VNTB – Có đúng như báo nói về các em?Út Sài Gòn
28.06.2023 5:06
VNThoibao
Nhiều bài viết được đăng trên một số tờ báo điện tử ở Việt Nam lên tiếng cảnh báo: “Thích năng động nhưng hay mất kiên nhẫn, cá tính mạnh mẽ lại dễ bị tổn thương, mong được sếp thấu hiểu nhưng không muốn chia sẻ… Đó là một phần trong nhiều vấn đề về phong cách làm việc của gen Z (*) hiện nay”.
– Mới đầu tuần mà sao lại buồn rầu nữa rồi chị Bảy?
– Buồn chuyện gia đình anh Tám ơi, xếp đôi tờ báo, bà Bảy nội trợ chia sẻ, tôi có một thằng cháu sinh năm 2003, một đứa em gửi gắm nhờ cho ăn học. Mà giờ nói thì nó cãi lại, dạy nó thì nó không thèm nghe. Giờ cũng không biết phải làm sao?
– Làm sao là làm sao? Đơn giản nhất, trả nó về nơi sản xuất là xong.
– Biết là vậy. Nhưng thằng em nó khổ, sáng đi tối về, nó mới gởi, nhờ coi ngó thêm. Mà kẹt cái nó gởi trễ quá, tới lớp 10, nó mới gởi, giờ làm sao uốn nắn, dạy dỗ bây giờ? Vương thì mệt mà bỏ thì tội.
– Ái chà, sao nghe có vẻ éo le dữ vậy? Có chuyện gì vậy chị?
– Nếu mà một chuyện thì tui cũng chẳng nói. Đằng này thì cả đống chuyện. Lúc nó chuẩn bị thi lớp 9 lên lớp 10, trước ngày thi, tui có nói nó, lo mà ôn thi đi, đừng có coi thường các kỳ thi. Nó không nghe, cứ khăng khăng, mai lấy 8 điểm toán cho coi, rồi lại cắm đầu vô chơi game trên điện thoại.
Cuối cùng thì kết quả chỉ có 1.5 điểm, trường nào cũng rớt luôn. Sau đó cho vô giáo dục thường xuyên học, để cho học cho xong chương trình giáo dục phổ thông, cũng may mắn là kéo lên được một chút. Rồi từ hồi nó vô đại học tới giờ, hư suốt luôn. Nói xạo, ăn chơi… đủ hết luôn. Khi mà tui hỏi thì nó gân cổ lên cãi, rồi còn thách tui đi kiểm chứng này kia nữa.
Có lần kẹt công chuyện, nhờ nó đi mua đồ. Nó cũng đi, cái nó gọi về nói nhà văn hoá thanh niên không cho vô. Tui thì đang kẹt, kêu vậy thôi đi về nghỉ đi. Mà linh tính tui thấy nó có cái gì đó không đúng, tui nhờ một đứa cháu khác đi. Nó đang uống cà phê bệt gần đó, sẵn qua luôn, vô mua được. Anh coi đó, giờ nói gì?
– Chị nói sẵn tui nói luôn, tui cũng khác gì chị. Một đứa cháu sinh 2001, nói nó cũng đâu có nghe. Mình nói thì nó nói mình cổ lỗ sĩ.
– Tui hỏi anh một câu, không có tiền nhân, thì sao có ngày hôm nay? Không có những bậc ông cha đi trước mở đất, mở cõi, có tui với anh không? Mình nói với nó là bằng kinh nghiệm cũng như những điều mình được học. Nói thì nó không nghe, còn gân cổ cãi lại. Vừa buồn vừa mệt.
Ông Tám xe ôm, cười: Cũng tại vì chữ tình đó chị, tình cảm gia đình. Tui thì đồng ý với chị rồi đó. Nếu coi thế hệ đi trước là cổ lỗ sĩ, vậy thì giáo dục bỏ luôn cái hô hào “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”… đi cho rồi…
– Mà thiệt tui kiên nhẫn lắm luôn, áp dụng đủ mọi cách, từ nhỏ nhẹ, giải thích, phân tích cho đến lớn tiếng, cũng không ăn thua gì. Giờ phải làm sao?
– Ờ, cái đó tui cũng không biết phải làm sao nữa!
– Cũng mong các nhà nghiên cứu hay ai đó tìm hiểu, có phương pháp nào hiệu quả để giải quyết mấy chuyện này. Chớ để kiểu này, hư hết con người ta sao?
Cũng theo lời của một thạc sỹ trong bài viết trên báo thì: “Người trẻ cần phải học lắng nghe sự chỉ trích, góp ý hoặc đôi lúc là những chỉ đạo có phần vô lý từ cấp trên. Vì không có một môi trường làm việc nào hoàn hảo 100% hay ấm áp, an toàn như ở nhà cả, nếu không muốn áp lực thì đừng đi làm, còn đã bước vào phải chấp nhận đó là một điều hiển nhiên của cuộc sống”.
Út Sài Gòn nghĩ rằng nếu một chút “tự diễn biến” ở đây thì xem chừng tuổi trẻ thế hệ bác… Nguyễn Phú Trọng đang “tự chuyển hóa” đến mức đe dọa cả sự tồn vong trong tương lai của đảng cộng sản Việt Nam.
(*) Gen Z (Generation Z), hay còn gọi là Thế hệ Z, là thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012.
Vì được sinh ra vào thời kỳ công nghệ, Internet bùng nổ, nên Gen Z còn có các tên gọi khác là: iGeneration, Homeland Generation, Net Gen, Digital Natives, Neo-Digital Natives, Pluralist Generation, Internet Generation, Centennials, Hậu – Millennials, Zoomer, Gen Wii, Gen-Tech.
No comments:
Post a Comment