Người Đưa Tin hay người đổ lỗi? (Phần 1)Dạ Thảo Phương
20-2-2025
Tiengdan
Tôi trân trọng ghi nhận việc tạp chí Người Đưa Tin đã công khai đăng lời xin lỗi tôi, thừa nhận bài viết “Vợ nhà thơ Lương Ngọc An lần đầu lên tiếng về ồn ào của chồng” đã “không đảm bảo tính khách quan và chính xác”.
Tuy nhiên, họ lại lý giải nguyên nhân sai phạm là “do vụ việc chưa được cơ quan chức năng kết luận”.
VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?
– Làm báo mà cho rằng thông tin sai, không khách quan chỉ vì “chưa có kết luận của cơ quan chức năng” thì chẳng khác nào tự nhận mình chỉ là cái loa, tự phế chức năng phản biện độc lập, vốn là một chức năng cơ bản của báo chí.
– Việc quy hoàn toàn trách nhiệm sai phạm của việc đưa tin “do vụ việc chưa được cơ quan chức năng kết luận” có thể khiến dư luận hiểu nhầm rằng báo chí không có trách nhiệm kiểm chứng trước khi đăng tải, một tạp chí của Hội Luật gia Việt Nam mà có cách tư duy làm báo kiểu này thì quá nguy hại.
– Thực tế, bài viết của Người Đưa Tin đã sai vì đã vi phạm một loạt nguyên tắc đạo đức và nghiệp vụ báo chí, đăng tin giả, không thông qua kiểm chứng, không đảm bảo tính đa chiều, v.v.. (Bài phân tích ở link đi kèm).
Lý do sai phạm thực sự nằm ở chủ quan, cách tạp chí tác nghiệp. Nhưng họ lại ĐỔ LỖI HOÀN TOÀN cho khách quan (“vụ việc chưa được cơ quan chức năng kết luận”).
Tiêu đề lời xin lỗi này, để chính xác với nội dung, nên được cải chính thành “Thông tin đổ lỗi”.
Lời xin lỗi này thực chất là một cách tráo đổi bản chất thật của sai phạm, và là một cách thao túng tâm lý.
NGƯỜI ĐƯA TIN HAY NGƯỜI THAO TÚNG?
Trước đó, trong biên bản chính thức làm việc với luật sư của tôi, tạp chí này đã viết: “xin lỗi bà Phan Thị Thanh Thuý nếu bài viết ảnh hưởng đến cuộc sống của bà”. Đây cũng là một lời xin lỗi kiểu thao túng tâm lý.
Trong bài “Làm sao nhận biết và đáp lại những lời xin lỗi giả” trên trang Psychologytoday, tiến sĩ tâm lý học Molly Howes chỉ ra, những lời xin lỗi có từ “nếu” có ý tạo cảm giác rằng các tổn thương “đã không thực sự xảy ra”. Trong một bài viết khác cũng trên trang này, tiến sĩ Dan Neuharth khẳng định “Những lời xin lỗi có từ “nếu” thường thiếu sự chân thành, vì nó thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm”, và những lời xin lỗi sai cách như thế này “có thể làm bạn còn cảm thấy tồi tệ hơn”.
Bài: “Thế nào là một lời xin lỗi thiếu chân thành” (VNE): “Theo các nhà tâm lý học, ngay cả khi lời xin lỗi có những từ “Tôi xin lỗi”, nhưng sau đó được tiếp tục bằng “nếu” hoặc “nhưng” (ví dụ: Tôi xin lỗi nếu đã gây ra…) thì đó không phải là lời xin lỗi chân thành (…). Ngược lại, một lời xin lỗi chân thành là lời xin lỗi đặt tất cả trách nhiệm lên vai người đưa ra lời xin lỗi, do đó không làm giảm cảm xúc của người bị tổn thương”.
Thao túng tâm lý cũng là thủ thuật đã được họ sử dụng trong chính bài viết “Vợ nhà thơ Lương Ngọc An lần đầu lên tiếng về ồn ào của chồng” (phân tích ở link đi kèm).
Theo bạn, việc Người Đưa Tin liên tục sử dụng các chiêu thức thao túng tâm lý như thế này nói lên điều gì? Lời xin lỗi đúng cách một tờ báo chuyên nghiệp nên đưa ra trong trường hợp này là gì?
_____
– Yêu cầu báo người Đưa Tin đính chính, xin lỗi và bồi thường (FB Dạ Thảo Phương)
No comments:
Post a Comment