Thursday, September 19, 2024

Tăng quân số Nga : Tổng thống Vladimir Putin tính lấy người từ đâu ?
Thu Hằng
Đăng ngày: 18/09/2024 - 12:08Sửa đổi ngày: 18/09/2024 - 12:20
RFI

Quân đội Nga sẽ có 1,5 triệu lính, tăng thêm 180.000 người và trở thành lực lượng đông đảo thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (2 triệu). Sắc lệnh được tổng thống Vladimir Putin ký ngày 16/09/2024, công bố trên trang web của chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/12.

Lính nghĩa vụ quân sự Nga tại một trung tâm tuyển quân ở Bataysk, vùng Rostov, Nga, ngày 16/05/2024. REUTERS - Sergey Pivovarov


Đây là lần huy động thứ ba kể từ khi Nga tấn công Ukraina tháng 02/2022 trong khi “chiến dịch quân sự” vẫn là chủ đề nhạy cảm, vì điện Kremlin luôn tạo cảm giác cuộc chiến không tác động đến đời sống người dân Nga.

Chính phủ được lệnh bổ sung các nguồn ngân sách cần thiết cho lực lượng vũ trang có tổng cộng gần 2,4 triệu người, trong đó có 1,5 triệu binh lính. Trả lời họp báo ngày 17/09, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov giải thích “là do môi trường cực kỳ thù nghịch ở biên giới phía tây (với Ukraina) của chúng ta và sự bất ổn ở biên giới phía đông của chúng ta. Việc này đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp thích hợp”.

Đợt tăng quân lần thứ hai trước đó được tổng thống Putin ký vào tháng 12/2023, quy định quân số khoảng 2,2 triệu người trong đó có 1,32 triệu binh sĩ. Trong số này, gần 700.000 người, tương đương với hơn một nửa, tham chiến ở Ukraina nếu căn cứ theo phát biểu của tổng thống Putin vào tháng 06.

Có thể có hai lý do giải thích cho quyết định tăng quân số lần thứ ba. Thứ nhất, có ý kiến cho rằng chính sự thiếu hụt binh lính có lẽ là nguyên nhân dẫn đến thành công của Ukraina tấn công vào khu vực Kursk và kiểm soát được hơn 1.000 km² từ ngày 06/08. Thứ hai, Matxcơva không muốn điều quân từ chiến trường miền đông Ukraina sang bảo vệ Kursk do quân đội Nga đang chiếm ưu thế tại khu vực này và quyết tâm chiếm thành phố Pokrovsk, được cho là trung tâm trung chuyển và hậu cần quan trọng cho quân Ukraina.

Theo tình báo Mỹ, được trang Le Figaro trính dẫn ngày 17/09, khoảng 315.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi gây chiến ở Ukraina. Ngoài tổn thất này, quân đội Nga còn bị phân tán lực lượng ở một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ : Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tadjikistan, cũng như ở Moldova, Gruzia và Ukraina. Lực lượng quân sự Nga cũng hỗ trợ cho chính quyền Bachar al-Assad ở Syria và đồn trú ở một số căn cứ ở châu Phi như Sudan, Mozambic và Ai Cập.
Nền kinh tế tử thần

Do đó, Nga không còn cách nào khác là phải tuyển thêm quân. Cách hấp dẫn nhất là hứa những khoản tiền thưởng và thù lao hậu hĩnh cho người tình nguyện. Theo trang Radio France ngày 17/09, số tiền hiện giờ mà một lính tình nguyện kiếm được trong một năm tương đương với tổng số lương trong vòng 10 năm nếu làm việc “bình thường”. Những tấm áp phích khổng lồ cổ vũ gia nhập quân đội được dán trên các bức tường của Matxcơva in con số lớn : 5.200.000 rúp (52.000 euro). Số tiền “không tưởng” đối với nhiều người chính là tổng số tiền mà tình nguyện viên nhận được trong năm đầu tiên. Bất chấp nguy cơ bỏ mạng trên chiến trường, nhiều người vẫn “nhắm mắt đưa chân” trước khoản đãi ngộ đó.

Thêm vào đó, họ sẽ không phải đóng thuế, nhận được mức lương cao gấp 8 lần so với mức lương trung bình ở Nga, hoặc hơn vậy như tại một số vùng nghèo nhất, ví dụ ở Buryatia, gần biên giới Mông Cổ. Nhà đối lập Alexandra Garmazhapova, chủ tịch tổ chức Buryatia Tự do, giải thích với đài France Radio : “Hiện nay, làn sóng quân nhân đến từ Buryatia vẫn rất lớn, bởi vì họ bị khoản tiền thưởng 1 triệu rúp lôi cuốn. Kiếm được khoản như vậy gần như là điều không tưởng ở Buryatia”.

