Sunday, February 23, 2025

Cuộc khủng hoảng tên lửa đầu tiên của thế kỷ sẽ là ở châu Á
Nguồn: Jennifer Kavanagh và Ankit Panda, “The Century’s First Missile Crisis Is Coming in Asia,” Foreign Policy, 18/02/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
23/02/2025
NghiencuuQT

Washington cần ngay lập tức thực hiện các bước để tránh thảm họa.

Tên lửa là trung tâm của các xung đột toàn cầu ngày nay. Phần lớn năm 2024 đã được dành để tranh luận về rủi ro leo thang chiến tranh khi Ukraine được phép bắn tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất vào các mục tiêu bên trong nước Nga. Ở Trung Đông, các cuộc tấn công bằng tên lửa có nguy cơ cao của Iran vào lãnh thổ Israel và cuộc phản công dữ dội của Israel đã làm lu mờ – nhưng không làm chậm lại – các cuộc tấn công bằng tên lửa gần như hàng ngày của lực lượng Houthi ở Yemen nhắm vào các tàu ở Biển Đỏ.

Trong khi thế giới đang tập trung vào những cuộc đối đầu chết người này, thì mối đe dọa tên lửa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ lại đang diễn ra ở châu Á. Tại đây, việc Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô – hiệp ước cấm Mỹ và Liên Xô triển khai bất kỳ tên lửa hạt nhân hoặc phi hạt nhân nào phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km – chấm dứt vào ngày 02/08/2019 đã dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang âm thầm trong một khu vực vốn đã căng thẳng. Trong lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu xem xét lại nền quốc phòng Mỹ, họ cũng nên chú ý đến điều này.

Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, quân đội Mỹ đã tích cực nắm bắt những cơ hội mà sự sụp đổ của Hiệp ước INF mở ra ở châu Á bằng cách phát triển, thử nghiệm, và triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất mới mà trước đây từng bị cấm.

Nhưng khi các tên lửa mới bắt đầu xuất hiện trong khu vực, chúng cũng mang theo nhiều rủi ro không lường trước được. Các phản ứng đối phó từ các đối thủ, nhiều khả năng bao gồm cả leo thang hạt nhân, có thể khiến Mỹ và các đồng minh của mình trở nên kém an toàn hơn ngay cả khi các hệ thống vũ khí tầm xa sẽ hữu ích trong một cuộc đụng độ trong tương lai với Trung Quốc.

Đã đến lúc người Mỹ phải suy nghĩ lại một cách chiến lược về những gì họ có thể được và mất trong một cuộc khủng hoảng – hoặc một cuộc chiến – khi sử dụng những vũ khí này. Nói một cách đơn giản, việc triển khai tên lửa mới quan trọng đến mức không thể chỉ để các nhà hoạch định quân sự quyết định.

Hiệp ước INF ra đời nhằm xoa dịu nỗi lo về hạt nhân ở châu Âu, nhưng nó lại có những tác động nghiêm trọng ở châu Á, đặc biệt là khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự. Nó khiến các nhà hoạch định quân sự Mỹ trong khu vực bị tê liệt vì, sau khi hoạt động bên ngoài giới hạn của INF vốn đã có hiệu lực 32 năm, Trung Quốc đã tích lũy được một kho tên lửa đáng gờm, bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm trung như DF-17, DF-21 và DF-26.

Tuy nhiên, ngày nay, tình hình kho tên lửa châu Á đã thay đổi đáng kể. Khi không còn Hiệp ước INF, các chương trình tên lửa phi hạt nhân tầm xa mới đã nhanh chóng xuất hiện ở Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc và Triều Tiên vẫn tiếp tục tăng tốc và phát triển kho vũ khí tên lửa của họ. Cuối cùng, các đồng minh của Mỹ trong khu vực – Hàn Quốc, Nhật Bản, và Australia – cũng đang theo đuổi các hệ thống tên lửa mới của riêng mình, khi nhận ra rủi ro chiến tranh ngày càng tăng và lo sợ sự hỗn loạn chính trị ở Washington sẽ ảnh hưởng đến khả năng tự vệ của họ.

Tại Mỹ, Lục quân đã dẫn đầu về tên lửa phóng từ mặt đất, dù Thủy quân Lục chiến cũng đã thử nghiệm các chương trình mới. Khi các cuộc chiến chống nổi dậy sau vụ tấn công ngày 11/09/2001 dần lắng xuống, Lục quân Mỹ đặc biệt hoan nghênh việc chấm dứt Hiệp ước INF vì nó trao cho lực lượng này một vai trò rõ ràng hơn trong một cuộc chiến thông thường có thể xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Lục quân đã nhanh chóng tận dụng mọi tiến bộ công nghệ để phát triển và triển khai các khả năng mới.

