Nhiều học sinh bị buộc chia sẻ bài viết bảo vệ phát biểu của Tô Lâm về Kỷ nguyên mới
Cán bộ Đoàn đề nghị các học sinh chia sẻ bài viết trên Facebook để cộng điểm thi đua cho lớp
RFA

Một số học sinh một trường trung học phổ thông ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk bị yêu cầu dùng tài khoản Facebook cá nhân để thích, chia sẻ và bình luận cho một bài viết bảo vệ phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm, mặc dù, các em không hào hứng với điều này.
Bài viết có tựa “KIÊN QUYẾT BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ KỶ NGUYÊN MỚI CỦA DÂN TỘC”, viết về cụm từ “kỷ nguyên mới” hay “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm nhiều lần nhắc đến sau khi nhậm chức Tổng bí thư.
Yêu cầu “khó chịu” từ Đoàn trường
Một học sinh của trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng ở thị xã Buôn Hồ cho RFA biết, trong ngày 18/2, học sinh này nhận được tin nhắn qua điện thoại từ bí thư chi đoàn lớp với yêu cầu chia sẻ và thả tim, ấn nút Like (Thích) cho bài viết mang tựa đề “Kiên quyết bác bỏ luận điệu xuyên tạc về kỷ nguyên mới của dân tộc” trên Facebook Hùng Thiêng Sông Núi.
Bài viết gần 200 chữ trích từ bài viết cùng tên trên trang web của Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản, bảo vệ quan điểm cho rằng “Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một khái niệm hoàn toàn có cơ sở, không mơ hồ như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.”
Theo đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng,
Bài viết cũng nói về mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh gọn bộ máy, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và có các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế-xã hội; và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng như tuyên truyền sâu rộng về chủ trương này.
Nam sinh tên Quang (tên đã được thay đổi vì lý do an ninh) cho biết các đoàn viên bị yêu cầu thực hiện việc chia sẻ và thả tim cho bài viết trước 21 giờ cùng ngày, sau đó chụp lại màn hình bằng điện thoại và gửi cho cán bộ chi đoàn lớp.
Quang nói với RFA trong chiều ngày 19/2:
“Bí thư chi đoàn của lớp yêu cầu đoàn viên chúng em chia sẻ và thích bài viết của Thị đoàn Buôn Hồ về Kỷ Nguyên Mới. Chúng em bị yêu cầu chụp hình và báo cáo trước 21 giờ tối qua.”
Nam sinh này cho biết thêm vì thấy bài viết không hay và “chỉ là phong trào thi đua” nên không làm theo yêu cầu của bí thư chi đoàn lớp.
Một nam sinh khác (giấu tên vì lý do an ninh) cùng trường cho RFA biết đã chia sẻ bài viết trên trang Facebook cá nhân cho dù “thấy khó chịu vì yêu cầu này” và cũng không đọc kỹ nội dung của bài viết.
Tất cả các bạn cùng lớp đã chia sẻ bài viết vì “đây là hoạt động thi đua của lớp” nhưng dường như học sinh không triệt để tuân thủ yêu cầu này, nam sinh này cho hay.
Cả hai học sinh trên đều nói rằng đây là lần đầu tiên họ bị yêu cầu như vậy.
Phóng viên gọi điện theo số điện thoại đăng trên trang Facebook của Đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ở thị xã Buôn Hồ.
Một người tự nhận là hiệu trưởng (nhưng không nêu tên) nói trường không liên quan đến việc yêu cầu học sinh chia sẻ và thả tim bài viết. Ông cũng từ chối cung cấp số điện thoại của bí thư Đoàn trường.
Phóng viên gửi email cho Đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và gửi tin nhắn đến Đoàn TNCSHCM thị xã Buôn Hồ để kiểm chứng thông tin hai học sinh cung cấp ở trên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Yêu cầu chia sẻ, thả tim, bình luận ở khắp Đắk Lắk
Căn cứ vào phần bình luận của bài viết thì việc chia sẻ, thả tim, và bình luận về bài viết trên xảy ra không chỉ ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng mà xảy ra ở nhiều quận/huyện của tỉnh Đắk Lắk.
Trang Facebook Hùng thiêng Tây Nguyên với lời giới thiệu “trang web tin tức & truyền thông” nhưng không rõ thuộc cơ quan nào.
Ảnh chụp màn hình một tin nhắn qua điện thoại của cán bộ cấp trên cho cán bộ cấp dưới do học sinh cung cấp mà phóng viên không thể kiểm chứng độ khả tín, có đề nghị lan tỏa bài viết của Hùng thiêng Tây Nguyên theo đường dẫn https://263.org.vn/httn.
Trang này được giới thiệu là website làm ngắn đường dẫn, tạo mã QR và chuyển hướng trực tiếp đến đường dẫn gốc được kết hợp công cụ đo lường số liệu, dành cho cán bộ Đoàn TNCS sử dụng.
Theo “chỉ đạo ngày 18/2/2025″, ba bước đầu là Nhấn nút “Like” hoặc “thả tim” hoặc để cảm xúc tích cực đối với bài viết; Share (chia sẻ) bài viết đồng loạt trên tất cả các trang, nhóm của đơn vị, Facebook cá nhân đảng viên, cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi; và Comment (bình luận) thể hiện cảm xúc yêu thích, hoặc các nội dung tích cực, hưởng ứng thông tin trong bài viết.
Ba bước trên phải được thực hiện trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 21 giờ của ngày 18/2. Bước cuối cùng là chụp lại màn hình và báo cáo cho cơ quan cấp trên trước 9 giờ sáng ngày hôm sau.
Cũng trong đường dẫn của này có sẵn 36 câu bình luận gợi ý với nội dung ca ngợi Kỷ nguyên mới cùng Tổng Bí thư Tô Lâm, người đầu tiên đưa ra cụm từ trên sau khi trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản vào cuối tháng 8/2024.
Hùng thiêng Tây Nguyên cũng nói các bình luận này để tham khảo và đề nghị “các đơn vị điều chỉnh thêm trước khi chỉ đạo.”
Trang dư luận viên phản bác tuyên bố của ông Tô Lâm
Ông Tô Lâm cải tổ Việt Nam với kế hoạch tái cơ cấu bộ máy chính quyền
Tô Lâm toan tính giành trọn nhiệm kỳ trên đỉnh cao quyền lực
Tương tác bất thường
Bài viết của Hùng thiêng Tây Nguyên được đăng tải vào lúc 15 giờ 40 ngày 18/2, và cho tới 18 giờ ngày hôm sau có 1.500 like, 1.500 bình luận và 1.900 lượt chia sẻ- một sự tương tác tăng đột biến so với các bài đăng khác.
Trong bài viết này có bình luận từ những trang Facebook có tên Đoàn TNCSHCM ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana), Liên đội TH Bế Văn Đàn của huyện Cư Kuin, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Tây Nguyên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Xã Bình Hoà (huyện Krông Ana), Đoàn Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Cư M’gar), Đoàn Cơ Sở Chi Nhánh Nông Trường 19/8…
Trong bài viết này cũng có hàng trăm bình luận từ Facebook cá nhân, tuy nhiên, đa phần là những danh khoản không có hoặc có rất ít bài viết, hoặc bị khoá trang cá nhân.
Theo quan sát của phóng viên, bình luận được sử dụng nhiều nhất là “Bài viết rất ý nghĩa” hay “Bài viết rất hay.” Nhiều bình luận gợi ý trong trang 263 cũng xuất hiện dưới bài đăng.
Yêu cầu chia sẻ ở các địa phương khác?
Dường như việc yêu cầu chia sẻ bài viết tương tự không chỉ xảy ra ở Đắk Lắk mà còn ở nhiều địa phương khác.
Danh khoản Facebook Tuổi Trẻ Đà Nẵng và Tuổi Trẻ Tây Đô của Thành đoàn Đoàn TNCSHCM thành phố Cần Thơ chia sẻ bài viết có nội dung y hệt bài viết trên Hùng thiêng Tây Nguyên, và là một đoạn trích trong bài viết hơn 2.000 chữ cùng tựa đề trên trang Facebook Sống Xanh, một danh khoản Facebook có 64 ngàn người theo dõi với khẩu hiệu “Lan tỏa thông tin tích cực, phản bác thông tin xấu độc - Vì một cuộc sống xanh.”
Bài viết đăng tải trên Sống Xanh đầu giờ chiều ngày 18/2, và vào tối hôm sau đã có 11 ngàn lượt thích, gần chín ngàn bình luận và 12 ngàn lượt chia sẻ so với số lượng tương tác không quá mười của các bài viết khác.
Trong số những danh khoản tương tác là nhiều tổ chức thanh niên và Đoàn TNCSHCM ở nhiều tỉnh thành của cả ba miền. Phần đông những bình luận mang tính hình thức như “Bài viết rất thuyết phục” hay “Bài viết ý nghĩa.”
Phóng viên gửi email tới một số tổ chức có bình luận trong bài viết của Sống Xanh hoặc chia sẻ bài viết này với đề nghị cho biết thêm thông tin về vụ việc, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trong trang Facebook của Trung ương Đoàn TNCSHCM cũng như trang thông tin điện tử của tổ chức này không thấy nhắc đến bài viết này.
Bình luận về “phong trào chia sẻ, thả tim” cho bài viết mang tính tuyên truyền cho chế độ độc đảng, nhà báo Nam Việt từ Sài Gòn cho biết người quen của ông trong cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp nhà nước có cổ phần, mọi nhân viên đều bị hối thúc tham gia tương tác ủng hộ các chủ trương của đảng và nhà nước.
Ông nói với RFA trong tin nhắn:
“Nhiều nơi còn có quy chuẩn về số like và bình luận của mỗi tháng, ai làm dưới mức đó thì có thể bị đánh giá về mặt đạo đức.
“Trong hàng ngàn bình luận cổ võ, thả tim... cho các yêu cầu trên, thực tế có những thứ mà người tham gia cũng chẳng hiểu nội dung nó là gì."
No comments:
Post a Comment