Friday, April 25, 2025

VNTB – Mấy ngày ăn lễ thì trước cửa bệnh viện có phát cơm từ thiện không?
Trần Anh Quân
26.04.2025 2:14
VNThoibao


(VNTB) – Kế bên chỗ diễu binh chừng hơn 100 mét, là bệnh viện Nhi Đồng 2, hàng ngày người nhà bệnh nhân vẫn phải xếp hàng xin cơm từ thiện.

 Việt Nam đang trải qua những ngày “cuồng nhiệt” chào đón đại lễ kỷ niệm 50 năm “giải phóng” đất nước. Khắp các con đường đều đỏ rực cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, biểu ngữ, băng rôn… Phải nói đây là một mùa lễ hội hoành tráng nhất từ trước tới nay.

Cùng với đó, CSVN cũng đã kích động lòng “tự hào dân tộc” đã trở nên cực đoan hơn bao giờ hết. Đám đông xã hội cùng nhau ca ngợi chế độ một cách thái quá và có thể nói là tiêu cực. Khi một nữ MC lên tiếng than phiền kẹt xe thì cả một ê kíp tuyên giáo cùng kêu gọi tấn công, kéo cả xã hội vào trù dập không thương tiếc, mặc dù đó cũng là một người Việt Nam, máu đỏ da vàng.

Rồi cả đám đông hăng máu tự hào, tự trào, tự sướng ấy lại cùng đổ ra đường ăn mừng, xem lễ duyệt binh. Thật ra điều này cũng không có gì sai. Nhưng trong lúc họ ăn mừng như vậy thì vẫn có hàng chục ngàn người già, trẻ em vẫn phải tranh thủ những ngày lễ để đi bán vé số kiếm thêm thu nhập.

Nói đâu xa, ngay tại trung tâm Sài Gòn, phía đường Lê Duẩn duyệt binh rầm rộ, thì cách chừng hơn một trăm mét, là bệnh viện Nhi Đồng 2. Hàng ngày các ông bà, cha mẹ của bệnh nhi vẫn phải xin cơm từ thiện, xin đồ ăn, quà bánh từ các mạnh thường quân.

Xa hơn một chút, trước cửa bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Ung Bướu, người nhà bệnh nhân vẫn “duyệt binh” mỗi ngày để nhận cơm từ thiện. Có người còn cay đắng hỏi rằng “mấy ngày lễ duyệt binh như vậy rồi có phát cơm từ thiện không?”

Câu hỏi nghe rất thiệt tình, lo lắng thực tế về cái ăn trước mắt, về sức khoẻ của người thân, nhưng ngẫm kỹ mới thấy, đó là cả một nỗi đau thương của dân tộc. Thử hỏi, chi phí cho lễ duyệt binh hoành tráng và tốn kém đó là từ đâu mà ra?

Có phải từ những đồng thuế mà chính những bệnh nhân và người nuôi bệnh kia đang đóng góp mỗi ngày, mỗi giờ hay không? Tiền khám bệnh, trị bệnh, thuốc men, viện phí… tất cả đều được trích ra để nộp thuế cho nhà nước, để chi tiền cho lễ diễu binh. Để rồi những người nộp thuế phải đi xin cơm từ thiện mỗi ngày.

Thậm chí, nếu trị không hết, mà qua đời, thì tiền chữa trị coi như mất, nộp nhà nước, mạng cũng mất, mà còn tốn thêm tiền đem xác về nhà, khâm liệm, chôn cất. Những cái tiền đó, cũng được trích ra một phần đóng thuế cho nhà nước, cho lễ diễu binh hoành tráng kia…

Cũng nhắc lại, những người khuyết tật, người già, trẻ em đi bán vé số, bán hàng rong để kiếm thêm thu nhập ngày lễ (đã nói ở trên) cũng phải chi một phần gián tiếp để đóng thuế cho ngân sách tiêu xài vào các sự kiện hào hùng này. Có thể họ cũng tự hào, vì chưa hiểu rõ số tiền ăn mừng kia từ đâu mà ra, chưa hiểu rõ mồ hôi, nước mắt của mình đang đóng góp vào đâu, làm giàu cho ai…

Có thể, chính những người tham gia vào lễ hội tưng bừng rôm rả kia cũng không biết từng viên pháo bắn ra là mồ hôi, nước mắt của dân; từng bộ quần áo, giày dép họ đi cũng là công sức của dân; từng lá cờ, băng rôn, biểu ngữ xài một lần rồi bỏ kia cũng từ dân mà ra…

Bài viết này cũng không biết có lan toả tới những người đã nhắc tới ở trên hay không. Chỉ mong những người đọc được có thể hiểu rằng dân tộc mình đã, đang và sẽ tiếp tục trải qua nhiều khổ đau, vì sự hoang phí, xa hoa (trên mồ hôi, nước mắt, xương máu dân lành) của các nhà lãnh đạo độc tài, lạm quyền, tham nhũng. Cứ lấy Bắc Triều Tiên làm gương. Tự hào, tự mãn không giúp chúng ta khá giả hơn; không khiến quê hương mình giàu mạnh hơn; không giúp đồng bào mình ấm no, hạnh phúc hơn…

No comments:

Post a Comment