Friday, June 30, 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 30/06/2023
vendredi 30 juin 2023
Thuymy

1. “Sự sỉ nhục cho Vladimir Putin” – “The Economist” viết trong bài báo mới đây của mình:

“Một nhóm lính đánh thuê có vũ trang đã hành quân qua đất nước của ông ta, hầu như không gặp phải sự kháng cự nào, chiếm được hai thành phố lớn và tiến đến cách Mátxcơva khoảng 200 ki-lô-mét trước khi rút lui mà không hề hấn gì. Tổng thống Nga đã cho thấy rằng ông ấy không thể hoàn thành nhiệm vụ chính và lớn nhất của một nhà lãnh đạo – đảm bảo an ninh của nhà nước.”

2. Tại sao ‘’Wagner sẽ tấn công Ukraine từ Belarus’’ là chuyện nhảm nhí ?

Đầu tiên xin các bác quá bộ đọc lại PHẦN5 bài viết này cách đây 14 tháng.

Hồi đó tui đã trình bày về đầm lầy Polesie hay còn gọi là “Pinsk Marshes” vốn lớn nhất châu Âu và là trở ngại khó vượt nhất cho bất cứ cuộc chiến tranh nào. Năm 1944 do Hồng quân tìm cách khênh được xe tăng qua đầm lầy này, nó đã trở thành một cú tấn công bất ngờ cho quân Đức có tính quyết định dẫn đến thắng lợi của chiến dịch Bagration giải phóng Belaurus.

Năm 2022, Ukraine cũng có bị bất ngờ. Tuy vậy sau 14 tháng nhìn lại thì cái sự bất ngờ ấy có lẽ, được soi rọi bằng những sự bạch hóa mới. Sự bất ngờ đến từ chuyện, có lẽ người Ukraine không ngờ Bộ chỉ huy Nga lại có thể tiến hành một chiến dịch tấn công cẩu thả đến vậy. Hai mũi tấn công cách nhau quá xa và đường tiến quân quá dài, trong khi không tổ chức được hậu cần đàng hoàng cho cả hai mũi. Hơn thế nữa cả hai mũi đều tiến theo những con đường độc đạo và dễ dàng làm mồi cho các phương tiện tấn công của quân Ukraine, đặc biệt là thời điểm đó, TB-2 “Bayraktar” đã trở thành “người cứu tinh của Ukraine”.

Vậy thì bây giờ, nếu Wagner tấn công Ukraine từ Belarus, họ không còn phải đối đầu với TB-2 như cách đây quân Nga gặp hơn 1 năm nữa, nhưng cái đầm lầy thì vẫn còn nguyên và nếu chúng tấn công thì vẫn phải đi theo hai con đường đó, chẳng có đường nào khác. Nếu không còn hiểm họa máy bay không người lái (thật ra là vẫn còn) thì họ lại đối mặt với những hàng rào phòng thủ mới do người Ukraine thiết lập trong suốt thời gian qua để đề phòng bị tấn công một lần nữa từ phía Bắc.

Cuối cùng là, Wagner đã đánh nhau bằng gì? Từ hồi tháng Ba năm nay đánh nhau ở Bakhmut, Wagner đã than phiền rằng có những lô đạn bộ binh được bộ quốc phòng Nga cung cấp, tỉ lệ đạn lép chiếm từ 40 đến 50%. Nếu chúng ta nghe thấy ai đó nói rằng đạn dược của Belarus đã bị vay đểu từ năm ngoái, thì cũng có căn cứ để tin. Wagner dù có ba đầu sáu tay thì vẫn phải dựa trên một hệ thống cung ứng của đất nước, của nền sản xuất quốc phòng Nga chứ nếu chỉ trông vào mỗi nguồn mua lậu của “mùa xuân trên sông Áp Lục” hồi đầu năm, làm sao mà đủ.

Nên hôm trước tui có viết: năm ngoái tung cả tập đoàn quân xe tăng vào phía bắc Kyiv (có đến ít nhất 2 sư đoàn xe tăng) mà còn bị đánh cho ôm đầu máu chạy, thì nay lấy đâu ra ý tưởng điên rồ đó, Ukraine có mong Wagner nó cũng chẳng làm.

Bố tiên sư mấy thằng dư luận viên dở hơi, hết khôn dồn đến dại.

