Tuesday, June 27, 2023

Việt Nam có học từ Trung Quốc cách kiểm soát xã hội?
27 tháng 6 2023, 20:50 +07
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Trong tác phẩm kinh điển '1984', nhà văn người Anh, George Orwell viết về khẩu hiệu tuyên truyền nổi tiếng của đảng cầm quyền của siêu nhà nước Oceania nhằm kiểm soát dân chúng, "Chiến tranh là hòa bình, Tự do là nô lệ, Ngu dốt là sức mạnh".

Một chi tiết trong tác phẩm kinh điển cho thấy hệ thống tuyên truyền đã được dùng để kiểm soát, thao túng tư tưởng của quần chúng, khiến họ chỉ biết suy nghĩ cho chính mình, và 'ngoan ngoãn' tuân theo sự cai trị của chế độ.

Được ấn bản vào năm 1949, tiểu thuyết "1984" cho đến nay vẫn còn cho thấy tầm ảnh hưởng của mình, như ở hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam.



'Tiếp tục trấn áp vì sự tồn vong của chế độ'

Bình luận với BBC, Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giống nhau ở ý muốn củng cố quyền lực, tuy nhiên có sự khác biệt.

"Nếu như ông Tập tin vào chế độ độc tài [one-man rule] thì ông Trọng lại tin vào lãnh đạo tập thể. Mặc khác, ông Tập dường như cởi mở hơn và cam kết hơn đối với quá trình cải cách thì ông Trọng thì ít hơn thế. Nếu như ông Tập nhấn mạnh đến khoa học và công nghệ thì ông Trọng lại nhấn mạnh đến "xây dựng đảng". Nhìn chung nếu ông Tập mang "Giấc mộng Trung Hoa", thì giấc mơ của ông Trọng lại khiêm tốn hơn nhiều. Ông Trọng chỉ đơn giản muốn cứu Đảng Cộng sản Việt Nam thoát khỏi tệ nạn tham nhũng. Những tính cách này đã góp phần định hướng con đường của hai đảng cộng sản."

"Tôi nghĩ mục tiêu tối thượng của chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam là sự tồn vong của chế độ cộng sản. Đây không còn là bí mật gì nữa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng công khai lập luận rằng tham nhũng đã tạo nên mối đe dọa lớn nhất đến sự tồn vong của chế độ. Ông Trọng cũng nói thêm rằng, tuy nhiên lại ít thường xuyên hơn, rằng "suy thoái chính trị" thì lại nguy hiểm hơn cho chế độ cộng sản so với "tham nhũng kinh tế". Thông qua cách nói "suy thoái chính trị", ý của ông Trọng là nhấn mạnh đến những ý tưởng và tư tưởng đi ngược lại với của Đảng Cộng sản. Trên thực tế là ở Việt Nam có những tư tưởng dân chủ tự do", Giáo sư Alexander Vuving nói.

Năm 2023, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Việt Nam đã tụt hạng gần "đội sổ" tự do báo chí khi xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới. RSF công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, với Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn đứng cuối bảng.

Việt Nam ở vị trí thứ 178, mức thấp nhất kể từ khi RSF công bố bảng xếp hạng hàng năm từ năm 2002 đến nay, trong khi Trung Quốc (179/180) và Bắc Hàn (180/180).

Theo số liệu thống kê từ RSF, trong năm 2022, tại Việt Nam, có 35 nhà báo bị giam giữ.



NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Năm 2023, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Việt Nam đã tụt hạng gần "đội sổ" tự do báo chí khi xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới

Washington Post ngày 19/06 có bài viết về cách Facebook đang "bóp nghẹt" tự do ngôn luận ở Việt Nam như thế nào.

Hai nhân viên từng làm việc cho Facebook giấu tên nói với Washington Post rằng tập đoàn Meta đã có một danh sách nội bộ các quan chức của Đảng Cộng sản Việt Nam không nên bị chỉ trích trên Facebook.

Danh sách này được giữ kín trong nội bộ công ty và còn bao gồm các hướng dẫn dùng để kiểm soát nội dung trên mạng và được tạo nên phần lớn từ giới chức Việt Nam.

Trong bối cảnh nền tự do báo chí bị giảm sút, tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng ảm đạm, đã xuất hiện nhận định các quốc gia Phương Tây được cho đang ngày càng mềm mỏng hơn với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việt Nam đã tiến hành bắt giữ những nhà hoạt động môi trường với cáo buộc trốn thuế, mới nhất là nhà sáng lập tổ chức Change, Hoàng Minh Hồng. Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam "tồi tệ về hầu hết mọi mặt", theo Human Rights Watch, với hơn 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ.

Giáo sư Alexander Vuving nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định với đường lối theo chủ nghĩa Marx-Lenin và bác bỏ áp dụng những nhân tố mang tính tự do hơn đặc biệt trong hệ thống chính trị của mình.

"Đảng Cộng sản Trung Quốc lý giải cho quyền lực của Đảng Cộng sản là cách tốt nhất để đạt 'Giấc mộng Trung Hoa', về cốt lõi là "sự tự hào về chỗ đứng" hàng đầu trong các quốc gia trên thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam biện minh cho quyền lực của mình là sự đảm bảo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội."

