VNTB – Luật công đoàn (mới) cản trở hoạt động của các tổ chức lao động độc lập
T.K.Tran
13.01.2025 7:29
VNThoibao
Luật Công đoàn do chính Công đoàn Việt Nam soạn thảo sửa đổi. Một số điều luật có khả năng ngăn chận sự phát triển của các tổ chức lao động độc lập cũng đã được ghi trong luật: Tài chính của các tổ chức NLĐ tại DN sẽ bị giới hạn, phê bình công đoàn có thể sẽ bị kết tội
Luật Công đoàn (sửa đổi)2024 đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 27/11/2024, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2025. Theo các quan chức công đoàn, có 3 lý do chính yếu để phải sửa đổi Luật Công đoàn, đó là: bổ túc hoàn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong luật Công đoàn 2012, sửa đổi luật để bảo đảm tương thích với những bộ luật khác như bộ luật Lao động 2019 và để thích ứng với những điều ước quốc tế sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do.
Cơ quan soạn thảo luật Công đoàn 2024 là Công đoàn Việt Nam.
Theo lời của các quan chức công đoàn thì việc sửa đổi luật kéo dài quãng 3 năm đã diễn ra kỹ lưỡng với nhiều hội thảo hội nghị để tham vấn. Đã có ít nhất là 4 bản dự thảo luật được đưa ra để thảo luận. Về phía chính phủ đã có tới 6 lần đưa ý kiến, việc mà theo các thông tin báo chí thì từ trước tới nay chưa từng xẩy ra. Việc sửa luật đã khó khăn như vậy có lẽ do luật phải đề cập tới những vấn đề mới mẻ, “nhạy cảm“, không có tiền lệ. Đó là những chương, điều lệ liên quan tới các tổ chức lao động độc lập gọi là “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“ (tổ chức của NLĐ tại DN). Thông thường – nhưng không chính xác – người ta gọi những tổ chức này là “công đoàn độc lập“.
“Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp “ là gì?
Từ 4 năm nay Bộ luật Lao động 2019 đã cho phép thành lập những tổ chức lao động độc lập này, song trên thực tế chính phủ VN tới nay vẫn trì hoãn, không ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật, nên tới nay chưa có bất cứ tổ chức lao động độc lập nào được thành lập hợp pháp.
Một cách tóm tắt: Tổ chức của NLĐ tại DN là những tổ chức lao động độc lập nằm ngoài Công đoàn Việt Nam, bình đẳng với công đoàn cơ sở (đơn vị nhỏ nhất của công đoàn). Khác với công đoàn nhà nước hiện tại, vốn là một tổ chức chính trị-xã hội của đảng CSVN, các tổ chức của NLĐ tại DN hoạt động thuần túy trong lãnh vực lao động, không có những mục tiêu chính trị.
Luật Công đoàn 2024 tác động vào tài chánh của những tổ chức lao động độc lập như thế nào?
Luật Công đoàn 2024 có tất cả 37 điều, nội dung chính yếu liên quan tới tổ chức, hoạt động, quyền, trách nhiệm của công đoàn, đoàn viên công đoàn… . Tuy chưa được thành lập, song các tổ chức lao động độc lập cũng sẽ phải chịu sự chi phối của luật công đoàn về một khía cạnh quan trọng nhất nhì của mọi tổ chức. Đó là khía cạnh tài chánh.
Đối với tổ chức công đoàn nhà nước (Công đoàn Việt Nam) thì quỹ tài chánh đến từ 4 nguồn:
– Đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng góp. Hiện nay là 1% tiền lương mà đoàn viên phải trích ra từ tiền lương của họ.
– Kinh phí công đoàn, đó là phí tổn mà chủ doanh nghiệp phải nộp cho công đoàn. Tiền này lấy ra từ lợi nhuận của doanh nghiệp, hiện nay theo quy định của luật là tương đương với 2% tiền lương của người lao động. Chủ doanh nghiệp phải đóng tiền này bất kể doanh nghiệp có hay không có công đoàn hay tổ chức lao động độc lập.
– Nguồn tài trợ của chính phủ lấy ra từ ngân sách nhà nước.
– Lợi nhuận thu được từ hoạt động văn hóa, thể thao hay từ nguồn tài trợ hợp pháp.
Nguồn tiền từ kinh phí công đoàn rất quan trọng, chiếm tới 60-70% tổng số tài chính của công đoàn. Nguồn tiền này sẽ phải chia bớt cho các tổ chức lao động độc lập khi những tổ chức này hoạt động.
Kinh phí công đoàn đã là đề tài được quan tâm nhiều nhất trong các cuộc thảo luận về sửa đổi luật công đoàn. Về việc phân phối kinh phí công đoàn, các dự thảo đầu tiên từ năm 2021 đã đưa ra phương án là công đoàn cấp trên được 25% kinh phí công đoàn, 75% còn lại chia cho công đoàn cơ sở và các tổ chức lao động độc lập theo một tỷ lệ nhất định. Một phương án khác không ghi việc phân phối trong luật mà giao cho chính phủ quy định sau này (2).
Tuy nhiên Luật Công đoàn 2024 lại cho phép Công đoàn toàn quyền phân phối kinh phí công đoàn (điều 31, khoản 4), mở đường cho các quan chức công đoàn có thể linh động gia giảm tùy ý phần tài chánh sẽ phải dành cho các tổ chức lao động độc lập.
Như vậy là các tổ chức lao động độc lập có thể sẽ phải đối mặt với một bất công được pháp luật che chở. Một bất công mà các quan chức công đoàn gọi là làm luật “linh hoạt“, “theo hướng mở“, “sự mở là đổi mới lớn trong tư duy làm luật“… (3).
Luật Công đoàn 2024 tác động vào hoạt động của các tổ chức lao động độc lập như thế nào?
Một trong những sửa đổi quan trọng nhất của Luật Công đoàn 2024 là điều khoản về những hành vi bị nghiêm cấm (điều 10). So sánh với Luật Công đoàn 2012 thì điều khoản này gia tăng gấp đôi, từ 4 lên tới 8 hành vi nghiêm cấm. Trong đó đáng chú ý là khoản 7 với nội dung như sau: “Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân“, và khoản 8:“Thông tin không đúng sự thật, kích động, xuyên tạc, phỉ báng về tổ chức và hoạt động công đoàn“.
Theo đó, Luật Công đoàn có những điều khoản cho phép trấn áp những tiếng nói lao động đối lập. Phê phán công đoàn có thể sẽ bị ghép tội tương tự như nhà nước dùng điều 331 Bộ luật hình sự 2015 để bắt giam những nhà bất đồng chính kiến hay giải thể những tổ chức xã hội dân sự với cáo buộc “hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…“.
Luật Công đoàn 2024 đã được Quốc hội thông qua. Bao giờ có Nghị định cho phép thành lập các tổ chức lao động độc lập?
Khi buộc phải giải trình lý do tại sao nhà nước trì hoãn việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thành lập các tổ chức lao động độc lập, các quan chức VN thường nêu lý do là cần phải sửa đổi luật Công đoàn trước đó.
Điển hình là phát biểu của ông Ngô Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao Động-Thương Binh&Xã Hội) trong cuộc họp trực tuyến với Bộ Lao động Hoa kỳ ngày 15/11/2023 như sau:“ Việc ban hành Nghị định mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến là do Nghị định…có nhiều nội dung mới, phức tạp, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên cần có quá trình nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng sao cho vừa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của quan hệ lao động của Việt Nam. …Nghị định có một số nội dung liên quan đến Luật Công đoàn trong khi Luật Công đoàn cũng đang trong quá trình xem xét để sửa đổi, bổ sung nên cần có sự phối hợp, điều phối bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật“(4).
Hiện nay Luật Công đoàn do chính Công đoàn Việt Nam soạn thảo sửa đổi. Một số điều luật có khả năng ngăn chận sự phát triển của các tổ chức lao động độc lập cũng đã được ghi trong luật: Tài chính của các tổ chức NLĐ tại DN sẽ bị giới hạn. Phê bình công đoàn có thể sẽ bị tội. Quốc hội cũng đã thông qua luật không công bằng này.
Mặc dù vậy, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy nhà nước sẽ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn việc thành lập những tổ chức lao động độc lập.
_________________
Tham khảo:
- https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/76673/da-co-luat-cong-doan-2024-thay-the-luat-cong-doan-2012
- https://vanbanphapluat.co/luat-cong-doan-sua-doi
- https://laodongcongdoan.vn/tap-chi-in/lao-dong-va-cong-doan-thang-11-nam-2024.paper, trang 2
- https://tapchilaodongxahoi.vn/doi-thoai-lao-dong-viet-nam-hoa-ky-gop-phan-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-giua-hai-nuoc-1329529.html
No comments:
Post a Comment