TS Nguyễn Ngọc Chu và GS Trần Đình Sử nói về chuyện đề thi Văn và giáo dục Việt Nam
28-6-2023
Tiengdan
Nguyễn Ngọc Chu: Bao giờ thì có cuộc cách mạng về đề thi Văn?
Vừa nhận tin “nghi vấn” về lộ đề thi Văn đã thấy buồn. Đọc đề thi Văn còn buồn hơn.
Không bàn về truyện ngắn ‘Vợ nhặt’ của nhà văn Kim Lân. Nhưng nội dung của đoạn trích làm chủ đề nghị luận chính lại nói về “đóng thuế” “phá kho thóc”… những chuyện của một quá khứ cũ xưa, ảm đạm. Đoạn trích đó không nên là chủ đề nghị luận cho một triệu thanh niên 18 tuổi đang háo hức bước vào đời để ganh đua toàn cầu, trong một thế giới chuyển động bởi những phát minh công nghệ không lồ.
Đề thi Văn không đủ nhân văn, không thôi thúc khát khao, không đồng điệu với thời đại. Sẽ không có những bài văn hay, sẽ không thấy tầm hiểu biết từ những đề thi Văn như thế này.
Cần một tầm nhìn mới. Khi có một đề thi Văn đáp ứng hoài bão của tuổi trẻ thì sẽ không còn lo lộ đề thi nữa.
Trần Đình Sử: Cái bế tắc của giáo dục Việt Nam
Đề thi tốt nghiệp phổ thông môn văn năm nay gây nên những phản ứng tiêu cực là có lí do. Về mặt sư phạm không có gì sai, về cấu trúc đề cũng vậy. Nhưng tinh thần của đề là hỏng.
Tôi rất tán thành bình luận của tiến sĩ toán lí Nguyễn Ngọc Chu. Cái hỏng của đề, theo tôi, là thiếu ý thức về giá trị tinh thần hiện đại. Làm tốt được cả bài, coi như thí sinh có được một số tri thức ngữ văn, xét về mặt dạy chữ. Còn dạy người là gì, thì rất cũ. Vùng lên làm cách mạng để tự cứu mình là vấn đề đã cũ rồi. Bởi vì ngày nay chỉ Đảng được làm cách mạng, còn dân thì không được làm vì sẽ vào tù.
Điều này liên quan đến triết lí giáo dục. Mục đích của giáo dục phổ thông là đào tạo những con người công dân hiện đại để học sinh tham gia vào cuộc sống hiện đại. Chương trình, đề thi phải đối diện với các vấn đề của xã hội hiện đại. Ôn nghèo nhớ khổ, ôn lại thành tựu đã qua như chống Pháp, chống Mỹ đều không chỉ đã rất cũ kĩ, mà còn khiến các công dân mới quay lưng với các vấn đề của thời đại của mình.
Không thể sử dụng Nho gia vào giáo dục được, vì nó chỉ dạy con người thần dân, kẻ phục tùng. Tư tưởng Mác-Lê cũng không hợp, vì Mác-Lê chủ trương làm các mạng diệt hết các giai cấp bóc lột, tiến lên chủ nghĩa cộng sản, là một xã hội không giai cấp, không quốc gia, không có chỗ cho người công dân.
Hiện tại ta đang sống trong xã hội chuyên chính vô sản, người dân chưa phải là công dân. Vì thế giáo dục chỉ đào tạo ra con người phục tùng. Chương trình nhấn mạnh đào tạo con người nhân lực. Ra đời các em sẽ đi làm thuê, làm người phục tùng. Ai phục tùng tốt sẽ được đưa lên làm lãnh đạo. Giáo dục làm khác như thế nào?
No comments:
Post a Comment