Tháng 3/1975, cuộc di tản kinh hoàng trên con đường máu tỉnh lộ 7B (Phần 7)
Nguyễn Đình Nguyên
Posted on 25/04/2025 by Boxit VN
Boxitvn
Ngõ cụt
Cuộc sơ tán dân bằng không vận đột ngột kết thúc vào buổi chiều hôm đó. Có thể phi trường nơi cất hạ cánh bị phong tỏa, có thể không an toàn do số lượng người chết do rơi máy bay nhiều quá hay vì một lý do nào khác… Nhưng rõ ràng là không thể nào di chuyển hết được hàng chục nghìn dân ra khỏi tuyến lửa bằng cách này trong thời gian một vài ngày, thậm chí cả tuần lễ. Cầu phao bị đánh sập và gần như chưa có dấu hiệu sẽ được khôi phục.
Đoạn còn lại của liên tỉnh lộ 7B chắc chắn không thể sử dụng được do mìn. Lối sống duy nhất lúc đó vẫn chỉ là phải vượt qua con sông Ba, đến Đường 5 để về Tuy Hòa, nhưng chưa có cách. Đoàn người bị dồn vô ngõ cụt, loanh quanh như đàn kiến vỡ ổ mùa lụt, bị nhốt trong ốc đảo một bên sông một bên rừng. Lại ăn bầu rừng và lá rừng thay cơm. Có nước sông chống khát cũng đã là may.
Buổi trưa hôm sau, tiếng động quen thuộc của trực thăng Huey dấy lên lại niềm hy vọng của dân chúng. Có mấy chiếc trực thăng đến, bay đảo vòng quanh nhưng không đáp xuống. Máy bay sà xuống rất thấp đến độ như với tay có thể tới. Từng túi nylon màu trắng được đẩy ra khỏi trực thăng rơi xuống bãi cát.
Hạt ngọc của đời
Cơm! Mọi người như bừng tỉnh, và lập tức ùa tới tranh nhau lượm các túi cơm còn nóng hổi được thả xuống. Cả buổi sáng, từng tốp máy bay quay đi quay lại để thả cơm xuống cho dân. Nhưng hầu như không thể nào đủ.
Suốt hơn một tiếng đồng hồ nhà tôi bất lực, không nhặt được một túi cơm nào, hay đúng hơn là không dám. Chứng kiến mỗi túi rơi xuống là có hàng chục người nhào vào giành giật, ba má tôi sợ bị đè chết nên không đi nhặt. Chỉ có anh Ba tôi là hào hứng, nhưng chưa có cách nào thoát tầm kiểm soát của ba má. Chốc sau, anh bỏ nhỏ vào tai tôi. Anh đột ngột giả vờ đau bụng và đòi đi ngoài, bảo dẫn tôi theo để cho khỏi lạc đường.
Lẻn ba má kéo nhau ra chỗ mọi người nhặt cơm, hai anh em ngồi chờ. Trong lúc một nhóm người lớn đè chồng lên nhau để giành giật, anh tôi nhanh như cắt, chui xuống háng họ thò tay tóm lấy túi cơm. Mọi người bất ngờ quay lại đuổi theo thì anh lập tức chuyền túi cơm ngay cho tôi, sau đó tôi chuyền trả lại, chạy dích dắc một vòng là anh tôi đã quay về lại được chỗ chúng tôi ngồi với túi cơm nóng hổi.
Trong suốt cuộc đời mình, có lẽ tôi chưa bao giờ ăn được một hạt cơm nào ngon như những hạt cơm nhặt được của 40 năm về trước. Cơm Tuy Hòa còn nóng, trắng trong, thơm lừng. Người tôi tỉnh dần, có thể cảm nhận được qua từng hạt cơm trôi qua miệng. Cái cảm giác đó vẫn theo tôi mãi cho tới bây giờ.
Thật là “hạt ngọc” của đời, của những người dân Tuy Hòa tốt bụng mà tôi sẽ đề cập thêm ở phần sau.
Đói cơm hơn một tuần, đứa em gái kế út – 2 tuổi rưỡi, tay này đang lùa cơm thì tay kia thò vào túi bốc tiếp. Thấy các anh chị cũng bốc, em vừa nhai vừa mếu máo “Em đói, em đói! để em!” rồi chồm luôn cả người lên đè giữ túi cơm.
Cảm giác thèm muối đến nao người. Thấy phần cơm bên ngoài có màu xám đen, ngỡ là có trộn muối mè, mừng quá tôi cho luôn vào miệng. Cát. Do túi bị vỡ và giành giật nên phần ngoài cơm bị trộn cát mà không biết. Quá đói, tôi đành nhắm mắt nuốt luôn cơm lẫn cát vì không nhai được. Ba má và dì nhịn ăn nhìn mấy đứa nhỏ bốc cơm, nước mắt lưng tròng.
