Wednesday, April 9, 2025

“Phải cho Trump thấy các công cụ tra tấn”
Capital
Jannik Tillar phỏng vấn Michael Hüther
Nguyễn Văn Vui chuyển ngữ
7-4-2025
Tiengdan
09/04/2025

Cập nhật từ Tiếng Dân: Trump tạm thời đình chiến 90 ngày với các nước khác ngoại trừ Trung Quốc. Thị trường chứng khoán tăng mạnh trở lại.

Nhà kinh tế học hàng đầu, Michael Hüther kêu gọi EU phải thể hiện lập trường cứng rắn đối với Donald Trump và các mức thuế của ông ta. Tuy nhiên, đối với các cổ đông, một kỷ nguyên mới đang bắt đầu.

Michael Hüther là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất nước Đức. Ông là Giám đốc Viện Kinh tế Đức tại Cologne (IW Köln) và là giáo sư danh dự tại Trường Kinh doanh EBS ở Oestrich-Winkel.

***

Hỏi: Thưa ông Hüther, thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc do tác động từ việc Donald Trump áp thuế với cả thế giới. Theo ông, đó là kết quả kinh tế hợp lý hay chỉ là phản ứng hoảng loạn?

Hüther: Hai yếu tố này không tách rời nhau được. Các đợt tăng thuế như nổ súng đại bác đã làm dấy lên bất ổn, dẫn đến hoảng loạn. Việc thị trường sụt giảm là hoàn toàn có lý, vì Trump không chỉ áp thuế mà còn gây rối loạn nội bộ nền kinh tế Mỹ. Những gì từng khiến nước Mỹ hấp dẫn – tự do học thuật, dân chủ, thị trường vốn mạnh mẽ – đang dần bị xói mòn. Trump đang đưa nước Mỹ vào con đường suy thoái.

Hỏi: Nhưng vẫn còn hy vọng từ thị trường tài chính. Liệu Trump có thể gặp tình cảnh như Liz Truss ở Anh – bị thị trường tài chính buộc phải thay đổi?

Hüther: Tôi tin rằng sớm muộn gì Trump cũng sẽ vấp phải sự phản kháng. Nếu Phố Wall phản ứng mạnh mẽ, điều đó chắc chắn sẽ gây áp lực lên ông ta. Dù Trump sẽ cố đổ lỗi cho người khác – như cách các nhà độc tài thường làm – nhưng lần này sẽ khó thành công. Tuy vậy, chúng ta cũng cần hiểu rằng Trump rất kiên trì. Ông ta sẽ kéo dài các cuộc thương lượng, thỉnh thoảng tung ra những “thỏa thuận nhỏ” và phô trương chúng như những thắng lợi lớn.

Hỏi: Nhiều nước đã tuyên bố muốn đàm phán với Mỹ. Trump cho rằng chính sách của mình đang có hiệu quả. Các nước đó có nên phản ứng khác đi không?

Hüther: Mỹ đã dí súng vào đầu họ. Các nước đó buộc phải chọn cách đàm phán vì không còn nhiều lựa chọn khác, không như các khu vực khác trên thế giới. Đây là do sức mạnh của nước Mỹ, không phải tài năng của Trump.

Hỏi: Vậy Trump có đang đánh cược quá đà vào sức mạnh nước Mỹ không?

Hüther: Rất có thể. Trump dễ bị lóa mắt khi có ai đó đề nghị những nhượng bộ nhỏ. Ông ta sẽ nhanh chóng coi đó là “một thỏa thuận tuyệt vời”. Nhưng EU sẽ không dễ dàng ký những thỏa thuận bất lợi như vậy. Trước đây, Jean-Claude Juncker từng nhượng bộ Trump vài điều nhỏ nhặt – nhưng chẳng ai nhớ tới vì chúng không mang lại kết quả thực tế. Bởi vậy, lần này EU cần tính toán kỹ lưỡng.

Hỏi: Theo ông, EU nên làm gì?

Hüther: Cần áp dụng nhiều biện pháp. Một mặt, có thể áp thuế rất chọn lọc, mặt khác cũng có thể giảm thuế ở những lĩnh vực nhất định.

Hỏi: Nhưng việc giảm thuế liệu có hiệu quả? Israel đã từng giảm tất cả các rào cản thuế về 0 nhưng vẫn bị Trump áp thuế 17%, vì cách tính thuế của Trump chỉ dựa trên thâm hụt thương mại.

Hüther: EU không phải Israel và [EU] cũng không ở trong tình trạng chiến tranh. EU với 450 triệu dân là thị trường nội địa lớn nhất thế giới – và Trump biết điều đó. Việc giảm thuế có chọn lọc vẫn là một công cụ – ví dụ như đối với xe hơi: Kể cả khi thuế nhập khẩu trở về 0%, xe tải Mỹ cũng chưa chắc bán được nhiều hơn ở Âu châu.

Tuy nhiên, Trump chỉ chăm chăm vào thâm hụt thương mại, bỏ qua toàn bộ dịch vụ kỹ thuật số, cho thấy hạn chế nhận thức của ông ta – và của các cố vấn như Peter Navarro. Bộ máy của Trump dựa trên những lý thuyết kỳ quặc đã bị phản bác từ hàng chục năm trước. Ví dụ, việc tỷ giá hối đoái không phải là nguyên nhân chính gây ra quá trình phi công nghiệp hóa ở Mỹ đã được chứng minh từ hơn 30 năm nay.

Hỏi: Vậy EU phải cứng rắn tới mức nào?

Hüther: Cần phải cho Trump thấy các công cụ tra tấn. Công cụ hiệu quả nhất có lẽ là đánh thuế kỹ thuật số. Dù còn gây tranh cãi, nhưng đây là biện pháp nhắm rất trúng đích.

Hỏi: Tại sao lại là thuế kỹ thuật số?

Hüther: Vì nó đánh trực tiếp vào mạng lưới các tỷ phú công nghệ Mỹ – những người đã đặt cược vào Trump. Thứ hai, EU từ lâu đã cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật số an toàn riêng biệt. Việc thúc đẩy dịch vụ đám mây ở châu Âu là rất cấp thiết. Một loại thuế như vậy sẽ thúc đẩy nhanh quá trình này.

Ngoài ra, nếu Mỹ tiếp tục đường lối hiện nay, sẽ không thể khuyên doanh nghiệp châu Âu gửi dữ liệu tại các công ty Mỹ nữa. Khi đó, sẽ phải bàn cả chuyện yêu cầu các công ty như Microsoft đặt máy chủ ngay tại châu Âu để bảo vệ dữ liệu. Đó cũng là một cách đáp trả Trump – không chỉ bằng thuế mà còn bằng quy định pháp lý.

Hỏi: Gần đây EU đề xuất xóa bỏ thuế công nghiệp hai chiều. Theo ông, có nên không?

Hüther: Đây là một ý tưởng hợp lý: Đề xuất một thỏa thuận tự do hóa hoàn toàn thương mại hàng công nghiệp. Nhưng tôi nghi ngờ rằng Trump sẽ chấp nhận, vì ông ta chỉ chú trọng tới con số thâm hụt thương mại. Vì vậy, EU nên theo đuổi chiến lược kép: Vừa đề xuất thỏa thuận, vừa chuẩn bị các “công cụ tra tấn” gây áp lực như đã nói.

Hỏi: Tóm lại: Ông ủng hộ việc đối đầu mạnh với Trump hơn là chỉ giảm thuế và hy vọng mọi chuyện sẽ ổn?

Hüther: Dù thế nào, mọi chuyện cũng sẽ không “ổn” rồi. Trump đang đảo lộn trật tự kinh tế thế giới. Chúng ta có nguy cơ lặp lại những gì đã xảy ra trong thập niên 1920 – nhưng lần này còn nghiêm trọng hơn vì các thị trường toàn cầu liên kết chặt chẽ hơn nhiều.

Hỏi: Nhà đầu tư đang lo ngại: Thị trường sẽ còn lao dốc tới bao giờ?

Hüther: Nếu Trump thật sự muốn đưa thâm hụt thương mại về 0, thì câu chuyện này sẽ kéo dài mãi. Nghe thì phi lý, nhưng không thể loại trừ. Điều khiến tôi có chút hy vọng là Trump đã đưa ra một số ngoại lệ – ví dụ như với gỗ và dược phẩm của Đức. Có lẽ ai đó trong nội bộ đã giải thích cho ông ta thấy hậu quả nghiêm trọng nếu làm khác. Tương lai sẽ phụ thuộc vào việc những người trong nội bộ Trump có đủ tỉnh táo để kéo ông ta trở lại thực tế hay không – nhất là trong việc hiểu đúng vai trò của cán cân vốn.

No comments:

Post a Comment