Wednesday, June 28, 2023

Ngọn nguồn hợp tác quân sự Việt – Mỹ: Bài 1 – Thư ngày 27/12/2007 của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ gửi Đại tướng Lê Đức Anh
Cù Huy Hà Vũ
27-6-2023
Tiengdan
28/06/2023

DẪN NHẬP: Ngày 25/6 vừa qua, đội tàu sân bay USS Ronal Reagan của Mỹ đã tiến hành chuyến thăm Đà Nẵng trong 5 ngày, tiếp nối chuyến thăm thành phố cảng này của Việt Nam của hai đội tàu sân bay khác của Mỹ là USS Theodore Roosevelt vào tháng 3-2020 và USS Carl Vinson vào tháng 3-2018.

Bây giờ nhiều người thấy Việt Nam và Mỹ hợp tác quân sự là điều bình thường. Thế nhưng, “không có lửa làm sao có khói”. Ngay từ năm 2007, tôi, Cù Huy Hà Vũ, một cựu chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng QĐNDVN đối mặt với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam lập liên minh quân sự với Mỹ để chống xâm lược từ Trung Quốc một cách bền vững.

Đó là bức thư ngày 23/12/2007 dài năm trang của tôi gửi Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, để qua ông chuyển tới Chính phủ Việt Nam, đề xuất chiến lược này của tôi. Bức thư này đã được tôi trực tiếp trao cho Đại tướng Lê Đức Anh cùng ngày 23/12/2007 khi tôi và vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đến thăm ông tại nhà riêng ở số 5A phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Trong bức thư gửi Đại tướng Lê Đức Anh, sau khi phân tích tình thế mất nước của Việt Nam trước dã tâm xâm lược của Trung Quốc, tôi kết luận: “Chính phủ phải khẩn trương xây dựng chiến lược trung, thậm chí dài hạn, để có thể hóa giải một cách hiệu quả ý đồ và hành vi bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Cụ thể là Việt Nam phải liên minh với một cường quốc quân sự mà ở đây là Mỹ. Thực vậy, sau khi Liên Xô tan rã thì Mỹ trở thành cường quốc quân sự duy nhất có chính sách kiềm chế Trung Quốc và cũng là cường quốc quân sự duy nhất có mặt ở biển Đông.”

Sau khi tôi bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào ngày 5/11/2010 để sau đó kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đã gửi Đại tướng Lê Đức Anh một bức thư cực lực lên án “phiên tòa khủng bố” chống lại tôi. Ngày 16/6/2011, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hài đã công bố trên Bauxite Việt Nam bức thư này cùng với bức thư ngày 27/12/2007 của tôi gửi Đại tướng Lê Đức Anh với nói trên của tôi.

Xin mời quý vị và các bạn xem toàn bộ bức thư của tôi gửi Đại tướng Lê Đức Anh để biết được sự hợp tác quân sự giữa hai cựu thù Việt Nam và Mỹ được bắt đầu từ đâu.

***

Hà Nội ngày 23/12/2007

Kính gửi: Đại tướng – Chủ tịch Nước Lê Đức Anh,

Tôi là Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, tốt nghiệp Học viện quốc tế quản lý hành chính công (Pháp), cán bộ Học viện Quan hệ quốc tế – Bộ Ngoại giao, xin gửi tới Đại tướng lời chào trân trọng và xin trình bày quan điểm cá nhân cũng như giải pháp tháo gỡ trước việc Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định thành lập thành phố Tam Sa để quản lý lãnh thổ bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ với Đại tướng, nguyên Chủ tịch Việt Nam Lê Đức Anh, tại nhà riêng của ông ở 5 A phố Hoàng Diệu, Hà Nội, ngày 27/12/2007 – Nguồn: Cù Huy Hà Vũ

Không nghi ngờ gì nữa, quyết định lập thành phố Tam Sa của Chính phủ Trung quốc là một lời “tuyên chiến” đối với Chính phủ Việt Nam trong vấn đề lãnh thổ. Thực vậy, việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa là để “chính danh”, là dọn đường cho việc đưa quân đến đóng tại Trường Sa vì về nguyên tắc, nơi đâu có chính quyền là nơi đó có quân đội. Và như vậy, chiến tranh tại quần đảo này của Việt Nam có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã đành mục tiêu cao nhất không chỉ của Chính phủ mà của mọi người dân Việt Nam là phải ngăn chặn chiến tranh, nhất là trong bối cảnh các gia đình Việt Nam hiện nay hầu như dị ứng với chiến tranh vì đã phải chịu quá nhiều chỉ riêng trong thế kỷ 20 và tương quan quân sự trên biển có thể nói rất bất lợi cho Việt Nam, nhưng cái cách mà Chính phủ Việt Nam đang thể hiện, theo tôi, không những là hạ sách mà không chắc đã tránh được chiến tranh.

Việc Chính phủ Việt Nam giữ một thái độ im lặng, có thể nói như vậy, trước một hành vi xâm phạm lãnh thổ Việt Nam không gì trắng trợn hơn chắc chắn càng làm cho Trung Quốc tin rằng Việt Nam thực sự yếu cả về quân sự lẫn chính trị vì chỉ có yếu mới không dám phản ứng (Dẫu có lên tiếng phản đối mà trên thực tế là yếu ớt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyệt nhiên không phải là người phát ngôn của Chính phủ hay của Thủ tướng. Còn việc Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà ra nghị quyết về Trường Sa thì quả là hài hước vì làm sao cấp địa phương của quốc gia này lại có thể phản đối có hiệu quả hành vi của Chính phủ của nước khác, huống chi Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc!). Và một khi Trung Quốc tin như vậy thì không có lý gì họ lại không lấn tới, cụ thể là đẩy nhanh việc đưa quân đến Trường Sa (nếu việc này diễn ra, không loại trừ Trung Quốc sẽ cùng lúc gây sức ép quân sự tại các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam để dàn mỏng khả năng phòng thủ của ta nhằm tối đa hoá khả năng giành thắng lợi của họ trong cuộc chiến trên biển). Lẽ dĩ nhiên không ai nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của quân đội ta nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch mà ta thất thủ – khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra – thì chắc chắn hậu quả sẽ là khôn lường. Thực vậy, thua trong cuộc chiến này là mất lãnh thổ gắn liền với nguồn tài nguyên dồi dào dưới biển, trước hết là nguồn dầu khí vô cùng cần thiết cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai gần, là đặt nước ta ở thế vô cùng dễ tổn thương trước các nguy cơ xâm lăng từ biển và vì vậy sớm muộn gì cũng sẽ buộc người dân phải đặt lại vấn đề đối với sự điều hành đất nước của chính thể hiện hành!

Vậy để cấp bách ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh từ phía Trung Quốc thì đối với Chính phủ cách tốt nhất, nếu không muốn nói là duy nhất, là tiến công, tất nhiên bằng các biện pháp phi quân sự, thay vì tiếp tục giữ thái độ thụ động, thậm chí nhu nhược như hiện nay. Cụ thể Chính phủ cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sau:

Một là, ra Tuyên bố phản đối mạnh mẽ quyết định của Quốc vụ viện Trung Quốc lập thành phố Tam Sa, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.

Hai là, nếu Quốc vụ viện hoặc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu lại Công hàm của của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ngày 4 tháng 9 năm 1958 như là cơ sở pháp lý chủ chốt để Trung Quốc thực hiện quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa thì khẳng định Công hàm này không có giá trị pháp lý với hai căn cứ sau:

  1. Sau khi Việt Nam giành được Độc lập vào năm 1945 từ phát xít Nhật thì từ đó đến nay luôn chỉ có một nước Việt Nam chứ chưa bao giờ có hai hay ba nước Việt Nam. Hiệp định Genève 1954 mà Trung Quốc là một thành viên ký kết cũng chỉ chia cắt tạm thời Việt Nam làm hai và dự kiến sự chia cắt tạm thời đó sẽ được xoá bỏ vào năm 1956 khi tổng tuyển cử được tiến hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội thống nhất. Như vậy, theo tinh thần của Hiệp định Genève, cả Chính phủ và Quốc Hội của Việt Nam dân chủ công hoà ở miền Bắc lẫn Chính phủ và Quốc Hội của Quốc gia Việt Nam và sau đó của Việt Nam cộng hoà ở miền Nam đều chỉ là những Chính phủ và Quốc Hội tạm thời nên không có thẩm quyền định đoạt lãnh thổ. Nói cách khác, chỉ có Chính phủ và Quốc Hội của một nước Việt Nam thống nhất mới có thẩm quyền giao kết quốc tế về lãnh thổ. Thế nhưng Chính phủ của nước Việt Nam thống nhất ra đời sau cuộc tổng tuyển cử trên cả nước vào năm 1976 là Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hơn thế nữa là Chính phủ Việt Nam duy nhất được Liên Hiệp Quốc công nhận, chưa bao giờ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của Trung Quốc, mà ngược lại, luôn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.
  2. Theo thông lệ quốc tế, mọi cam kết quốc tế của Chính phủ, của Thủ tướng hay người đứng đầu Nhà nước chỉ có giá trị pháp lý nếu cam kết đó được Quốc Hội phê chuẩn. Ngay cứ cho rằng Chính phủ Việt Nam dân chủ công hoà là Chính phủ duy nhất ở Việt Nam thì Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng không có giá trị pháp lý vì Công hàm này sau đó không được trình Quốc Hội xem xét và phê chuẩn. Nói cách khác, Công hàm chỉ dừng lại ở mức phản ánh quan điểm cá nhân của Thủ tướng hay của Chính phủ mà không có giá trị thi hành.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ với Đại tướng, nguyên Chủ tịch Việt Nam Lê Đức Anh, tại nhà riêng của ông ở 5 A phố Hoàng Diệu, Hà Nội, ngày 27/12/2007 – Nguồn: Cù Huy Hà Vũ

Ba là, quốc tế hoá vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa để dùng cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với Trung Quốc. Để thực hiện điều này hiện có hai phương cách: 1/ đưa tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam ra Toà án quốc tế La Haye; 2/ tổ chức Hội thảo quốc tế về Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên phương cách thứ nhất có thể nói không thành vì Trung Quốc chắc chắn sẽ từ chối. Vả lại, rủi ro cho Việt Nam không phải là không có (không loại trừ Toà án tuyên hai quần đảo trên thuộc Trung Quốc). Phương cách thứ hai chỉ mang tính tham khảo chứ không mang tính chế tài và vì vậy không giải quyết được vấn đề. Do đó, theo quan điểm của tôi, cách duy nhất quốc tế hoá vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa là Chính phủ đưa vấn đề ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, đề nghị Hội đồng bảo an ra Nghị quyết về vấn đề này (kêu gọi Trung Quốc duy trì nguyên trạng (statuquo) và giải quyết tranh chấp với Việt Nam bằng đàm phán). Hiện Việt Nam là thành viên của Hội đồng bảo an nên khả năng cơ quan này chấp nhận xem xét vấn đề mà Việt Nam nêu để ra dự thảo Nghị quyết là hoàn toàn hiện thực. Trong trường hợp này Nga và Pháp có khả năng ủng hộ dự thảo một Nghị quyết như vậy nếu xét tới quan hệ thân thiện giữa Việt Nam với hai nước này, Mỹ do có lợi ích trong việc kiềm chế Trung Quốc nên chí ít cũng không chống lại dự thảo Nghị quyết và Anh rất có khả năng cũng chọn một thái độ chí ít như Mỹ nếu không muốn nói là ủng hộ vì Anh có thể nói luôn đồng nhất với Mỹ về các vấn đề ngoài châu Âu. Cho dù cuối cùng sẽ không được thông HEAV qua vì chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phủ quyết thì một dự thảo Nghị quyết như vậy cũng buộc Trung Quốc phải dè chừng trong việc đưa quân đến Trường Sa.

Bốn là, phát động chủ nghĩa yêu nước hay tinh thần dân tộc của người Việt cả trong lẫn ngoài nước. Lịch sử đã chứng minh tinh thần dân tộc luôn là yếu tố quyết định sự tồn tại của nước Việt trước các cuộc xâm lăng, hơn thế nữa, được tiến hành bởi những đế quốc mạnh nhất trong lịch sử. Nói cách khác, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam trên thực tế không có cường quốc quân sự nào làm đồng minh, chủ nghĩa yêu nước – tinh thần dân tộc của người Việt là vũ khí răn đe Trung Quốc hữu hiệu nhất. Sở dĩ tôi phải nói điều này vì kể từ khi xảy ra sự kiện Tam Sa Chính phủ đã thể hiện một thái độ quay lưng lại chủ nghĩa yêu nước bằng cách cấm cản các cuộc biểu tình hoà bình phản đối hành vi trên của Trung Quốc do người dân tự phát tiến hành. Cũng phải nói rằng chính các cuộc biểu tình tự phát mới thể hiện một cách mạnh mẽ nhất tinh thần dân tộc của người Việt và vì vậy mới có thể làm Trung Quốc chùn tay. Nói cách khác, Chính phủ không nên sợ mà ngược lại cần ủng hộ dưới dạng này hay dạng khác các cuộc biểu tình như vậy. Và lại làm như thế Chính phủ sẽ không tạo cớ cho các thế lực thù địch gây chia rẽ người dân yêu nước với Chính phủ để từ đó tranh thủ lực lượng này. Ngoài ra phát động tinh thần dân tộc cũng là cách tốt nhất để tập hợp người Việt sống ở nước ngoài nhằm thực hiện “Bảo vệ Tổ quốc từ xa”, một chủ trương hoàn toàn đúng đắn do chính Đại tướng khởi xướng. Vấn đề còn lại là làm sao kiểm soát để các cuộc biểu tình diễn ra một cách hoà bình hoặc không đi chệch mục đích của biểu tình. Nếu Chính phủ không làm được như thế thì thất bại trong công cuộc bảo vệ Trường Sa là điều có thể nhìn thấy trước.

X

Cổ nhân có câu “ôn cố tri tân” hay nói cách khác, biết rút ra được những bài học từ lịch sử thì sẽ thành công trong hiện tại. Tướng quân Lý Thường Kiệt vào thế kỷ thứ 11 chủ động tiến đánh quân nhà Tống ngay trên đất Trung Hoa (Quảng Tây) mà dẹp luôn ý đồ xâm lược nước ta của nhà Tống. Cũng như thế, để dẹp tan ý chí phục thù của nhà Thanh, vua Quang Trung sau khi đánh bại đạo quân xâm lược của Tôn Sỹ Nghị đã viết biểu gửi Càn Long trong đó có nêu: “ Nếu vạn nhất đánh nhau liên miên không dứt thì thần nhất định không lấy nước nhỏ để trọng nước lớn nữa, buộc phải nghe theo mệnh trời. Việc xảy ra không thể lường trước được; để rồi ra sao thì ra”. Thậm chi đến năm Nhâm Tý (1792), Quang Trung cử một phái đoàn do tướng Võ Văn Dũng làm Chánh sứ sang bệ kiến Càn Long để cầu hôn công chúa nhà Thanh và xin đất Quảng Đông và Quảng Tây để làm kinh đô với cớ nhà vua đang ở nước hẻo lánh, đường thủy bộ đều không tiện … Càn Long sau khi giao cho đình thần nghị xét đã chuẩn y cho Quang Trung tỉnh Quảng Tây đồng thời xuống chiếu giao cho bộ Lễ sửa soạn nghi thức và chọn ngày cho công chúa nhà Thanh sang nước Nam kết duyên với Quang Trung. Song kế hoạch của vua Quang Trung không thành vì khi bộ Lễ nhà Thanh đang xúc tiến mọi việc thì ông băng hà.

Tóm lại, lịch sử cho thấy khi ý đồ xâm lược của Trung Quốc đã bộc lộ rõ thì chủ động tiến công là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà với Đại tướng, nguyên Chủ tịch Việt Nam Lê Đức Anh, tại nhà riêng của ông ở 5 A phố Hoàng Diệu, Hà Nội, ngày 27/12/2007 – Nguồn: Cù Huy Hà Vũ

X

Bên cạnh thực hiện biện pháp cấp bách như trình bày ở trên, Chính phủ phải khẩn trương xây dựng chiến lược trung hạn, thậm chí dài hạn để có thể hoá giải một cách có hiệu quả ý đồ và hành vi bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Cụ thể là Việt Nam phải liên minh với một cường quốc quân sự mà ở đây là Mỹ. Thực vậy sau khi Liên Xô tan rã thì Mỹ trở thành cường quốc quân sự duy nhất có chính sách kiềm chế Trung Quốc và cũng là cường quốc quân sự duy nhất có mặt ở biển Đông. Tất nhiên đây không phải là một sự lựa chọn dễ dàng xét dưới góc độ lịch sử và chính trị và vì vậy một lần nữa chúng ta hãy trở lại Hồ Chí Minh để có được sự tự tin và bản lĩnh cần thiết để làm điều cần phải làm: năm 1946 khi Tổ quốc ở tỉnh thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác đã chủ động ký Hiệp định sơ bộ 6/3 chấp nhận quân Pháp trở lại miền Bắc để đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước!

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, dẫu là dân thường cũng không thể thờ ơ với vận mệnh và an ninh quốc gia, tôi hy vọng những đề xuất trên đây sẽ được Đại tướng tham khảo vì lợi ích tối cao của dân tộc và đất nước.

Kính chúc Đại tướng dồi dào sức khoẻ,

CÙ HUY HÀ VŨ

24 Điện Biên Phủ – Hà Nội

ĐT: 0904350187

______

Tác giả: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment