vệ đường tiếp giáp vừa kể trong khi vẫn duy trì biện pháp răn đe bên ngoài.
Ông Hegseth không nêu rõ rằng quân gìn giữ hòa bình phải được đồn trú bên trong Ukraine nhưng nói rõ rằng họ sẽ không được bảo vệ theo điều khoản phòng thủ chung của NATO, Điều 5.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói với các phóng viên tại Riyadh vào ngày 18/2 rằng sự hiện diện của bất kỳ quân đội nào từ các quốc gia thành viên NATO bên trong Ukraine là không thể chấp nhận được đối với Nga, bất kể họ mang quốc kỳ nào.
Nhưng việc cung cấp biện pháp răn đe từ bên ngoài Ukraine có thể đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan khác đối với người châu Âu, hiện không có vũ khí tầm trung có thể tấn công các mục tiêu của Nga từ xa để trả đũa cho hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn.
Họ cũng không có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Hoa Kỳ có thể cung cấp khả năng răn đe tối hậu chống lại nước Nga sở hữu vũ khí hạt nhân.
No comments:
Post a Comment