VNTB – Vua “Xáo Trộn” làm lợi hại cho dân ra sao?TS Phạm Đình Bá
26.04.2025 2:22
VNThoibao
Ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư tháng 8/2024. Trước đó, ông từng là Chủ tịch nước từ tháng 5/2024 đến tháng 10/2024, và Bộ trưởng Bộ Công an từ 2016 đến tháng 5/2024. Việc ông lên ngôi có tác động gì đến đời sống bà con bên nhà?
Đầu tiên, là xáo trộn giấy tờ tùy thân. Từ lúc ông Lâm lên làm bộ trưởng công an, thẻ căn cước đã có 3 lần xáo trộn lớn: chuyển từ chứng minh nhân dân (CMND) sang Căn cước công dân (CCCD) mã vạch (2016), từ CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip (2021), và chuyển sang thẻ Căn cước (2024).
Năm 2023, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hoặc liệt kê, hoặc chuyền cho nhau xem quá trình thay tên hay đổi họ của loại giấy tờ tùy thân mới: “Thẻ căn cước” đã trở về “thẻ căn cước” sau gần nửa thế kỷ lưu lạc.
“Chuyện về tên gọi loại giấy tờ tùy thân này không phải là chuyện nhỏ, nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý nhà nước. Từ ngày “cách mạng” đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật “đèn cù”, chạy tít mù nhưng sau khi quay vòng thì quay về lại chỗ ban đầu.” (Mạc Văn Trang)
“Quốc hội” Việt Nam thầm lặng thì thào như giun dế về những xáo trộn dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm. Tuy vậy thi thoảng cũng có vài tiếng vọng nhỏ nhoi.
“… nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi lập trình tránh trường hợp như trước đây cấp thẻ căn cước không gắn chíp sau 1 tháng lại áp dụng cấp thẻ căn cước gắn chíp gây ra tốn kém …”, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.
Những xáo trộn liên tục trong thời gian ngắn cũng phản ánh tính thiếu ổn định trong chính sách quản lý giấy tờ tùy thân, tạo ra sự hoang mang trong dân và tốn kém không cần thiết. Các cơ quan chức năng không có kế hoạch dài hạn và tầm nhìn xa để tránh tình trạng thay đổi lòng vòng, vô bổ.
Thứ hai, là xáo trộn đường phố. Nghị định 168/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 26/12/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Với những thay đổi lớn về mức xử phạt giao thông đường bộ và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe. Nghị định này đã xáo động đến đời sống hàng ngày của người dân.
Nghị định nầy tăng mạnh mức phạt tiền đối với các vi phạm giao thông. Một số vi phạm như vượt đèn đỏ hay lái xe khi say rượu có mức phạt cao gấp đôi so với trước đây, tương đương với vài tháng thu nhập trung bình của người dân. Bên cạnh đó, nghị định còn áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe nhằm răn đe người vi phạm.
Thời gian chuẩn bị thi hành rất ngắn, thông qua nghị định vào ngày 26/12/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, chỉ cách nhau 6 ngày, không đủ thời gian để người dân làm quen và chuẩn bị.
Mặc dù việc triển khai nghị định có cải thiện về ý thức của người dân về trật tự giao thông, nhưng kiểu triển khai “thần tốc” gây ra tình trạng ùn tắc tại các thành phố lớn. Khắp nơi ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn như Đà Nẵng và Cần Thơ, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng những tuần sau triển khai.
Hiện nay gánh nặng tài chính mà người dân phải đối mặt khi vi phạm là không hợp tình, không hợp lý. Mức phạt cho nhiều lỗi vi phạm đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, với một số hành vi có mức phạt cao gấp 50 lần.
Cụ thể, một tài xế xe tải ở Sài gòn cho biết chỉ cần bị xử phạt vượt đèn đỏ một lần là anh mất ba tháng lương, “ở nhà con không có sữa mà uống“. Anh nói: “Trước phạt đèn đỏ chỉ từ 4 triệu đến 6 triệu, chỉ bằng một nửa tiền lương, anh em tài xế vẫn còn chịu được, giờ đi bị phạt nguội đèn đỏ một cái là cả ba tháng lương, ở nhà không còn gì luôn.”
Đối với những người làm nghề tài xế, nghị định này có tác động đặc biệt lớn. Không chỉ mức phạt cao mà quy định mới còn giới hạn giờ chạy xe của tài xế, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và công việc của họ.
“Như tụi tôi chạy xe tải, hàng nặng, thì làm sao phanh cho kịp, nhưng không phanh kịp mà đi trớn lên thì lại vướng đèn đỏ, phạt nguội, mức từ 18 – 20 triệu, lại giam bằng từ 1 – 3 tháng thì cũng đâu có chạy được nữa đâu“, một tài xế có 7 năm kinh nghiệm chia xẻ.
Xáo trộn 168 đã tạo ra áp lực tâm lý đáng kể cho người dân. Nhiều người cảm thấy lo lắng, thậm chí sợ hãi khi phải di chuyển trên đường, đặc biệt khi đối diện với đèn tín hiệu giao thông. Có người đi ngoài đường thấy đèn giao thông là “tim đập chân run“, theo báo chí ghi nhận. Đáng chú ý, ngay cả khi đèn xanh còn 3-4 giây, nhiều người cũng phải dừng lại, không dám chạy tiếp vì tâm lý sợ bị phạt.
Từ tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn đến áp lực tâm lý và gánh nặng tài chính cho người dân, xáo trộn 168 đặt ra yêu cầu cấp thiết về cân nhắc kỹ lưỡng giữa mục tiêu nâng cao ý thức về trật tự giao thông và các tác động xã hội, đảm bảo tính công bằng và hợp lý trong việc ra nghị định và thời gian cần thiếp để dân có đủ thời gian thích nghi.
Thứ ba là sửa đổi cách làm việc của chính phủ. Luật Tổ chức Chính phủ đã được Quốc hội thông qua vào tháng 2/2025. Luật này giống như bản hướng dẫn cách làm việc của chính phủ, quy định việc chính phủ làm gì, ai chịu trách nhiệm và cách phối hợp giữa các ngành khác nhau.
Nhà nước nói luật nầy qui định việc phân công rõ ràng, mỗi bộ hay ngành (như Bộ Giáo dục, Bộ Y tế) có nhiệm vụ riêng, tránh chồng chéo; trao quyền cho địa phương, ví dụ như các xã được tự quyết một số việc (như xây trường học, sửa đường); và qui định rõ ràng ai chịu trách nhiệm, tránh đổ lỗi từ dưới lên trên.
Nhà nước nói mục tiêu của luật mới là cải tổ nhà nước gọn nhẹ hơn, giảm số lượng cơ quan từ 18 bộ xuống 14 bộ để làm việc nhanh và hiệu quả hơn, và làm tốt hơn dịch vụ công để dân không phải chờ đợi lâu khi làm giấy tờ hay đăng ký kinh doanh.
Mức độ triển khai của luật nầy là rất nhanh, giống như kiểu làm của ông Tô Lâm trong xáo trộn căn cước và xáo trộn giao thông. Luật được thông qua ngày 18/2/2025, có hiệu lực từ ngày 1/3/2025. Ngay sau đó, các quy định mới về tổ chức, phân quyền, trách nhiệm được triển khai đồng loạt trên toàn quốc, thay thế các quy định cũ.
Cách làm mới bỏ cấp huyện để tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cấp tỉnh và cấp cơ sở (xã, phường), thay vì 3 cấp như trước (tỉnh, huyện, xã), dự kiến còn khoảng 2.000 xã thay vì hơn 10.000 hiện nay. Ví dụ, tỉnh Bắc Giang sáp nhập 10 huyện thành 5 cấp cơ sở. Nhà nước nói là người dân sẽ tiết kiệm 30% thời gian để giải quyết thủ tục (như đăng ký đất đai, xin phép xây dựng), và chi phí quản lý hành chính giảm 2.3 nghìn tỷ đồng/năm.
Cách làm mới cũng sáp nhập tỉnh để giảm từ 63 tỉnh xuống còn 34 tỉnh. Nhà nước nói là những việc cấp xã làm được sẽ giao toàn quyền cho xã, chỉ những việc vượt quá khả năng mới chuyển lên tỉnh. Như vậy, xã trở thành cấp chính quyền gần dân nhất, có phạm vi quản lý rộng hơn, năng lực cán bộ được nâng cao.
Cách làm mới hứa hẹn dịch vụ công trực tuyến toàn diện với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp 5.000+ thủ tục trực tuyến, như cho phép nộp hồ sơ và nhận kết quả online. Nhà nước nêu ví dụ về dùng VNeID để làm khai sinh, đăng ký tạm trú chỉ trong 10 phút mà không cần đến cơ quan công quyền. Nhà nước nói là 87% người dân hài lòng với dịch vụ công trực tuyến và doanh nghiệp tiết kiệm 4.2 nghìn tỷ đồng/năm từ việc giảm thời gian chờ đợi và chi phí công chứng.
Cách làm mới hứa cắt giảm 1.200 điều kiện kinh doanh và bãi bỏ các quy định gây khó cho doanh nghiệp. Nhà nước đưa ra ví dụ là doanh nghiệp xây dựng chỉ cần 3 giấy phép thay vì 7 giấy phép như trước. Nhà nước nói là thời gian thành lập doanh nghiệp giảm từ 15 ngày xuống 3 ngày.
Trong nước, Quốc Hội, giới tinh hoa và báo chí gần như tán đồng và tung hô những mức tích cực của luật tổ chức chính phủ và cách triển khai rất nhanh của luật nầy. Nhưng việc nhập tỉnh, bỏ huyện, nhập xã có thật sự tốt đẹp như nhà nước miêu tả không?
