Sunday, February 23, 2025

Cuộc mặc cả thế kỷ giữa Trump và Putin, cơn ác mộng cho Ukraina và châu Âu
Thụy My
Đăng ngày: 23/02/2025 - 01:09
RFI

Le Point nhắc lại hồi năm 1938, Churchill đã đả kích thủ tướng Anh Chamberlain sau khi ký hiệp ước Munich với Hitler : « Ông có sự chọn lựa giữa chiến tranh và sự ô nhục, ông đã chọn ô nhục và nay ông có cả chiến tranh ». Năm 2025, sau một sự đầu hàng mới, Hoa Kỳ nhận lãnh ô nhục nhưng chính châu Âu phải chịu đựng chiến tranh.

Người biểu tình mang mặt nạ tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin trước cổng Brandenburg ở Berlin, Đức ngày 20/02/2025. REUTERS - Lisi Niesner

Một tuần lễ với những thay đổi đến chóng mặt từ bên kia Đại Tây Dương, là mối quan tâm chính của các tuần báo lớn châu Âu. Trên trang bìa Courrier International là hình vẽ hai ông Donald Trump và Vladimir Putin trong chiếc áo choàng đen phù thủy ngồi trước bàn cờ, ngoài xa xa là lá cờ Ukraina và châu Âu, chạy tít « Ukraina : Châu Âu bị loại ra ngoài cuộc chơi ». Tương tự, với hình ông Trump và Putin đang đối thoại, L’Express nhận định « Ukraina : Châu Âu lép vế ». The Economist chọn hình vẽ trang bìa là chiếc bàn dài nổi tiếng của ông chủ điện Kremlin được tô màu đen trên nền đỏ, ở đầu mút là Trump và Putin, nhấn mạnh đây là « Cơn ác mộng tồi tệ nhất của châu Âu ».

Cũng với ảnh ghép giữa tổng thống thứ 47 của Mỹ và nhà độc tài ở Matxcơva, Le Nouvel Obs chạy tựa trang bìa « Ukraina : Cuộc mặc cả vĩ đại ». La Croix Hebdo ra số đặc biệt về Ukraina, Le Point đăng chân dung tổng thống Volodymyr Zelensky đầy ưu tư với dòng tít lớn động viên « Hãy đứng vững ! »

Cơn ác mộng tồi tệ nhất cho Zelensky

Le Point nhận định, không có cơn ác mộng nào tệ hại hơn cho tổng thống Zelensky. Bị Mỹ bỏ rơi trong khi châu Âu chưa thể trợ giúp, không được tham dự cuộc thương lượng giữa Trump và Putin, bị đặt trước chuyện đã rồi, dưới áp lực chiến trường, tổng thống Ukraina vẫn tìm được sức lực để từ chối đề nghị về đất hiếm của phía Mỹ. Ông quá đơn độc trong đêm đen vô tận.

Tại Munich, đại biểu những nước vẫn coi Hoa Kỳ là đồng minh choáng váng. Mặc cho chiến tranh thương mại, tham vọng của Trump về Groenland, Canada, Panama, nhiều người vẫn còn hy vọng. Rồi đến loan báo cuộc gặp Mỹ-Nga không có Ukraina lẫn châu Âu, và chiếc búa tiếp theo giáng xuống là những cáo buộc của JD Vance.

Trong một thời gian quá lâu, châu Âu lo cho phúc lợi xã hội thay vì quốc phòng, ngỡ rằng hòa bình vĩnh viễn được người Mỹ bảo vệ. Đến nỗi quân đội Anh chỉ có đạn đủ dùng trong vài ngày, Pháp không thể bảo vệ một chiến tuyến xa quá 80 km, Đức không đủ trang bị. Ngay từ 2007 Putin đã có những tuyên bố thù địch với phương Tây, 2008 đã tấn công Gruzia, nhưng 17 năm sau châu Âu vẫn chưa tỉnh giấc.

