VNTB – Động cơ gây án: công tác phí (?!)Hoài Nguyễn
28.06.2023 12:51
VNThoibao
“Vì thấy các thủ trưởng bộ tư lệnh phải đi công tác nhiều, 28 tỉnh thành ven biển, công tác đối ngoại rất vất vả, trong khi quỹ vốn đơn vị không có, làm kinh tế doanh nghiệp cũng không nhiều”.
Vì vậy, tháng 4-2019, trong bữa cơm ở phòng ăn của thủ trưởng bộ tư lệnh, ông Sơn nêu vấn đề để tìm quỹ vốn cho các thủ trưởng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Sơn – cựu trung tướng, cựu tư lệnh cảnh sát biển – cùng các đồng phạm về tội tham ô tài sản trong phiên xét xử ngày 27-6 đã khai nhận như vậy về “động cơ gây án”.
Cũng theo lời khai của bị cáo Sơn, khi đó, bị cáo đã gọi bị cáo Hưng đến phòng làm việc và trao đổi tình hình, đồng thời yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật) giúp cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vì các thủ trưởng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển rất khó khăn. “Sau khi nghe bị cáo nói, bị cáo Hưng đã suy nghĩ và trả lời rằng, cái này khó nhưng sẽ làm được”, bị cáo Sơn khai.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển) khai, trong bữa cơm trưa, khi nghe bị cáo Sơn nhắc đến chuyện rút tiền ngân sách Nhà nước thì không ai nói gì.
“Sau này tất cả đều nhận thức được, đây là việc nghiêm trọng và ân hận vô cùng. Lúc cầm tiền, bị cáo và các bị cáo khác cũng thấy áy náy, nhưng lại không thể đấu tranh nổi với chính mình để phải đứng trước tòa như ngày hôm nay”, bị cáo Đồng nói.
Theo cáo buộc, đầu tháng 4-2019, tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Nguyễn Văn Sơn lúc đó là trung tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển đã trao đổi với các ông Hoàng Văn Đồng, trung tướng, Chính ủy; Doãn Bảo Quyết, thiếu tướng, Phó Chính ủy; Phạm Kim Hậu, thiếu tướng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng; Bùi Trung Dũng, thiếu tướng, Phó Tư lệnh về việc chỉ đạo ông Nguyễn Văn Hưng, đại tá, Cục trưởng Kỹ thuật rút 50 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cho quản lý hành chính năm 2019 phân bổ cho Cục Kỹ thuật để chi cho các thủ trưởng Bộ Tư Lệnh. Khi đó, tất cả đồng ý và không có ý kiến gì khác.
Sau khi nhận được 50 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Sơn đã chia cho mình và các ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng mỗi người 10 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo khai, tiền tham ô chưa ai kịp tiêu gì, sau đó đã giao nộp lại.
Theo lời khai của ông Hưng, không phải một mình ông mà rút tiền được, phải là cả hệ thống nên khi đó ông đã từ chối. Nhưng đến khi ông Sơn nói rằng, việc này đã được các thủ trưởng thông qua, thì bị cáo Hưng chấp hành và nhận lệnh về nội dung này, sau đó cho các trưởng phòng thực hiện.
Vẫn theo lời khai của ông Sơn, ban đầu các trưởng phòng có người nói không thực hiện được, nhưng khi ông nói rằng đây là thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh thì các trưởng phòng đồng thuận dù vẫn còn băn khoăn…
Căn cứ vào những khai nhận ở trên về “động cơ gây án” cho thấy rất có thể các cá nhân tướng lĩnh cảnh sát biển khi ấy đều nghĩ rằng hành vi này không mang đến hậu quả gì nguy hiểm cho an ninh quốc phòng.
Lưu ý, dấu hiệu pháp lý về tội tham ô tài sản là người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức, “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (khoản 1 Điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015); không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Nếu chấp nhận lý do về “động cơ gây án” như các lời khai khá đồng nhất đang diễn ra, có lẽ cần kiểm tra toàn diện về quản trị tài chính quốc phòng. Bởi rất có thể lâu nay ngân sách quốc phòng được “bố trí” ở nhiều hạng mục mà tạm gọi “có hay không cũng đều được”, do vậy nên mới có chuyện các tướng lĩnh dễ dãi “thống nhất cao” trong bữa cơm ở phòng ăn của thủ trưởng bộ tư lệnh hồi tháng 4-2019 về khoản “công tác phí” 50 tỷ đồng (?!).
No comments:
Post a Comment