Thursday, January 2, 2025

Phạm Minh Chính sẽ thay thế Tô Lâm trong việc cải cách và tinh gọn bộ máy?
Trà My – Thoibao.de
01/01/2025 
Thoibao.de

Thủ tướng Phạm Minh Chính được giới phân tích quốc tế đánh giá là một lãnh đạo năng động, đã tích cực thúc đẩy các cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính.

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, đã chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản”, và cần quán triệt tư duy “ai quản lý tốt nhất thì giao cho đảm nhận”.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính đã chỉ đạo, “Người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm, cái gì cấm thì cần đưa vào luật, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo, cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì nhà nước dứt khoát không làm”.

Công luận hết sức đồng tình và ủng hộ tinh thần vừa kể, và coi đó là một mệnh lệnh cấp bách của người đứng đầu Chính phủ. Trong khi, một loạt các vấn đề tồn tại của bộ máy nhà nước Việt Nam như: Nhà nước hết sức ôm đồm, lấn sân kinh doanh của tư nhân, quản không được thì cấm…, những điều đã được đề cập, bàn luận lâu nay nhưng vẫn không được giải quyết cụ thể.

Theo giới quan sát, cách đánh giá và chỉ đạo của ông Phạm Minh Chính hoàn toàn phù hợp với luồng tư duy “tiến bộ” của các quốc gia văn minh đã hiện hành từ rất lâu.

Điều đó đã tạo ra một hướng đi mới “quan trọng” trong công cuộc cải cách của Việt Nam. Nếu nói theo cách đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm, thì chỉ đạo của Thủ tướng Chính kể trên đây mới thực sự là điểm nghẽn của sự phát triển.

Trước đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra thời hạn cho việc tinh gọn bộ máy chính trị cồng kềnh của Việt Nam vào quý 1/2025. Đây được xem là phép thử để ông Tô Lâm thể hiện tài năng của người lãnh đạo đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng 14.

Việc này có thể ảnh hưởng đến cơ cấu quyền lực của bộ máy Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng như Chính phủ hiện nay, trong đó bao gồm cả vai trò của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trước khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã có những động thái nhằm củng cố quyền lực, bao gồm việc đưa các nhân vật thân cận nắm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo cấp cao, như việc đưa Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về Ban Kinh tế Trung ương, được cho là để mở đường vào Bộ Chính trị, và sau đó sẽ soán ngôi Thủ tướng của ông Phạm Minh Chính.

Cũng như việc, Bộ Công an nỗ lực bằng mọi cách dẫn độ bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC. Điều này đã tạo ra những thay đổi trong mối quan hệ giữa ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính.

Theo giới phân tích quốc tế, dù Đại hội Đảng 14 còn khoảng một năm sẽ khai mạc, nhưng mối quan hệ giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính được đánh giá là đã trở nên phức tạp, và mang tính cạnh tranh rõ rệt.

Trong khi, mối quan hệ quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn biến phức tạp chưa từng thấy, với sự tồn tại của các phe phái và cá nhân có quan điểm, lợi ích khác nhau. Đây là lý do, việc củng cố quyền lực và thực hiện cải cách của Tổng Bí thư không suôn sẻ. Thậm chí có nhiều dấu hiệu suy yếu quyền lực của ông Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm, kể từ khi đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất, đã đối mặt với sự phản đối từ số đông lãnh đạo cấp cao. Bao gồm các phe bảo thủ, quân đội và nhóm lợi ích địa phương có xu hướng thân Trung Quốc.

Phải chăng những dấu hiệu kể trên cho thấy, ông Phạm Minh Chính sẽ thay thế ông Tô Lâm trong việc chỉ đạo cải cách và tinh gọn bộ máy?

 

Trà My – Thoibao.de

No comments:

Post a Comment