Trong trường hợp lính tình nguyện qua đời, Nhà nước sẽ trả cho gia đình số tiền lên tới 12 triệu rúp, tương đương 120.000 euro. Đó là một “nền kinh tế tử thần”, theo nhận định của nhà kinh tế học người Nga Vladislav Inozemtsev sống lưu vong ở Hoa Kỳ : “Nếu chúng ta tính toán tổng thu nhập của một người đàn ông chiến đấu ngoài mặt trận trong một năm và giả sử người đó 35 tuổi, gia đình còn nhận được nhiều tiền hơn cả số tiền người đàn ông đó có thể kiếm được cho đến khi nghỉ hưu. Vì vậy ra chiến trường và bị thiệt mạng một năm sau đó còn có lợi hơn là làm việc trong nhiều thập niên”.

Từ tháng 07/2023 đến tháng 06/2024, Nhà nước Nga đã trả cho những người tham chiến ở Ukraina, thương binh và gia đình liệt sĩ tổng số tiền tương đương với 30 tỉ euro. Số tiền này tương đương với 1,5% GDP của Nga, theo một nghiên cứu của dự án Re:Russia, được trang Euronews trích dẫn ngày 15/08. Dù sẽ phải chi khoản ngân sách khổng lồ cho chế độ “đãi ngộ” này nhưng theo đa số các kinh tế gia, Nga vẫn có thể tiếp tục trả những khoản tiền này trong ít nhất vài năm, và như vậy vẫn tiếp tục tài trợ được cho cuộc chiến ở Ukraina.
Quân đội và kinh tế chiến tranh cùng thiếu nhân lực

Dù có chế độ đãi ngộ hậu hĩnh như vậy, quân đội vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và phải cạnh tranh với nền kinh tế chiến tranh đang phát triển mạnh và cũng cần lao động. Nhà nghiên cứu Ivan Kłyszcz, tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế ở Tallinn (Estonia), giải thích với trang Euronews : “Mức lương cạnh tranh và điều kiện làm việc tốt hơn quân đội cũng đóng một vai trò quan trọng”.

Giáo sư Mart Kuldkepp, Đại học College London, tóm tắt về thế lưỡng nan của các nhà lãnh đạo Nga : “Bộ Quốc Phòng ngày càng phải cạnh tranh với các chủ lao động khác, kể cả trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh về tiền lương mà còn tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan về những lợi ích của Nhà nước cần được ưu tiên”. Còn theo Edward Hunter Christie, cựu quan chức NATO và thành viên cấp cao tại FIIA, “cho dù rút bớt nhân công để đi nghĩa vụ quân sự hoặc thu hút họ bằng chế độ lương hậu hĩnh, thì trong cả hai trường hợp, họ đều có nguy cơ thiếu nhân lực trong nền kinh tế dân sự”.

Ngay khi tổng thống Vladimir Putin phát động chiến tranh ở Ukraina, hàng loạt lao động trẻ, có tay nghề cao đã ồ ạt trốn ra nước ngoài. Nhà nghiên cứu cấp cao Maria Snegovaya tại chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), thống kê : “Tổng số người di cư kể từ năm 2022 được ước tính từ khoảng 500.000 đến 1 triệu người, trong đó có rất nhiều người trẻ hơn, được giáo dục tốt hơn và làm việc trong các ngành công nghiệp then chốt như lĩnh vực công nghệ thông tin. Nếu tính thêm những người đi nghĩa vụ quân sự, tình nguyện viên và tổn thất liên quan đến chiến tranh từ 2020 đến 2023 thì nguồn dự trữ lực lượng lao động của Nga đã mất khoảng 1,9 đến 2,8 triệu người”.

Ngoài làn sóng chảy máu nhân lực và chất xám, Nga còn phải đối mặt với tình trạng dân số già. Theo những dữ liệu mới nhất của cơ quan thống kê Rosstat cho năm 2024, số người hoàn toàn không còn làm việc ở Nga là 41 triệu người, chiếm khoảng 30% tổng dân số nếu tính cả số người đã ra nước ngoài và thương vong do chiến tranh. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi gần một nửa số công ty công nghiệp của Nga báo cáo tình trạng thiếu nhân lực vào năm 2023.

Nga cũng không thể trông cậy nhiều vào nguồn lao động nhập cư. Một số nước, đặc biệt là ở Nam Á, đã khuyến cáo công dân đề phòng với những thông báo tuyển dụng sang Nga làm việc do có nguy cơ bị lừa đưa ra chiến trường Ukraina. Ngoài ra, phải kể đến chiến dịch mạnh tay trấn áp của cảnh sát sau các vụ tấn công khủng bố do các nhóm Hồi giáo cực đoan gây ra ở Nga. Ví dụ, theo số liệu của bộ Lao Động Tadjikistan, được trang Euronews trích dẫn, trong 6 tháng đầu năm 2024, số người lao động nhập cư từ Tadjikistan đến Nga đã giảm 16%.

Khi ký sắc lệnh bổ sung thêm 180.000 quân nhân nghĩa vụ, tổng thống Putin tạm thời ưu tiên đạt được mục tiêu trên chiến trường Ukraina.

No comments:

Post a Comment