Hoàng Nguyên Vũ - Kiểu làm văn sáo mòn, rập khuônmercredi 28 juin 2023
Thuymy
Đề thi Văn năm nay đã dở, lệch lạc và khiên cưỡng, đánh đố học sinh; kẻ giải đề thi trên báo còn đưa đáp án dở, sai và tệ hơn.
Đề thi năm nay, có 2 phần. Phần đọc hiểu và một phần của phần làm văn, xoay quanh một trích đoạn trong bài thơ Đi qua cơn giông của nhà thơ Anh Ngọc.
Phần được trích có đoạn:
Không phải của riêng ai
Cái êm ả lọc từ dữ dội
Mưa ơi mưa cho mặt người trẻ lại
Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình
Những lạch nước trước hiên nhà bỗng sống lại mông mênh
Còn phần làm văn, là phân tích đoạn trích cũng như cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân qua đoạn đối thoại giữa bà mẹ, cô con dâu mới nhặt về và ông Tràng.
Bà mẹ thở than về sưu thuế, cô con dâu nói ở quê cô không còn phải đóng thuế, Việt Minh về cướp kho thóc chia cho dân nghèo và ông Tràng thấy ân hận vì hôm qua thấy cảnh tương tự sợ bị cướp nên kéo xe đi, đại khái là ông này nhận thức khác đi.
********
Đầu tiên, tôi khẳng định, đây là một đề thi rất dở, đầy đánh đố và hợp với việc thi tốt nghiệp một trường tuyên huấn, hơn là đưa cho những sĩ tử tuổi 18 làm văn tốt nghiệp trung học.
Đoạn trích của nhà thơ Anh Ngọc, thể hiện những hình ảnh giông bão, ẩn dụ (mà cũng chẳng ẩn dụ nữa, ông đã nói toẹt ra phía sau), cho những giông bão cuộc đời ai cũng phải trải; nó làm cho con người thêm trải nghiệm, sống bình tĩnh hơn.
Bài thơ này (xin lỗi nhà thơ Anh Ngọc), vốn dĩ nó đã không hay thì chớ, lại còn rất già nữa, và, nó chẳng biểu đạt cho sự "cân bằng cảm xúc" như cái đề thi đưa ra đánh đố. Người ra đề có vẻ không hiểu đoạn thơ này nói gì, dẫn đến suy diễn, nên đề thi trở thành lạc đề.
Đã vậy, trên báo Tuổi Trẻ, phần đáp án, ông bà nào còn đưa ra một ý như thế này trong phần nghị luận: "Mỗi con người cần phải nuôi dưỡng trái tim mình một tình yêu với thiên nhiên, quê hương đất nước"
Chuyện một cơn giông nó chẳng liên quan gì đến tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước cả. Đó là suy nghĩ của nhà thơ về những trải nghiệm với những giông gió đời người thôi. Mà dĩ nhiên, giông gió này chưa phải là thứ các sĩ tử đã có, nên...họ biết cái gì mà làm văn ???
Ở đâu ra cái kiểu làm văn xuyên tạc, bịa đặt như thế này?
********
Riêng đoạn trích của truyện Vợ nhặt, thưa rằng, đó là đoạn trích thể hiện sự thay đổi về nhận thức một sự việc, từ cam chịu, sợ sệt đến việc có niềm tin vào một điều sáng sủa hơn để thay đổi nghịch cảnh hiện tại.
Đó là một đoạn trích khá "tuyên huấn" và hơi "trả bài" của nhà văn, nó không thể hiện một cách nhìn cuộc sống nào đó mà chỉ là chuyển đổi nhận thức về cái hoàn cảnh đó thôi. Ngay cả khái niệm còn sai, thì người ra đề kiểu này đang làm hại nhận thức của thí sinh, nên viết nếu đúng có khi điểm thấp, mà viết bịa kiểu người ra đề, lại có thể điểm cao.
Thêm cái ông giải đề trên báo nữa, lại bịa ra thành "vẻ đẹp tâm hồn con người"! Ơ, ông bà chỉ giúp đoạn trích đó, đoạn trích đầy than vãn, và rất tuyên huấn ấy, từ nào chữ nào thể hiện vẻ đẹp tâm hồn vậy ???
Đấy, kiểu làm văn mòn sáo, suy nghĩ rập khuôn và áp đặt, mới có cái kiểu ra đề này và tạo ra nhiều suy nghĩ, nhận thức lệch lạc về văn học, và tai hại hơn là cả nhận thức lệch lạc về cuộc sống nữa.
Đề thi cũng phản ánh khả năng cảm thụ và trình độ văn học của đội ngũ “giáo viên tinh hoa” hiện nay đấy. Thật sự đáng lo ngại.
Không biết năm nay có kiểu chấm khoán điểm 9 điểm 10 như năm ngoái nữa không. Chờ xem!
HOÀNG NGUYÊN VŨ 28.06.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment