Đặng Đình Mạnh - Gây thiệt hại đến hơn 1.000 tỉ đồng, "thái tử đỏ" Trần Tuấn Anh vẫn thoát tội
dimanche 23 février 2025
Thuymy
Là con trai của quan chức lãnh đạo cao cấp, con đường hoạn lộ của ông rộng thênh thang cho đến chức vụ cuối cùng đã là ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chức vụ mà sau này có thể được tiến cử vào hàng “tứ trụ” có quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị.
Hạ tuần Tháng Một 2024, ông Trần Tuấn Anh buộc phải từ chức vì những sai phạm tày trời trong thời gian ông đứng đầu Bộ Công thương với chức vụ Bộ trưởng, từ Tháng Năm 2016 đến Tháng Tư 2021.
Trong đó, ít nhất có đến 12 quan chức cao cấp Bộ Công thương phải vướng vào vòng lao lý, bị khởi tố, tạm giam hình sự. Gồm cả ông Hoàng Quốc Vượng, cựu chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).
Khi ấy, những vi phạm của ông Trần Tuấn Anh và các thuộc cấp tại Bộ Công Thương bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng Cộng sản kết luận vào năm 2021 cho rằng “Gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; Nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của nhà nước…”. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an năm 2023, ông Trần Tuấn Anh bị xác định phải chịu trách nhiệm đối với nhiều tờ trình, báo cáo do ông ký gởi chính phủ, mà từ đó đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn cả nghìn tỉ đồng (xấp xỉ 40 triệu đô la Mỹ).
Thông thường, với những hành vi vi phạm pháp luật như vậy, thì ông Trần Tuấn Anh đã phải bị khởi tố hình sự với tội danh theo điều 360 Bộ luật Hình sự về “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, có hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù giam.
Theo tội danh này, nếu cán bộ gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỉ đồng đã có khả năng phải chịu hình phạt 12 năm tù giam. Thế nên, nếu đối chiếu với trường hợp gây thiệt hại tài sản đến hơn 1 nghìn tỉ đồng như ông Trần Tuấn Anh, thì nếu có gia giảm mức hình phạt vì có bản thân có công, thật thà khai báo, có thái độ ăn năn hối cải… thì cũng khó thoát mức hình phạt tối đa 12 năm tù giam, vì mức độ thiệt hại về tài sản quá lớn.
Thế nhưng, cách xử lý như thường lệ đối với các quan chức cao cấp, ông Trần Tuấn Anh chỉ phải từ chức và được hoàn toàn miễn tố. Thậm chí, cho đến nay cũng được miễn cả kỷ luật vì lý do đang bệnh tật?
Theo đó, để miễn tố đối với ông Trần Tuấn Anh, cơ quan pháp luật đã cho rằng “không có tài liệu, chứng cứ thể hiện cựu bộ trưởng có động cơ vụ lợi nên Cơ Quan An Ninh Điều Tra không xem xét xử lý hình sự đối với ông Trần Tuấn Anh.”
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tội danh theo điều luật 360 Bộ luật Hình sự không hề quy định phải có yếu tố động cơ vụ lợi mới thành tội, thì cơ quan điều tra đi tìm hiểu yếu tố động cơ vụ lợi để làm gì?
“Không có động cơ vụ lợi” là khái niệm đã từng được ông Lê Minh Trí đề cập đầu tiên trong phiên làm việc vào kỳ họp thứ 5 (Tháng Năm 2023) Quốc hội. Khi ấy ông Trí đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đánh giá về phương diện pháp lý cho thấy, khái niệm này cũng chưa từng được Quốc hội thông qua như một quy định luật pháp thành văn để có hiệu lực áp dụng. Tuy vậy, sau khi ông Lê Minh Trí phát biểu, thì điều đó đã mặc nhiên dọn đường dư luận để các cơ quan tư pháp vội vã cho áp dụng ngay từ phiên tòa hình sự “Chuyến bay giải cứu” đầy tai tiếng, “cứu” hàng loạt quan chức “nhúng chàm” đã trấn lột, nhận hối lộ, tham nhũng của dân lành ngay trong cơn khốn khó vì dịch giã Covid 19 vào các năm 2020 – 2021.
Nay thì khái niệm “Không có động cơ vụ lợi” được tái sử dụng trong vụ án liên quan đến ông Trần Tuấn Anh để miễn tố đối với ông ấy. Và quả thật, dù vi phạm pháp luật một cách hiển nhiên đến mức độ tày trời, “Thái tử đỏ” Trần Anh Tuấn vẫn nghiễm nhiên vượt thoát hoàn toàn khỏi sự trừng trị của pháp luật để hạ cánh an toàn. Cùng được cứu thoát với ông Trần Tuấn Anh trong vụ án, có ông Trịnh Đình Dũng, cựu Phó Thủ tướng cũng được miễn tố với cùng lý do “Không có động cơ vụ lợi”!
Trước vụ bị kỷ luật, ông Trần Tuấn Anh là người có khá nhiều điều tiếng, từng khiến truyền thông trong nước tốn nhiều giấy mực. Như vụ chỉ đạo thuộc cấp điều xe biển xanh vào tận phi trường Nội Bài đón vợ, cựu người mẫu ảnh Thủy Hương, vào hồi đầu năm 2019.
Chưa hết, vào Tháng Năm 2019, khi công chúng than phiền về việc Bộ Công thương chấp thuận tăng giá điện gây khó khăn về đời sống xã hội. Thay vì lắng nghe với thái độ cầu thị hoặc giải thích, ông Trần Tuấn Anh lại gây phẫn nộ trong dư luận khi ban hành văn bản yêu cầu cơ quan công an “xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc” về việc tăng giá điện.
Còn nhớ, khi “Phụ hoàng” của ông Trần Tuấn Anh là ông Trần Đức Lương còn tại vị Chủ Tịch nước, ông ấy đã cho chuyển dự án nhà máy lọc dầu dự kiến xây dựng ở Long Sơn, Vũng Tàu về xây dựng tại Dung Quất, Quảng Ngãi, là quê nhà.
Nhưng điều đáng nói là nguồn nguyên liệu (dầu thô) hầu hết đang được tập trung khai thác tại khu vực vùng biển Vũng Tàu. Do đó, để lọc dầu, phải vận chuyển nguyên liệu đến Dung Quất, Quảng Ngãi rất xa, gây tăng chi phí, nhất là cơ sở hạ tầng ở Quảng Ngãi khi ấy lại hầu như chưa có gì. Trong khi đó, dự án ban đầu xây dựng nhà máy lọc dầu tại Long Sơn, Vũng Tàu lại rất là thuận tiện, gần với nơi khai khác dầu thô.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chịu nhiều chỉ trích quốc tế về địa điểm và giá trị của nó. Những người chỉ trích cho rằng chính trị đã xen vào quyết định kinh tế.
Năm 1995, tập đoàn Total SA của Pháp đã chấm dứt thương lượng đầu tư với lý do rằng đặt nhà máy tại miền trung, cách xa những cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong nước, trong khi thị trường tiêu thụ chính là thị trường phía bắc và phía nam. Năm 1997, Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng dự án này sẽ "không làm gì cho nền kinh tế" và năm sau, 1998, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng giá trị của dự án này "đáng ngờ".
Năm 1998, mặc dù đã ký hợp đồng tham gia, tập đoàn Zarubezhneft cho rằng vịnh Dung Quất là "một địa điểm rất xấu", và đến năm 2002 đã rời bỏ dự án. Năm 2003, Liên Hợp Quốc đã nhắc đến dự án này khi nói rằng Việt Nam nên tránh xa những "đầu tư có thu nhập thấp".
Chưa kể đến 7.000 hộ gia đình đã phải rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa để tái định cư ở nơi khác trước năm 2015, để dành chỗ cho khu kinh tế Dung Quất. Từ khi có nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động, ngư trường của ngư dân cũng ảnh hưởng rất nhiều, môi sinh, môi trường bị tàn phá.
Làm kinh tế, nhưng bài toán lợi ích kinh tế đã bị bỏ qua, để “Phụ hoàng” Trần Đức Lương mang dự án lọc dầu về với quê nhà Quảng Ngãi lập công trạng. Hết thời “Phụ hoàng” lại đến thời “Thái tử” vốn được đảng Cộng sản đề bạt nắm giữ những chức vụ quan trọng của đất nước, theo đó, hai cha con nhà Trần Đức Lương và Trần Tuấn Anh đã góp tay phá nát nền kinh tế nước nhà.
ĐẶNG ĐÌNH MẠNH 16.02.2025
No comments:
Post a Comment