Thursday, September 19, 2024

Hezbollah : Những câu hỏi chung quanh chiến dịch "kích nổ máy bộ đàm và máy nhắn tin"
Thanh Hà
Đăng ngày: 19/09/2024 - 15:34Sửa đổi ngày: 19/09/2024 - 15:57
RFI

Trong hai ngày 17-18/09/2024, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn máy nhắn tin (pager) và máy bộ đàm (talkie-walkie) đã phát nổ tại Liban, khiến hơn 30 người thiệt mạng và trên 3.000 người bị thương. Phần lớn các nạn nhân là người của Hezbollah, lực lượng Hồi Giáo vũ trang thân Iran. Mọi ánh mắt đều nhìn về phía Israel.

Nổ trong một cửa hàng bán thiết bị liên lạc ở Sidon, Liban, ngày 18/09/2024. REUTERS - Hassan Hankir

Tại sao vào thời điểm này ? Làm thế nào để phối hợp kích nổ hàng ngàn công cụ liên lạc của cùng lúc ? Hai hãng thiết bị của Nhật và Đài Loan có liên quan gì đến loạt vụ nổ ở Liban ? 

Chuyện gì đã xảy ra trên lãnh thổ Liban ?

Chiều 17/09, khoảng 3 giờ 30, giờ địa phương, các thành viên của tổ chức Hezbollah nhận được tin nhắn qua pager. Máy rung trong nhiều giây trước khi nổ. Trước tiên là tại khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Beyrouth, rồi ở cả miền nam và miền đông Liban. Theo các giới chức y tế Liban, 12 người thiệt mạng và 2.800 người bị thương.

Hơn 2.800 vụ nổ xảy ra cùng lúc dẩy Liban vào cảnh hỗn loạn và hoảng sợ. Hàng chục xe cứu thương đổ về các bệnh viện của thủ đô Beyrouth, nhiều chiếc lều trắng được dựng lên ở ngoài bệnh viện để tiếp nhận những người đến hiến máu. Phần lớn các nạn nhân bị thương ở bụng, bị mù mắt bị hay cụt mất ngón tay do đang cầm, đọc hoặc đeo máy nhắn tin ở thắt lưng. Không khí sợ hãi bao trùm lên thành phố. 

Chưa đầy 24 giờ sau, đến chiều 18/09, loạt nổ thứ nhì đã diễn ra, cũng tại các khu vực ở phía nam thủ đô Beyrouth, tại Saida, miền nam Liban, và Baalbeck, miền đông. Lần này do máy bộ đàm phát nổ. Bộ Y Tế Liban đưa ra con số 20 người thiệt mạng và 450 người thương. Các phương tiện truyền thông lưu ý « nam Beyrouth cũng như các vùng Saida và Baalbeck được coi là « thành trì » của phong trào Hồi Giáo vũ trang Hezbollah được Iran yểm trợ.

Pager và talkie-walkie, hàng « Low Tech »

Máy nhắn tin và bộ đàm là « những con khủng long » của các công cụ liên lạc trước khi có điện thoại di động. Nhỏ gọn, dễ mang theo trên người, máy nhắn tin có tần số riêng, không sử dụng mạng điện thoại di động, không được trang bị hệ thống định vị GPS … nên giảm thiểu nguy cơ bị nghe trộm, giảm thiểu rủi ro mạng bị quá tải hay bị chận …  Trước Hezbollah, nhiều tổ chức tội phạm rất ưa chuộng công cụ thô sơ này cũng như các máy bộ đàm talkie-walkie.

Lâu nay mọi người cứ nghĩ rằng pager và talkie-walkie đã « thuộc về thời tiền sử » cho đến cách nay hai ngày. Pager là một phát minh của Mỹ năm 1949.  Đến thập niên 1980 người ta bắt đầu nhận những thông tin ngắn qua pager. Nhưng để hồi âm thì cần có những công cụ và công nghệ khác. Cuối thế kỷ 20, chỉ riêng tại Pháp 2,3 triệu người có trang bị pager. Với điện thoại cầm tay, máy nhắn tin pager đã bị chìm vào quên lãng, nhưng vẫn được sử dụng trong một số ngành nghề ở Mỹ, như trong bệnh viện. Theo báo y tế Journal of Hospital Medecin năm 2017, gần 80 % các bác sĩ tại Mỹ vẫn còn dùng pager.