Việc Washington thông báo nói chuyện tay đôi với Matxcơva không chỉ thô bạo mà còn nguy hiểm : Làm tinh thần của những người lính đã chiến đấu anh dũng với kẻ địch mạnh hơn suốt ba năm qua có thể xuống thấp, gây chia rẽ trong các nước NATO khiến Putin được thể dấn tới. Và nhất là chưa đàm phán đã dâng lên tận miệng tất cả những gì mà Nga đòi hỏi, thậm chí còn nhiều hơn.

Bị Mỹ bỏ rơi trước Putin hiếu chiến : Thách thức lịch sử  

Donald Trump muốn hành động nhanh, nên sẵn sàng nhượng bộ mọi thứ, thậm chí bỏ rơi khu vực Đông Âu. Ngoại trưởng Litva, Gabrielus Langsbergis nhận xét trên Le Point, Trump không thể đơn phương hứa với Putin không mở rộng NATO, vì như vậy cần có sự đồng ý của tất cả thành viên. Nhưng ông ta có thể rút quân Mỹ khỏi sườn đông, cũng đủ tạo ra tác động tương tự.

Con đường thênh thang mở ra cho kẻ săn mồi Vladimir Putin, tình hình còn có thể tệ hơn cả Munich 1938. Hồi đó hai thủ tướng Chamberlain của Anh và Daladier thỏa hiệp để có thời gian tái vũ trang, nhưng đã sai khi nghĩ rằng tặng một mảnh của Tiệp Khắc cũng đủ để con quái vật quốc xã hài lòng. Ngày nay ngược lại, Hoa Kỳ có sức mạnh vô song chẳng việc gì phải sợ Matxcơva – quân đội Nga đánh mãi ba năm qua vẫn không khuất phục được Kiev.

Nhưng tổng thống Mỹ chừng như lại thích Vladimir Putin với sự cai trị độc tài, khả năng thao túng bầu cử để tại vị hầu như vĩnh viễn, làm giàu cho bản thân và phe của ông ta. Cũng có thể Donald Trump muốn tách Nga khỏi liên minh với Trung Quốc, nhưng Tập và Putin quá cần nhau để giữ vững chế độ. Đối với châu Âu, sự hiếu chiến của Vladimir Putin cộng với sự bỏ rơi của Hoa Kỳ là mối đe dọa cho sự tồn vong. Để tồn tại, châu lục phải chứng tỏ mạnh mẽ và đoàn kết – một nhiệm vụ lịch sử vô cùng nặng nề.

Chuẩn bị chiến tranh để có hòa bình

Le Nouvel Obs ngậm ngùi, đã ba năm rồi ! Ba năm kể từ cái ngày đáng nguyền rủa 24/02/2022, khi Vladimir Putin khởi động cuộc chiến tranh tổng lực, đẫm máu và tàn bạo trên lãnh thổ nước láng giềng Ukraina. Mọi người đều nhớ câu trả lời dũng cảm của Volodymyr Zelensky khi người Mỹ đề nghị chạy trốn : « Tôi cần đạn dược chứ không cần một chiếc taxi ». Người Ukraina lao vào cuộc chiến đấu vệ quốc với lòng can trường chưa từng thấy.

Châu Âu sau sự sững sờ ban đầu, đã nhất trí trừng phạt Putin, hỗ trợ cho Kiev. Ba năm sau, cần nhận ra một thực tế : châu Âu không biết nắm lấy cơ hội thời Joe Biden để trợ giúp đúng mức Ukraina. Còn giờ đây Donald Trump không chỉ hành xử như mafia, đòi Volodymyr Zelensky dâng nạp nguồn đất hiếm để được bảo kê, mà còn muốn nói chuyện trực tiếp với Vladimir Putin – một món quà cột nơ đỏ lộng lẫy « không mơ thấy nổi » cho kẻ đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã. Ukraina không thể quay lại với đường biên giới trước 2014, không được gia nhập NATO…một loạt đòn bẩy để thương lượng bị đơn phương hủy bỏ ngay cả khi chưa bước vào đàm phán.

Zelensky, Putin, Trump : Người tốt, kẻ ác và ông trùm tham gia một cuộc mặc cả bi kịch trong khi cuộc tàn sát tiếp diễn. Phía Ukraina, Wall Street Journal cho rằng có 80.000 chiến sĩ hy sinh còn phía Nga thì tình báo Anh đánh giá số thiệt hại nhân mạng lên đến 200.000. Tất nhiên ai cũng muốn hòa bình, nhưng một thỏa thuận tồi theo kiểu Trump có thể cổ vũ Putin lại tấn công các láng giềng, thậm chí đe dọa toàn châu Âu. Vẫn phải quay lại với câu ngạn ngữ la-tinh « Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh ». Phải chăng nên tịch thu hẳn các tài sản Nga đang bị đóng băng ở các ngân hàng, thay vì chỉ sử dụng tiền lời, và cùng đi vay 500 tỉ đô la cho quốc phòng, xây dựng một quân đội châu Âu ? Châu lục phải chủ động với định mệnh của mình.

Chỉ có thể nói « Không ! » nếu trong thế mạnh

L’Express nhắc lại câu nói của Henry Kissinger lúc sắp trở thành ngoại trưởng Hoa Kỳ năm 1970. « Châu Âu có số điện thoại nào ? ». Nửa thế kỷ sau, Donald Trump chẳng buồn gọi cho bà Ursula von der Leyen, nhưng trò chuyện một tiếng rưỡi đồng hồ với đồng chí Vladimir Putin để quyết định số phận của Ukraina, coi châu Âu như không hiện hữu.

Hồi tháng Tám 2022, trả lời L’Express sau sáu tháng chiến đấu, Volodymyr Zelensky khẳng định mục tiêu tái lập đường biên giới cũ. Người cựu diễn viên hài trở thành nhà lãnh đạo chiến tranh bày tỏ lo ngại phương Tây sẽ mệt mỏi trước một cuộc chiến có nguy cơ kéo dài. Ba năm sau, mối lo thành sự thật, và « Chú Sam » hay đúng hơn là « Bác Trump » chuẩn bị từ biệt. Tổng thống 47 của Mỹ mơ đến giải Nobel hòa bình, nay hòa bình có thể trong tầm tay nhưng thật thảm hại !

Phải chăng đã quá trễ ? Hồi tiếp theo đã có thể hình dung, nhà độc tài Putin nung nấu trả thù, sẽ không tha Gruzia, Moldova, các nước Baltic hoặc Ba Lan…Châu Âu, được tặng giải Nobel hòa bình hồi tháng 12/2012, phải tỉnh thức, vào lúc mạng xã hội do Mỹ thống trị, có sự can thiệp của Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Nhưng để nói không trước Washington và Matxcơva, cần có sức mạnh kinh tế và quân sự.

Châu Âu cần « thoát khỏi ảo tưởng nguy hiểm là mình yếu »

Châu Âu phải phản ứng thế nào trước việc Trump và Putin phá hoại trật tự quốc tế sau Đệ nhị Thế chiến, là vấn đề cũng được The Economist đặt ra. Châu lục vừa trải qua một tuần lễ đen tối nhất kể từ sau khi bức màn sắt sụp đổ. Ông Trump cáo buộc Ukraina « gây chiến », nói tổng thống Volodymyr Zelensky là « nhà độc tài », và lại còn có ý định tái lập quan hệ với Vladimir Putin trong một cuộc họp thượng đỉnh long trọng. Ở Trump Tower hay quảng trường Đỏ chăng ?