• Viện Nghiên cứu về Chiến tranh (ISW) tiếp tục đưa tin về thỏa thuận do nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian để chấm dứt cuộc nổi dậy vũ trang của Tập đoàn Wagner cho thấy các bên liên quan có thể vẫn đang đàm phán các chi tiết cụ thể của thỏa thuận.

- Dự án Hajun trích dẫn dữ liệu theo dõi chuyến bay vào ngày 27 tháng 6 cho thấy máy bay phản lực của Yevgeny Prigozhin cất cánh từ sân bay Machulishchy ở Belarus hướng tới Mátxcơva, sau đó ngay lập tức cất cánh tới Saint Petersburg. Các nguồn tin của Nga suy đoán rằng cuộc nổi dậy của Wagner đã có tác động lan rộng đến cơ cấu chỉ huy của Nga.

Một blogger nổi tiếng người Nga tuyên bố rằng cuộc dấy loạn của Wagner đã châm ngòi cho một cuộc “thanh trừng quy mô lớn” trong bộ chỉ huy lực lượng vũ trang Nga, và rằng Bộ Quốc phòng Nga hiện đang trải qua một “bài kiểm tra thử thách” về lòng trung thành. Các miblogger tuyên bố rằng Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (tiếng Nga: Федеральная служба охраны viết tắt là FSO) đang tiến hành một đợt kiểm điểm đối với ban lãnh đạo quân đội Nga cũng như cá nhân các chỉ huy đơn vị.

- Việc chính quyền Nga được cho là đã bắt giữ Sergei Surovikin vào ngày 28 tháng 6, có thể chỉ ra rằng điện Kremlin dự định thanh trừng những nhân vật bị coi là không trung thành trong Bộ quốc phòng.

- Điện Kremlin có thể sẽ cố gắng cải thiện thái độ coi thường phổ biến đối với các nhân vật chủ chốt của Bộ quốc phòng bị coi là đã thúc đẩy cuộc nổi loạn của Wagner đồng thời cố gắng hạ bệ những người có thể đồng cảm với cuộc nổi loạn. Chẳng hạn, sự khinh bỉ đối với vai trò của Gerasimov trong các hoạt động ở Ukraine, mặc dù rất có khả năng người này sẽ giữ được ít nhất trên danh nghĩa vị trí chỉ huy chung chiến trường và chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Bình loạn : Có một số đồn đoán về người nào đó sẽ thay Shoigu làm Bộ trưởng, tui thì cho rằng phá nát quân đội Nga hiện nay là tác phẩm của Shoigu và Gerasimov, nên ai thay Shoigu cũng tốt hơn lão ta. Nay cuộc nổi loạn của Wagner đã chết yểu chẳng có lý gì Shoigu bị thay thế cả.

3. Nhân nhắc đến máy bay không người lái TB-2 “Bayraktar” – nó đã vào cả dân ca hiện đại của người Ukraine thì bây giờ, đâu hết cả rồi?

Ukraine bị cho là đã tiêu tùng đến cả hạm đội Bayraktar cỡ 50 chiếc, sau khi người Nga thích nghi với cuộc chiến: họ triển khai rất nhiều hệ thống phòng không cũng như cải tiến các khí tài tác chiến điện tử. Tốc độ và trần bay của Bayraktar rất phù hợp để… bị bắn hạ trong tình hình mới. Giai đoạn đầu của cuộc chiến, do người Nga quá chủ quan và như tui đã viết trên đây: cẩu thả nên không chuẩn bị cho một lực lượng phòng không thích đáng, làm cho sự xuất hiện của TB-2 trên chiến trường là một bất ngờ lớn cho họ.

Câu chuyện của các bác người Việt Nam mình sinh sống ở Kyiv lúc đó kể: ban ngày về nhà đột ngột thấy xe tăng Nga đỗ trên đường thành đoàn dài hút tầm mắt một cách rất… hòa bình và đêm đi ngủ chỉ nghe tiếng “bụp bụp…” Sáng dậy thấy cả đoàn xe tăng cháy đen thui hết tất cả, hóa ra do máy bay không người lái bắn đêm qua.

Có những thông tin cho biết rằng hiện nay mỗi tháng, người Nga hạ của Ukraine khoảng 10.000 máy bay không người lái các loại. Nghe 10.000 thì nhiều, nhưng suốt một chiến tuyến 1000 ki-lô-mét thì mỗi 1 ki-lô-mét mặt trận có 10 drone bị bắn hạ trong 1 tháng thì cũng không có gì phi lý.

Tuy nhiên Bayraktar không hoàn toàn biến mất. Do được ứng dụng trên đó các thiết bị quan sát quang học và điện tử khá hiện đại, nó vẫn đang được dùng để trinh sát chiến trường từ khoảng cách xa, đủ ngoài tầm của các hệ thống phòng không Nga nhưng vẫn an toàn. Việc sử dụng nó để tấn công hầu như không còn.

4. Vài con số về chiến dịch tấn công của Ukraine từ 04/06 đến hết 29/06.

Đến cuối tháng Sáu, đã có con số chính thức được phía Ukraine công bố về thiệt hại của hai bên vào ngày hôm qua, các bác xem hình:

- Xe chiến đấu bộ binh Ukraine / Nga: 126 / 111

- Các loại xe khác (theo tui hiểu thì xe tải và xe bồn, và một số loại khác) Ukraine / Nga 40 /80

- Xe tăng Ukraine / Nga 32 / 63

- Pháo binh Ukraine / Nga 10 / 46

- Thiết bị đặc biệt khác Ukraine / Nga 9 / 15

Bình loạn : Nhìn các con số trên, chúng ta có thể thấy được khá rõ tính chất giao tranh trên chiến trường. Do là bên tấn công sử dụng nhiều xe chiến đấu bộ binh nên Ukraine mất số lượng nhiều hơn của Nga.

Tuy vậy không nên nhìn vào con số xe tăng bị diệt của hai bên để hình dung ra một trận chiến đấu xe tăng – mà trong khoảng hơn 3 tuần diễn ra cuộc phản công trên một chiến tuyến dài khoảng 240 ki-lô-mét, lượng xe tăng hai bên mất như vậy là ít, Nga chỉ mất 0,2 xe tăng trên một ki-lô-mét chiều dài mặt trận và nếu tính theo ngày thì mỗi ngày mất 2,6 chiếc, tổng hợp cả hai tiêu chí là thời gian và chiều dài mặt trận thì mỗi ngày trên mỗi ki-lô-mét mặt trận, Nga chỉ mất 0,01 cái xe tăng.

Ukraine còn mất chỉ bằng một nửa số đó. Có thể nói rằng Ukraine mất xe tăng là do vướng mìn khi tấn công còn Nga thì do hàng tỉ nguyên nhân khác, nhưng nói chung những con số này cho thấy tính chất giao tranh của cuộc phản công rất… vừa phải, nếu như không muốn nói là hạn chế, thậm chí có thể cho rằng phía Ukraine tấn công khá rón rén.

Nhưng các con số khác thì lại khá thú vị, như về số lượng pháo binh bị thiệt hại phía Nga gấp gần 5 lần so với của Ukraine. Đây mới đúng nghĩa là “bào mòn” vì với tốc độ hao tổn như vậy thì Nga sẽ không bổ sung được kịp, mà chúng ta đã biết quân đội Nga là “quân đội pháo binh,” ngay cả binh chủng tốt nhất của họ là “binh chủng Wagner” cũng phụ thuộc pháo binh.

Nhân tiện xin nói: hôm trước cụ KOL thân yêu của chúng ta có viết: bào mòn là bào mòn cả hai bên – điều này nhìn chung cũng có đúng, nhưng chính xác nên nói rằng với phía Ukraine là sự hao mòn tự nhiên phải có, còn với phía Nga thì đó đúng nghĩa là bào mòn vì nó là kết quả của một hành động chủ động của quân Ukraine.

5. Tình hình chiến trường

• Đánh giá của Mỹ về diễn biến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine:

- Lực lượng Ukraine tiếp tục phản công hoạt động và tiến lên ít nhất hai khu vực phía trước kể từ ngày 26 tháng 6. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar và cả các quan chức Ukraine khác cùng các cảnh quay video được định vị xác nhận rằng lực lượng Ukraine đã chiếm được Rivnopil gần biên giới hành chính giữa Donetsk và Zaporizhia kể từ ngày 26 tháng 6.

- Tình báo quốc phòng Vương quốc Anh vào ngày 26 tháng 6 đưa nhận định rằng các lực lượng Nga có khả năng thiếu lực lượng dự trữ ở cấp độ chiến dịch để có thể tăng cường cho nhiều khu vực cách nhau hàng trăm ki-lô-mét chủ yếu là Bakhmut và miền nam Ukraine chống lại mối đe dọa đồng thời của lực lượng vũ trang Ukraine.

