Việt – Miên – Lào trở lại thời kỳ trăng mật?Bình luận của Tiến sĩ Nguyễn Đình Công
2025.02.23
RFA

“Cuộc gặp ba bên” ngày 22/2/2025 tại TP.HCM giữa Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith không chỉ là sự kiện ngoại giao thông thường. Phải chăng đây là khoảnh khắc mới đánh dấu sự đối phó của các nước Đông Dương trước cục diện khu vực, quốc tế sẽ có đảo lộn lớn?
Thông điệp nào được gửi gắm?
Sau gần 3 năm rưỡi từ tháng 9/2021 (1), một “mini cấp cao” mới Việt – Miên – Lào đã được tái diễn hôm thứ Bảy, 22/2 tại Sài Gòn. Sự kiện bất ngờ này rất đáng được nhìn nhận một cách thấu đáo, đặc biệt là sau vụ Chủ tịch Hun Sen bị ám sát hụt. Bề nổi dễ thấy là cả ba bên chắc đều vui mừng trước cuộc ám sát bất thành do chính ông Hun Sen công bố rùm beng và báo đài nhà nước Việt Nam được “thả dàn đưa tin” theo truyền thông của Campuchia.
Nhưng đằng sau nỗi mừng ấy là nỗi lo sát sườn đáng ngại hơn nhiều trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đối mặt với hàng loạt thách thức địa-chính trị. Cuộc gặp “bộ tam” lần này nhiều khả năng là dịp để ba quốc gia nhìn nhận lại các quyết sách liên quan trong các lĩnh vực chiến lược như quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Dường như có một nỗ lực chung nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi nước, theo nhận xét của tờ “Tiền Phong” (2).
Khi Tổng thống Trump tập trung khai triển một số cam kết đưa ra lúc tranh cử, Á, Âu và các nước khác trên thế giới có xu hướng mạnh ai nấy lo, thì việc đối phó với các cường quốc, nổi bật nhất là Trung Quốc và Nga tại khu vực, rõ ràng là mối bận tâm của cả ba nước. Lúc này đây, Việt Nam cần củng cố sự đoàn kết chiến lược với hai người anh em. Phía ngược lại, Campuchia và Lào cũng thấy đấy là “cái phao” lợi hại, không chỉ đã được chứng minh qua lịch sử.
Vơi cuộc tái hợp lần này, cả ba nước có nhu cầu gửi ra khu vực và thế giới thông điệp mới về sự đoàn kết và gắn bó truyền thống giữa ba nước Đông Dương. Sự hiện diện của các nhà lãnh đạo cấp cao thể hiện mong muốn duy trì lòng tin chiến lược, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của “mối quan hệ đặc biệt” đã được xây dựng qua nhiều giai đoạn lịch sử?
Cuộc gặp cũng có ý nghĩa biểu tượng khi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gắn kết khu vực trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định. Việc Chủ tịch Hun Sen và Tổng Bí thư Thongloun Sisoulith gửi lời chúc mừng tới Hà Nội nhân các dấu mốc có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vào năm 2025 này, càng làm nổi bật tinh thần hữu nghị và hợp tác cần có giữa ba đảng và ba quốc gia trong thời kỳ mới.
Với bối cảnh địa-chính trị phức tạp, cuộc tái hợp “bộ tam” không chỉ đơn thuần là sự kiện đối ngoại, mà còn mở ra sự kỳ vọng hướng tới một tương lai hợp tác sâu rộng, bền vững hơn giữa ba nước Việt – Miên – Lào, theo một số nguồn tin nội bộ. Ba bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi thông tin, tham vấn, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhau.
Báo “Tuổi Trẻ” nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp cùng lúc với lãnh đạo cấp cao Campuchia và Lào trên cương vị mới. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, cuộc gặp còn có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet.
Cùng mừng Hun Sen thoát hiểm
Điều hiếm thấy là truyền thông chính thống tại Hà Nội lần này được phép đưa tin rộng rãi và đa sắc thái về cuộc tái hợp của “bộ tam” Việt – Miên – Lào. Tuy không “mùi mẫn” như tái hợp Kim – Kiều sau 15 năm gián đoạn, nhưng cú thoát hiểm của Hun Sen được xem là một yếu tố tình cảm quan trọng.
