Thăm dò: Hầu hết người châu Âu coi Nga là kẻ thùVOA News
01/07/2023
VOA
Người đứng đầu Chính sách Đối ngoại và An ninh EU Josep Borrell đến họp thượng đỉnh Hội đồng châu Âu tại trụ sở EU ở Brussels, ngày 29/6/2023.
Hầu hết người châu Âu coi Nga là kẻ thù kể từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, theo một cuộc khảo sát với hơn 16.000 người trên 11 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu.
Người châu Âu có xu hướng thiện cảm hơn với Trung Quốc, đa số coi Bắc Kinh là một đối tác cần thiết.
‘Kẻ thù’ Nga
Hai phần ba người châu Âu hiện coi Nga là kẻ thù kể từ khi nước này xâm lược Ukraine, theo cuộc thăm dò của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, hay ECFR, được tiến hành vào tháng Tư. Đó là con số gấp đôi so với năm 2021, lần cuối cùng cuộc khảo sát được thực hiện.
“Đặc biệt, đa số ở Đan Mạch [74%], Ba Lan [71%], Thụy Điển [70%], Hà Lan [66%], Đức [62%] và Tây Ban Nha [55%], coi Nga là “kẻ thù” của châu Âu – trong khi chỉ có 37% ở Ý và 17% ở Bulgaria xem như vậy,” theo phúc trình của ECFR.
Quan hệ tương lai
Những người trả lời khảo sát cũng được hỏi về mối quan hệ trong tương lai của châu Âu với Moscow.
“Khoảng một nửa số người được khảo sát [48%] tin rằng mối quan hệ của đất nước họ với Nga, trong trường hợp đạt được một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ở Ukraine, nên ‘hạn chế’,” phúc trình cho biết.
“Quốc gia duy nhất mà đa số [51%] công dân bày tỏ quan điểm rằng nên ‘hợp tác hoàn toàn’ là Bulgaria. Nhiều người ở Áo [36%] và Hungary [32%] cũng ủng hộ quan điểm này,” phúc trình nói thêm.
An ninh châu Âu
Cuộc khảo sát đánh giá thái độ của người dân ở châu Âu đối với các đảm bảo an ninh do Hoa Kỳ cung cấp và liệu châu Âu có nên đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng của chính mình hay không. Một số nhà lãnh đạo EU – đáng chú ý là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – đã kêu gọi châu Âu phát triển quyền tự chủ chiến lược, khả năng tự bảo vệ mình độc lập với Mỹ.
Gần 3/4 số người được hỏi cho biết châu Âu không thể luôn dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình.
“Tất nhiên, bạn có thể diễn giải nó như một dấu hiệu cho thấy người châu Âu không còn tin tưởng người Mỹ nhiều như trước đây. Và theo nghĩa này, có lẽ nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đã để lại tổn hại lâu dài cho mối quan hệ đó,” ông Pawel Zerka, đồng tác giả của phúc trình với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA.
“Nhưng bạn cũng có thể có một cách giải thích độ lượng hơn, theo đó - đơn giản là do cuộc chiến ở Ukraine và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine - người châu Âu hiện sẵn sàng hơn để chịu trách nhiệm về an ninh của họ,” ông nói.
Vị trí của Trung Quốc
Cuộc khảo sát đã hỏi những câu hỏi tương tự về thái độ của châu Âu đối với Trung Quốc.
“Đa số người được hỏi [43%] coi Trung Quốc là “đối tác cần thiết” của đất nước họ. Lập trường này khiến họ gần với các lập trường chính trị của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hơn là những người diều hâu đối với Trung Quốc, chẳng hạn như [Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp châu Âu] Ursula von der Leyen,” phúc trình cho biết.
Đồng tác giả Pawel Zerka nói so với Nga, thái độ của châu Âu đối với Trung Quốc có sự khác biệt rõ rệt.
Ông nói với VOA: “Hầu hết mọi người nói rằng rủi ro và lợi ích là cân bằng, vì vậy họ không công nhận mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc là đặc biệt rủi ro và do đó cần phải tái cân bằng.”
Tuy nhiên, đa số người châu Âu phản đối ý tưởng về việc Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng, trong khi 41% số người được hỏi nói rằng nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Nga thì EU nên áp đặt các chế tài đối với Bắc Kinh ngay cả khi điều đó sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế phương Tây.
No comments:
Post a Comment