Kinh tế gia Stephen Miran và giấc mơ Mỹ tái lập vị thế siêu cường với « cuộc chiến thuế »
Trọng Thành
Đăng ngày: 15/04/2025 - 18:17Sửa đổi ngày: 15/04/2025 - 18:59
RFI
Chính sách tăng thuế hải quan với toàn thế giới của tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây đảo lộn toàn cầu. Giới kinh tế gia nói đến nguy cơ thế giới rơi vào một cuộc Đại khủng hoảng như cách nay gần thế kỷ. Hành xử của ông Trump là tùy tiện, nhiều phần do cảm xúc thúc đẩy hay dựa trên một chiến lược rõ ràng? Giới chuyên gia chú ý đến kinh tế gia Stephen Miran, chủ tịch Hội đồng kinh tế của tổng thống, được coi là « bộ não kinh tế » của Donald Trump.
Ngày 02/04/2025, tổng thống Mỹ thông báo tăng thuế hải quan với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thông báo được coi như là hồi chuông khai tử hệ thống thương mại toàn cầu. Ít ngày sau, Mỹ tiếp tục tăng thuế hàng Trung Quốc lên hơn 100% để trả đũa Bắc Kinh, là nước duy nhất dám tăng thuế để thách thức Mỹ. Cũng trong khoảng thời gian này, chính quyền Donald Trump đình chỉ đe dọa tăng thuế « đối ứng » với toàn thế giới (trừ Trung Quốc) trong 90 ngày để đàm phán. Sau đó lại tiếp tục đột ngột đình chỉ các mặt hàng công nghệ cao nhập từ Trung Quốc, chiếm khoảng 20% hàng xuất sang Mỹ từ Hoa lục.
Hành xử « hung bạo », bất thường của Trump không hề tùy tiện mà dựa trên một chiến lược
Chính sách đe dọa tăng thuế, rồi đột ngột đình chỉ, hay tăng thuế cao đến mức ngất ngưởng, như với Trung Quốc, bị coi là cực kỳ phi lý, của tổng thống Mỹ khiến thoạt nhìn nhiều người có xu hướng cho rằng Donald Trump hành động chủ yếu theo các thôi thúc nhất thời, bộc phát, không quan tâm đến các hậu quả của hành động. Kinh tế gia Pháp Olivier Babeau cảnh báo đây là một « sai lầm trong phân tích ». Trong một bài viết trên Les Echos (« Trump và nền kinh tế dựa trên quyền lực »), chủ tịch tư vấn Viện Sapiens nhận định : hành xử của tổng thống Trump dựa trên một mục tiêu rõ ràng : nước Mỹ phải « giành lại quyền kiểm soát vận mệnh kinh tế của mình, cho dù cái giá phải trả là nền kinh tế toàn cầu rơi vào hỗn loạn ».
Những hành xử xét về bề mặt có vẻ như bất nhất của Donald Trump thực ra dựa trên một phương pháp thống nhất : « gây sợ hãi, hù dọa, đánh lạc hướng và tàn nhẫn độc đoán ». Cuộc đối đầu quyết liệt của Trump với Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc không nhằm sửa chữa tình trạng « mất cân bằng » trong thương mại giữa Mỹ và các nước, mà chỉ là để áp đặt « một mối quan hệ đẳng cấp mới ». Mục tiêu của tổng thống Trump là « lật đổ trật tự có từ sau Thế chiến để xác lập một hệ thống đơn phương mới, nơi các quy tắc được ban bố từ Washington » (Olivier Babeau) (« Ba điều mà Trump đặt cược để tạo nên một nước Mỹ hùng mạnh và thịnh vượng », Le Figaro).
Stephen Miran, kiến trúc sư của chiến lược « đảo lộn nền kinh tế toàn cầu » để tái khẳng định quyền lực Mỹ
Về chiến lược kinh tế của Donald Trump, nhật báo kinh tế Pháp có bài « Kế hoạch của chính phủ Trump nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu ». Bài báo tóm lược nội dung chiến lược do kinh tế gia Stephen Miran, 41 tuổi, thảo ra và công bố hồi cuối năm ngoái, với tựa đề « Cẩm nang tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu » (« A User’s Guide to Restructuring the Global Trading System »). Stephen Miran, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế Đại học Harvard, và làm việc trong nhiều năm tại Quỹ Quản lý Đầu tư Hudson Bay Capital, trụ sở Greenwich, Connecticut. Bài viết được đăng tải trên trang mạng của Les Echos, ngày 10/03, hai ngày trước khi Thượng Viện Mỹ chấp thuận đề nghị của tổng thống bổ nhiệm kinh tế gia Stephen Miran làm chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống (Council of Economic Advisers).
