VNTB – Đẩy dân vào vòng xoáy “đấu tố”Dân Trần
07.01.2025 2:54
VNThoibao
Thật không thể tin nổi khi chính quyền cộng sản có thể tung ra một chính sách “độc nhất vô nhị” như nghị định 176/2024/NĐ-CP. Nhằm kêu gọi người dân cầm điện thoại lao ra đường quay phim, chụp ảnh người khác vi phạm giao thông để đổi lấy phần thưởng không quá 10% số tiền xử phạt và tối đa 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc.
Bề ngoài thì nghe có vẻ hay ho: khuyến khích người dân tham gia giám sát giao thông, phản ánh vi phạm để nhận thưởng. Nhưng ngẫm kỹ thì đây chẳng khác gì một cái bẫy tinh vi mà nhà nước giăng ra nhằm “vặt lông” người dân, vừa được tiếng vừa được miếng mà chẳng mất công sức.
Không cần phải nói, khi nghe đến hai chữ “tiền thưởng”, người dân lập tức lao vào như con thiêu thân. Chỉ cần giơ điện thoại lên quay lén một ai đó vi phạm, gửi video cho cơ quan chức năng là có cơ hội bỏ túi vài triệu đồng. Nhưng thử hỏi, cái xã hội này sẽ đi về đâu nếu ai cũng biến thành “thợ săn tiền thưởng”? Ai ra đường cũng nơm nớp lo sợ bị người khác quay lén, chỉ cần sơ sẩy là mất tiền, mất danh dự.
Đáng lẽ nhà nước phải làm tròn trách nhiệm của mình, phải đảm bảo an toàn giao thông bằng cách tăng cường lực lượng tuần tra, lắp đặt camera giám sát hiện đại. Nhưng không, họ chọn cách nhàn hạ nhất: ngồi một chỗ, rung đùi thu tiền phạt, còn việc xử lý ngoài đường thì đẩy hết cho dân tự “đấu tố” nhau. Đây rõ ràng là một chiêu “dùng dân săn dân” đầy toan tính, mà nói trắng ra là chỉ biết hút máu người dân đến giọt cuối cùng.
Một xã hội vận hành bằng sự nghi ngờ và đấu tố lẫn nhau là một xã hội đầy bất ổn. Ai cũng lo đề phòng, ai cũng sợ bị quay lén, và thay vì đoàn kết, người ta bắt đầu nhìn nhau như kẻ thù. Chính sách này không chỉ đẩy người dân vào thế đối đầu mà còn khiến những giá trị đạo đức cơ bản bị đảo lộn. Vì vài đồng tiền thưởng, người ta sẵn sàng bán rẻ mối quan hệ, hãm hại nhau bằng những video quay lén đầy nhục nhã.
Chính sách này vô tình gợi nhớ lại thời kỳ cải cách ruộng đất những năm 1950, thời kỳ của các cuộc đấu tố ở nông thôn, khi người dân được khuyến khích đấu tố nhau để giành đất. Dù bối cảnh đã khác xa, nhưng hệ quả tâm lý xã hội lại có nét tương đồng: sự nghi kỵ, thiếu tin tưởng giữa người dân với nhau, gây chia rẽ cộng đồng.
Nhưng sự trơ trẽn không dừng lại ở đó. Chính sách này còn tạo ra một lỗ hổng lớn về an ninh. Ai đảm bảo rằng sẽ không có những kẻ lợi dụng cơ hội để gây rối, dàn dựng tình huống, gài bẫy người tham gia giao thông nhằm trục lợi? Bên cạnh đó, không ít người lo ngại rằng việc quay phim người khác sẽ dẫn đến những vụ trả thù cá nhân hoặc thậm chí là xô xát ngay tại hiện trường. Khi đó, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những người dân tham gia quay phim nhưng bị hành hung? Nhà nước có đứng ra bảo vệ họ không? Hay đến lúc đó nhà nước lại buông một câu vô trách nhiệm: “Không thuộc phạm vi quản lý”?
Trong cái vòng xoáy hỗn loạn này, ai là người hưởng lợi nhiều nhất? Không ai khác ngoài những người đề xuất và ban hành chính sách. Công an sẽ thu về 85% số tiền xử phạt mà chẳng cần làm gì nhiều. Trong khi đó, người dân – những kẻ bị lôi vào cuộc chơi đấu tố – chỉ được hưởng chút tiền lẻ, và đổi lại là sự bất an, lo sợ mỗi ngày.
Có lẽ chưa bao giờ người dân cảm thấy mình bị biến thành công cụ kiếm tiền trắng trợn như thế này. Cảnh sát giao thông được trả lương để làm gì? Để đứng đó nhìn dân tự đấu tố nhau rồi cuối cùng hưởng thành quả sao? Một chính sách như vậy chẳng khác nào vắt kiệt sức lực và niềm tin của người dân.
Chính sách thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông là một sự sỉ nhục công khai đối với người dân. Thay vì bảo vệ và tạo điều kiện cho người dân sống trong một xã hội an toàn và văn minh, nhà nước lại thản nhiên tạo ra một môi trường đầy rẫy sự nghi kỵ và đấu tố. Đây không còn là quản lý xã hội, mà là một trò chơi đầy nguy hiểm, nơi người dân bị biến thành những con tốt thí, còn nhà nước thì ung dung thu lợi trên sự chia rẽ của cộng đồng.
Nếu những người đề xuất chính sách này còn chút lương tâm, họ nên hủy bỏ ngay lập tức trước khi xã hội rơi vào tình trạng hỗn loạn thực sự. Vì chẳng ai muốn sống trong một xã hội mà sáng ra đường đã phải nghĩ: “Liệu hôm nay có ai đang quay lén mình không?”
No comments:
Post a Comment