Ngày 11/2/2025, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen tiết lộ công khai về kế hoạch ám sát ông bằng máy bay không người lái tại dinh thự ở Takhmao, tỉnh Kandal. Lực lượng an ninh Campuchia đã kịp thời ngăn chặn âm mưu này sau khi ông nhận được tin nhắn thoại mật. Một nghi phạm bị bắt tại tỉnh Takeo và giới chức Campuchia có thể bắt thêm người liên quan (3).
Hun Sen thống thiết: “Đây là hành động khủng bố! Tôi kêu gọi người nước ngoài hãy cẩn trọng, không ủng hộ hoạt động khủng bố hay can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia”. Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc cũng nhanh nhẩu đưa tin sốt dẻo về sự kiện này (4).
Nhà khoa học chính trị Em Sovannara nói với RFA rằng ám sát Hun Sen bằng máy bay không người lái tại nhà Takhmao được canh gác nghiêm ngặt của ông ta gần như là điều không thể. “Những công dân bình thường không có khả năng làm điều này”, ông nói. “Và tôi nghĩ rằng trong đảng đối lập, điều đó rất khó khăn và họ không có khả năng làm một điều như vậy” (5).
Theo giới phân tích không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an toàn, việc giữ được mạng sống của Hun Sen giúp Việt Nam bớt lo ngại hơn về mối đe dọa từ sườn phía Tây của đất nước. Sau nhiều lần bị ám sát hụt, lại vừa bị “Trung Quốc chơi cho vố đau hơn hoạn” (6), Hun Sen từ nay có lẽ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi tỏ thái độ ngang ngược đối với Việt Nam (7).
Ngày 6/12/2021, Hun Sen lúc đó còn là Thủ tướng CPC đã yêu cầu Hà Nội cách chức Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Ông Hoàng Xuân Chiến vào tháng 3/2020, khi còn giữ chức Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho rằng dịch COVID-19 lây lan từ Campuchia sang Việt Nam (8).
Sắc diện mới của sự củng cố quyền lực
Việc chọn TP.HCM làm địa điểm gặp gỡ thay vì Hà Nội có thể mang hàm ý sâu xa. Cuộc họp “bộ tam” nói trên với sự tham gia của phân nửa Bộ Chính trị ĐCSVN ngay giữa Sài Gòn được cho là tín hiệu về sắc diện mới của quyền lực được mở rộng. Với Sài Gòn, ấn tượng về một Việt Nam sống động và thân thiện dễ cảm nhận hơn so với Hà Nội “ngàn năm văn hiến”. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định trước bàn dân thiên hạ, quyền kiểm soát tuyệt đối của ông, trong bối cảnh Chủ tịch nước Lương Cường hoàn toàn vắng mặt trong sự kiện ngoại giao ngoại nổi bật hôm 22/2.
Giới quan sát ngoài Việt Nam cũng nhận định, Sài Gòn vốn được xem là nơi mang tinh thần thực dụng, cởi mở về kinh tế, lâu nay vẫn là sự đối lập với “thành trì bảo thủ” từ Hà Nội. Việc tổ chức cuộc gặp tại đây có thể ngầm báo hiệu sự chuyển biến trong cách tiếp cận chính trị của ĐCSVN, mở đường cho những biến chuyển sâu sắc hơn trong mô hình cầm quyền (9).
Vẫn chưa rõ Campuchia giải thích ra sao về việc cách đây không lâu Hun Sen bất ngờ rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Quyết định này được cho là đột ngột ngay cả với Hà Nội và Vientiane. Giải đáp câu hỏi này có thể soi sáng thêm cho độ bền vững tới đây của mối quan hệ “bộ tam” trong bối cảnh lịch sử đầy biến động ngay tại khu vực từng được biết đến là nơi đã xẩy ra “cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba” do Trung Quốc khởi xướng cách đây 46 năm (10).
Tham khảo:
(1) https://www.voatiengviet.com/a/viet-mien-lao-than-thieng-nho-bo-ha/6253283.html
(5) https://www.rfa.org/english/cambodia/2025/02/11/cambodia-hun-sen-assassination-attempt/
(6) https://chatgpt.com/c/67bab800-9850-800e-8b7c-632fcd32ce45 (Trung Quốc “dội” cho Hun Sen “gáo nước lạnh 1,7 tỷ USD”)
(7) https://www.voatiengviet.com/a/7160165.html
(8) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59564904
(10) https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-chien-17-2-1979-duoi-anh-sang-cua-cuc-dien-moi-/7982392.html
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment