Làm thế nào kẻ độc tài Điện Kremlin muốn đánh lừa tổng thống Mỹ trên bàn poker chính trị
Focus
Van Man, biên dịch
20-2-2025
Tiengdan
23/02/2025
Phân tích của tuần báo “The Economist”: Putin chơi bài với Trump: Làm thế nào kẻ độc tài Điện Kremlin muốn đánh lừa tổng thống Mỹ trên bàn poker chính trị.
Sắp tới có thể sẽ có một cuộc gặp giữa Donald Trump và Vladimir Putin. Đây sẽ là một khoảnh khắc quan trọng đối với phương Tây và đặc biệt là Ukraine. Một điều rõ ràng: Tổng thống Nga tự tin rằng mình là tay chơi poker giỏi hơn.
Putin, Trump và cuộc chiến ở Ukraine
Theo tuyên truyền của Nga, Putin đang tiến gần hơn bao giờ hết đến chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine. Trong khi đó, châu Âu đang tuyệt vọng vì Trump – người đã đảo lộn trật tự liên minh xuyên Đại Tây Dương kể từ năm 1945 – lại đổ lỗi sai lầm cho Ukraine về nguyên nhân gây ra chiến tranh. “Họ không bao giờ nên để chiến tranh bắt đầu”, Trump tuyên bố vào ngày 18 tháng 2 tại Mar-a-Lago, Florida.
Ba năm sau cuộc xâm lược của Putin, định nghĩa về “chiến thắng” vẫn chưa rõ ràng. Các mục tiêu của tổng thống Nga không cụ thể. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông ta được lên kế hoạch trong bí mật, đến mức chính phủ Nga và người dân nước này cũng không được thông báo đầy đủ. Putin nói rằng, ông đang bảo vệ chủ quyền Nga, nhưng những gì xảy ra tiếp theo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của ông: Tình hình chính trị tại Ukraine, nỗ lực tăng cường quân sự của châu Âu, và đặc biệt là Trump.
Tổng thống Mỹ không có kế hoạch rõ ràng. Ông ta có nhiều lựa chọn, từ cắt đứt viện trợ Ukraine, tiếp tục hỗ trợ quân sự, đến áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt. Cuộc đối thoại giữa Trump và Putin tiếp tục vào ngày 18 tháng 2 tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức Mỹ và Nga sau ba năm. Họ đã đồng ý về một loạt các cuộc đàm phán không cụ thể về Ukraine và “lợi ích địa chính trị chung”. Việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Trump và Putin có thể bắt đầu trước tháng 3.
Putin – bậc thầy poker trên bàn quyền lực
Những cuộc đàm phán này rất có lợi cho Putin. Trong khi Trump coi các cuộc thảo luận như một cách để ông thể hiện kỹ năng đàm phán và nhanh chóng kết thúc một cuộc chiến “nực cười”, thì Putin lại xem đây là một giai đoạn trong cuộc đối đầu lớn hơn. Tổng thống Nga tin rằng ông ta có lợi thế hơn Ukraine và NATO – một liên minh phương Tây đang suy yếu. Giống như một tay chơi poker, Putin biết cách thể hiện sự tự tin và sức mạnh. Nhưng thực tế, những quân bài của ông ta không mạnh như vẻ ngoài và một khi chiến tranh kết thúc, điều đó có thể dẫn đến những rắc rối chính trị trong nước.
Người Nga muốn chiến tranh kết thúc
Tình trạng hao mòn trang thiết bị quân sự của Nga đang ở mức báo động. Kho vũ khí xe tăng của Nga, vốn được tích lũy trong nhiều thập niên từ thời Liên Xô, đang cạn kiệt. Hơn một nửa trong số 7.300 xe tăng dự trữ đã biến mất, chỉ có khoảng 500 chiếc có thể được sửa chữa nhanh chóng. Đến tháng 4, Nga có thể cạn kiệt xe tăng T-80. Năm ngoái, Nga đã mất gấp đôi số hệ thống pháo binh so với hai năm trước đó cộng lại. Việc tuyển quân ngày càng trở nên đắt đỏ. Một cuộc tổng động viên sẽ là một bước đi đầy rủi ro về chính trị. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người dân Nga ngày càng mong muốn chiến tranh kết thúc.
Nền kinh tế Nga đã sống sót trước các lệnh trừng phạt nhờ vào sự điều hành chuyên nghiệp của ngân hàng trung ương, giá hàng hóa cao và các chính sách kích thích tài khóa. Tuy nhiên, việc chuyển hướng tài nguyên từ các ngành sản xuất sang quân sự đã đẩy lạm phát lên mức hai con số. Lãi suất đã tăng lên 21%, mức cao nhất trong hai thập niên qua. Nước này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Các số liệu kinh tế của Nga không đáng tin cậy. Cơ quan thống kê liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng. Theo một báo cáo bị rò rỉ của ngân hàng trung ương và Bộ Kinh tế, Nga có thể rơi vào suy thoái trước khi lạm phát có dấu hiệu chững lại.
Oleg Vyugin, cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương Nga, nhận định, chính phủ sớm muộn cũng phải lựa chọn giữa cắt giảm chi tiêu quân sự hoặc đối mặt với lạm phát phi mã. Quỹ dự trữ quốc gia đang cạn kiệt: Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mikhail Zadornov, tỷ lệ dự trữ thanh khoản của quỹ này đã giảm từ 7,4% GDP xuống dưới 2%.
Trump tập trung vào cam kết về Ukraine
Xuất khẩu của Nga đạt 417 tỷ USD vào năm ngoái, đang chịu áp lực do lệnh trừng phạt và giá hàng hóa thấp. Hồi tháng 12 [năm 2024], xuất khẩu đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Kirill Rogov, chuyên gia của viện nghiên cứu “Re: Russia”, cho rằng các biện pháp trừng phạt và sự sụt giảm dần của giá hàng hóa sẽ làm suy yếu khả năng tấn công của Nga.
Một số nhà phân tích phương Tây tin rằng, đây là thời điểm tồi tệ nhất để Mỹ nhượng bộ nhanh chóng với Điện Kremlin. Ngay cả khi phương Tây không thể bảo đảm an ninh vững chắc cho Ukraine, họ vẫn có thể duy trì các lệnh trừng phạt để kiềm chế Nga. Nhưng Trump chỉ tập trung vào lời hứa chấm dứt chiến tranh nhanh chóng, thay vì chiến lược kiềm chế Nga lâu dài. “Chúng tôi cuối cùng đã đưa Putin vào vị trí mà chúng tôi mong muốn suốt ba năm qua. Sẽ là một thảm họa nếu chúng tôi để ông ta biến thất bại thành chiến thắng”, một quan chức Mỹ nhận xét.
Putin muốn đạt được thỏa thuận
Putin tin rằng Trump thiếu kiên nhẫn và dễ bị thao túng. Ông ta đã tâng bốc Trump bằng những lời khen ngợi và nhượng bộ nhỏ, như trả tự do cho công dân Mỹ Marc Fogel vào ngày 11 tháng 2. Tuy nhiên, các yêu cầu chính của Putin vẫn không thay đổi:
– Một Ukraine trung lập, với quân đội bị giới hạn về quy mô và trang bị, không có quân đội phương Tây hiện diện.
– Ukraine phải công nhận Crimea và bốn tỉnh bị sáp nhập là lãnh thổ Nga.
– Một “giải pháp cuối cùng” giúp Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt, đồng thời tái thiết quân đội.
Ngay cả khi chiến tranh nóng kết thúc, Putin vẫn sẽ tiếp tục cố gắng làm suy yếu châu Âu và khôi phục phạm vi ảnh hưởng của Nga. Mục tiêu của ông ta là phá hủy Ukraine và phá vỡ trật tự do mà Hoa Kỳ lãnh đạo kể từ năm 1945. Steve Covington, cố vấn của Tổng tư lệnh quân đồng minh NATO tại châu Âu, cho biết. “Toàn bộ hệ thống an ninh Euro-Đại Tây Dương đang sụp đổ trước mắt chúng ta“, Putin nói với các nhà ngoại giao của mình vào năm ngoái.
Điện Kremlin hy vọng vào các đảng cánh hữu thân Nga
Châu Âu đang bị “đẩy ra khỏi sự phát triển kinh tế toàn cầu, rơi vào hỗn loạn… và mất đi năng lực hành động quốc tế và bản sắc văn hóa”. Putin hẳn rất vui mừng khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance đã lặp lại tuyên bố này vào ngày 15 tháng 2 tại Hội nghị An ninh Munich. Chính tại đây, Putin lần đầu tiên tuyên bố quyết tâm chiến đấu với phương Tây vào năm 2007. Điện Kremlin chắc chắn hy vọng rằng các đảng cánh hữu thân Nga mà Vance ngưỡng mộ sẽ giành được nhiều sức mạnh hơn trong các cuộc bầu cử ở châu Âu.
Ưu tiên hàng đầu của Putin là duy trì quyền lực. Việc rút lui khỏi chiến tranh mang theo những rủi ro riêng, trong đó có khả năng hàng trăm ngàn binh sĩ sẽ quay trở lại và xảy ra các cuộc chiến giữa các phe phái khác nhau. Ngoại giao của Trump đã tạo đà cho các lực lượng ôn hòa, những người thầm lặng phản đối chiến tranh.
Các cơ quan tình báo sẽ tìm kiếm các thành viên của “cột thứ năm”
Những “người hưởng lợi từ hòa bình” này – bao gồm các doanh nhân tư nhân, các nhà kinh tế và một số nhà kỹ thuật – không có quyền lực chính trị, nhưng họ hy vọng rằng Trump và đội ngũ của ông sẽ thay đổi hướng đi của Nga. Vì họ không thể đối đầu trực tiếp với Putin, họ muốn thuyết phục ông rằng việc giảm bớt căng thẳng trong đối đầu với phương Tây sẽ không làm đe dọa vị thế của ông mà ngược lại sẽ cải thiện an ninh cho ông.
Mặt khác, đứng về phía “những người được lợi từ chiến tranh”: Nếu đối đầu là nền tảng của chế độ Putin, thì bạo lực và tham nhũng chính là “keo kết dính” của nó. Các gia tộc tài phiệt đầu sỏ (oligarch) lợi dụng các hạn ngạch xuất khẩu dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác trên các thị trường xám, những thị trường được hình thành do các biện pháp trừng phạt.
Putin hy vọng vào một thỏa thuận
Một ông trùm so sánh điều đó với các hoạt động buôn lậu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Họ sẽ không dễ dàng từ bỏ những giao dịch có lợi nhuận của mình. Các cơ quan tình báo sẽ tìm kiếm cả các thành viên “cột thứ năm” – những người ủng hộ hòa bình – lẫn những người “siêu dân tộc”, coi mọi hiệp định đều là sự phản bội.
Trump đúng khi ông nói rằng ông muốn “chấm dứt việc giết người”. Một lệnh ngừng bắn cho phép Ukraine tái thiết, kích thích chi tiêu quốc phòng của châu Âu tăng cao và duy trì một số lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga đang suy yếu có thể làm bại hoại tham vọng của Putin.
Tuy nhiên, Putin hy vọng rằng ông có thể duy trì cuộc chiến lâu hơn Ukraine, hoặc thuyết phục Trump đạt được một thỏa thuận cho phép Nga tái nhập thị trường kinh tế toàn cầu, biến Ukraine thành một quốc gia chia rẽ và nửa thất bại, đồng thời khiến châu Âu bị sốc đến mức không còn khả năng tự vệ.
No comments:
Post a Comment