Monday, January 13, 2025

VNTB – Kỷ niệm 4 năm tuyên bố của nhà báo Phạm Chí Dũng
Đặng Đình Mạnh
13.01.2025 8:35
VNThoibao


(VNTB) – Không kháng cáo bản án không có nghĩa là tôi chấp nhận bản án đầy bất công này. Số phận của tôi là do tôi tự chọn chứ không phải do phiên tòa hay đảng Cộng Sản quyết định.

 Tuyên bố của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Tôi đã chứng kiến việc các luật sư bào chữa cho tôi và đồng nghiệp đã bị tòa án đối xử thiếu văn hóa và thô bạo như thế nào.

Tôi biết chính xác đây là một bản án đã được định sẵn cho chúng tôi để bóp nghẹt tự do báo chí ở Việt Nam.

Nghe kết quả xét xử vụ án nhóm Hiến pháp ngày 08 Tháng Một 2021, tòa án vẫn tuyên y án sơ thẩm mà lẽ ra phải trả tự do cho họ tại tòa vì vô tội.

Đã có nhiều vụ án chính trị xét xử phúc thẩm không hề thay đổi bản án.

Vì thế, tôi quyết định không kháng cáo bản án sơ thẩm.

Không kháng cáo bản án không có nghĩa là tôi chấp nhận bản án đầy bất công này. Số phận của tôi là do tôi tự chọn chứ không phải do phiên tòa hay đảng Cộng Sản quyết định.

Hãy để bản án này cho thế giới thấy cái gọi là tự do nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam là như thế nào?

Tôi gởi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Đức, Liên Minh Châu Âu, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và các cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã lên tiếng, chia sẻ sự cảm thông về tình cảnh của chúng tôi.

Rất cảm ơn hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng đã nhiệt tâm bào chữa, ủng hộ cho chúng tôi bất luận kết quả như thế nào.

Tôi luôn nguyện cầu cho gia đình tôi luôn bình an và hy vọng sẽ sớm gặp lại nhau. Xin cầu nguyện dân chủ và nhân quyền sớm đến với dân tộc Việt Nam.

Trại tạm giam Chí Hòa, ngày 05 Tháng Một 2021

Phạm Chí Dũng

 

Về phiên tòa xét xử các thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập

Cách nay 4 năm, ngày 5 Tháng Mười Một 2021, tòa án Sài Gòn đã đưa các thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập ra xét xử với tội danh theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự, thường gọi tắt là tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước…”.

Như đã có dịp nhiều lần đề cập đến tội danh theo điều 117 này. Theo đó, bất kỳ ai bị cáo buộc về tội danh này, chúng ta đều có thể khẳng định được ngay rằng họ đã bị cáo buộc oan ức. Vì đối với luật pháp của các quốc gia văn minh trên thế giới, “Tuyên truyền chống Nhà nước” chỉ là một hành vi biểu đạt chính kiến hợp pháp, thậm chí, được luật pháp quy định bảo vệ. Chúng chưa bao giờ bị xem là một tội danh hình sự như tại Việt Nam cả.

Hiến pháp Việt Nam cũng vậy, đã điển chế các quyền tự do bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội trong Hiến pháp. Thế nên, việc cáo buộc hình sự với các thành viên Hội Nhà báo Độc Lập là hoàn toàn bất hợp pháp.

Tuy vậy, bất chấp Hiến pháp, cách nay 4 năm, 3 nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập đã bị tuyên những hình phạt cao đến mức phi lý, lần lượt như sau:

  1. Nhà báo PHẠM CHÍ DŨNG 15 năm tù giam, 3 năm quản chế;
  2. Nhà báo NGUYỄN TƯỜNG THỤY 11 năm tù giam, 3 năm quản chế;
  3. Nhà báo LÊ HỮU MINH TUẤN, 11 năm tù giam, 3 năm quản chế;

Như hầu hết các phiên tòa chính trị, sự vi phạm hàng loạt quy định Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự của các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan An ninh Điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân và kể cả Tòa án Nhân dân bị luật sư dẫn ra trong phần bào chữa, nhưng đều bị bác bỏ.