- Đến ngày 29/06, các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành các hoạt động phản công ở ít nhất bốn khu vực của mặt trận. Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Ukraine đang tiến hành các chiến dịch tấn công theo hướng Bakhmut, dọc theo biên giới hành chính phía tây Donetsk – đông Zaporizhia và cả ở phía tây Zaporizhia. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times xuất bản vào ngày 28 tháng 6 rằng các sự kiện chính của cuộc phản công của Ukraine vẫn chưa bắt đầu.

Bình loạn : Vậy còn những đặc điểm gì cần chú ý nữa quanh cuộc chiến:


Trong các báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine thường ghi nhận mức độ tấn công của Nga là thấp, ví dụ bản tin mới nhất ghi nhận một mũi ở Kupyansk và Bogdanivka ở Bakhmut – trên bản đồ của ngày 26/06 Chuck Pfarrer cũng ghi nhận như thế và đến hôm qua vẫn như thế, trong khi đó mũi tấn công được đề cập thường xuyên trong nhiều bàn tin trước là thẳng phía tây vào Ivanivske, nay quân Nga không tiến hành nữa.

Đồng thời nếu để ý, các bác sẽ thấy bản đồ hiện nay điểm dân cư Hryhorivka đã từng bị Nga tấn công và đã có lúc chiếm được từ cách đây phải 2 – 3 tháng vì nó đe dọa trực tiếp cao điểm Chasiv Yar.

Cũng trong các báo cáo từ vài tuần qua cho đến tận hôm qua, Chasiv Yar bị Nga không kích thường xuyên, thậm chí bằng tên lửa và chủ yếu là pháo kích. Sở dĩ tại sao lại như vậy: quân Ukraine từ đây pháo kích quá nhiều vào lực lượng Nga xung quanh Bakhmut. Cứ hễ có chuyến tiếp vận cho Bakhmut là Nga lại phải bắn hoặc không kích để chi viện cho lực lượng vận tải.

Cũng xin bá cáo các bác, những bản đồ của Chuck Pfarrer không phải tui lấy trên mạng mà chụp lại màn hình từ báo cáo của Đại bản doanh các lực lượng vũ trang Ukraine, thường nó muộn hơn trên mạng xã hội cỡ nửa ngày.

Hiện nay ở Bakhmut, quân Ukraine đã uy hiếp trực tiếp Soledar từ phía tây và bao vây nó từ phía bắc. Thực chất quân Nga chỉ dùng được đoạn đường T-1302 nối Soledar với Bakhmut, còn đoạn đông bắc của nó thì do quân Ukraine chiếm. Tiếp vận cho Bakhmut phụ thuộc vào hai nhánh đường T-0504 và M-03 nhưng sau đó chập lại thành M-06 và ngay cả Soledar hiện nay cũng phụ thuộc tuyến đường này. Do vậy, trước đây Nga vô tình biến Soledar với các mỏ muối của nó thành kho để chứa đạn dược lương thảo, thì bây giờ cái kho đó nằm ở… bước đường cùng. Điều đó có nghĩa là đoạn đường T-1302 nối Soledar với Bakhmut sẽ là huyết mạch để chuyển đồ trong kho ra cho Bakhmut, còn đoạn M-06 trên đây thì tiếp vận thẳng vào Bakhmut. Tất cả đều nằm trong tầm pháo hết.

Câu chuyện bây giờ chỉ là đấu pháo với nhau xem bên nào thắng mà thôi.


Mời các bác quá bộ sang bản đồ số 2, hướng Velyka Novosilka. Câu chuyện không chỉ nằm trên những mũi tên xanh lớn trên bản đồ, mà ngay cách đây cỡ 1 giờ (khoảng 14 giờ chiều 30/06 giờ Hà Nội) kênh Pravda Geraschenko đưa tin đã có đến 11 vụ nổ - chính xác là 11 cú tấn công sâu vào hậu phương quân Nga xung quanh ngoại vi Berdyansk, tuy còn phải chờ đến mai Bộ Tổng tham mưu Ukraine mới xác nhận được.

