VNTB – Đậu là bình thường, rớt mới là quý hiếmGhi chép của Mai Lan
30.06.2023 6:17
VNThoibao
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa khép lại, mang theo những cảm xúc khó quên của thí sinh, phụ huynh và cả những hồi tưởng…
Bác sĩ chuyên khoa nội thận NNH là bạn học thời phổ thông của người viết ghi chép này, khi nghỉ hưu bà đã nhận về làm cho một bệnh viện tư nhân ở tỉnh Bình Dương. Trong chộn rộn của mùa thi, bà bạn chia sẻ:
“Mỗi năm đến kỳ thi, tôi lại nao nao nhớ đến những ngày đã qua, con tôi đi thi và tôi cũng đu đeo theo vật vã… Con tôi thi mấy buổi, tôi xin nghỉ phép, đu theo đủ mấy buổi, trải tấm ny lon, lê lết ngồi đồng trước cổng trường thi…
Tôi tuy là bác sĩ, nhưng tôi thuộc như cháo các bài văn mẫu. Nào là chị Dậu, anh Pha, anh Phèo đói khổ do cường hào ác bá, nào là vợ chồng A Phủ, vợ nhặt; nào là: nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta, nào là thù hận đế quốc Mỹ, thực dân Pháp, nào là cướp chính quyền, vân vân , vô số vài văn đại loại vậy…
Sau thi xong, tôi và con tôi uống một liều thuốc tẩy não tinh thần, tẩy hết những thứ “toxic” như trên, để mà sống cho tốt hơn…
Năm nay cũng vậy. Biết đến khi nào chương trình văn học giáo dục con người sống nhân văn, sống lương thiện… Môn văn bây giờ làm học sinh ngán tới óc o! Khổ cho các cháu phải ráng vượt qua để vào đại học, kiếm miếng bằng mà sống trong xã hội này!
Ghi chú: Ông xã tui hồi còn sống, ổng dạy Văn cấp 3 đó! Ngày nào dạy về, ổng cũng chửi thề, muốn bỏ dạy luôn!”.
Một ông thầy giáo dạy môn lịch sử, là dân xứ 18 thôn vườn trầu miệt Hóc Môn, Sài Gòn, về sau chuyển qua nghề viết báo, cũng đã “muốn chửi thề”. Ông bình luận như sau về chuyện đề văn năm nay:
“Trích đoạn ‘Vợ nhặt’, một đề thi ảm đạm, lạc hậu, không có giá trị tích cực nào cho giới trẻ. Đề thi tốt nghiệp phổ thông môn Văn không phải là chuyện đánh đố, đoán đề văn không khó, mà là chuyện đánh giá trình độ cảm thụ văn học và cuộc sống của hàng triệu thí sinh.
Là người nhiều năm chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi cho rằng đề văn năm nay quá tệ. Những chuyện xưa cũ, không hề điển hình như phá kho thóc, thúc thuế… đầy tàn tích… bút pháp tầm thường, thiếu tính nhân văn sẽ đem đến những gì cho hàng triệu người trẻ đang cần những cảm hứng duy mỹ, hùng tráng…”.
Cũng ông thầy giáo giờ chuyển qua viết báo này đã châm chích mang hơi hướm “331” như mấy ông thầy cãi ở vụ tịnh thất Bồng Lai:
“Thằng Tèo thi rớt. Sau 2 ngày thi, thằng Tèo long trọng thông báo với toàn thể gia đình:
– Con rớt rồi.
– Rớt rồi thì sao?
Gia đình thằng Tèo mở tiệc ăn mừng, bố nó nói lý do:
1/ Năm nào thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đậu gần 99%, đậu là bình thường, rớt mới là quý hiếm.
2/ Rớt thì khỏi học đại học, khỏi tốn cả đống tiền.
3/Học cao chưa chắc nên người, tốt nghiệp trung học phổ thông là cái đinh gì, mấy ông tướng cảnh sát biển học tới cỡ nào còn hại dân hại nước như vậy.
4/ Học cao để làm gì, tiến sĩ đầy đường, hàng trăm ngàn du học sinh mà có làm cái gì ích nước lợi dân chưa, học càng cao càng ác với dân thì có”.
Mà thôi, văn vốn là người. Và văn còn là đời. Thử xem con người chúng ta, đời sống chúng ta hiện nay như thế nào? Chẳng phải nhiều người đang chạy đôn, chạy đáo kiếm suất xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, sẵn sàng chui vào thùng container để sang châu Âu cũng chỉ để nai lưng làm thuê, làm mướn giống như người Việt lâu nay vẫn phải ráng tìm một chỗ ở một doanh nghiệp FDI nào đó.
Và trong các diễn văn tuyên giáo, người ta vẫn tiếp tục tự “lên dây cót” lẫn nhau từ việc Pavel Korchagin của “Thép đã tôi thế đấy” được trích dẫn ‘ầm ầm’ đó sao!
Thượng tầng chính trị, thử hỏi có mấy ai dám ‘liếc nhìn’ để xem thế giới họ đi đến đâu, nền công nghệ, văn học và nhất là giáo dục họ phát triển như thế nào, theo hướng nào? Ngay cả vị chóp bu nhất trong danh sách Bộ Chính trị, dường như chưa lần nào dân chúng nghe được về những tuyên ngôn của ông giáo chuyên về lý luận đảng này nói về giáo dục khai phóng…
No comments:
Post a Comment