Friday, June 30, 2023

VNTB – Bạo lực học đương: hai năm trôi qua, vẫn chưa giảm được
Thiên Thư
01.07.2023 12:53
VNThoibao



(VNTB) – “Giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình, tuy nhiên đối với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, chính trường học lại là nơi không an toàn”.

 Bạn đọc viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Như vậy, theo Người, giáo dục có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng đối với đất nước.

Thế nhưng, những điều không hay, trong đó có bạo lực học đường, trong giáo dục không phải là tình trạng hiếm. Nếu theo dõi tin tức báo chí, không khó để chúng ta bắt gặp những vụ việc này.

Bạo lực học đường là một vấn nạn không chỉ ảnh hưởng đến nền giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của học sinh. Bạo lực học đường có thể bao gồm các hình thức như: bạo lực thể chất (đánh đập, xô xát, cướp bóc,…), bạo lực tinh thần (chửi rủa, xúc phạm, khinh miệt, cô lập,…), bạo lực tình dục (sàm sỡ, quấy rối, xâm hại,…), bạo lực trên mạng xã hội (đăng tải thông tin sai sự thật, phỉ báng, uy hiếp,…).

Và đáng buồn thay, vấn đề đó, không chỉ xuất hiện ở học sinh mà còn là câu chuyện của những giáo viên (như vụ việc một cô giáo ở Biên Hoà, Đồng Nai đã dùng tay đánh bé 31 lần vào má trái).

Lỗi do giáo dục?

Năm 2019, theo trang thông tin kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam, đề cập đến những tiêu cực trong ngành Giáo dục hiện nay như bạo lực học đường, suy giảm đạo đức trong trường học và gian lận thi cử, đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến nhấn mạnh: Những vấn đề này có trách nhiệm của nhiều bên liên quan chứ không riêng ngành Giáo dục.

Trong câu chuyện bạo lực học đường, hành xử không đúng mực giữa học sinh – giáo viên thời gian qua, ông Mai Sỹ Diến cho rằng: Trách nhiệm trước hết thuộc về  người lớn và các gia đình, tiếp đến là sự suy thoái đạo đức lối sống của một số cán bộ, nhân viên.

Ngành Giáo dục có trách nhiệm trong việc này ở chỗ chưa tạo ra được một chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, hướng dẫn hành xử cho giáo viên, đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới khi công nghệ thông tin bùng nổ, hội nhập quốc tế cao.

Trái ngược với ý kiến của ông đại biểu quốc hội, Giám đốc điều hành UNICEF – Bà Henrietta Fore nói “Giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình, tuy nhiên đối với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, chính trường học lại là nơi không an toàn”.

Cũng theo một báo cáo của UNICEF cho thấy ở nhiều khu vực của Campuchia, Indonesia, Nepal và Việt Nam, nơi các học sinh mô tả trường học của mình là không an toàn, các yếu tố phổ biến nhất khiến các em đưa ra nhận định đó là do các em phải chịu ngôn ngữ mang tính nhục mạ, đánh nhau và bị các học sinh khác quấy rối. Số liệu cho thấy bắt nạt là hình thức bạo lực phổ biến nhất trong nhà trường. Bắt nạt và đánh nhau rõ ràng là hiện tượng bạo lực giữa các bạn cùng trang lứa trong trường học đang trở nên báo động.

Phân tích số liệu từ Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam cho thấy bạo lực trong trường học – bao gồm cả xâm hại thể chất và lời nói của giáo viên và các học sinh khác – là lý do phổ biến nhất khiến trẻ em không thích đi học. Và việc không thích đi học có tác động rất lớn dẫn tới điểm môn toán thấp hơn, tính tự giác và lòng tự trọng cũng bị ảnh hưởng.

Triết lý “nhân bản” của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Ngược dòng thời gian, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV, được bầu làm Bộ trưởng bộ này. Cũng trong thời gian này, ngài Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra “chìa khóa” về giáo dục nghe có vẻ “lọt tai” và đầy hy vọng về một nền giáo dục sáng sủa, đó là tinh thần nhân bản, có thể cho rằng đây là triết lý giáo dục: “Tôi có nghĩ tới một phương diện tối quan trọng của triết lý giáo dục, đó là hai chữ “nhân bản”.

Yếu tố “nhân bản” phải thể hiện, chi phối trong mọi tinh thần, chỉ đạo, chính sách, hành động, cử chỉ, phương pháp, tài liệu”.

Triết lý “nhân bản” làm nền tảng cho giáo dục, cho nên chúng ta có quyền hy vọng về những sự chuyển biến, những cải cách hiệu quả.

Nhân bản thì phải làm sao cho người thầy có được cuộc sống đàng hoàng để làm thầy tử tế.

Nhân bản thì học trò có điều kiện tốt để học tập, từ cái phòng học cho đến phòng vệ sinh.

Nhân bản thì không thể có bạo lực học đường tràn lan, không có chỗ cho cô giáo bị bắt quỳ.

Nhân bản thì không thể có gian lận thi cử, mà hướng đến chân tài thực học.

Nhân bản là tôn trọng từng con người, đề cao cá nhân, khuyến khích sáng tạo và suy nghĩ độc lập, không đồng phục tư duy”.

Thế nhưng, hai năm trôi qua, dường chừng như, ngài Bộ trưởng đã quên mất cái mà ngài gọi là “phương diện tối quan trọng của triết lý giáo dục”.

Lẽ hiển nhiên, để thay đổi những bất cập tồn tại mấy năm trời, trong một sớm một chiều là điều khó có thể thực hiện, nhất là vấn đề như bạo lực học đường đã có từ thời Bộ trưởng trước là ông Phùng Xuân Nhạ.

Song, nếu như chỉ nói mà không thấy bất kỳ tín hiệu tích cực nào thay đổi; đó là chưa kể đến quá sâu đến thời điểm hiện tại về những bất cập trong thi chứng chỉ ngoại ngữ, trong cấp phép cho thi ngoại ngữ ở một vài cơ sở trong Thành phố Hồ Chí Minh;  thì cái gọi là “giáo dục nhân bản” chẳng khác nào những lời ma mị?

Xin được mượn lời của một người bạn có con sắp sửa đi học để thay lời kết cho vấn đề ngán ngẫm về giáo dục này: “Đọc tin tức, nghe bạn bè chia sẻ, giờ mình cũng chẳng biết nên xin cho con vô trường nào nữa? Camera có đó nhưng cũng có bạo lực với trẻ em. Rồi một lần bắt được chín mười lần không, niềm tin nào cho giáo dục bây giờ?”


No comments:

Post a Comment