Nhật Bản, Đài Loan và Hungary cải chính

Những hình ảnh qua video và truyền hình cho thấy máy nhắn tin pager và bộ đàm talkie-walkie bị nổ tại Liban mang nhãn hiệu của nhà sản xuất Đài Loan Gold Apollo và Icom của Nhật. Cả hai đều đã nhanh chóng bác bỏ những cáo buộc có liên quan đến các vụ nổ tại Liban.

Pager bị nổ ở Liban là loại AR-924 do tập đoàn Đài Loan Gold Apollo sản xuất. Lập tức công ty này này ra thông cáo cải chính « từ đầu đến cuối » không liên quan gì đến những sản phẩm nói trên. Báo chí quốc tế điều tra thêm và phát hiện những chiếc máy nhắn tin bị nổ tại Liban vừa qua do BAC, một trong những đối tác của công ty Đài Loan sản xuất. Hãng này có trụ sở tại Hungary. Đến lượt chính quyền Budapest vội vã thanh minh là BAC không sản xuất máy nhắn tin Ả-924 trên lãnh thổ Hungary.

Còn liên quan đến vụ nổ máy bộ đàm talkie-walkie, các hình ảnh cho thấy đó là những sản phẩm mang nhãn hiệu Icom, một công ty của Nhật. Thông cáo sáng nay của tập đoàn Nhật Bản này cho biết từ 10 năm nay họ đã ngừng sản xuất máy bộ đàm IC-V82. Loại này từng được « xuất khẩu kể cả ở Trung Đông từ 2004-2014 ». Icom thận trọng nói rõ tất cả các thiết bị radio đều do chi nhánh của Icom sản xuất từ một nhà máy ở Wakayama ». Icom « không sản xuất ở hải ngoại ».

Ai chủ mưu ?

Đương nhiên câu hỏi quan trọng nhất vẫn là ai đã ra lệnh mở chiến dịch « pager và talkie-walkie » ở Liban, làm thế nào để kích nổ « cùng lúc » hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công cụ liên lạc ? Trong bối cảnh căng thẳng tại Cận Đông hiện tại, mọi ánh mắt nhìn về Israel. Hezbollah, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt quy trách nhiệm cho Israel và như thông lệ, không bao giờ Tel Aviv « nhận là tác giả của các cuộc tấn công ».

Nhật báo Israel Haaretz không tiết lộ thông tin về vai trò của Nhà nước Do Thái hay mật vụ Israel trong vụ này, nhưng chỉ cho biết « trưa Thứ Ba vừa qua, (tức trước khi xảy ra loạt nổ máy nhắn tin ở Liban) nhiều quan chức cao cấp về an ninh của Israel đã bị triệu tập và được yêu cầu trình bày những phương án để đối phó với căng thẳng leo thang với Hezbollah ». Riêng truyền thông Anh Mỹ thì đua nhau đưa ra nhiều khả năng về sự can thiệp của Israel. Hãng tin anh Reuters nêu đích danh tổ chức Mossad : cơ quan tình báo Israel có thể là đã gài thuốc nổ vào một lô pager được dành để cung cấp cho lực lượng Hezbollah tại Liban. Nhiều nguồn tin từ Beyrouth giải thích những máy nhắn tin bị nổ cách nay hai ngày nằm trong « lô hàng 5.000 chiếc » Hezbollah đặt mua cách nay vài tháng. Có « một sự can thiệp » vào những chiếc máy này ngay từ « khâu sản xuất », thẻ ở bên trong máy có gài thuốc nổ rất khó phát hiện ». Báo Mỹ New York Times đi xa hơn khi cho rằng sự can thiệp này đã diễn ra trước khi pager được đưa vào đến lãnh thổ Liban và có trang bị một hệ thống có thể cho kích nổ từ xa. Chưa có thêm thông tin về kỹ thuật được sử dụng để cho nổ các máy bộ đàm.

Báo tài chính Anh Financial Times nhắc lại từ lâu nay, điện thoại đã là công cụ Israel dùng để truy nã và tấn công kẻ thù. Năm 1972, một trong những thủ phạm loạt khủng bố nhắm vào các vận động viên Israel tại Thế Vận Hội Munich đã chết do điện thoại bị kích nổ từ xa. Năm 1996, một trong những gương mặt hàng đầu của tổ chức Hồi Giáo Palestine, Yahya Ayyasch, đã thiệt mạng vào một ngày Thứ Sáu khi đang nói chuyện qua điện thoại với thân phụ anh như mỗi Thứ Sáu hàng tuần. Cơ quan tình báo đối nội của Israel Shin Beth bị cho là tác giả. Cũng FT đánh giá : « Israel là quốc gia duy nhất trong khu vực có một mạng lưới gián điệp tinh vi để tiến hành một chiến dịch táo bạo, phức tạp và phối hợp chặt chẽ đến như vậy ».

Mossad phục hận

Cuối cùng, về thời điểm loạt tấn công quy mô chưa từng thấy diễn ra trong hai ngày liên tiếp vừa qua, giới phân tích cho rằng đây là cơ hội để tình báo Israel « rửa nhục » sau thất bại ê chề, để xảy ra loạt tấn công trên lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023.

Lực lượng Hồi Giáo Hezbollah được Iran yểm trợ và là « đồng minh » của phong trào Hồi Giáo Palestine gần như hàng ngày đều bắn phá vào lãnh thổ Israel kể từ loạt khủng bố tháng 10 năm ngoái. Hành động này nhằm « tỏ tình  liên đới với dân Palestine ở Gaza » và phản đối Tel Aviv mở chiến dịch quân sự ở Gaza.

Hai vụ tấn công liên tiếp 17-18/09/2024 chứng tỏ « Mossad có khả năng đánh sâu vào bên trong các mạng lưới nhạy cảm nhất của kẻ thù », « phối hợp chặt chẽ để thực hiện một chiến dịch quy mô và chính xác ». Tình báo Israel vừa chứng tỏ « họ có thể ra tay bất cứ lúc nào » và rất lợi hại.

Từ mùa hè đến nay, thủ lĩnh quân sự của Hezbollah Fouad Chokr bị sát hại gần thủ đô Liban, liền sau đó thủ lĩnh chính trị của phong trào Palestine Ismail Hanyeh bị ám sát ngay tại thủ đô Iran và giờ đây là chiến dịch mang tên « pager » và « talkie-walkie ». Cả ba đòi hỏi một mức độ thu thập thông tinh tình báo rất, rất cao từ phía mạng lưới gián điệp của Nhà nước Do Thái.

Thông điệp thứ nhì của Tel Aviv, như chính bộ trưởng Quốc Phòng Israel Yoav Galland đã xác nhận hôm 18/09/2024 : Mặt trận nóng giờ đây đang chuyển hướng từ Gaza đến « phương bắc » nơi giao tranh diễn ra thường ngày với lực lượng Hồi Giáo Liban, Hezbollah.

Nhật báo Mỹ The Washington Post đặt câu hỏi : Tại sao chọn thời điểm này, trong lúc chính quyền Biden đang cố gắng tránh để xung đột ở Gaza lan rộng ra khu vực ? Báo Le Temps của Thụy Sĩ trích dẫn nhiều chuyên gia đồng loạt cho rằng « một chiến dịch quy mô như vừa thấy đòi hỏi rất nhiều phương tiện và chỉ có ý nghĩa nếu như chúng mang tính quyết định » : Có thể, đối với Israel, đấy là « vũ khí cuối cùng », gây rối loạn guồng máy của Hezbollah để giành lấy thắng lợi và khép lại xung đột quân sự.

No comments:

Post a Comment