Nga là một cỗ máy chiến tranh sở hữu số vũ khí nguyên tử lớn lao, nhưng là một nền kinh tế trung bình đang xuống dốc. Châu Âu cần ý thức được thế mạnh của mình. Dù tăng trưởng chậm, nhưng châu lục vẫn là người khổng lồ kinh tế và thương mại, có nhân tài đông đảo và có kỹ năng ; nay cần phải gia tăng sức mạnh quân sự. Trong một bài viết khác cũng trên The Economist, bà Sanna Marin, cựu thủ tướng Phần Lan cho rằng để bắt đầu, châu Âu phải thoát khỏi ảo tưởng nguy hiểm rằng mình yếu đuối. Các thành viên NATO của châu Âu có tổng GDP là 23 ngàn tỉ đô la, gấp mười lần Nga.

Bà Marin nhấn mạnh trong sáu tháng qua, Nga đã bị lăng nhục ở Syria, không thể đánh bật nổi ba lữ đoàn Ukraine khỏi tỉnh Kursk và chịu hơn 200.000 thương vong khi tiến quân được một khoảng cách chỉ bằng từ trung tâm London đến phi trường Heathrow. Điều này có nghĩa là những bước tiến của Nga trên chiến trường trong năm qua là rất nhỏ và phải trả giá bằng hơn 4.000 thương vong binh lính trên mỗi cây số.

Nga đang đuối về quân sự, thiệt hại lớn trên chiến trường

The Economist lưu ý, việc thương lượng với Nga phải bắt đầu từ tình hình quân sự. Quân đội Nga hết sức tệ hại, đánh từ tháng Bảy năm ngoái đến nay, chết vô số lính mà không chiếm nổi thành phố Pokrovsk nhỏ bé của Ukraina. Hầu hết lãnh thổ chiếm được là trong những tuần lễ đầu tiên của cuộc xâm lăng. Tháng Tư 2022, sau khi rút quân khỏi miền bắc Ukraina, Nga kiểm soát 19,6 % lãnh thổ nước láng giềng, thương vong 20.000 ; và nay chỉ còn chiếm đóng 19,2 % đất Ukraina, số thương vong lên đến 800.000 quân. Một viên chức phương Tây nhận định, hai quân đội tiếp tục chiến đấu vì họ không thể dừng lại, chứ không phải để có được một chiến thắng quyết định.

Thiệt hại về trang thiết bị cũng đáng kinh ngạc. Chẳng hạn phân nửa trong số 7.300 xe tăng từ thời Liên Xô để lại đã bị phá hủy. Từ nay đến tháng Tư, Nga không còn đủ xe tăng T-80. Số hệ thống pháo bị tiêu diệt trong năm vừa qua cao gấp đôi so với hai năm trước. Việc tuyển mộ lính hợp đồng ngày càng tốn kém, nếu tổng động viên sẽ mang lại rủi ro chính trị. Các cuộc thăm dò cho thấy rõ là người Nga muốn chiến tranh kết thúc.

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Tony Blair, chi thêm 40 tỉ đô la mỗi năm để viện trợ quân sự cho Ukraine - chỉ tương đương 0,2 % GDP của các nước châu Âu là thành viên NATO - đủ để sánh ngang với nguồn lực của Nga trên chiến trường. Với những tổn thất cực lớn và nền kinh tế bấp bênh, chiến tranh tiếp diễn rốt cuộc sẽ dẫn Nga đến thảm họa quân sự và kinh tế. Đó là điểm khởi đầu tốt để đưa Matxcơva vào bàn đàm phán theo các điều khoản có lợi cho Ukraine và châu Âu.

Dùng vũ khí nguyên tử của Pháp và Anh để răn đe ?