Trên thực tế, bằng chứng từ 20 nghiên cứu cho thấy không có mô hình sáp nhập “tối ưu” – thành công phụ thuộc vào bối cảnh địa phương và cơ chế chia sẻ quyền lực sau hợp nhất.
Cụ thể, sáp nhâp đô thị giúp giảm chi phí hành chính (ví dụ: lương, văn phòng phẩm) nhờ loại bỏ trùng lặp, với mức giảm trung bình 10-15% tại các nước như Đức và Nhật Bản. Tuy nhiên, tổng chi tiêu chính phủ thường không giảm do các yếu tố như sau. Thứ nhất, chi phí chuyển đổi cao (lên tới 275 triệu USD trong trường hợp Toronto). Thứ hai, áp lực nâng chuẩn dịch vụ từ khu vực có điều kiện tốt hơn, dẫn đến tăng chi cho y tế, giáo dục. Thứ ba, chi phí quản lý tăng do quy mô lớn, đặc biệt ở các đô thị trên 500,000 dân. (1) (2)
Mặc dù lý thuyết về kinh tế theo quy mô được viện dẫn để biện minh cho sáp nhập, bằng chứng thực tế rất khác biệt. Tại Trung Quốc, sáp nhập thành-huyện làm tăng 1.2% chất lượng dịch vụ công nhờ tập trung nguồn lực. Ở Đan Mạch và Canada, sáp nhập không cải thiện GDP đầu người do xung đột lợi ích giữa các khu vực hợp nhất. (1-3)
Sáp nhật đô thị làm suy giảm đại diện cộng đồng. Khoảng cách địa lý và tâm lý giữa người dân và chính quyền tăng lên, làm giảm 20-30% tỷ lệ tham gia bầu cử ở các đô thị mới. Các cộng đồng nhỏ (như East York, Toronto) mất bản sắc văn hóa, dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào chính quyền. (1-3)
Đặc biệt sau sáp nhập, ưu tiên chi tiêu thường nghiêng về khu vực đô thị trung tâm, gây thiệt thòi cho vùng ngoại ô (ví dụ: giảm 15% ngân sách quét tuyết ở Scarborough, Toronto). (1) (2)
Bằng chứng chỉ ra hạn chế trong cải thiện dịch vụ công. Dịch vụ y tế và giáo dục được hưởng lợi nhờ đầu tư tập trung. Tại Trung Quốc, số trường học đạt chuẩn tăng 8% sau sáp nhập. Tuy nhiên, dịch vụ giao thông và cấp phép xây dựng thường xấu đi do hệ thống quan liêu cồng kềnh (thời gian xử lý tăng 25-40% ở Nhật Bản và Đan Mạch). (1-3)
Một điểm đáng chú ý là sáp nhập tự nguyện (Nhật Bản) cho kết quả tốt hơn sáp nhập bắt buộc do ít xung đột nội bộ. Các đô thị dưới 100,000 dân ít được hưởng lợi về chất lượng dịch vụ so với đô thị lớn. (2, 3)
Các nghiên cứu bài bảng cho thấy sáp nhập đô thị tạo ra sự đánh đổi phức tạp. Về ưu điểm, sáp nhật giảm chi phí hành chính, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chuyên sâu. Về nhược điểm, sáp nhật làm suy yếu dân chủ địa phương, gia tăng bất bình đẳng không gian. Cách triển khai lâu dài cần những cải cách bổ sung như phân quyền cho các tổ chức địa phương, và thiết lập cơ chế giám sát đa cấp để giảm thiểu rủi ro về những nguồn tạo nhược điểm trong quá trình vận hành của chính phủ trong cơ chế mới.
Thứ tư là đánh giá chung. Qua ba chuyện tóm tắt ở trên, ông Tô Lâm là vua xáo trộn. Những cải cách dưới thời ông đều có điểm chung là triển khai rất nhanh, nhưng gây ra nhiều xáo trộn, áp lực tâm lý, tài chính cho người dân. Lợi ích về mặt lý thuyết như giảm chi phí, tăng hiệu quả quản lý, nhưng thực tế còn nhiều bất cập, cần cân nhắc kỹ giữa mục tiêu cải cách và tác động xã hội, đảm bảo công bằng và hợp lý.
—————-
Nguồn:
- Zhenga T, Sunb B, De Wittec K. A systematic literature review on the effect of municipal mergers.
- Tavares AF. Municipal amalgamations and their effects: A literature review. Miscellanea Geographica Regional Studies on Development. 2018;22(1):5-15.
- Mao Z, Wang D, Zhang G. Municipal amalgamations and the quality of public services: A study based on city-county mergers in China. PloS one. 2022;17(8):e0272430.
No comments:
Post a Comment