VNTB – Gần 2 tháng sau tai nạn, Việt Nam lập ủy ban điều traHồng Dân
01.06.2023 4:09
VNThoibao
(VNTB) – Hậu trường chính trị quyết định ‘nắn gân’ các bên liên quan vào giờ chót.
Ngày 5-4-2023 xảy ra tai nạn đối với máy bay trực thăng Bell 505 số hiệu đăng ký VN-8650. Ngày 30-5-2023, chính phủ quyết định thành lập “Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay” này.
Quyết định mang số 599/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký.
Theo Quyết định, thành lập “Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay” xảy ra ngày 5-4-2023 đối với máy bay trực thăng Bell 505 số hiệu đăng ký quốc tịch VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc – Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Danh sách thành viên Ủy ban gồm: Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm Chủ tịch Ủy ban. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng làm Phó Chủ tịch thường trực. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam làm Phó Chủ tịch.
Các Ủy viên lãnh đạo các cơ quan: Cục tác chiến; Quân chủng Phòng không Không quân; Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu); Bộ Tư lệnh hải quân; đại diện Bộ Tài chính; Vụ Vận tải, Vụ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải; Cục Hàng hải Việt Nam; Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam; đại diện quốc gia thiết kế, chế tạo máy bay (Canada); đại diện Quốc gia thiết kế, chế tạo động cơ (Pháp); lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng; lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh.
Tổ chuyên gia gồm: Các chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không); các chuyên gia của Bộ Quốc phòng (Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh đoàn 18….);
Tổ thư ký gồm: Cục tác chiến – Bộ Quốc phòng; Quân chủng Phòng không, Không quân – Bộ Quốc phòng; Cục Hàng không Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải.
Các cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay có văn bản cử người gửi về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 10-6-2023.
Vụ tai nạn có thể tóm lược như sau: lúc 16 giờ 56 phút ngày 5-4-2023, máy bay trực thăng Bell 505 số hiệu VN-8650 chở 5 người, gồm phi công là đại tá Chu Quang Minh cùng 4 hành khách quê Đà Nẵng thực hiện bay du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long.
Trực thăng Bell 505 sau đó mất liên lạc với đài chỉ huy lúc 17 giờ 6 phút 20 giây tại tọa độ 2051’55″N – 10701’31″E, khu vực biển thuộc địa phận xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Vị trí máy bay trực thăng Bell 505 gặp nạn rơi ở vịnh Trà Báu, thuộc quần đảo Cát Bà.
Ngày 25-4, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) phát đi thông báo về việc đã chi trả bồi thường toàn bộ cho thân máy bay trực thăng Bell 505, trong vụ rơi trực thăng chở 5 người (1 phi công và 4 hành khách) ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long.
Là nhà bảo hiểm gốc cho Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH), Bảo hiểm PVI đã hoàn tất các thủ tục có liên quan đến bảo hiểm thân máy bay trực thăng Bell 505 mang số hiệu VN-8650 để sẵn sàng chi trả cho VNH số tiền 1.569.400 USD.
2 ngày sau khi xảy ra tai nạn, Bảo hiểm PVI đã tạm ứng bồi thường cho gia đình của phi công không may bị thiệt mạng 50.000 USD trong thời gian chờ đợi hoàn tất thủ tục để thanh toán số tiền bồi thường còn lại theo đơn bảo hiểm tai nạn phi công là 150.000 USD.
Lực lượng chức năng đã tìm thấy hộp đen chiếc máy bay trực thăng Bell 505, số hiệu VN-8650, rơi trên biển.
Trình tự kể trên cho thấy việc xúc tiến điều tra vụ tai nạn máy bay trực thăng Bell 505, số hiệu VN-8650 của một ủy ban với nhiều cấp, ngành, xem ra sớm nhất cũng chỉ có thể từ trung tuần tháng 6-2023.
Duyên cớ nào khiến việc điều tra tai nạn này lại xúc tiến quá chậm chạm đến như vậy thì không thấy nêu ở Quyết định mang số 599/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký hôm 30-5-2023.
Luận bàn bên lề, có đồn đoán là phải đến giờ chót, hậu trường chính trị mới quyết định ‘nắn gân’ các bên liên quan qua thành lập một “Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay” như vậy.
Ngờ vực đó có thể xuất phát từ tình tiết của vụ án vừa được hoãn xét xử: Tháng 2-2019, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách chi cho quản lý hành chính năm 2019 với tổng số 450 tỷ đồng. Khoảng một tháng sau, Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển họp phiên mở rộng, quyết nghị phân bổ cho Cục Kỹ thuật 150 tỷ đồng để tổ chức mua sắm tập trung vật tư, thiết bị cung cấp cho các đơn vị.
Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Cục trưởng Cục Kỹ thuật Nguyễn Văn Hưng khi thực hiện mua sắm phải rút ra 50 tỷ đồng, tức bằng 1/3 kinh phí được phân bổ, để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sử dụng.
Tháng 5-2019, Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn ký quyết định giao dự toán ngân sách 179 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật, một lần nữa yêu cầu Cục trưởng Nguyễn Văn Hưng rút lại 50 tỷ đồng cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Chấp hành mệnh lệnh, ông Hưng yêu cầu 6 trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật khi chi tiêu ngân sách phải rút lại số tiền mà tư lệnh đã chỉ đạo…
… Liệu trong Binh chủng Phòng Không – Không quân cũng có những “lệnh miệng” tương tự với Cảnh sát biển, và khi ấy với “kinh phí bảo dưỡng” bị cắt xén, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra…
No comments:
Post a Comment