Trên L’Express, tác giả Alain Minc đề nghị Pháp nên trưng ra lá bài sức mạnh nguyên tử. Khác với các nước lớn châu Âu khác như Đức, Ý, Ba Lan, Pháp không phải là cường quốc quân sự quy ước mà là cường quốc nguyên tử duy nhất của Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt hoàn toàn độc lập với Hoa Kỳ. Anh quốc tuy cũng có vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ cùng cầm chìa khóa. Hoặc là Pháp chỉ dùng đến vũ khí quy ước, với ngân sách và phương tiện hạn chế. Hoặc sử dụng sức mạnh nguyên tử để răn đe, cùng với Anh, có sự đồng ý của Mỹ để bảo đảm an ninh cho Ukraina sau khi ngưng bắn và cho các nước châu Âu khác, việc này cần suy tính.

Trước mắt, châu lục phải có tiếng nói thống nhất khi trao đổi với Ukraina, Nga và Hoa Kỳ ; tăng cường cấm vận Matxcơva cho dù Mỹ có giảm nhẹ trừng phạt ; đơn phương sử dụng 220 tỉ đô la của Nga đang đóng băng để giúp Ukraina tiếp tục chiến đấu và tái vũ trang trong lúc viện trợ của Mỹ cạn dần.

Về trung hạn, nếu không còn trông cậy vào Mỹ, phải sở hữu phi cơ vận tải hạng nặng riêng, hệ thống hậu cần, giám sát, nói chung là tất cả. Nên bắt đầu thảo luận về cách thức Anh và Pháp sử dụng vũ khí nguyên tử để bảo vệ châu lục. Sẽ vô cùng tốn kém, chi quốc phòng có thể lên đến 4 hay 5 % tổng sản phẩm nội địa, tỉ lệ này là bình thường trong thời chiến tranh lạnh. Nếu mua vũ khí Mỹ nhiều hơn có thể thuyết phục được ông Trump ở lại NATO, nhưng từ nay phải dựa trên nguyên tắc là không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Đặc phái viên Le Point cho biết về phía Ukraina vẫn tự lực tự cường với các drone tự chế tạo ngày càng tân tiến hơn, và đang bắt đầu sử dụng robot tải thương để hạn chế thiệt hại về người. Hiện nay Kiev có khoảng 400 nhà sản xuất drone, 50 nhà chế tạo robot, 200 cơ sở sản xuất hệ thống gây nhiễu.

Mỹ "chọn lựa ô nhục", châu Âu gánh chịu chiến tranh

The Economist đánh giá, với các mục tiêu mới, Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải chi thêm hơn 300 tỉ euro một năm. Một phần trong số đó có thể từ việc huy động tín dụng chung hoặc từng nước. EU đã từng huy động được 840 tỉ đô la trái phiếu để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid. Bên cạnh đó phải giảm phúc lợi xã hội : bà Angela Merkel trước đây so sánh, châu Âu chỉ chiếm 7 % dân số và 25 % GDP thế giới nhưng chiếm đến 50 % về chi xã hội.

Cơn ác mộng mà Putin và nay là Trump gợi ra buộc châu Âu phải thay đổi cách tổ chức, hiện đang làm chậm lại việc ra các quyết định. Nhân tố quan trọng như Anh quốc không được tính đến, các nước như Hungary thì có thể thường xuyên phá hoại, còn Tây Ban Nha luôn ngần ngại không muốn tái vũ trang. Tất cả chừng như phi lý : NATO trên thực tế là liên minh thành công nhất trên thế giới từ trước đến nay, khó thể hình dung sự biến mất của tổ chức Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Tình hình quốc tế đã thay đổi, châu Âu phải đối phó trước khi quá muộn.

Trong bài xã luận « Munich hay đầu hàng », Le Point nhắc lại hồi năm 1938, Churchill đã đả kích thủ tướng Anh Chamberlain sau khi ký thỏa thuận Munich với Hitler : « Ông có sự chọn lựa giữa chiến tranh và sự ô nhục, ông đã chọn ô nhục và nay ông có luôn chiến tranh ». Năm 2025, sau một sự đầu hàng mới, Hoa Kỳ nhận lãnh ô nhục nhưng chính châu Âu phải chịu đựng chiến tranh.

No comments:

Post a Comment