Lục quân Mỹ hiện tập trung vào ba nỗ lực chính: Tên lửa Tấn công Chính xác, ban đầu có tầm bắn khoảng 500 km; hệ thống Typhon tầm trung, có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km; và Vũ khí Siêu thanh Tầm xa (còn được gọi là Dark Eagle), hiện vẫn đang trong quá trình phát triển.

Họ cũng không mất nhiều thời gian để đưa các hệ thống mới đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ví dụ, họ đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung mới của mình đến Philippines vào mùa hè năm 2024, và thời gian tên lửa lưu trú tạm thời để tham gia các cuộc tập trận chung đã được kéo dài vô thời hạn. Thủy quân Lục chiến đã hành động chậm hơn, tập trung nỗ lực vào Tên lửa Tấn công Hải quân tầm ngắn. Họ cũng đang đầu tư vào một hệ thống được gọi là Đơn vị Mặt đất Điều khiển Từ xa cho Hỏa lực Viễn chinh, vốn có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ mặt đất.

Tuy nhiên, tiến bộ về mặt kỹ thuật và hoạt động của quân đội Mỹ còn đi kèm một cảnh báo quan trọng. Điều đáng lo ngại là nó đã diễn ra mà không có một chiến lược chính trị hoặc quân sự bao quát nào để hướng dẫn những lựa chọn đang nhanh chóng trở thành lựa chọn có rủi ro cao, về nơi các hệ thống này nên được triển khai và cách chúng nên được sử dụng.

Đôi khi, quyết định của quân đội Mỹ – và đặc biệt là Lục quân – dường như đi trước cả các nhà hoạch định chính sách ở Washington và các thủ đô nước ngoài. Ví dụ, vào năm 2022, trong một phiên điều trần, các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ đã nêu quan ngại rằng Lục quân đã đầu tư quá nhiều vào tên lửa phóng từ mặt đất dành cho châu Á mà không có các thỏa thuận ngoại giao cần thiết để sử dụng các năng lực mới trong khu vực này trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Khi đó, Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth thừa nhận thách thức này nhưng lập luận rằng, “Tôi không nghĩ chúng ta nên đợi đến khi ký xong các thỏa thuận ngoại giao mới phát triển các loại hệ thống vũ khí cần thiết cho một cuộc xung đột trong tương lai.”

Tuy nhiên, một rủi ro lớn đã không được xem xét kỹ lưỡng, đó là việc quyền tiếp cận cần thiết có thể không bao giờ được cấp, khiến Lục quân (và ở một mức độ thấp hơn là Thủy quân Lục chiến) dù nắm trong tay các hệ thống tên lửa và đạn dược đắt tiền nhưng lại hầu như vô dụng khi chiến tranh nổ ra.

Lục quân Mỹ cũng có vẻ không đồng bộ với các đồng minh trong khu vực. Khi Mỹ tuyên bố rằng họ hy vọng triển khai tên lửa tầm trung của mình đến Tây Nam Nhật Bản để tập trận quân sự, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nhanh chóng làm rõ rằng việc triển khai vũ khí sẽ không diễn ra trong tương lai gần, có thể là do lo ngại phản ứng dữ dội từ nền chính trị trong nước hoặc sự trả đũa từ Bắc Kinh.

Trong một bài viết cùng với Trung tá Sarah Starr, cựu chỉ huy lực lượng Lục quân Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tướng Charles A. Flynn, đã công khai thừa nhận sự quan tâm của mình với việc biến các đợt triển khai tên lửa tạm thời trong khu vực thành các đợt triển khai lâu dài – có lẽ là mục tiêu cuối cùng của hệ thống Typhon tại Philippines. Người kế nhiệm Flynn, Tướng Ronald P. Clark, có thể sẽ theo đuổi một chiến lược tương tự.

Sự háo hức của Lục quân Mỹ trong việc đưa các khả năng tên lửa mới đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chắc chắn mang lại lợi ích cho hoạt động quân sự, nhưng cũng có rủi ro nhất định. Dù sự sẵn có của các tên lửa mới sẽ giúp tăng cường hỏa lực hỗ trợ các mục tiêu quân sự của Mỹ trong một cuộc khủng hoảng, nhưng nó cũng có thể khuyến khích các cuộc tấn công vào các đồng minh sở hữu các hệ thống như vậy.

Ví dụ, nếu Nhật Bản hoặc Philippines sở hữu hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ, thì khả năng Trung Quốc nhắm vào hai nước này trong bối cảnh một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ tăng cao. Đáng chú ý là vẫn chưa có sự củng cố đáng kể nào cho hệ thống phòng không của Mỹ tại các quốc gia đồng minh để bù đắp cho rủi ro do các đợt triển khai tên lửa mới gây ra.

Hơn nữa, nếu không có khuôn khổ chiến lược rộng hơn, ý định đằng sau những đợt triển khai này có thể khiến người ta nghĩ đến kịch bản tồi tệ nhất ở Trung Quốc, Triều Tiên, và thậm chí là Nga, nơi có thể thấy một số vùng ở Viễn Đông của mình nằm trong tầm bắn của tên lửa mới của Mỹ.