"Xu hướng trong năm 2023 sẽ là ngày càng trấn áp hơn trong tất cả các hoạt động, được xem là đe dọa đến chế độ", Giáo sư Alexander Vuving đưa ra viễn cảnh không mấy lạc quan.




NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Trả lời BBC News Tiếng Việt, hai nhà nghiên cứu cũng cho rằng công cuộc 'đốt lò' của ông Nguyễn Phú Trọng mang tính 'đấu đá nội bộ' giữa các phe cánh trong đảng.

Nhà nghiên cứu Murray Hiebert từ Center for Strategic and International Studies (CSIS) nói với BBC News Tiếng Việt "Vì để bảo vệ chế độ, nên cả hai thể chế này đều lo ngại về Mỹ và về điều được gọi là cuộc Cách mạng màu, vì vậy hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã tìm cách hợp tác."

"Về nội bộ, cả Việt Nam và Trung Quốc đều xem tham nhũng là một mối đe dọa vì vậy, cả hai vị tổng bí thư, Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đều khởi động các chiến dịch chống tham nhũng, được họ sử dụng như công cụ để loại trừ các thách thức và những đối thủ trong nội bộ đảng cầm quyền", ông Murray Hieber nói.

Giáo sư Alexander Vuving đánh giá vì hậu quả của "đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo cấp cao", Việt Nam hiện đang trở nên ít "dân chủ hơn" trước.

"Ở cả Việt Nam và Trung Quốc, xu hướng 'ít dân chủ hơn' dường như là cần thiết để hai Đảng Cộng sản theo đuổi nghị trình chính trị của mình", ông đánh giá.

Trong bài bình luận trên trang Nikkei Asia ngày 20/06, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho rằng số ủy viên của Bộ Chính trị Việt Nam đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1986.

"Tất cả điều này cho thấy mức độ đấu đá nội bộ cao và tính khó dự đoán khi các mối quan tâm chính của Đảng Cộng sản Việt Nam là đang hướng đến công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026", Giáo sư Zachary Abuza nêu trong bài viết.



'Cây tre' Việt Nam trước 'cơn gió' Trung Quốc

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng Đà Nẵng từ 25 đến 30/06

Trong những tháng gần đây, quốc tế đã chứng kiến nền ngoại giao con thoi giữa Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc.

Trước những tin tức dồn dập về khả năng Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên tầm 'đối tác chiến lược', giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn đang thực hiện theo logic "Trung trước, Mỹ sau".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 10/2022, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai sang thăm Trung Quốc vào tháng 04/2023 trước chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Hà Nội bắt đầu từ ngày 14/04.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm Trung Quốc từ 25 đến 28/6 trong bối cảnh tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng Đà Nẵng từ 25 đến 30/06.

Vấn đề Biển Đông đã được ông Phạm Minh Chính đề cập với đồng cấp Trung Quốc Lý Cường, cụ thể, "khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông", theo báo Tuổi Trẻ.

Chuyến đi của ông Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông liên quan đến thái độ ngày càng 'gây hấn' của Bắc Kinh.



NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có chuyến thăm Trung Quốc từ 25 đến 28/6 trong bối cảnh tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng Đà Nẵng từ 25 đến 30/06

Nhà nghiên cứu Murray Hiebert cho rằng "Việt Nam xem Trung Quốc là một mối đe dọa lớn trên Biển Đông và tìm kiếm sự hậu thuẫn an ninh từ Mỹ."

"Việt Nam cũng khác về mặt ngoại giao với Trung Quốc, khi theo một chính sách ngoại giao đa hướng [multi-prong], thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế gắn bó với nhiều đối tác bao gồm EU, Ấn Độ, Úc, Nhật và các nước khác, trong khi Trung Quốc thì đối tác thân cận nhất vẫn là Nga."

Về phần mình, Giáo sư Alexander Vuving cho rằng Việt Nam để mắt chặt chẽ đến Trung Quốc nhưng Hà Nội sẽ không "mù quáng đi theo sự dẫn dắt của Bắc Kinh".

"Nền ngoại giao 'cây tre' của Việt Nam cho thấy Hà Nội đang theo đuổi chính sách đa liên kết [multi-alignment] với các cường quốc, theo đó chiến lược kết hợp giữa "cúi đầu trước gió mạnh" [bowing to the strong wind] với "đối trọng với gió độc", [counterbalancing the toxic wind].

"Cơn gió Trung Quốc đều "mạnh" và "độc" đặc biệt khi nói về vấn đề Biển Đông. Vì vậy cách đáp trả của Việt Nam với Trung Quốc là vừa "cúi đầu" [bow] và "đối trọng" [counterbalance] mà không phải là một trong hai điều này."

"Chính sách ngoại giao "cây tre" này vẫn có thể chống chọi được với cơn gió của Trung Quốc nếu Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên "tầm đối tác chiến lược", Giáo sư Alexander Vuving nói với BBC.



Tin liên quan






No comments:

Post a Comment