Qua sông
Đêm xuống, trăng rất sáng, nhờ đó mà tôi đoán được chúng tôi đã đi được trên dưới 10 ngày. Từ đập Đồng Cam, sau khi cầu phao bị đánh chìm, đoàn người vẫn tiếp tục men mãi bờ sông mà đi để cầu may tìm được khúc lòng cạn. Đoàn người tỏa ra tứ hướng, nhưng vẫn chưa tìm được lối nào khả dĩ qua sông được. Có nhiều người thử bơi qua.
Nhưng triều mùa trăng, nước triều lên cao vào ban đêm, lòng sông đã rộng lại thêm kiệt sức và đói, một số bỏ cuộc quay trở lại ngay sau khi bơi được vài thước, số còn lại không thấy qua được bờ bên kia, có lẽ họ đã bị giòng nước khuất phục.
Xẩm tối hôm sau, nước đang ròng, một cù lao cát trồi lên giữa giòng sông, nhiều người nhận ra nơi này có thể lội qua và có thể nghỉ lấy sức ở cái cù lao cát đó. Quả thực, khi niềm hy vọng tưởng chừng như tắt ngấm thì nó lại bùng lên, có rất nhiều người lớn đã thử và qua được bờ bên kia và mức nước chỉ tới cổ họ. Đoàn người ào ào kéo theo lội xuống qua sông.
Chết chóc lại xảy ra, đám trẻ nhỏ bị đuối sức, người lớn không kịp cứu, tiếng gào khóc thảm thiết của cha mẹ lại vang động lòng sông. Trước cảnh đó, cả nhà tôi ngồi nhìn bất lực vì có tới 7 đứa trẻ, cao nhất là anh tôi, đứng chưa tới vai người lớn.
Trong lúc bĩ cực đó, lại anh ba tôi, một lần nữa trở thành “linh hồn của toàn đội”. Anh lại kéo tôi chạy đi, vào mé rừng vừa mới đi qua. Hai đứa bẻ những trái bầu dại mọc ven rừng, chọn những trái già khô nỏ, nhẹ tênh. Những trái bầu già này có lẽ người dân giữ để thật già làm bầu đựng nước (một thứ được coi là hàng quý để đựng nước của dân tộc thiểu số Tây Nguyên). Hai anh em cởi áo túm lại đem về. Sau hai bận được gần 20 trái, anh bảo kết lại thành đôi hai ba trái một, cột bằng dây bầu già qua eo mấy trái bầu.
Và thế là cả nhà tôi có phao. Phao kết bằng những trái bầu khô. Mỗi đứa nhỏ kẹp vào mỗi nách một cặp bầu, cả nhà lại buộc tay vào nhau, chúng tôi bồng bềnh vượt sông.
Nhờ sự sáng tạo ly kỳ đó của thằng nhỏ 11 tuổi, tất cả các gia đình có con nhỏ khi đó đều làm theo, người lớn qua trước đem bầu trở lại cho người sau. Rất nhiều người đã kịp vượt sông an toàn trước khi nước lên, tôi nhớ là cũng gần giữa khuya. Tuy nhiên vẫn còn rất đông còn kẹt lại phía bên kia bờ sông do đến sau và triều lên.
Vành đai lửa
Thêm mấy tiếng lội qua bãi cát và men rừng, sớm hôm sau chúng tôi nhận ra phía trước có vẻ là con lộ chính vì có rất nhiều xe đậu dọc, đặc biệt là xe đò, xe lam. Mệt vì đói và lạnh nhưng không cản được tiếng reo hò lẫn cả tiếng khóc vì mừng, nghĩ rằng sự sống đang hồi sinh, mà không biết rằng “thần chết” lại đón lõng và đang chờ phía trước.
Đường 5, một con lộ vành đai nối thị trấn Sông Hinh với Tuy Hòa nằm về phía nam sông Ba. Khi tiếp cận được đường chính, một cảnh tượng kinh hoàng khác đập vào mắt chúng tôi. Xe quân sự lẫn dân sự nằm la liệt. Những cột khói vẫn còn bốc lên từ các xe bị bắn cháy.
Xác người vương vãi trên đường, vắt vẻo trên thành xe, có chỗ thành đống ven ruộng hai bên đường, có thể là nguyên cả một gia đình bị dính đạn pháo. Xác của lính VNCH cũng nhiều. Súng đạn, mũ sắt nằm đầy lộ. Vẫn còn thấy các xe đò phía trước chạy len lỏi qua các xe bị hỏng và xác chết. Quân đội Bắc Việt đã đón lõng và đánh chặn ở đây từ hôm trước.
