VNTB – Khủng bố trong lịch sử nhân loạiTrần Văn Đông
29.06.2023 5:24
VNThoibao
(VNTB) – Khủng bố dường như là một phần cố hữu của chính trị.
Khủng bố đã được các nhà nước và các lực lượng phi-nhà-nước sử dụng trong suốt lịch sử loài người và trên khắp thế giới. Sử gia cổ đại Hy Lạp Xenophon (431-350 trước Công nguyên) đã viết về hiệu quả của chiến tranh tâm lý chống lại dân của kẻ thù. Các hoàng đế La Mã như Tiberius (trị vì từ 14-37 sau Công nguyên) và Caligula (37-41 SCN) đã dùng các biện pháp đày biệt xứ, quốc hữu hóa tài sản, và xử tử làm phương tiện dọa nạt những người có ý chống đối họ.
Những vụ khủng bố thời cổ đại được trích dẫn nhiều nhất, tuy vậy, lại là hoạt động của nhóm Zealot người Do Thái, thường được biết đến dưới cái tên Sicarii (tiếng Do Thái cổ có nghĩa là Dao Găm), họ thực hiện những cuộc tấn công bạo lực vào những người Do Thái bị nghi là thông đồng với nhà cầm quyền La Mã. Tương tự, khủng bố được Robespierre công khai cổ võ trong Cách Mạng Pháp. Sau cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ (1865-77), những Người Miền Nam bất tuân chính quyền thành lập Ku Klux Klan để dọa nạt những người ủng hộ Kế Hoạch Tái Thiết (1865-77) và những nô lệ mới được trả tự do.
Trong nửa sau của thế kỷ 19, khủng bố đã được sử dụng ở Tây Âu, Nga, và Hoa Kỳ bởi những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, họ tin rằng cách tốt nhất để thực hiện những thay đổi chính trị và xã hội là ám sát những người nắm quyền lực. Từ năm 1865 đến 1905 một số vị vua, tổng thống, thủ tướng, và các quan chức chính quyền khác đã bị những người này giết.
Thế kỷ 20 đã chứng kiến những thay đổi lớn lao trong việc sử dụng các biện pháp khủng bố. Nó trở thành dấu ấn của một số phong trào chính trị từ cực hữu tới cực tả. Các tiến bộ kỹ thuật, như vũ khí gọn nhẹ và tự động, chất nổ kích hoạt bằng điện, cho những kẻ khủng bố khả năng sát thương và linh hoạt cao hơn, sự phát triển của ngành hàng không tạo thêm các phương pháp và cơ hội mới. Khủng bố gần như là một chính sách chính thức của các nhà nước độc tài toàn trị như Đức Quốc Xã dưới thời Hitler và Liên Xô dưới thời Stalin.
Tại những quốc gia này, việc bắt giữ, bỏ tù, tra tấn và hành quyết được tiến hành không theo luật pháp tạo nên một bầu không khí sợ hãi và khuyến khích việc tuân thủ ý thức hệ quốc gia và các mục tiêu kinh tế, xã hội, và chính trị của nhà nước. Ở Việt Nam trong những năm đầu tiên sau 1975, nghe nói cũng ở trong tình trạng tương tự. Một số người đột nhiên bị bắt hay bị bắt cóc và không bao giờ trở về.
Khủng bố đã được sử dụng bởi cả hai phía trong các cuộc xung đột chống thực dân (chẳng hạn như giữa Ireland và Anh, giữa Algeria và Pháp, và giữa Việt Nam và Pháp và Hoa Kỳ), trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc (chẳng hạn như giữa người Palestine và Do Thái), trong các cuộc tranh chấp giữa các hệ phái tôn giáo khác nhau (chẳng hạn như giữa những người Công Giáo La Mã và Tin Lành ở Bắc Ireland), và trong các cuộc nội chiến giữa các lực lượng cách mạng và các chính quyền (chẳng hạn giữa các quốc gia được thành lập sau sự tan rã của Nam Tư, Indonesia, Philippine, Nicaragua, El Salvador, và Peru).
Vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 một số tổ chức phá hoại và cực đoan tiến hành các hoạt động khủng bố theo ý thức hệ tôn giáo cực đoan (chẳng hạn như Hamas và al-Qaeda). Một số nhóm, trong đó có Những Con Hổ Giải Phóng Tamil và Hamas, dùng biện pháp đánh bom tự sát, trong đó những kẻ chủ mưu muốn phá hủy những mục tiêu quan trọng về kinh tế, quân sự, chính trị hay biểu tượng bằng cách cho nổ bom trên người của họ. Những nhóm nổi bật nhất trong đầu thế kỷ 21 là al-Qaeda, Taliban ở Afghanistan, và ISIL.
Cuối thế kỷ 20 Hoa Kỳ bị một số vụ khủng bố thực hiện bởi những người theo chủ nghĩa quốc gia ở Puerto Rico (chẳng hạn như FALN), các nhóm chống phá thai, và các tổ chức nước ngoài. Những năm 1990 xảy ra những vụ khủng bố gây thương vong và thiệt hại lớn nhất tại Mỹ, bao gồm vụ đánh bom Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở thành phố New York năm 1993 và thành phố Oklahoma hai năm sau đó, làm thiệt mạng 168 người. Ngoài ra, cũng xảy ra một số vụ khủng bố lớn vào các cơ sở của chính quyền Hoa Kỳ ở nước ngoài, bao gồm các căn cứ quân sự ở Ả-rập Xê-út (1996) và các tòa đại sứ ở Kenya và Tanzania (1998). Vào năm 2000 một vụ nổ bom tự sát làm thiệt mạng 17 thủy thủ trên một tàu hải quân Hoa Kỳ, USS Cole, ở cảng Aden ở Yemen.
Các vụ tấn công khủng bố gây thương vong và thiệt hại nặng nhất là vụ Ngày 11 Tháng 9 (2001), trong đó các kẻ khủng bố tự sát theo al-Qaeda cướp bốn máy bay thương mại và đâm hai trong số đó vào tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và cái thứ ba vào Lầu Năm Góc gần Washington, D.C.; chiếc thứ tư rơi gần thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennylvania. Các vụ đâm máy bay phá hủy phần lớn Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và một phần của một cạnh của Lầu Năm Góc và làm thiệt mạng hơn 3 ngàn người.
Khủng bố dường như là một phần cố hữu của chính trị. Ngay cả trước vụ 11 Tháng 9, người ta đã lo lắng nhiều rằng những kẻ khủng bố có thể gia tăng mạnh khả năng phá hủy của họ bằng cách sử dụng vũ khí có khả năng sát thương lớn – bao gồm các vũ khí hóa học, sinh học, hay hạt nhân – như giáo phái AUM Shinrikyo đã thực hiện bằng các xả khí phá hủy hệ thần kinh vào đường xe điện ngầm tại Tokyo năm 1995.
Những nỗi sợ hãi này gia tăng mạnh sau vụ 11 Tháng 9, khi một số thư có vi khuẩn anthrax được gửi tới một số lãnh đạo chính trị và nhà báo ở Hoa Kỳ, dẫn đến một số vụ thiệt mạng. Tổng thống Mỹ George Bush đặt cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vào trung tâm của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 21.
Ở Việt Nam, các biện pháp khủng bố, ví dụ như tru di tam tộc, cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng. Những người thuộc họ cha, họ mẹ và họ vợ của những người bị kết án này sẽ bị giết. Vụ án Lệ Chi Viên trong đó Nguyễn Trãi và nhiều người họ hàng của ông bị giết vì tình nghi ám sát vua Lê Thái Tông đã được sử sách ghi lại. Các biện pháp khủng bố cũng không chỉ dừng lại ở các triều đại phong kiến mà kéo dài cho tới mãi sau này.
Trước năm 1975, nhiều quan chức, nhân viên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng bị giết hay ám sát. Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất là giáo sư Nguyễn Văn Bông, hiệu trưởng trường Quốc Gia Hành Chánh vào năm 1971, khi ông sắp trở thành thủ tướng.
Tôi còn nhớ sau năm 1975, một số thanh niên miền Nam trốn vào rừng và chống lại chính quyền mới. Ở tỉnh Đồng Nai có một vụ mà trong đó, một người thanh niên, sau khi bị giết, bị kéo lê trên Quốc Lộ 20; có lẽ là để đe dọa những người có ý chống đối. Ở một mức độ nhẹ hơn, những vụ phạt tù nặng những người có những bài viết, những phát biểu phê phán chính quyền hiện tại cũng có thể được xem là những vụ khủng bố vì nó làm cho nhiều người muốn thực hiện quyền tự do ngôn luận sợ hãi, giúp chính quyền đạt được mục tiêu chính trị bằng biện pháp khủng bố tinh thần.
No comments:
Post a Comment