Sunday, February 23, 2025

Tăng trưởng cao phải dựa trên điều kiện tiên quyết là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô
Nguyễn Thế Anh
22-2-2025
Tiengdan
23/02/2025

Những ai từng học các khoá kinh tế vĩ mô nâng cao (advanced macroeconomics) trong các chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ kinh tế ở các nước phát triển đều biết rằng, các lý thuyết giải thích chu kỳ kinh tế của phái Tân Cổ điển (New Classical) hay Keynes Mới (New Keynesian) đều kết luận rằng chỉ có những thay đổi mang tính bất ngờ của chính sách tiền tệ mới làm thay đổi được sản lượng hay GDP thực, còn những thay đổi mà công chúng biết/ dự đoán được trước thì chỉ làm thay đổi giá cả (lạm phát).

Thế nên, để đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn trong NGẮN HẠN, các lý thuyết này khuyên các nhà hoạch định chính sách nên âm thầm mở rộng tiền tệ/ tín dụng một cách kín đáo, thay vì tung trên mạng xã hội rằng chúng tôi sẽ làm như vậy.

Lý do đơn giản là khi tin vào những thông điệp mở rộng tiền tệ hay chấp nhận lạm phát cao hơn được công bố rộng rãi của các nhà hoạch định chính sách, những cá nhân có lý trí (rational) sẽ điều chỉnh hành vi của mình theo những công bố đó. Khi biết chắc rằng lạm phát sẽ cao hơn, ai sẽ là người chấp nhận gửi tiền kỳ hạn dài với mức lãi suất 5%? Ai sẽ chấp nhận mức lương cố định theo các hợp đồng lao động dài hạn? Ai sẽ chấp nhận cho thuê nhà đất với mức giá cố định dài hạn? Ai sẽ chấp nhận cố định giá bán hàng hoá theo các hợp đồng mua bán dài hạn?…

Không ai cả. Người cho vay sẽ đòi tăng lãi suất, người lao động sẽ đòi tăng lương, người cho thuê nhà/ đất đòi tăng giá thuê, người bán sẽ đòi tăng giá hàng hoá và dịch vụ… Hay chí ít, những người này sẽ sử dụng các thoả thuận ngắn hạn, thay vì dài hạn, về mức giá cho tới khi nó thực sự tăng. Tất cả những hành vi này sẽ khiến việc mở rộng tiền tệ chỉ làm tăng mọi loại giá cả trong nền kinh tế trong dài hạn mà không làm tăng sức mua thực của người dân.

Tuy nhiên, việc cam kết giữ lạm phát ở mức thấp nhưng lại âm thầm mở rộng tiền tệ/ tín dụng chỉ “đánh lừa” được công chúng trong NGẮN HẠN. Công chúng sẽ sớm nhận ra sự bất nhất (inconsistency) giữa hành động và lời nói của các nhà điều hành chính sách. Điều này sẽ khiến uy tín (credibility) của họ bị giảm sút, công chúng sẽ không tin vào những cam kết/công bố của họ. Chính sách tiền tệ lúc đó sẽ mất hoàn toàn hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP thực.

In tiền, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để trở thành nước thu nhập cao không bao giờ là biện pháp khả thi ở bất kì đâu và khi nào (Dễ thế không có nước nào nghèo và lạc hậu cả). Hậu quả cuối cùng của nó chỉ là lạm phát cao hơn, bất bình đẳng lớn hơn, môi trường kinh tế và xã hội bất ổn hơn.

Tăng trưởng cao phải dựa trên điều kiện tiên quyết là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát và lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, hệ thống tài chính lành mạnh, nợ công bền vững). Điều đó chỉ có thể đạt được thông qua các chính sách cải thiện năng lực cạnh tranh của một quốc gia.

No comments:

Post a Comment