VNTB – Lá phiếu tín nhiệm của Dân hay của Đảng?Thới Bình
01.06.2023 3:54
VNThoibao
(VNTB) – Lá phiếu tín nhiệm, nếu là của Dân, thì cũng giống như ‘trưng cầu dân ý’ về một quan chức chính trị nào đó.
Tại thảo luận ở dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân rất xác đáng, đó là “lấy phiếu tín nhiệm”, hay “bỏ phiếu tín nhiệm”, và dựa vào căn cứ nào để “lấy phiếu” hay “bỏ phiếu” về một cá nhân nào đó giữa chức vụ?
Vấn đề khác ở đây, theo quan điểm cá nhân của người viết bài, trên thực tế làm gì có một người giữa chức vụ nào đó trong bộ máy công quyền được gọi là “do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu”, mà động tác của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở đây là “phê chuẩn” theo danh sách được Bộ Chính trị lựa chọn, và phần “thủ tục hành chính” cho hoàn tất “quy trình nhân sự” này là “phê chuẩn” của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Nói như vậy để thấy rằng nếu như phiên họp Quốc hội cho tiến hành việc “lấy phiếu tín nhiệm” – “bỏ phiếu tín nhiệm”, phải chăng được hiểu là “kịch bản dàn dựng” về các con số mà Bộ Chính trị muốn hướng đến, khi ở hội nghị Trung ương 7 hồi trung tuần tháng 5 này, việc “lấy phiếu – bỏ phiếu” có kết quả ra sao vẫn chưa được công bố (chính điều này nên đang có đồn đoán tỷ lệ lá phiếu tín nhiệm đối với vị trí Tổng bí thư đã ở mức chưa được quá bán!?).
Trở lại với ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Về căn cứ lấy phiếu tín nhiệm, ông Lê Thanh Vân cho hay vấn đề này trên thực tiễn rất khó.
“Các đại biểu Quốc hội rất băn khoăn mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ để lấy phiếu là gì, nếu chỉ theo dõi thông tin trên báo chí thì không đủ, căn cứ vào báo cáo của từng chức danh thì không có, vì luật và Nghị quyết này cũng không quy định phải báo cáo; trước mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm cũng không có báo cáo của các chức danh… Vậy căn cứ vào đâu để chúng ta lấy phiếu tín nhiệm” – ông Lê Thanh Vân đặt vấn đề thuần cách hiểu khoa học về “nhân – quả”.
Vị đại biểu đoàn Cà Mau nêu giả sử trước khi được bầu hoặc phê chuẩn mà các chức danh này có chương trình hành động, thì đấy được coi như “khế ước” cam kết thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các chức danh, khi đó các đại biểu Quốc hội sẽ có căn cứ, soi vào đó để xem xét, kiểm đếm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh đó.
Vì không có “khế ước” nào nên các đại biểu Quốc hội khó có căn cứ gì để đong đếm, lường định được đâu là người làm được việc, đâu là người không làm được việc.
Trao đổi quanh vấn đề trên, theo luật sư Tr.Th., thì đồng bộ cách hiểu về “lấy phiếu tín nhiệm”, cần căn cứ vào Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quán lý trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, vẫn theo quan sát của luật sư Tr.Th., Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị không đề cập trách nhiệm liên đới ra sao trong chuyện “Đảng phân công – điều động” cán bộ vào các vị trí khác nhau trong bộ máy quản trị Chính phủ và cả Quốc hội.
“Tôi đồng ý với yêu cầu của một “khế ước” như đề xuất của đại biểu Lê Thanh Vân. Không chỉ vậy, tôi nghĩ cần có quy định sòng phẳng về việc Đảng chịu trách nhiệm cụ thể gì, khi mà “Đảng phân công – điều động” cán bộ, để rồi những cán bộ đó về sau nhận lá phiếu bất tín nhiệm trong cách hiểu của diễn giải ở Tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là không có gì là qua mắt được dân, mặc dù có thể nói ra hoặc không nói ra nhưng dân đều biết ai làm tốt, ai làm không tốt, ai không dám làm, ai vì mục đích chung, ai vụ lợi.
Vậy thì người dân ở đây, thông qua tiếng nói ở nghị trường của các ông, bà nghị, mới thật sự là các lá phiếu tín nhiệm tin cậy. Tiếc là cho đến nay, Đảng lại không thuận cho yêu cầu dân chủ đó” – luật sư Tr.Th. bình luận.
No comments:
Post a Comment