Quả thực tui hết sức ngại khi cứ lải nhà lải nhải về phương pháp tiến hành trận chiến của người Ukraine: thực chất là chỉ vài cuộc tấn công của Nga trên con số báo cáo của Ukraine là người Nga bị mất cỡ 500 – 600 nhân lực 1 ngày, thì các cuộc tấn công khá là “rón rén”. Tui thì hiểu rằng, cuộc tấn công nó nên như vậy, nhưng những vụ khoan sâu vào hậu phương thì lại rất bài bản, cẩn thận và đều đặn.

Các bác để ý nhé: Ngày 22/06 họ quại cái cầu Chongar. Những tin tức mới nhất về cây cầu: hóa ra có hai phát tên lửa bắn vào cầu chứ không phải là một, và chúng sát nhau làm nhiều người chúng ta, trong đó có tui nhầm. Một cú khoan thủng mặt cầu, và một cú làm gãy, chính xác là thổi bay một đoạn của một cây rầm chính của cầu rơi xuống nước.

Đến nay thì đã có các báo cáo cho biết rằng người Nga nhận ra rằng họ không thể sửa được cây cầu này, cầu phao chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu vận tải cho mặt trận miền nam Ukraine của Nga. Do đó họ đang phải đi vòng qua lối Armiansk mà như hôm trước tui báo cáo các bác là xa gần gấp 3 lần trong điều kiện đường sá tồi tệ. Điều này đã được đề cập bởi bà Natalia Gumenyuk, thư ký báo chí của Trung tâm báo chí điều phối chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine trong một cuộc họp báo và được UNN đưa tin lại.

Còn tình báo quốc phòng Anh thì đánh giá, đây là đòn chí tử cho hậu cần phòng thủ của Nga khu vực Zaporizhia. Họ còn nhận xét rằng, việc Nga làm cầu phao chỉ trong vòng 24 giờ sau khi cầu bị bắn, cho thấy tầm quan trọng của cây cầu với chiến trường của Nga như thế nào.

Bình loạn : Có một vấn đề nghiêm trọng của câu chuyện nữa, là một số xưởng sửa chữa cũng như điểm tập kết khí tài nặng của Nga bị chuyển về Crimea từ trước, và với cú đánh cầu này thì các khí tài đó không có khả năng di chuyển trở lại ra chiến trường để ứng cứu nữa. Chúng ta nếu để ý sẽ thấy hai ngày trước cuộc tấn công, Shoigu dọa nạt rằng “nếu có việc lực lượng vũ trang Ukraine tấn công Crimea bằng tên lửa HIMARS hoặc Storm Shadow sẽ được coi là lôi kéo Hoa Kỳ và Anh vào cuộc chiến.” Cơ mà, ông chuẩn tướng Không quân Pat Ryder, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói rằng người Ukraine tự chọn mục tiêu và thực hiện nhiệm vụ. 

Sau vụ đó, cú dấy loạn của Prigozhin làm vụ đánh cầu lu mờ, nhưng với tui thì cầu quan trọng hơn Prigozhin.

Lại mong các bác để ý thêm nữa: sau khi đánh cầu, họ (người Ukraine) đều đặn quại các mục tiêu sâu trong hậu phương, gây thiếu thốn trực tiếp và Nga sẽ thúc đẩy vận tải, trong đó có cả đi đường vòng và bắc thêm cầu phao, chạy phà gì đó… cho đến khi giải pháp đó là ổn ổn một chút thì phang thêm cho phát nữa. Hãy cùng hình dung các bác nhé: vùng hữu ngạn Kherson trước đây nếu đo đường thẳng từ Lupareve đến Kachkarivka có khoảng cách 133 ki-lô-mét. Bây giờ riêng khu vực Zaporizhia chiến tuyến dài 240 ki-lô-mét, Nga đóng quân số khoảng 80 – 90.000 quân đến hơn, thì tầm cỡ cái “cầu Antonovsky phiên bản hai” lần này nó tầm cỡ đến thế nào. Không những thế, cầu Chongar ngoài hiểm yếu lại còn nhỏ và dễ phá hơn Antonovsky.

Không phải tự nhiên Shoigu đi dọa nạt – hắn biết thừa những điểm yếu có tính tử huyệt của quân hắn. Thực sự với người Ukraine bây giờ, chẳng cần đánh nhau làm cái gì, trên chiến trường thì đánh nhau đủ mức, tập trung triệt pháo của nó; rồi đằng sau phá cho nó đói, hết tháng Bảy này chắc chắn vỡ trận. 

Đó mới chính là “bào mòn.”

PHÚC LAI 30.06.2023

No comments:

Post a Comment