Thursday, January 2, 2025

VNTB – Từ chuyện dùng chất độc ngâm giá, nhớ chuyện Chí Phèo: ai cho tôi lương thiện
Dân Trần
02.01.2025 4:03
VNThoibao


(VNTB) – “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”

 Thêm một lời khai của người sản xuất hàng ngàn tấn giá bằng chất cấm khiến dư luận bàng hoàng vì chợt nhận ra ở Việt Nam, ai cũng làm giá bằng chất độc hoá học như nhau. Theo đó, Lâm Văn Đạo, chủ công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo khai với công an rằng được truyền nghề làm giá đỗ từ nhiều người, sử dụng “nước kẹo” (chất cấm 6-Benzylaminopurine) ngâm giá đỗ để ít rễ, thân cây mập, đẹp mắt.

Khi bị bắt, Đạo thừa nhận biết chất cấm này người tiêu dùng sử dụng một thời gian sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì “mối lái ngoài chợ toàn yêu cầu hàng đẹp, nên cơ sở phải làm như thế”, “thị trường cạnh tranh em mới dùng nước kẹo, chứ thị trường mà sạch hết với nhau, thì em cũng thích làm giá sạch”. (1)

Với lời khai này thì không khó để mường tượng toàn cảnh thực phẩm Việt Nam bị đầu độc khủng khiếp như thế nào. Nhưng một câu chuyện đáng nói hơn là tình trạng đạo đức con người xuống cấp trầm trọng, dường như ai cũng có thể vì tiền mà bất chấp pháp luật, đầu độc người thân, bạn bè, đồng bào mình…

Dĩ nhiên, người vi phạm phải bị trừng phạt để làm gương. Nhưng khi cả xã hội đã tha hoá thì cần phải coi lại cơ chế, hệ thống chính trị, giáo dục… Không đứa trẻ nào sinh ra đời mà đã là người xấu liền được, không cha mẹ nào muốn dạy con cái mình thói hư tật xấu. Nhưng môi trường sống, học tập, làm việc xung quanh sẽ tác động lên con người từ thuở nhỏ. Cha mẹ có thể không muốn dạy con thói xấu, nhưng khi cha mẹ buộc phải làm việc xấu để sinh tồn, khi bạn bè xung quanh nói tục chửi thề, gian lận trong thi cử, nói dối, trộm vặt, thì đứa trẻ cũng sẽ bị tiêm nhiễm dần dần.

Trong một xã hội mà giá trị của một con người không còn được đo bằng tài năng hay sự nỗ lực cá nhân mà còn phụ thuộc vào bề ngoài, đồng tiền… thì đạo đức sẽ suy đồi, các giá trị tích cực bị lấn át. Khi mà lợi ích cá nhân được đặt lên trên tất cả, thì những người sống trung thực và chính trực thường trở thành đối tượng được cô lập. Họ có thể được xem là “bất thường” vì không tham gia vào các hành vi gian manh xảo trá.

Còn nhớ năm 2020, cũng có một câu nói tương tự tại phiên tòa xử vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình. Lúc đó, bà Diệp Thị Hồng Liên – cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh này phân bua cho hành vi phạm pháp của mình rằng “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” (2). Có lẽ nào xã hội Việt Nam ai cũng khuyết tật, để rồi người nào bình thường thì lại bị coi là có bệnh?

Nói ví von thì chuyện gù lưng này cũng giống như tâm lý “sống chung với lũ”, hay tương tự chiến lược ngoại giao cây tre của đảng cộng sản hiện nay, gió chiều nào theo chiều nấy. Ai mạnh thì theo, mà những người chính trực, lòng ngay dạ thẳng thì lại ở phe thua cuộc trong chế độ xã hội chủ nghĩa, nên đa số phải chấp nhận đi theo cái xấu xa, ác độc của đám đông thắng cuộc.

Xa hơn, 80 năm trước, Nam Cao viết truyện ngắn Chí Phèo để mô tả cảnh người dân bị tha hoá trong xã hội phong kiến Bắc Kỳ. Chí Phèo cũng thèm được làm một con người bình thường như bao người khác, nhưng chẳng thể được.

Trước khi đâm chết Bá Kiến, Chí Phèo thốt lên rằng “Tao muốn làm người lương thiện!” Rồi Chí Phèo lắc đầu than rằng “Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa”.

Nói xa nói gần để thấy rằng, hoá ra sau hơn 80 năm đảng cộng sản giành quyền lãnh đạo đất nước, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, thì mọi thứ có khác gì thời Chí Phèo đâu! Hoá ra con người xã hội chủ nghĩa lại chính là những con người như Chí Phèo thế sao?

_______________________

Tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/loi-khai-cua-nhung-nguoi-san-xuat-hang-nghin-tan-gia-do-ngam-chat-cam-4833308.html

(2) https://tienphong.vn/can-bo-nang-diem-o-hoa-binh-ai-cung-gu-minh-thang-lung-se-thanh-khuyet-tat-post1239703.tpo

 

No comments:

Post a Comment