Cương lĩnh hành động này dựa trên quan điểm cốt lõi : coi nước Mỹ là trụ cột của nền kinh tế thế giới, thế lực cung cấp đô la, đồng tiền được coi là an toàn và có uy lực nhất thế giới, cũng như có vai trò số một trong việc bảo đảm an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, nước Mỹ sẽ không thể tiếp tục bảo đảm các sứ mạng gọi là « global public goods » (các lợi ích chung toàn cầu) nói trên, nếu nền kinh tế Mỹ không đủ vững mạnh. Trong lúc đồng đô la vẫn chiếm đến 57% dự trữ ngoại tệ của các nước (và chiếm đến 90% tổng lượng tiền tệ thanh toán trên toàn cầu, theo số liệu của năm 2022, theo BRI – Ngân hàng Thanh toán Quốc tế), thì trọng lượng của nền kinh tế Mỹ trên tổng GDP toàn cầu tụt từ 40% trong những năm 1960 xuống chỉ còn 26% hiện nay.
Theo Stephen Miran, thực trạng này buộc nước Mỹ phải thực thi chính sách đơn phương tăng thuế hải quan để một mặt có thêm nguồn thu trực tiếp cho nhà nước, và về trung hạn khuyến khích các công ty xây dựng cơ sở sản xuất ngay tại Mỹ, để tránh phải nộp thuế hải quan. Làm như vậy, nước Mỹ sẽ có thể « tái công nghiệp hóa », điều kiện cho phép Hoa Kỳ tiếp tục đảm bảo sứ mạng là trung tâm cung cấp tiền cho toàn thế giới và thế lực bảo đảm an ninh toàn cầu. Đối với Miran, vì lợi ích chung toàn cầu, các nước không nên trả đũa việc Mỹ tăng thuế hải quan.
Hạ giá đô la : Tham vọng tái lập một « thỏa thuận Plaza » mới, từng giúp Mỹ ngăn Nhật soán ngôi
Trong chính sách liên quan đến thuế hải quan của Mỹ, có phần « bảo hộ mậu dịch » để trực tiếp kích thích sản xuất trong nước như trên, nhưng vấn đề chủ chốt liên quan đến đồng đô la. Một trong những ví dụ mà kinh tế gia Miran nêu ra là Brazil và Trung Quốc không thể sử dụng đồng tiền quốc gia để thanh toán trong thương mại song phương, mà buộc phải sử dụng đồng tiền Mỹ. Như vậy, nhu cầu vô cùng lớn về đồng đô la của các nền kinh tế toàn cầu khiến cho giá của đồng đô la luôn « bị » duy trì ở mức cao trong các trao đổi tiền tệ. Đây là nguyên do chủ yếu, mà theo Miran, đã làm « thị trường tiền tệ bị méo mó » (đồng đô la bị giữ giá quá cao) dẫn đến việc « làm mất sức cạnh tranh của các sản phẩm Mỹ trên thị trường thế giới ».
Theo Stephen Miran, việc giá đồng tiền của các nước hiện nay là « thấp », so với đô la, đã và đang gây tổn hại rất lớn cho kinh tế Mỹ. Đối với kinh tế gia Stephen Miran, tăng thuế hải quan và đe dọa tăng thuế hải quan chỉ là công cụ để buộc các nước phải chấp nhận một thỏa thuận mới về đồng đô la, tương tự như thỏa thuận Plaza, ký kết năm 1985, giữa Mỹ và bốn cường quốc, Nhật, Anh, Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức, từng cho phép « hạ giá đồng đô la xuống một nửa so với các đồng tiền chính của thế giới » vào thời điểm đó, giúp nền kinh tế Mỹ kháng cự lại được cơn lũ hàng hóa từ Nhật Bản.
Theo chuyên gia Pháp về chính sách công Louis de Catheu, chủ trương đạt được một thỏa thuận Plaza mới nhờ tăng thuế quan là điểm đặc biệt trong « Cẩm nang tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu », Miran công bố cuối năm ngoái (trang mạng Le Grand Continent, ngày 28/02/2025). Kinh tế gia Stephen Miran tin tưởng là « sau một loạt biện pháp trừng phạt về thuế hải quan, các đối tác thương mại của Mỹ như châu Âu và Trung Quốc sẽ phải chấp thuận các nhượng bộ về tiền tệ, để đổi lại việc giảm thuế hải quan ». Chủ tịch Hội đồng kinh tế của tổng thống Trump lạc quan là với sức mạnh của thị trường số một thế giới, chính sách đơn phương tăng thuế hải quan sẽ khiến nhiều nước phải mua trái phiếu của Ngân hàng Mỹ với thời hạn 100 năm, lãi suất thấp, và như vậy góp phần vào việc bù đắp các khoản nợ khổng lồ của nước Mỹ, trong đó một phần quan trọng sẽ được Mỹ dùng để chi cho việc bảo đảm an ninh toàn cầu. Miran tin tưởng sẽ có một « thỏa thuận Plaza mới », mà ông gọi là thỏa thuận « Mar-a-Lago », tên của khu nghỉ dưỡng riêng của tổng thống Trump ở miền nam nước Mỹ.
Thị trường chứng khoán chao đảo : Stephen Miran lên tuyến đầu
Vấn đề là diễn biến đã không hẳn theo dự đoán của bộ não kinh tế của Donald Trump. Trong lúc hàng chục quốc gia, chủ yếu là các nền kinh tế trung bình và nhỏ để ngỏ khả năng chấp nhận nhiều đòi hỏi của tổng thống Mỹ do lo sợ tăng thuế hải quan, các nền kinh tế lớn như Liên Âu và Trung Quốc khẳng định sẵn sàng đối đầu với Washington. Cùng lúc đó, các thị trường chứng khoán trên thế giới sụt giảm mạnh. Chỉ riêng trong hai ngày 02 và 03/04/2025, tức thời điểm mà ông Trump tuyên bố tăng thuế với toàn thế giới, hơn 6.000 tỷ đô la chứng khoán của các tập đoàn Mỹ bốc hơi. Tài sản các tập đoàn kinh tế Mỹ thân cận với chính quyền Trump thiệt hại hàng trăm tỉ đô la. Đe dọa tăng thuế hàng Trung Quốc lên đến 145% của Trump khiến giao thương hai nước tê liệt, và việc tăng thuế hoàn toàn không còn có ý nghĩa như một công cụ gây áp lực, theo chủ trương ban đầu.
Ngày 07/04, lần đầu tiên chiến lược gia kinh tế của chính quyền Trump, Stephen Miran, buộc phải đăng đàn giải trình về chính sách « thuế đối ứng » đầy mạo hiểm này (« Các nhận định của ông Steve Miran, chủ tịch Hội đồng kinh tế của tổng thống », tại Viện Hudson, đăng tải trên trang của Nhà Trắng ngày 07/04/2025). Để biện minh cho chính sách tăng thuế hải quan đầy mạo hiểm nhưng được coi là có lợi cho nước Mỹ, trong bài giải trình, Stephen Miran đã dẫn lại một nghiên cứu duy nhất, với đồng tác giả là Paul S. Pujolas, một kinh tế gia đại học McMaster, Canada.
Con đường « mạo hiểm » vì nước Mỹ của Miran : Tương lai nào cho nhân loại ?
Kinh tế gia đại học McMaster ngay lập tức phản bác, với khẳng định Stephen Miran đã bóp méo nghiên cứu của ông, mà tinh thần chính là, cho dù việc đơn phương tăng thuế ở mức độ thấp phần nào có lợi cho nước Mỹ, nhưng giải pháp tốt nhất cho kinh tế toàn cầu vẫn là hoàn toàn không có những loại thuế như vậy. Chưa kể đến sắc thuế trên trời 145% đánh vào hàng Trung Quốc.
Nhật báo Pháp Le Monde, trong một bài viết hồi đầu năm, đã từng phỏng vấn hai kinh tế gia, mà « bộ não » Stephen Miran của Donald Trump dựa vào để xây dựng chiến lược « tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu », với đe dọa tăng thuế hải quan là biện pháp chủ lực. Cả hai kinh tế gia Arnaud Costinot (Massachusetts Institute of Technology - MIT) và Andres Rodriguez-Clare (Đại học Californie ở Berkeley) đều khẳng định tăng thuế 20% là một biện pháp « rất tồi », có hại cho kinh tế Mỹ.
Chiến lược dùng « chiến tranh thuế » để tái lập vị thế siêu cường của Mỹ, với trụ cột là kinh tế gia Stephen Miran, sẽ dẫn thế giới đi về đâu ? Trong phần cuối của « Cẩm nang tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu », cương lĩnh kinh tế không chính thức của chính quyền Trump, « bộ não » của Donald Trump thừa nhận rằng nước Mỹ có khả năng chiến thắng, nhưng cửa « rất hẹp ».
Với chiến lược của Miran, chính quyền Trump muốn lập lại chiến thắng như chính quyền Reagan từng thành công trước Nhật Bản, để nước Mỹ tiếp tục là siêu cường số một. Tuy nhiên, 40 năm sau, cục diện thế giới đã hoàn toàn khác. Cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Olivier Blanchard, được Le Figaro trích dẫn, cảnh báo : Miran đang « đùa với lửa », nước Mỹ và toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu đang đứng trước các hậu quả khủng khiếp với chính sách liều lĩnh của kinh tế gia Mỹ, vốn chuyên về lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.
No comments:
Post a Comment