Tôi không kiến nghịTạ Duy Anh
23-2-2025
Tiengdan
Xin nói trước những gì tôi sắp viết không phải là kiến nghị sửa luật. Tôi thừa kinh nghiệm để không chuốc họa từ những góp ý, dù chân thành đến đâu đi nữa. Tôi chỉ kể lại những gì đang diễn ra, có liên quan đến quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, để may ra có ai đó cùng nghĩ ngợi như mình.
Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ quy định đã lái xe thì cấm uống rượu, dù chỉ một chút.
Nhưng hóa ra cuộc sống nảy sinh rất nhiều tình huống bi hài, từ quy định nồng độ cồn zero mà chính tôi đã cổ vũ.
Sau đây chỉ là hai trong số hàng trăm tình huống như vậy.
Tôi được mời ăn trưa, tại một nhà hàng Pháp. Trời đẹp, đang kỳ kiêng rượu, lại đã lâu không ra phố nên tôi quyết định đi xe máy. Nhưng món chính của bữa trưa hôm đó là bò sốt vang kiểu Pháp, ăn với bánh mì baguette cũng nhập tươi từ Pháp (nghe bảo vậy), là món khoái khẩu của tôi.
Thế mà suốt bữa tôi chỉ ăn những món phụ. Khi chủ bữa tiệc phát hiện ra và gặng hỏi, tôi mới nói lý do là nếu ăn, lát nữa ra đầu phố, bị kiểm tra nồng độ cồn, tôi sẽ bị phạt gần mất tháng lương hưu. Tiền phạt, tất nhiên quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tôi không muốn mang tiếng làm trái với chính những gì mình yêu cầu ở người khác.
Hôm mới đây cơ quan cũ mời đi du xuân. Lâu ngày không gặp mấy ông bạn rượu một thời, tôi hăng lên uống mấy ly whiskey. 20 tiếng sau, tức đã qua một đêm, khi bà xã nhờ tôi đưa sang thăm cháu nội bên Gia Lâm, tôi bảo bà ấy gọi taxi. Lúc đầu vợ tôi tỏ ra khó chịu, tưởng tôi giận dỗi gì. Nhưng khi tôi khai thật là trưa hôm trước có uống mấy ly rượu mạnh, thì bà hiểu ra ngay. Bởi cho dù sau 20 tiếng, lượng rượu vẫn có thể còn rớt lại trong máu, như cảnh báo của ông dược sĩ nhà văn Trần Thanh Cảnh. Nếu tôi lái xe mà gặp cảnh sát đòi đo nồng độ cồn, ví của bà ấy bay đi chục triệu đồng là ít.
Ngồi trên xe taxi, gặp bác tài hay chuyện, tôi kể lại lý do tôi gọi taxi chứ không đi xe nhà. Bác tài bảo tôi làm thế là quá tỉnh táo.
– Bọn em mà trót ăn nhậu hôm trước, là hôm sau cũng nghỉ việc ở nhà, dù biết rõ mình hoàn toàn tỉnh táo, không ảnh hưởng tí gì đến việc lái xe. Nhưng nếu đo nồng độ cồn thì kiểu gì cũng vẫn “dính”, ác thế chứ. Làm cật lực một ngày được triệu bạc, dính đo nồng độ cồn, coi như nửa tháng làm không công thì nghỉ cho nó lành.
Đến lượt tôi khen ông tài làm thế là tỉnh táo.
Nhưng rồi suốt đoạn đường gần 10km cứ không thoát phải nghĩ ngợi.
Có bao nhiêu người gặp cảnh ngộ như tôi? Có bao nhiêu người phải lựa chọn nghỉ việc không cần thiết như trường hợp bác tài tôi đang nói tới? Chúng ta hoan nghênh ý thức chấp hành luật của họ. Nhưng có cách nào để một lượng lao động khỏe mạnh, không hề nhỏ, đang đóng vai trò chính làm ra của cải, góp phần tạo an sinh xã hội không rơi vào bi kịch ấy?
Tôi bèn nhớ đến một lần vào quán ăn ở Đài Loan. Chúng tôi chọn bia làm đồ uống. Nhưng chủ quán vẫn mang loại ly chỉ dùng để uống rượu trong các quán ăn ở Việt Nam. Chúng tôi hỏi thì mới biết, họ dùng ly đó vì cánh lái xe. Hóa ra ở Đài Loan, một người chỉ uống hai ly bia (loại ly “tiêu chuẩn” tôi vừa nói), thì anh ta hoàn toàn có thể yên tâm lái xe mà không sợ bị phạt. Tất nhiên quá 2 ly, hoặc thay bia bằng 2 ly rượu, thì anh ta chỉ nên tự trách mình.
Và nó không chỉ là quy định cảm tính, tùy tiện. Nó được dựa trên những nghiên cứu khoa học nghiêm túc.
No comments:
Post a Comment