Rốt cuộc thì răn đe không chỉ xuất phát từ năng lực. Về bản chất, răn đe là hành động giao tiếp với đối thủ. Việc trấn an các quốc gia rằng hệ thống tên lửa này sẽ không được sử dụng cho các cuộc tấn công phủ đầu hoặc thậm chí là phòng ngừa leo thang, bao gồm cả chống lại các nhà lãnh đạo quốc gia hoặc lực lượng hạt nhân của họ, là một nhiệm vụ khó khăn. Giống như các nhà hoạch định chính sách Mỹ thường chỉ dựa vào khả năng của đối phương mà bỏ qua ý định của họ, các quốc gia này cũng sẽ xem sự thay đổi trong tư thế tên lửa của Mỹ và đồng minh là nguồn gốc của sự bất an.

Đây không chỉ là những vấn đề bí mật ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng và mua sắm – chúng còn có thể gây ra rủi ro chiến tranh hạt nhân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nếu vũ khí tầm trung mới được Mỹ sử dụng, thì nhiều khả năng đó sẽ là trong bối cảnh của một cuộc chiến thông thường dữ dội. Dù mục tiêu của quân đội Mỹ có thể chỉ là đạt được lợi ích chiến thuật, nhưng trong chiến tranh, việc tấn công các căn cứ quân sự có cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường – hoặc vào các cơ sở hỗ trợ các chức năng chỉ huy và kiểm soát quân sự – vẫn có thể bị đối phương hiểu lầm là đang nhắm vào khả năng hạt nhân hoặc thậm chí là lãnh đạo của họ.

Dù mục tiêu của quân đội Mỹ có thể chỉ là đạt được lợi ích chiến thuật, nhưng nếu không có sự giao tiếp rõ ràng về việc triển khai tên lửa mới, Mỹ có nguy cơ làm gia tăng nỗi sợ hãi ở Trung Quốc và Triều Tiên, theo đó làm tăng khả năng một trong hai quốc gia này, hoặc cả hai, sử dụng vũ khí hạt nhân có chủ đích. Xét đến những rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra, các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ, chứ không phải là các nhà hoạch định quân sự, nên là những người cung cấp hướng dẫn chiến lược cho quân đội và đưa ra quyết định về việc triển khai loại tên lửa nào, cũng như khi nào và ở đâu.

Vấn đề càng thêm phức tạp do vai trò của các đồng minh của Mỹ. Hàn Quốc từ lâu đã tìm cách chế tạo và tích trữ những tên lửa có khả năng tấn công các bệ phóng và năng lực hạt nhân của Triều Tiên, trong khi Nhật Bản, sau một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng quốc gia hai năm trước, đang bắt đầu áp dụng các khả năng “phản công” có thể làm được điều tương tự đối với Trung Quốc.

Mỹ nên đảm bảo rằng mình và các đồng minh có cùng quan điểm về loại mục tiêu có thể bị tấn công trong chiến tranh. Các đồng minh được trang bị vũ khí tốt sẽ là lợi thế, nhưng một đồng minh gây ra sự leo thang không mong muốn bằng cách tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc hoặc Triều Tiên sẽ không phù hợp với mục tiêu của Mỹ.

Tình hình tên lửa thay đổi của châu Á đòi hỏi Mỹ phải có tư thế cảnh giác hơn, nhưng Washington không nên mơ màng trong các đợt triển khai mới. Với nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân luôn hiện hữu, các nhà lãnh đạo dân sự Mỹ cần bắt đầu một cuộc đối thoại chiến lược nghiêm túc trong nước và với các đồng minh trong khu vực về các giá trị và rủi ro liên quan đến các dòng tên lửa mới và việc sử dụng chúng. Một vài cuộc trò chuyện đã bắt đầu dưới thời chính quyền Biden với Hàn Quốc, Nhật Bản, và Australia, và chính quyền Trump nên xây dựng dựa trên những nỗ lực này.

Dù răn đe vẫn cần thiết và có giá trị, nhưng Mỹ nên tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Trung Quốc và với Triều Tiên, nếu có thể, về những rủi ro đang âm ỉ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nguyên tắc cơ bản chi phối sự thay đổi trong cách tiếp cận sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á nên là làm mọi cách có thể để tránh xung đột không mong muốn, đồng thời giảm thiểu những rủi ro không cần thiết.

Jennifer Kavanagh là giám đốc phân tích quân sự và là nghiên cứu viên cấp cao tại Defense Priorities. Bà cũng là giáo sư tại Đại học Georgetown.

Ankit Panda là nghiên cứu viên cấp cao của Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington. Ông là tác giả cuốn sách “Kim Jong Un and the Bomb: Survival and Deterrence in North Korea.


No comments:

Post a Comment