Wednesday, June 28, 2023

Đồng Bào Thượng
Nguyễn Tuấn Khoa
28-6-2034
Tiengdan

Hồi trước 1975, trẻ con ở miền Nam thích xem phim Cao-bồi đánh nhau với Mọi Da Đỏ. Các chiến binh da đỏ cưỡi ngựa tấn công cảm tử vào các đoàn xe lửa của các cao-bồi đẹp trai miền Viễn Tây, súng bắn từ xe lửa ra, cung tên và dáo mác từ bên ngoài phóng vào các ô cửa, là những đoạn hấp dẫn nhất. Cuối phim bao giờ người da đỏ cũng thua, tức là Mọi Da Đỏ là phe ác còn Cao-bồi là phe ta.

Ở Việt Nam không có Mọi Da Đỏ mà chỉ có dân tộc thiểu số có nước da đen thui, sống ở cao nguyên, vùng núi địa hình hiểm trở. Họ hiền lành, tốt bụng. Hồi đi học, sách vở gọi họ là Đồng Bào Thượng. Họ có các sắc tộc như Stiêng, Ba Na, Jrai, Êđê, Cơ Ho… Cuộc sống bình an của họ ngược với sự phát triển của người vùng xuôi. Họ cứ phải thay đổi nơi sống, lùi dần vào vùng sâu do bước tiến của người miền xuôi.

Từ bao đời nay, ở khắp mọi nơi trên thế giới luôn xảy ra những cuộc xung đột đẫm máu giữa người dân tộc thiểu số sống ở vùng rừng núi và người miền hạ văn minh. Nguồn gốc của chiến tranh giữa họ đều liên quan đến việc giành đất theo luật rừng hay “mạnh được, yếu thua”. Một bên muốn lấn đất để phát triển, một bên muốn duy trì cuộc sống thiên nhiên từ ngàn đời.

Thực tế, chính quyền nào cũng muốn kiểm soát các sắc tộc trên lãnh thổ của mình để tránh các quốc gia lân bang điều khiển các sắc tộc này và họ trở thành một lãnh thổ ly khai ngoài tầm kiểm soát, chống lại chính quyền sở tại.

Đối với nhà cầm quyền, đánh để thắng các sắc tộc này thì không khó nhưng để đưa họ trở về trong chính nghĩa đại đoàn kết quốc gia, đòi hỏi một chính quyền có thực tâm, có chính sách hiểu thấu văn hóa các sắc tộc. Chuyên chính vô sản, bạo lực cách mạng chẳng bao giờ khuất phục được họ, thậm chí mất lòng luôn cả tầng lớp trí thức ở vùng xuôi.

Vào cuối thế kỷ XIX, người Thượng ở cao nguyên Trung Phần sống gần như độc lập với thế giới của người miền xuôi. Triều Đình Huế do phải ưu tiên đối phó với thực dân Pháp để giành độc lập và cũng do rừng núi hiểm trở nên chưa để tâm tới người Thượng. Cho đến khi người Pháp chiếm được 6 tỉnh Nam Kỳ, họ mới bắt đầu khai khẩn các vùng đất màu mỡ, lập đồn điền cao su, cà phê ở vùng cao, nên gặp sự phản kháng mãnh liệt từ người Thượng.

Thấy được những điều bất ổn, sau này Thống Sứ Pháp tuyển những nhà dân tộc học để cai trị và sống chung. Họ có nhiều điều chỉnh như: Đất Thượng của người Thượng, ngăn chặn việc phá rừng, ngăn người miền xuôi ồ ạt lên vùng cao, không đàn áp các sắc tộc…

Nhưng quan trọng nhất, người Pháp lập riêng một chính quyền cho người Thượng, ngoài sự kiểm soát của vua Bảo Đại, gọi là Hoàng Triều Cương Thổ (1949), vai trò đồng bào Thượng vì vậy lớn hẳn ra. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ thì chính quyền này không còn nữa.

Sau hiệp định Geneve, đồng bào Thượng ở miền Nam bị phân hóa thành 2 phe: Phe thân Cộng đông hơn và phe thân Quốc Gia. Phe thân Quốc Gia sống khá thanh bình mà không có mâu thuẫn lớn với chính quyền.

Sau khi đất nước thống nhất, từ đầu thập niên 1980, Đồng Bào Thượng gặp muôn vàn khó khăn mà các nguyên nhân chính đến từ nạn phá rừng buôn gỗ lậu, phá rừng làm thủy điện nhỏ, phá rừng do di dân tự do (DDTD) của cư dân ở miền Bắc Việt Nam.

Từ năm 2002, Chính Phủ thực hiện kế hoạch di dân từ Bắc Việt vào Tây Nguyên. Với sự hoạch định kém, giống như chính sách kinh tế mới, đời sống của di dân ở vùng đất mới rất cơ cực, dù vậy vẫn còn khá hơn các làng xã ở Bắc Việt Nam nên mới xảy ra những đợt DDTD.

Di dân lũ lượt gồng gánh vào phía Nam, làm cho người ta liên tưởng đến đợt di dư năm 1954. Theo thống kê của ban Chỉ Đạo Tây Nguyên thì từ năm 2005 đến 2017, tổng số DDTD đến Tây Nguyên là 91.703 người, đông nhất là đồng bào thiểu số ở phía Bắc. Ba tỉnh chứa người di cư đông nhất là Gia Lai, Kontum và Lâm Đồng.

Dù di cư có tổ chức hay tự do, những người này đều tạo nên một xã hội hỗn loạn với nạn trộm cướp, buôn bán đất bất hợp pháp… Nhưng có lẽ tệ hại nhất là nạn phá rừng vô tội vạ và xung đột giữa Đồng Bào Thượng với những người di dân và chính quyền địa phương. Cùng với các xung đột trên là sự trả thù của thiên nhiên, đó là nhưng cơn lũ cuốn bay tất cả và những đoàn voi rừng phá nát khu dân cư ở Tánh Linh năm 2010.

Sau công trình thủy điện Trị An, nhiều thủy điện lớn được xây dựng như Buôn Kuop (280 MW), Thượng Kontum (220 MW), Đồng Nai 4 (340 MW), ví như những chung cư 30 tầng… Diện tích rừng bị phá để thi công những công trình thủy điện này rất lớn, nhưng lợi ích của chúng đem lại đáng kể nên sự đánh đổi này chấp nhận được. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến 2016 những thủy điện nhỏ (dưới 20MW, thậm chí có cái chỉ 3 MW), được ví như nhà cấp 4 hoặc nhà sàn, mọc lên như nấm sau mưa, mới thực sự phá nát không chỉ Tây Nguyên, mà lan ra cả rừng núi miền Trung và cả phía Bắc nữa.

Trung bình 1MW phá từ 10 ha đến 30 ha rừng, thì có thể thấy chủ trương làm thủy điện nhỏ vô tội vạ và đằng sau việc cấp phép này là tội ác rất lớn! Phá rừng xong, việc ngăn đập tạo nên một hồ rộng mênh mông, đồng bào Thượng phải dời sang nơi ở mới. Chưa kịp ổn định, phải đi sang một chỗ khác nữa, do các thủy điện nhỏ khác được hình thành sau đó.

Cuộc sống của Đồng Bào Thượng ngày càng cơ cực. Điều đáng lo nhất là họ đang mất dần bản sắc văn hóa. Tôi e rằng vài chục năm nữa, con cháu chúng ta sẽ kể với nhau rằng: “Ngày xưa ở những vùng rừng núi có giống người đen thui, gọi là Đồng Bào Thượng…”

No comments:

Post a Comment