Vài vấn đề cụ thể có thể tham khảo như sau:

– Vi phạm vì từ chối luật sư: Cơ quan An ninh Điều tra và Viện Kiểm sát từ chối luật sư tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra vì cho rằng vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, 3 nghi can đều bị truy tố ở khoản 2, điều 117 có hình phạt nặng nhất đến 20 năm tù. Theo đó, Bộ Luật Tố Tụng Hình sự quy định trong trường hợp này buộc phải có luật sư tham gia bào chữa.

– Vi phạm khi không triệu tập 12 nhân chứng trong danh sách những nhân chứng cần triệu tập.

– Vi phạm khi từ chối yêu cầu triệu tập các giám định viên của luật sư: Trong phiên tòa, tòa án đã triệu tập nhiều người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhằm mục đích chứng minh tội phạm. Thế nhưng, tòa án lại từ chối yêu cầu của luật sư để triệu tập giám định viên, nhằm mục đích chứng minh rằng họ phi lý như thế nào. Sự từ chối của tòa án đã loại trừ cơ hội làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Vi phạm nguyên tắc tranh tụng bình đẳng giữa hai thành phần: Bên công tố buộc tội và bên luật sư bào chữa.

– Các giám định viên tư pháp đã sử dụng Luật An Ninh Mạng một cách hồi tố khi đánh giá các bài viết của Hội Nhà Báo Độc Lập được xuất bản trước khi Luật An Ninh Mạng được ban hành. Trái với nguyên tắc “Bất hồi tố” của luật pháp.

– Các giám định viên tư pháp không độc lập. Họ là đảng viên và là cán bộ Nhà nước. Việc họ thực hiện giám định với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà Nước” là có xung đột về lợi ích. Không bảo đảm tính vô tư, khách quan cần thiết của giám định viên tư pháp.

Trong phiên tòa, các nhà báo PHẠM CHÍ DŨNG, Nguyễn Tường Thụy và LÊ HỮU MINH TUẤN đều khẳng khái thừa nhận toàn bộ các sự việc, như thành lập, tham gia Hội Nhà Báo Độc Lập, viết báo với mục đích cổ súy cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, dân chủ và nhân quyền là những nội dung mà hiến pháp quy định bảo vệ.

Tuy vậy, trước cáo buộc của bên công tố, cả 3 nhà báo đều khẳng định mình vô tội, không vi phạm pháp luật khi thực hiện những quyền tự do theo hiến pháp.

Hiện nay, cả 3 nhà báo đang phải thụ án trong lao tù Cộng Sản.

Tháng Mười Một 2024, ông Mike Abramowitz, Giám đốc, người lãnh đạo cao nhất của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ra tuyên bố ủng hộ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đồng thời lên án việc chính quyền Việt Nam giam cầm ông suốt gần 5 năm qua. Ông nói “VOA sát cánh cùng ông Phạm Chí Dũng, nhà báo Việt Nam, cộng tác viên của VOA, và lên án việc giam cầm ông đầy bất công chỉ vì ông thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng được nhiều dân biểu liên bang Hoa Kỳ tuyên bố bảo trợ.

Tương tự, nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn được dân biểu liên bang Hoa Kỳ Michelle Steel bảo trợ. Bà đã vận động quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn thông qua Dự án Bảo vệ Quyền Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos vào giữa tháng 12/2024, trước khi bà mãn nhiệm.

Mới đây, dân biểu Derek Tran, người kế nhiệm dân biểu Michelle Steel cũng đã được vận động tiếp tục thực hiện vai trò bảo trợ cho nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn.

Riêng đối với nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhiều tổ chức cộng đồng người Việt cũng đang vận động một số dân biểu Liên bang Hoa Kỳ bảo trợ cho trường hợp của ông.

DC, ngày 07 Tháng Một 2025.

_________________

Nguồn: Facebook Manh Dang

No comments:

Post a Comment