Chúng tôi lại băng qua các xác chết, dậm lên các vũng máu còn tươi, theo con lộ xuôi về hướng Tuy Hòa. Nhiều người kịp đón các xe còn chạy được. Một cuộc tranh cãi ngắn giữa ba với má và dì. Nhìn đàn con rách mướp, đói khát và kiệt sức, ba tôi muốn phải lên lộ chính, bương về phía trước với hy vọng mong manh có thể tìm được xe đi nhờ. Dì tôi nhất định không chịu. Dì phân tích là con đường này đã bị mai phục.
Phía CS họ đã biết được cuộc triệt thoái phải theo con đường này và hiện nay quân đội vẫn còn kẹt dài thì họ vẫn còn phục kích. Đây là con đường độc đạo cuối cùng để có thể về được Tuy Hòa thì chắc chắn đã bị chốt chận. Tai họa vẫn còn đang chờ. Không thuyết phục được ba, dì Tám bỗng dưng lăn ra chết ngất, ba tôi phải lùi bước. Nhà tôi lại tách đoàn, bỏ lộ chính đi ngược về phía ruộng.
Đến giữa trưa thì đạn pháo ụp xuống đoàn người. Trong tầm mắt, từng cột lửa, cuộn khói bung lên kéo dài cả hơn cây số, xe cháy ngùn ngụt. Tiếng la thét rợn người lại vang lên. Chúng tôi phải nằm rạp xuống ruộng, nước xâm xấp, đứa nào cũng ngấm sình. Chúng tôi bò dưới ruộng, trong khi đạn pháo bay xẹt trên đầu, tỏa mùi khét lẹt. Đạn pháo bắn rất rát và kéo dài, nổ tứ hướng, bủa vây chúng tôi.
Bò một chặp rồi kiệt sức, chúng tôi không bò được nữa. Đứa em gái út của tôi thì gần như đã chết. Suốt từ mấy ngày nay người em đã lạnh, mắt dại đờ đẫn, thở chỉ thoi thóp. Nhìn những đứa trẻ chết dọc đường trong đơn côi lạnh lẽo, má tôi nhất quyết đem em tôi theo, nếu em có chết thì cũng sẽ tìm được một chỗ nào đó để chôn rồi còn biết chỗ để có cơ hội đưa em về chứ không để em chết bờ chết bụi.
Má và dì quyết định cả nhà ngồi chụm lại và ôm chặt vào nhau để chờ một quả pháo định mệnh. Ba tôi thì miệng lẩm bẩm: “Lạy ông Cộng sản! Lạy ông Cộng sản! Ông có muốn bắt thì ông tới bắt. Xin ông đừng bắn nữa, trẻ con thơ dại. Tội quá mấy ông ơi!”. Tưởng tôi không nghe, anh tôi cấu tôi, “Chết rồi mày ơi. Ba muốn Việt cộng tới bắt tụi mình kìa!”, anh thì thào vào tai.
Là đứa trẻ thành thị, suốt thời thơ ấu tôi chưa bao giờ nhìn tận mặt một người Việt Cộng bằng xương bằng thịt mà chỉ thấy qua báo. Những người lính Việt Cộng bị bắt được trong chiến tranh trông họ gầy gò và bé nhỏ. Còn đám “phóng viên lề trường” tụi tôi không biết từ đâu mà luôn kháo nhau rằng “Bảy thằng Việt Cộng đu cọng đu đủ không gãy”. Trong trí óc trẻ thơ tôi thời đó là cả một sự tưởng tượng đầy huyền bí và sợ hãi như chuyện “ma cà rồng” mỗi khi nghĩ đến VC.
Rồi sự kiện một năm trước đó, các bạn trường tiểu học Định Tường bị thương vong do trúng đạn pháo được cho là của Việt Cộng nên chúng tôi đâm ra ghét Việt Cộng. Ở trường chúng tôi bày trò chơi “bắn VC”. Xếp giấy là nghề của anh em tôi. Tụi tôi xếp hình ông VC làm bia, rồi dùng ná giây thun thi nhau bắn.
Nhưng thú thực sợ nhiều hơn là ghét. Nên khi nghe ba tôi “lạy xin mấy ông VC tới bắt” thì hai anh em tôi như muốn “đái ra quần”. Hai anh em nói với nhau, thà cứ ở giữa đồng như thế này, có bị pháo kích thì cũng còn chút cơ may thoát chết, chứ mà rớt vô tay “mấy ổng” thì “tiêu ma thằng con”.
(Còn tiếp)
N.Đ.N.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment