Thursday, January 2, 2025

Những uẩn khúc về Covid-19 sau 5 năm
Phan Minh
Đăng ngày: 01/01/2025 - 13:18Sửa đổi ngày: 01/01/2025 - 17:32
RFI

Hôm nay nhân Tết Dương lịch, 01/01/2025, chỉ có báo Le Monde ra số mới, cùng với Libération ra số kép từ hôm qua. Trang nhất của nhật báo Le Monde chạy tựa "5 năm sau, những ẩn số chưa có lời giải về Covid-19". SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19, đã khiến khoảng 7 triệu người mất mạng trên toàn cầu kể từ khi xuất hiện vào năm 2019, mặc dù con số này có thể thấp hơn thực tế.

Phần tử virus SARS-CoV-2. © WHO

Tốc độ lây lan nhanh chóng với mức độ nguy hiểm rất lớn khiến Covid-19 được so sánh với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, theo Le Monde. Qua các năm, SARS-CoV-2 đã đột biến và tạo ra các biến thể như Alpha, Delta và Omicron, với sự lây lan ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Omicron, xuất hiện vào cuối năm 2021, đã thay đổi cách virus tấn công người bệnh, chủ yếu ảnh hưởng đến các đường hô hấp trên (mũi, họng) thay vì các đường hô hấp dưới (phổi), khiến bệnh thường nhẹ hơn, nhưng dễ lây lan hơn.

Tại Pháp, số ca tử vong vào khoảng 168.000 vào năm 2023, nhưng tình hình đã được "bình thường hóa" theo thời gian. Covid-19 hiện nay là một trong những bệnh hô hấp cần được theo dõi mỗi mùa đông, cùng với bệnh cúm và virus hợp bào hô hấp (VRS). Kể từ năm 2023, chiến dịch tiêm chủng kết hợp giữa cúm và Covid-19 đã được triển khai. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là bệnh lưu hành suốt cả năm, khác với cúm, chỉ xuất hiện theo mùa.

Từ năm 2022, Covid-19 không còn được coi là đại dịch và giờ đây được mô tả như một căn bệnh cần theo dõi định kỳ. Các bệnh viện không còn điều trị đặc biệt cho bệnh này, và những người không bị suy giảm miễn dịch thường tự điều trị như một bệnh nhiễm trùng virus thông thường, bằng thời gian nghỉ ngơi và thuốc giảm đau như paracetamol. Tuy nhiên, những người dễ bị tổn thương (người cao tuổi, bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch) vẫn được điều trị bằng các thuốc kháng virus đặc hiệu như Paxlovid.

Mặc dù vậy, tiêm chủng phòng Covid-19 vẫn chưa trở thành thói quen như tiêm phòng cúm, vì một bộ phận người dân vẫn còn nghi ngờ về hiệu quả của vac-xin. Trong năm 2023-2024, chỉ 30% những người được khuyến cáo tiêm nhắc lại đã làm điều đó. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn gây tử vong nhiều hơn cúm. Trong mùa 2023-2024, số ca tử vong do Covid-19 cao gấp ba lần số ca tử vong do cúm. Tuy nhiên, phần lớn các ca tử vong xảy ra tại bệnh viện, và số liệu tổng thể vẫn đang được đánh giá.

Các chuyên gia dự đoán mặc dù các biến thể mới có thể xuất hiện, nhưng khả năng một biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện là rất thấp. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất là khả năng virus đột biến nhanh chóng, điều này có thể dẫn đến việc mất đi sự bảo vệ miễn dịch cộng đồng. Các nghiên cứu vẫn tiếp diễn, đặc biệt là để hiểu tác động lâu dài của virus đối với các cơ quan khác nhau, bao gồm não bộ, hệ tim mạch và hệ miễn dịch.

Cuộc sống ở Vũ Hán sau 5 năm

Tại Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, dấu vết của đại dịch gần như đã biến mất nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của thành phố. Đại dịch, mặc dù vẫn còn trong ký ức của người dân, giờ đây là một chủ đề được tránh né, đặc biệt ở những khu vực như chợ Hoa Nam, nơi virus lần đầu tiên được phát hiện, đã bị đóng cửa và di dời từ năm 2020. Dù vậy, hình ảnh của Vũ Hán giờ đây được đánh dấu bằng sự hiện đại hóa rõ rệt, với các tòa nhà chọc trời, các cây cầu bắc qua sông Dương Tử và những tiến bộ công nghệ trong nhiều lĩnh vực như cáp quang hay xe tự động, nhưng ký ức về đại dịch vẫn còn sâu sắc trong tâm trí người dân.

Chợ Hoa Nam giờ bị hàng rào bao quanh và hoạt động buôn bán đã được chuyển đến khu vực khác. Tuy nhiên, Vũ Hán đã chuyển sang các ngành công nghiệp khác, chất bán dẫn hay xe tự động, mặc dù ngành công nghiệp ô tô đã suy thoái, với các nhà máy Renault và Peugeot-Citroën bị đóng cửa. Mặc dù cuộc sống của người dân Vũ Hán dường như đã sang trang, nhưng mọi người không quên những nỗi đau đã trải qua trong những tuần đầu của dịch bệnh : các bệnh viện bị quá tải, những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và chính phủ chậm trễ trong việc cung cấp thông tin.

Cách quản lý đại dịch ban đầu vẫn là một chủ đề rất nhạy cảm tại Vũ Hán, đặc biệt là thời điểm chính quyền trấn áp nhân vật đã tìm cách cảnh báo công chúng về mức độ nguy hiểm của virus, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang). Ông đã cảnh báo các đồng nghiệp từ tháng 12/2019, nhưng bị cảnh sát thẩm vấn, trước khi qua đời vì virus vào tháng 02/2020. Nhiều người cho rằng nếu chính quyền hành động sớm hơn, cuộc khủng hoảng có thể đã được kiểm soát tốt hơn.

Giờ đây, thành phố đã trở lại với một cuộc sống gần như bình thường, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn là một chủ đề tế nhị. Người dân mong muốn có được câu trả lời về nguồn gốc của virus, nhưng họ nhận thức được rằng các cuộc tranh luận về vấn đề này hiện đã bị chính trị hóa mạnh mẽ. Mặc dù thành phố đã phát triển và tình hình có vẻ yên ổn hơn, ký ức về đại dịch vẫn là một "vết sẹo" khó có thể xóa nhòa đối với những người đã trải qua.

Trung Đông Gaza "trở về thời kỳ đồ đá"

Nhìn sang Trung Đông, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn Jean-François Corty, chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Médecins du Monde, cảnh báo về tình hình nhân đạo thảm khốc đang hoành hành tại dải Gaza, và mọi chuyện ngày càng trở nên trầm trọng hơn với mùa đông giá lạnh, khiến dải đất "quay trở về thời kỳ đồ đá". Người dân Gaza liên tục phải hứng chịu những cuộc không kích của Israel, giờ đây phải đối mặt với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông, khiến nhiều trẻ sơ sinh phải bỏ mạng. Hầu hết mọi người sống trong những nơi ở tạm bợ như lều hoặc tấm bạt nhựa, không thể bảo vệ họ khỏi thời tiết khắc nghiệt.

Ông Corty nhấn mạnh điều kiện sống hiện tại của người dân Gaza cực kỳ thiếu thốn, không có vật liệu để xây dựng nơi trú ẩn kiên cố. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh, người bệnh mãn tính và những nhóm dễ bị tổn thương nhất, những người bị suy dinh dưỡng hay hạ thân nhiệt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng gia tăng, đặc biệt ở miền bắc Gaza, nơi viện trợ nhân đạo không đến được tay người dân. Hệ thống y tế gần như sụp đổ, hầu hết các bệnh viện không còn hoạt động, khiến người dân gần như không thể tiếp cận được các dịch vụ y tế.

Ông Corty cũng cho biết mặc dù một số tổ chức nhân đạo đang nỗ lực hết mình, nhưng viện trợ vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế, do các hạn chế áp đặt bởi chính quyền Israel, ngăn cản việc cung cấp viện trợ cần thiết. Sự thiếu hụt các cơ sở hạ tầng cơ bản, dịch vụ y tế và thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ tử vong.

Tình hình ở miền bắc Gaza đặc biệt nghiêm trọng, với khoảng từ 50.000 đến 200.000 người còn sinh sống, nhưng tình hình rất khó đánh giá chính xác vì nơi này đã bị tàn phá nghiêm trọng. Bệnh viện cuối cùng còn hoạt động đã phải sơ tán và sau đó bị phá hủy, khiến người dân càng lâm vào tình cảnh khốn đốn. Những cuộc tấn công quân sự khiến các cơ sở y tế bị phá hủy được coi là vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.

Jean-François Corty cũng đề cập đến bối cảnh pháp lý, nhắc đến những phân tích từ các tổ chức nhân quyền, nhận định một "cuộc diệt chủng" đang diễn ra tại Gaza. Theo ông Corty, các tội ác chiến tranh, chẳng hạn như tấn công dân thường và phá hủy có hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu, là những vi phạm rõ ràng các quyền con người.

Trong tương lai, ông Corty lo ngại tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn, trong bối cảnh quân đội Israel tiếp tục oanh kích Gaza vào mùa đông giá rét, đi kèm với sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc đưa ra các giải pháp hiệu quả. Jean-François Corty kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này và tránh để thảm họa trở nên trầm trọng hơn nữa.

Pháp Khó khăn của chính quyền trong việc tái thiết Mayotte

Về thời sự nước Pháp, bài xã luận của tờ Le Monde quan tâm đến việc tân thủ tướng François Bayrou đã tuyên bố sẽ bắt tay vào việc tái thiết Mayotte sau khi cơn bão Chido đi qua. Kế hoạch tái thiết, mang tên "Mayotte đứng vững", nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của người dân, đặc biệt tại một khu vực đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng và điều kiện sống khắc nghiệt. François Bayrou đã cho biết cần phải khôi phục nhanh chóng mạng lưới điện, nguồn nước và hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, các vấn đề cơ bản liên quan đến di cư bất hợp pháp vẫn là một khó khăn lớn, vì dân số của Mayotte khó ước tính, đặc biệt do di dân không có giấy tờ đến từ quần đảo Comoros.

Trong chuyến thăm Mayotte ngày 30/12, François Bayrou đã nêu chi tiết các biện pháp khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái thiết quần đảo trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề đơn giản, vì các vấn đề cấu trúc lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực di cư, làm các nỗ lực tái thiết trở nên phức tạp. Chính phủ đã cam kết sẽ huy động quỹ từ Liên Hiệp châu Âu (EU) để hỗ trợ dự án, nhưng Le Monde vẫn hoài nghi về khả năng chính quyền có thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.

Kiểm soát di dân bất hợp pháp là một trong những thách thức lớn, và chính quyền vẫn chưa thống nhất về các giải pháp cần áp dụng. Một đề xuất thay đổi luật về quyền nơi sinh ở Mayotte đã được đưa ra, nhưng gây tranh cãi, đặc biệt là do sự phản đối của cánh tả, coi đó là mối đe dọa đối với các nguyên tắc cơ bản của Hiến Pháp xứ lục lăng. Hơn nữa, việc tái thiết Mayotte diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị không ổn định, và điều này có thể gây thêm khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch.

No comments:

Post a Comment