Monday, January 6, 2025

Từ vụ khủng bố ở Mỹ đến nguy cơ Daech tiềm ẩn ở Syria
lundi 6 janvier 2025
Thuymy


Đăng ngày: 

 

Vụ khủng bố gây bàng hoàng tại Mỹ đúng ngày tết dương lịch

Libération đưa ảnh vụ khủng bố ở New Orleans, Hoa Kỳ lên trang nhất. Xã luận của tờ báo nhận định, trước sự kiện một người đàn ông dùng xe mui trần lao vào đám đông làm 15 người thiệt mạng và 30 người bị thương, những câu hỏi đầu tiên được đặt ra là động cơ của kẻ sát nhân và vấn đề an toàn cho đường phố. Đó là những gì mà các thành phố lớn trên toàn thế giới đều lo lắng từ vài tuần qua : Khủng bố vào chợ Noël hoặc đêm giao thừa, hàng năm đều thu hút đám đông rất lớn khó thể giám sát.

Sau vụ một người Ả Rập Xê Út 50 tuổi tâm thần bất ổn dùng chiếc BMW lao vào một chợ Noël ở Đức hôm 20/12, giết chết 5 người và làm trên 200 người bị thương ; đến lượt Shamsud-Din Jabbar, một người Mỹ 42 tuổi dùng xe tấn công khách du lịch và cư dân New Orleans (tiếng Pháp là La Nouvelle-Orléans) đang đón năm mới. Hắn ta quyết tâm sát hại tối đa vì sau khi lao xe thật nhanh, kẻ này nổ súng vào cảnh sát và bị bắn hạ, sau đó người ta nhanh chóng tìm thấy một lá cờ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) trong xe.

Thời điểm này là lúc giao thời, quyền lực trong tay ông Joe Biden nhưng thực tế đang chuẩn bị ra đi. Biden vừa lên án vụ tấn công « khủng khiếp » thì người sắp kế nhiệm tố cáo « nhập cư bất hợp pháp », nhưng thực ra kẻ sát nhân sinh ở Texas. Vấn đề là tại sao những khối rào chắn có từ sau vụ khủng bố bằng xe tải ở Nice năm 2016 lại không được dùng để bảo đảm an ninh cho địa điểm đông người này ? Và nhất là Shamsud-Din Jabbar hành động đơn lẻ hay có đồng phạm ? Theo những thông tin mới nhất trên Le Figaro, tên khủng bố là cựu binh và nhân viên địa ốc, nhà chức trách đang truy lùng ba người đàn ông và một phụ nữ đã giúp hắn ta đặt chất nổ vào xe. Dù sao đi nữa, theo Libération, vụ này cho thấy mối đe dọa khủng bố không hề biến mất, và ngày nay chỉ cần một chiếc xe hơi là có thể tước đi sinh mạng người khác.


Tổ chức Nhà nước Hồi giáo : Mối nguy không thể coi nhẹ ở Syria

Trong khi đó « Tại đông bắc Syria, mối đe dọa từ Daech gia tăng ». Người nữ phiên dịch cảnh báo phóng viên Le Figaro trước khi đi vào trại Al-Hol « Ở đây không thể tin được ai cả ! ». Khu trại do Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) của người Kurdistan quản lý rộng lớn như một thành phố. Nơi đây có 40.000 người sinh sống, phân nửa là trẻ em dưới 12 tuổi, và phụ nữ liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech). Những « bóng ma màu đen » này với khăn choàng Hồi giáo trùm kín, ủng hộ Daech đến cùng.

Vốn là trại tị nạn cho thường dân Syria chạy loạn, Al-Hol biến thành một trại giam khổng lồ sau khi Daech sụp đổ, những người sống dưới sự trị vì của Al-Baghdadi hay chạy tránh bom tập hợp tại đây. Ở một số khu vực, những phụ nữ Hồi giáo cực đoan áp đặt luật lệ của mình, trại đã từng tịch thu những máy tính bảng cho trẻ em với các video tuyên truyền cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Các phụ nữ này tổ chức các tòa án bí mật để xét xử và đôi khi hành quyết những người bị cho là phản bội, các nhóm ngầm tiến hành những vụ tấn công xung quanh trại...

Riêng khu vực người nước ngoài dành cho 10.000 công dân của trên 50 nước là nguy hiểm nhất, ngay cả trẻ em cũng chọi đá, giả động tác « cắt cổ » để đe dọa nhân viên. Liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang tăng cường nhân sự để tránh Daech lợi dụng tình hình Syria ngóc đầu dậy, trong khi dân quân SNA do Thổ Nhĩ Kỳ đỡ đầu tấn công vào thành trì người Kurdistan. Phát ngôn viên YPG cảnh báo : « Nếu chúng tôi biến mất, sẽ không còn lực lượng nào ở Syria lẫn Trung Đông để đối đầu, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tha hồ hoành hành ». Theo ông, nếu Daech không khủng bố châu Âu là nhờ người Kurdistan chiến đấu không ngơi nghỉ.


Chính quyền mới cố giúp an cư lạc nghiệp

Về cuộc sống thường nhật ở Syria sau khi chế độ Assad bị lật đổ, phóng sự của La Croix cho biết từ ba tuần qua, những người bán hàng rong kiểu mới đã xuất hiện ở bùng binh Youssef-Al-Azmeh ngay trung tâm Damas. Bài báo thuật lại lời rao hàng : « Đô la, euro, lira Thổ Nhĩ Kỳ ! ». 

Người bán cho biết dưới thời Bachar Al Assad, đổi ngoại tệ có thể bị tù đến 10 năm. Những tờ giấy bạc in hình tổng thống bị lật đổ trong tay anh ta có thể một, hai tháng tới chẳng còn thấy nữa. Một đô la hiện đổi được 13.500 đến 15.000 lira Syria. Trong những ngày đầu chế độ Assad mới sụp đổ, đồng tiền quốc gia sụt giá nặng nề nhưng nay đã trở lại hối suất ban đầu, như một luồng gió mới về kinh tế tại đất nước đã tàn tạ sau 13 năm nội chiến.

Tại khu phố bình dân Rukn Ad-Din, dòng người xếp hàng dài trước ba tiệm bánh mì được trợ giá. Khách hàng vui vẻ vì trước đây mỗi người chỉ được mua 7 tấm bánh, nay lên 12. Những tem phiếu mua hàng theo chế độ phân phối (bánh mì, khí đốt, xăng dầu...) hầu như không còn giá trị, và thật ra không thấm tháp gì so với nhu cầu. Nhóm Hayat Tahrir Al-Cham (HTC) cố gắng cung ứng hàng thiết yếu cho các vùng được giải phóng. Từ Idlib và Thổ Nhĩ Kỳ, những xe tải chở bột mì và xăng dầu đến tiếp tế cho các tiệm bánh và trạm xăng, từ Aleppo đến Deraa. Chính quyền mới cũng làm ngơ cho những người bán xăng lậu dọc đường đưa từ Liban sang.


Đất nước tàn tạ vì Assad và họ hàng vét sạch tài nguyên

Wael Qanas, giám đốc hãng tin tư nhân Rouh Al Haya nhận xét đây chỉ là những biện pháp tạm thời trong khi chờ đợi tái thiết đất nước. Tại Qaboun ở Đông Ghouta, ngoại ô Damas hoàn toàn bị tàn phá, Abou Taem, một cư dân 38 tuổi tố cáo hệ thống mafia của Al Assad, từ bà vợ Asma đến ông em Maher Al Assad, nắm trọn nền kinh tế từ các công ty xây dựng cho đến viễn thông, ra sức móc túi người dân. Thủ tướng lâm thời loan báo tăng lương công chức 400 %. Theo Tổ chức Di dân Quốc tế, 90 % dân số Syria đang sống dưới ngưỡng nghèo khó, 16 triệu người cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Les Echos đặt vấn đề « Làm thế nào dựng dậy một nền kinh tế bị tàn phá sau một thập niên chiến tranh ? ». Aleppo, thành phố lớn thứ nhì và từng là lá phổi kinh tế của đất nước, chỉ còn lại những khung sườn bê-tông của những tòa nhà sụp đổ. Sản lượng dầu lửa chỉ còn 1/10, mỏ phosphate bị Nga độc quyền khai thác, 70 % cánh đồng bông vải bị tàn phá. Kỹ nghệ dược phẩm trước đây xuất khẩu sang 52 nước, thiếu trầm trọng nhân công vì người có tay nghề cao đã di tản. Chế độ Bachar Al Assad vẫn kiếm được 4 tỉ đô la mỗi năm bằng cách sản xuất ma túy captagon. Năm 2021, Liên đoàn Ả Rập ước tính chi phí tái thiết lên đến 900 tỉ đô la.


Dội bão lửa, « biển người » Bắc Triều Tiên : Nga dồn sức tái chiếm Kursk

Tại châu Âu, đặc phái viên Le Figaro tả lại « Tại Kursk, những quân nhân Ukraina cố gắng chống chọi với áp lực Nga như thế nào ». Quân đội Kiev đã để mất 40 % trong số 984 kilomet vuông lãnh thổ chiếm được trong chiến dịch thần tốc hồi tháng Tám.

Ở vùng biên giới Sumy, ba thương binh được đưa về từ chiến trường. « Serpent », người lính bị thương nhẹ nhất cho biết họ cùng một ê-kíp trên một chiếc « Bradley » - loại thiết giáp được Mỹ viện trợ cho lữ đoàn 47 - bị vướng mìn và sau đó pháo ào ạt dội xuống. Người lính thứ tư, xạ thủ « Zenit » đã mất tích. Ở Kursk, hàng ngày quân Nga dùng tất cả mọi thứ để tấn công : bom lượn rơi như mưa, pháo bắn không ngơi nghỉ.

Từ khi Nga phản công vào tháng Chín, do không đủ đạn pháo, lực lượng Ukraina chỉ có cách lùi trước bão lửa địch. Bác sĩ gây mê Oksana, 29 tuổi, trước đây làm việc tại bệnh viện Kiev cho biết số lượng thương binh gia tăng ; nhưng bác sĩ phẫu thuật Olexandr, 50 tuổi nói rằng ở Pokrovsk thuộc Donetsk tình hình còn tệ hơn nhiều. Tại Kursk, dù quân đội Ukraina chiến đấu kiên cường nhưng từ tháng 11 quân Nga được lính Bắc Triều Tiên tăng viện, theo ước tính của tình báo Ukraina và phương Tây là 11.000 quân. Olexandr, chỉ huy một đơn vị drone giải thích, ra khỏi biên giới, Starlink không còn hoạt động, tuy vẫn điều khiển được drone nhưng không có hình ảnh trực tiếp để phối hợp tấn công nên kém hiệu quả.

Trên mặt trận, các chiến binh Ukraina đối mặt với những đơn vị hỗn hợp gồm lính Nga thiện chiến và lính Bắc Triều Tiên thiếu kinh nghiệm. Gần đây tuy được trang bị vũ khí tân tiến hơn, cả kính hồng ngoại, nhưng lính Bắc Triều Tiên dùng chiến thuật cổ lỗ sĩ là ồ ạt xung phong nhiều đợt, trở thành mục tiêu dễ dàng của Ukraina. Có điều họ đông gấp mười, cộng thêm drone, bom lượn, pháo...nên khó thể trụ được. Ngày 23/12, Kiev ước tính 3.000 lính Bắc Triều Tiên thương vong, nhưng tình báo Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng chuẩn bị gởi thêm quân sang Nga. Putin cố gắng tái chiếm Kursk trước khi ông Trump nhậm chức.


Cựu tù trong đội xung kích đặc biệt Ukraina, những người lính dũng cảm

Trong một phóng sự khác, Le Figaro đến thăm « Những tù nhân chuộc lại món nợ với xã hội bằng cách đi chiến đấu trên mặt trận Donbass ». Từ tháng Năm do Ukraina quá thiếu quân, một đạo luật cho phép người tù được gia nhập những đơn vị xung kích ; một năm rưỡi sau khi Nga cho tù nhân ra trận.

Chiến sĩ mang bí danh « Bébé » (Em bé) chung phòng với « Électricien » (Thợ điện), trên tường có hình Đức Mẹ Maria, thánh Michel và những đứa trẻ. « Bébé » là cái tên có vẻ ít phù hợp nhất với một người lính, nhưng có từ lúc anh là người trẻ nhất đơn vị trong cuộc chiến năm 2014. Họ được đối xử như những người lính khác, được trả lương như nhau, nhưng không được ra quân vì lý do gia cảnh. Chỉ huy trưởng « Data » của đơn vị xung kích đặc biệt này cho biết họ là những chiến binh hết sức dũng cảm, thường được điều ra những mặt trận gay go nhất.

Trước khi đến Donbass, họ là những người lính đầu tiên xông lên những ngọn đồi ở Kursk. Cách đây vài tuần, tại Pereizne, một làng nhỏ gần tiền tuyến sắp rơi vào tay quân Nga, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ không còn bóng một lính Nga nào dù một phải chống ba. Người chỉ huy từ chối cho biết số thương vong của đơn vị, nhưng « Consul » (Lãnh sự), một chiến sĩ vừa từ tiền tuyến trở về nói : « Chúng tôi là đơn vị xung kích nên dĩ nhiên thiệt hại nhiều ». Anh cũng không muốn nói về lý do vào tù : « Khi đến đây, quá khứ không còn được quan tâm, tương lai mới quan trọng. Và tương lai của chúng tôi là tương lai của Ukraina ».

Transnistria mất nguồn khí đốt trong mùa đông : Nga gây sức ép lên Moldova  

Libération chú ý đến sự kiện « Chấm dứt khí đốt Nga, Transnistria không còn được sưởi ấm ». Đêm qua, vào lúc cả hành tinh đón mừng năm mới, vùng đất ly khai của Moldova có 350.000 dân, được xài khí đốt Nga hầu như miễn phí kể từ khi thành lập năm 1991, không còn nguồn lợi này. Như đã báo trước, việc trung chuyển sang Ukraina ngừng lại từ ngày 01/01/2025, nhưng Gazprom không buồn quan tâm đến giải pháp thay thế. Đối với các ngôi nhà riêng, khí đốt bị ngưng ngay lập tức. Số khí còn lại trong hệ thống sẽ giúp sưởi thêm vài ngày nữa, nhưng hệ thống sưởi trung tâm và nước nóng đã ngưng hoạt động, trong khi nhiệt độ bên ngoài gần đạt mức âm.

Gazprom có thể tiếp tục cung cấp cho phe ly khai bằng một đường ống dẫn khí khác đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Matxcơva muốn gây áp lực lên Moldova - vốn từ nhiều năm qua tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Nga. Bệnh viện dời lại những cuộc hẹn không thiết yếu, trường học đóng cửa để dạy qua mạng. Người dân được phép chặt những cây bị đổ để nấu ăn, nhưng các cư dân chung cư thì chịu thua. Họ được công ty năng lượng đề nghị « mặc thật ấm », « tập trung lại trong một căn phòng duy nhất ».

Khoảng mấy chục ngàn người có thể phải chạy sang phần đất của chính quyền Moldova hợp pháp, gây sức ép lớn trong khi Chisinau cũng đang thiếu điện. Tại Transnistria, khí đốt rẻ không chỉ là nguồn cung cấp cho hệ thống sưởi và chiếu sáng, mà còn là cơ sở cho nền kinh tế của nhà nước tự tuyên bố này. Điều nghịch lý là tình hình xấu đi có thể gây bất ổn cho chính quyền ly khai, nhưng muốn vậy Moldova phải giải quyết được vấn đề điện và khủng hoảng nhân đạo đang đe dọa vùng đất này.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20250103-t%E1%BB%AB-v%E1%BB%A5-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%BFn-nguy-c%C6%A1-daech-ti%E1%BB%81m-%E1%BA%A9n-%E1%BB%9F-syria


No comments:

Post a Comment